Nghệ Thuật Sống

Trong số những giả định của chúng ta về bản thân, có lẽ giả định cơ bản nhất vẫn là có một tự ngã (self). Dựa trên sự giả định này mỗi người chúng ta đều gán những ý nghĩa quan trọng nhất cho cái ngã, coi nó là trung tâm vũ trụ của chúng ta. Chúng ta làm điều này dẫu không mấy khó khăn để thấy rằng giữa bao la thế giới, cái ngã này chỉ là một; và giữa cái ngã này cũng chỉ là một.

Chúng ta  có thổi phồng tự ngã đến đâu chăng nữa, nó vẫn chẳng có gì đáng kể so với cái mênh mông của thời gian và không gian này. Ý niệm của chúng ta về tự ngã hiển nhiên đã sai lầm. Tuy thế chúng ta vẫn cống hiến cuộc đời mình cho việc đi tìm sự hoàn thiện tự ngã, xem đó như con đường đi đến hạnh phúc. Sự suy tư về cuộc sống theo cách khác dường như sẽ là bất thường hoặc thậm chí còn có tính cách đe dọa. 

Nhưng bất kỳ ai đã nếm mùi thống khổ của việc ý thức tự ngã (có ý thức về mình) đều biết rằng đó là nỗi đau to lớn biết dường nào. Hễ chúng ta còn bận tâm với những mong muốn và sợ hãi của chúng ta, với tung tích của chúng ta, chúng ta còn bị giam hãm trong ngục tù chật hẹp của tự ngã, cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài. Xuất ly khỏi nỗi ám ảnh tự ngã này là đã thực sự giải thoát khỏi ràng buộc, giúp chúng ta bước vào thế gian, cởi mở với cuộc sống, với mọi người, để tìm ra sự hoàn thiện đích thực.

Điều cần thiết không phải là phủ nhận tự ngã, hay đàn áp tự ngã, mà là giải thoát khỏi cái ý niệm sai lầm của chúng ta về tự ngã: và phương cách để thực hiện sự giải thoát này là làm thế nào nhận chân được rằng cái chúng ta gọi là tự ngã (cái tôi) thực sự chỉ là phù du, chỉ là một hiện tượng luôn luôn thay đổi.  

Thiền Minh sát là cách để có được tuệ giác (thấy tính chất vô thường) này. Bao lâu ta chưa tự mình kinh nghiệm tính chất vô thường của thân và tâm, ta chắc chắn vẫn còn bị sập bẫy trong chủ nghĩa vị kỷ và vì thế phải khổ đau. Song một khi ảo tưởng về sự thường hằng rơi rụng, thời ảo tưởng về “tôi” sẽ tự động biến mất, và khổ đau cũng tiêu vong. Đối với người hành thiền Minh sát, sự chứng ngộ tính chất phù du của tự ngã và thế gian, hay sự chứng ngộ vô thường (anicca), là chiếc chìa khóa mở cánh cửa giải thoát. Tầm quan trọng của việc tuệ tri tính chất vô thường là một chủ đề được kể như sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ lời dạy của đức Phật. Ngài nói:  

Ai sống cả trăm năm, 

Không thấy pháp sanh – diệt, 

Chẳng hằng sống một ngày, 

Thấy được sự diệt – sanh.  

Ngài đã so sánh niệm vô thường (thấy vô thường) với việc cày bừa của người nông phu, cắt đứt mọi gốc rễ trong khi cày; với cây đòn nóc của mái nhà, cao hơn hết thảy những cây rui, mè nâng đỡ nó; với vua chuyển luân vương thống trị hết các vị tiểu vương chư hầu; với ánh sáng của mặt trăng làm mờ đi các ngôi sao; với bình minh xua tan tăm tối khỏi bầu trời. Những lời sau cùng Ngài căn dặn (đệ tử) lúc cuối đời là, “Các Pháp hành (sankhãras) – tất cả những pháp do điều kiện tạo thành – phải chịu hoại vọng. Hãy chuyên cần thực hành để chứng ngộ sự thực này”.  

Sự thực hay chân lý về vô thường tính không phải chỉ để chấp nhận trên phương diện tri thức. Nó cũng không phải để được chấp nhận chỉ từ tình cảm hay đức tin. Mỗi người chúng ta phải kinh nghiệm thực tại vô thường này, trong chính tự thân. Sự hiểu biết trực tiếp về tính vô thường, và cùng với nó, sự tuệ tri bản chất không thực của cái tôi và của khổ đau, tạo thành tuệ giác chơn thực dẫn đến giải thoát. Đây chính là chánh kiến.  

Người hành thiền chứng nghiệm tuệ giải thoát này như tột đỉnh của việc thực hành Giới, Định và Tuệ. Trừ phi chúng ta thọ trì Tam học này, trừ phi chúng ta bước từng bước một theo đạo lộ, bằng không chúng ta không thể đạt đến tuệ giác chơn thực và giải thoát khỏi khổ. Nhưng, ngay cả trước khi bắt đầu việc thực hành, chúng ta cũng phải có một chút trí tuệ nào đó, có thể chỉ là một sự nhìn nhận dựa trên tri thức về sự thực của khổ. Không có sự hiểu biết, dù chỉ trên bề mặt này, ý nghĩ thực hành để giải thoát bản thân khỏi khổ sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trong tâm.

Đức Phật đã dạy Chánh kiến đi đầu là vậy. Do đó, những bước đầu tiên của Bát Thánh đạo thực sự là chánh kiến và chánh tư duy. Chúng ta phải thấy ra vấn đề và nhất quyết đối phó với nó. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đảm nhận việc thực hành Pháp (Dhamma) thực thụ. Chúng ta bắt đầu thực hiện đạo lộ (giải thoát) với giới học, tuân theo những giới luật để kiểm soát hành vi của chúng ta. Với định học, chúng ta bắt đầu đối phó với tâm, phát triển định (samãdhi) bằng cách niệm hơi thở. Và nhờ quan sát các cảm thọ khắp toàn thân, chúng ta phát triển tuệ dựa trên kinh nghiệm vốn giải thoát tâm khỏi các điều kiện (hành).  

Và giờ đây, khi sự hiểu biết chơn thực xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của chúng ta, một lần nữa chánh kiến trở thành bước đầu tiên trên đạo lộ. Nhờ thực chứng bản chất luôn luôn thay đổi của tự thân qua việc thực  hành Minh sát, chúng ta giải thoát tâm khỏi tham, sân và vô minh. Với cái tâm trong sạch như vậy, ngay cả nghĩ đến chuyện làm hại người khác cũng không thể có. Thay vào đó, tư duy của chúng ta chỉ ngập tràn lòng từ ái và bi mẫn đối với tất cả chúng sanh.

Trong lời nói, hành động, và sự nuôi mạng, chúng ta sống một cuộc sống không có lầm lỗi, thanh thản và bình yên, và với sự vắng lặng do việc hành giới, sự thực hành định tâm sẽ trở nên dễ hơn. Và định tâm càng mạnh trí tuệ của chúng ta sẽ càng thể nhập sâu hơn. Như vậy đạo lộ là một vòng xoắn ốc thăng tiến lên sự giải thoát. Mỗi học trong Tam học (Giới, Định, Tuệ) sẽ hỗ trợ cho học khác, giống như ba chân của một cái kiềng vậy. Ba chân lúc nào cũng phải có mặt và dài đều nhau, nếu không thì cái kiềng không thể đứng được, tương tự, người hành thiền phải hành giới, định, tuệ cùng nhau để phát huy đồng đều cảba mặt của đạo lộ. Đức Phật dạy:  

Chánh tư duy bắt nguồn từ chánh kiến, 

Chánh ngữ bắt nguồn từ chánh tư duy, 

Chánh nghiệp bắt nguồn từ chánh ngữ, 

Chánh mạng bắt nguồn từ chánh nghiệp, 

Chánh tinh tấn bắt nguồn từ cháng mạng, 

Chánh niệm bắt nguồn từ chánh tinh tấn, 

Chánh định bắt nguồn từ chánh niệm, 

Chánh trí (tuệ) bắt nguồn từ chánh định, 

Chánh giải thoát bắt nguồn từ chánh trí.  

Thiền Minh sát cũng có một giá trị thực tiễn thâm sâu ngay trong hiện tại. Trong cuộc sống hàng ngày vô số những tình huống phát sinh đe dọa đến sự bình thản (xả) của tâm. Những khó khăn hay rắc rối bất ngờ ập đến, những người khác bất ngờ chống lại chúng ta. Suy cho cùng, chỉ học cách Minh sát thôi thì không đủ để bảo đảm rằng chúng ta sẽ không gặp những vấn đề gì thêm, hơn nữa học lái một chiếc tàu không có nghĩa rằng chúng ta sẽ chỉ có những cuộc hành trình êm ả. Bão táp chắc chắn sẽ đến; những vấn đề chắc chắn sẽ phát minh. Cố gắng tránh né những vấn đề ấy là vô ích và  tự chuốc lấy thất bại. Thay vào đó, cách giải quyết đúng đắn là sử dụng bất cứ kinh nghiệm nào bạn có để vượt qua phong ba bão táp. 

Để đảm bảo được như vậy, trước hết chúng ta phải hiểu bản chất thực sự của vấn đề. Sự ngu dốt (vô minh) dẫn chúng ta đến việc đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài hoặc trách cứ người khác, xem họ như nguồn gốc của vấn đề, và rồi hướng mọi năng lực của chúng ta vào việc thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Nhưng việc thực hành Minh sát sẽ làm sáng tỏ vấn đề rằng không ai khác ngoài ta là người phải có trách nhiệm đối với hạnh phúc hay bất hạnh của chính mình. Vấn đề nằm trong thói quen phản ứng mù quáng. Do đó chúng ta phải chú ý đến trận bão bên trong của những phản ứng có điều kiện của tâm này. Tuy nhiên, chỉ giải quyết  bằng cách không phản ứng thôi sẽ không kiến hiệu. Bao lâu các duyên hay điều kiện vẫn còn trong tâm vô thức, chắc chắn không sớm thì muộn nó cũng sẽ khởi lên và áp đảo tâm, bất kể để mọi cách giải  quyết ngược lại. Giải pháp duy nhất là học cách quan sát và thay đổi chính mình. 

Điều này khá dễ hiểu, song để thực hiện nó thì lại khó hơn. Câu hỏi vẫn là, làm thế nào để quan sát chính mình đây? Một phản ứng tiêu cực đã khởi động trong tâm – nóng giận, sợ hãi, hay thù ghét. Trước khi ta có thể nhớ đến việc quan sát nó, ta đã bị nó áp đảo và tuôn ra những lời nói và hành động tiêu cực rồi. Sau đó, khi việc đã xong, ta mới nhận ra sự sai lầm của mình và lấy làm hối hận, nhưng lần tới ta vẫn lập lại lối cư xử ấy. 

Hoặc giả, ta nhận ra một phản ứng sân hận đã khởi và thực sự cố gắng muốn quan sát nó. Ngay khi ta cố gắng thì người hay tình huống mà ta giận đấy lại xảy ra ở tâm. Nghĩ về điều này sẽ làm tăng thêm sự nóng giận. Như vậy quan sát cảm xúc tách khỏi bất cứ nguyên nhân hay hoàn cảnh nằm ngoài khả năng của hầu hết mọi người. 

Nhưng nhờ xem xét thực tại tối hậu của tâm và vật chất (sắc), đức Phật đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào một phản ứng khởi sanh trong tâm, thời hai loại thay đổi sẽ xuất hiện ở mức vật lý. Một trong số đó thể hiện tương đối rõ ràng: hơi thở trở nên hơi mạnh hơn một chút. Loại khác về bản chất vi tế hơn: một phản ứng sinh hóa, một cảm thọ sẽ xảy ra ở thân. Với sự luyện tập đúng đắn, một người trình độ trung bình có thể dễ dàng phát triển khả năng quan sát hơi thở và cảm thọ. Điều này cho phép chúng ta sử dụng những thay đổi trong hơi thở và các cảm thọ như những lời cảnh báo, báo cho chúng ta biết trước một phản ứng tiêu cực trước khi nó có thể gom góp được sức mạnh nguy hiểm. Và nếu lúc đó chúng ta có thể tiếp tục quan sát hơi thở và cảm thọ, chúng ta sẽ dễ dàng thoát khỏi tính tiêu cực. 

Tất nhiên thói quen phản ứng đã ăn sâu trong vô thức và không thể loại bỏ một sớm một chiều được. Song, trong cuộc sống hàng ngày, khi chúng ta hoàn thiện việc hành thiền Minh sát của mình, chúng ta sẽ thấy rằng ít ra cũng có vài lần thay vì phản ứng một cách vô tình, chúng ta chỉ đơn giản quan sát tự thân. Dần dần những sát na quan sát ấy gia tăng và những sát na phản ứng một cách tiêu cực, song thời gian và cường độ của phản ứng đã giảm.

Cuối cùng, ngay cả trong những tình huống khiêu khích nhất, chúng ta cũng có thể quan sát hơi thở và cảm thọ, để giữ được quân bình và an nhiên. Với sự quân bình hay với thái độ xả ở mức sâu xa nhất của tâm này, chúng ta lần đầu tiên có được khả năng hành động đích thực – và hành động đích thực thì luôn luôn sáng tạo và tích cực. thay vì ăn miếng trả miếng một cách tự động đối với sự tiêu cực của người khác, chúng ta có thể chọn phản ứng nào, được xem là có lợi nhất chẳng hạn. Khi đứng trước một người đang nóng giận như lửa, bản thân người ngu cũng trở nên nóng giận, và kết quả là một cuộc cãi vã nổ ra khiến cả hai đều bất hạnh. Nhưng nếu giữ được an nhiên và quân bình, chúng ta có thể giúp cho người đó thoát khỏi sự nóng giận và đối phó với vấn đề một cách xây dựng. 

Quan sát các cảm thọ dạy cho chúng ta biết rằng bất cứ khi nào chúng ta bị áp đảo bởi tiêu cực, chúng ta sẽ đau khổ. Do đó, khi thấy người khác phản ứng một cách tiêu cực, chúng ta hiểu rằng họ đang đau khổ lắm vậy. Với sự hiểu biết này chúng ta cảm thấy xót thương cho họ và sẵn sàng làm một cái gì đó để giúp họ tự thoát khỏi nỗi khổ đau ấy, chứ không làm cho họ đau khổ thêm. Chúng ta giữ được sự bình yên và vui vẻ đồng thời giúp mọi người cũng được như vậy. 

Phát triển niệm và xả không làm cho chúng ta trở nên dửng dưng và trơ lì như cây cỏ, để cho thế gian thích làm gì với chúng ta thì làm. Chúng ta cũng không trở nên lãnh đạm trước nỗi khổ của tha nhân trong khi vẫn chú tâm theo đuổi sự bình yên nội tại. Pháp (Dhamma) dạy chúng ta biết nhận lãnh trách nhiệm đối với hạnh phúc của chính bản thân cũng như đối với sự an sinh của mọi người. Chúng ta làm bất cứ hành động nào cần thiết để giúp mọi người song luôn luôn giữ sự quân bình của tâm.Thấy một đứa bé đang lún trong bãi lầy, người vô trí trở nên luống cuống, nhảy bổ theo đứa bé, và chính anh cũng sa lầy. Người có trí giữ bình tĩnh và quân bình, tìm một nhánh cây có thể chạm tới đứa bé và kéo nó vào an toàn. Nhảy theo người khác vào vũng lầy tham ái và sân hận sẽ chẳng giúp được ai cả. Chúng ta phải đưa người khác đến vùng đất vững chắc của tâm quân bình. 

Trong cuộc sống nhiều lúc hành động mạnh bạo cũng là cần thiết. Chẳng hạn, chúng ta đã cố gắng giải thích bằng lời lẽ nhu hòa, nhã nhặn với người đang phạm tội, nhưng người ấy phớt lờ lời khuyên, làm như không thể hiểu được gì ngoại trừ những lời nói và hành động cứng rắn. Vì thế ta phải chọn một hành động cứng rắn nào đó theo yêu cầu. Tuy nhiên, trước khi hành động chúng ta phải tự xét lại mình xem tâm đã quân bình hay chưa, và xem chúng ta có phải chỉ có lòng từ ái và bi mẫn đối với người lầm lỗi ấy hay không. 

Nếu có, hành động sẽ lợi ích; bằng không, nó sẽ không thực sự giúp được ai cả; nếu chúng ta hành động xuất phát từ lòng từ bi chúng ta không thể nào sai lầm được. Khi gặp một người mạnh đang hiếp đáp kẻ yếu, chúng ta có trách nhiệm cố sức chặn đứng hành động bất thiện này. Bất cứ một ai biết lẽ phải cũng sẽ cố gắng làm như vậy, mặc dù điều ấy thể xuất phát từ lòng thương hại nạn nhân và căm giận đối với kẻ xâm hại. Người hành thiền Minh sát sẽ có lòng bi mẫn đối với cả hai, biết rằng nạn nhân phải được bảo vệ để khỏi bị hại, và người xâm hại cũng cần được bảo vệ để khỏi tự hại mình bằng những hành động bất thiện của y. 

Xem xét tâm mình trước khi chọn bất kỳ một hành động mạnh mẽ nào là việc hết sức quan trọng; chỉ biện minh hành động khi nhìn lại sự việc là không đủ. Nếu bản thân chúng ta không cảm thấy bình yên và hòa hợp ở bên trong, chúng ta không thể khuyến khích sự bình yên và hòa hợp ở người khác được. Là những hành giả Vipassanã chúng ta học cách thực hành sự xả ly hết lòng, nghĩa là vừa phải có lòng bi mẫn, vừa phải có thái độ vô  tư, không thiên vị. Chúng ta làm việc vì sự tốt đẹp của mọi người bằng cách thực hành để phát triển niệm và xả. Nếu chúng ta không làm điều gì khác ngoại trừ việc tự chế không làm tăng thêm những căng thẳng trong cuộc đời, chúng ta đã thực hiện được một việc thiện rồi. Nhưng thực sự hành vi xả này lại gây được tiếng vang lớn bằng chính sự yên lặng của nó, với những tiếng vang có tác động lớn lao ấy nó chắc chắn phải có một ảnh hưởng tích cực trên số đông. 

Xét cho cùng, tâm tiêu cực – của chính ta và của mọi người – là căn nguyên của mọi khổ đau trong cuộc đời. Khi tâm đã trở nên trong sạch, phạm vi vô tận của cuộc sống sẽ mở ra trước chúng ta, chúng ta có thể thọ hưởng và chia sẻ với mọi người hạnh phúc chân thực ấy.  

 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *