Cuộc họp hằng năm: Dhamma Thali, Ấn Độ

Ngày 5 tháng 1 năm 1993

Diễn văn bế mạc

Gia đình Dhamma

Các con trai, con gái Dhamma thân mến của Thày:

Báo cáo mà thày vừa nghe rất khả quan. Gia đình Dhamma đang phát triển và đây là dấu hiệu tốt. Nhưng đồng thời sự phát triển phải theo đường lối đúng đắn. Toàn thể gia đình Dhamma phải đoàn kết mà không có sự bất hòa nào.

Trách nhiệm lớn lao nằm trên vai những người phục vụ Dhamma. Sự phục vụ khởi sự ở giai đoạn khi một người phục vụ Dhamma để phát triển Paramis và sự hành thiền của mình bằng cách phục vụ người khác. Sau khi học được phương pháp, bây giờ ta học cách ứng dụng nó trong cuộc sống ở một môi trường thoải mái. Khi sống ngoài đời, các con có thể thấy môi trường không được tốt lành và việc ứng dụng Dhamma không được thành công cho lắm. Ở đây môi trường thật là tuyệt vời, khắp nơi tràn đầy những rung động Dhamma. Trong khi phục vụ thiền sinh, rất có thể có người sinh ra bất tịnh và nói nặng lời với các con, hay không tuân theo kỷ luật. Nếu các con trở nên khó chịu và sinh ra bất tịnh thì các con đã không phục vụ một cách đúng đắn. Các con nên lập tức nhận ra rằng, “Hãy xem, tôi ở đây để phục vụ người khác, để diệt trừ bất tịnh của mình chứ không phải hành xử như một người cảnh sát.”

Khi các con hành thiền, các con không được phản ứng đối với cảm giác, tuy nhiên đôi lúc các con thấy một cảm giác khó chịu nảy sinh, phần của tâm có thói quen phản ứng bắt đầu phản ứng. Nhưng nhanh chóng nhận ra đến chừng nào, “Ồ không, tôi đã bắt đầu phản ứng bằng sự chán ghét?” Khi các con phát hiện, các con quay trở về với sự bình tâm. Một cảm giác dễ chịu nảy sinh và các con phản ứng với sự thèm muốn. Các con phản ứng vì không được hoàn hảo. Nhưng các con nhận ra nhanh chóng đến chừng nào, “Hãy xem, tôi đã phản ứng. Ồ, không được. Tôi phải quay lại để quan sát với sự bình tâm. Tôi phải thoát khỏi sự thèm muốn này.”

Tương tự như thế, khi các con phục vụ người khác và phản ứng sai lầm, các nhận ra nhanh chóng đến chừng nào, “Ồ, không được. Tôi ở đây để phục vụ và tôi đã phạm vào lỗi lầm”. Hãy trở lại. Luôn luôn phục vụ với tình thương và lòng trắc ẩn. Mọi hành động mà các con làm, mọi đề nghị mà các con đưa ra cho thiền sinh phải được làm với một tâm bình tĩnh, yên lặng và hài hòa, tràn đầy tình thường và lòng trắc ẩn. 

Phục vụ trong khóa thiền là nơi rèn luyện cho các con. Nếu các con thành công ở đây thì các con có thể áp dụng những gì học được cho cuộc sống ngoài đời.

Trong số những người phục vụ sẽ có những người là quản lý thiền sinh hay trung tâm. Đây là trách nhiệm lớn lao cho người quản lý. Một người quản lý phải có sự liên hệ hài hòa đối với những người phục vụ Dhamma và thiền sinh. Người quản lý phải tràn đầy tình thương và lòng trắc ẩn.

Rồi ta có thiền sư cho trẻ em. Công việc của họ rất là quan trọng. Bất hạnh thay, thế hệ hiện tại gặp nhiều vấn nạn về tông phái và bè đảng. Tất cả những sự đấu tranh, xung đột và giết chóc này đang xảy ra vì người ta quên mất Dhamma và chỉ coi tông phái của mình là quan trọng. Mọi người đều cố xây dựng tông của mình mà không muốn xây dựng Dhamma cho chính mình.

Chúng ta không nên chuyển giao những tệ nạn này cho thế hệ tương lai: người ta phải thoát khỏi sự điên khùng của tông phái. Nếu Dhamma được trao truyền cho họ vào lúc còn trẻ – Dhamma tinh khiết, không tông phái, Dhama phổ quát – họ sẽ hiểu, “Tôi là một con người, cho dù tôi tự cho mình là người Hindu hay Cơ Đốc giáo hay đạo Jain cũng thành vấn đề. “ Ta chỉ là người nếu ta sống một cuộc đời Dhamma. Bằng không, người đó đã đánhh mất lòng nhân đạo. Bởi vậy từ lúc còn nhỏ, trẻ em phải hiểu được cách sống trong Dhamma như là một người tốt.

Phương phát phát triển Dhamma cho bản thân được trao truyền cho chúng. Sila, Samadhi panna là phổ quát. Điều này phải được hiểu lúc còn nhỏ để chúng có thể được rèn luyện trong Dhamma tinh khiết. Nếu chúng được trao truyền với tình thương và lòng trắc ấn, chúng sẽ chấp nhận. Thông tin thày nhận được từ những khóa thiền cho trẻ em rất là khích lệ, bởi vì sự lợi lạc đang đến. Nhiều khóa thiền cho trẻ em hơn nữa là điều thiết yếu. Đó là tại sao thày lại muốn có nhiều thiền sư cho trẻ em nhận lấy trách nhiệm này.

Và rồi ta có thiền sư phụ tá. Đó là một trách nhiệm nặng nề cho những thiền sư phụ tá để hướng dẫn khóa thiền mười-ngày. Người ta chỉ đến với khóa thiền này nếu thiền sư phụ tá làm việc đúng đắn, với chủ ý phục vụ người khác chứ không phải để thổi phồng bản ngã. Không nên nghĩ là, “Bây giờ tôi là một thiền sư phụ tá, tôi ngồi trên chỗ của Dhamma và mọi người cúi lạy tôi ba lần. Tuyệt quá.” Ta phải thoát khỏi sự ngã mạn đó. Các con ở đây để phục vụ. Khi thiền sinh cúi lạy, họ cúi lạy Dhamma chứ không phải các con. Điểm này phải hết sức rõ ràng đối với mọi người.

Và rồi ta có thiền sư phụ tá kỳ cựu. Bây giờ nhiệm vụ của họ không những chỉ hướng dẫn những khóa mười-ngày mà còn cả những khóa nghiêm túc nữa. Đồng thời họ chỉ dẫn và huấn luyện những người được bổ nhiệm làm thiền sư phụ tá và thiền sư cho trẻ em.

Và rồi ta có những thiền sư được gọi là upacariya. Trước đây họ được gọi là người điều phối, nhưng thày thích gọi họ là upacariya. Trong tiếng Anh có nghĩa là phó thiền sư. Công việc của họ đều giống với công việc của một Thiền sư.

Bây giờ sự liên hệ giữa những người này rất là quan trọng. Đây là cốt lõi của gia đình Vipassana, từ người phục vụ đến phó thiền sư. Nếu các con tranh cãi thì Dhamma ở đâu? Các con là những người đại diện cho Dhamma. Người ta xem xét Dhamma qua các con. Họ quan sát xem các con có sống một cuộc sống đúng đắn hay không. Nếu đúng vậy, họ quyết định là tốt. Nếu các con không sống một cách đúng đắn, họ sẽ thấy mọi cái đều là giả dối. Các con sẽ hại người khác bằng cách xua đổi họ khỏi con đường Dhamma. Các con phải hết sức cẩn trọng. Các con có một trách nhiệm lớn lao khi các con ngồi trên chỗ của Dhamma. Nếu có ai có chức vụ cao hãy hiểu rằng, “Bây giờ tôi có cơ hội phục vụ theo cách này. Mỗi người đều phải phục vụ, chỉ có vậy thôi. “Hãy hiểu rằng không có quyền lực nào cả. Nó không giống như một hệ thống nơi một người cao cấp phớt lờ người bên dưới, hay những việc tương tự thì rất nguy hiểm.

Nếu người trên thấy lỗi ở người dưới, hãy làm việc với tình thương và lòng trắc ẩn, nghĩ rằng, “Ta phải loại trừ những sai lầm trong người này. Ta không nên xua đuổi người này đi.” Do đó với tất cả tình thương, hãy cố gắng sửa đổi người đó. Và người dưới phải luôn luôn kính trọng người trên. Đây là truyền thống có từ thời của Đức Phật.

Có một sự việc vào thời của Đức Phật. Khi Ngài trở về cố hương sau khi đã giác ngộ, dân chúng ở đó có thể có những ý xấu về ngài, thắc mắc tại sao ngài lại trốn tránh trách nhiệm . Nhưng họ nhận ra ngài là một người hết sức tuyệt vời, và những gì ngài đạt được là cho sự tốt lành của toàn thể thế giới, nên tự nhiên là họ bị lôi cuốn đến với ngài.

Một số hoàng tử quyết định đi theo ngài và trở những tu sĩ để phục vụ chính họ và người khác. Khi họ tới gặp Đức Phật, họ tặng hết trang sức và quần áo đắt tiền cho người hầu, một người thợ hớt tóc tên là Upali, nói rằng, “Chúng ta sẽ trở thành tu sĩ. Nhà ngươi có thể có những thứ này.” Người thợ nghĩ rằng, “Những người này đã sống một cuộc sống xa hoa mà bỏ tất cả mọi thứ. Ta có thể làm gì với những thứ này? Tại sao ta không trở thành một tu sĩ?” 

Những hoàng tử là những người thuộc giai cấp rất cao. Trong quốc gia này, bất hạnh thay, kỳ thị giai cấp đã và vẫn còn tồn tại và là một việc rất tể hại. Bởi vậy những hoàng tử quyết định người thợ hớt tóc phải xuất gia trước. Theo truyền thống, ai xuất gia trước sẽ là người trên của người xuất gia sau. Và người dưới luôn luôn tỏ lòng tôn kính đối với người trên. Những hoàng tử nói với nhau, “Mỗi khi chúng cúi lạy người thợ này, bản ngã của chúng ta sẽ tiêu tan. Nếu người thợ cúi lạy chúng ta, bản ngã của chúng không tiêu trừ được.” Một cách suy nghĩ tuyệt vời làm sao!

Tương tự như thế, một ai đã được bổ nhiệm trước vào những trách nhiệm này sẽ được coi là người kỳ cựu và được những người được bổ nhiệm sau kính trọng. Hãy hiểu rằng, người đó đại diện cho Dhamma, và tôi phải tôn kính họ. Chỉ như thế toàn bộ môi trường sẽ rất hài hòa. Người trên lúc nào cũng nên có tình thương và lòng trắc ẩn đối với người dưới.

Vào thời của Đức Phật, dĩ nhiên cũng có những người không làm việc một cách đúng đắn, nhưng hầu hết tín đồ của ngài, tu sĩ v.v.. nổi tiếng về Smagga này,, “Hãy xem họ sống đoàn kết như thế nào. Thật tuyệt vời!” Họ là những người đi theo Đức Phật, những con trai, con gái của Đức Phật.

Các con là con trai, con gái của Đức Phật bởi vì các con có được cuộc đời mới nhờ những lời của Đức Phật. Các con trai, con gái của Đức Phật sống như thế nào? Smagga – đoàn kết, không tranh cãi, với hạnh phúc trong tâm. Sammodamana – lúc nào cũng tràn đầy lòng trắc ẩn, tình thương, hạnh phúc, hòa hợp. Đó là phẩm chất của Buddha putra hay là một putri, của một con trai, con gái Đức Phật. Aviva-damana họ không cãi cọ. Nếu cãi cọ thì họ không xứng đáng là những con trai, con gái.

Và rồi khirodakihuta. Khira nghĩa là sữa, odaka nghĩa là nước: Họ sống như nước và sữa hòa chung với nhau, không thể tách rời được. Và họ nhìn nhau với ánh mắt yêu thương chứ không phải bằng ánh mắt đỏ ngầu đầy tức giận. Ánh mắt họ đầy ngọt ngào piyacakku, với rất nhiều yêu thương. Đây là cách sống. Lý tưởng này cần được tiếp tục. Đây là điều lệ cho gia đình: khirodakibhuta. Toàn thể gia gia đình phải sống như anh chị em. Hãy làm gương sáng, hãy là mô hình lý tưởng. Người ta trông vào các con, do đó điều quan trọng là sự liên hệ của các con phải hài hòa. Người ta phải được khích lệ, hứng khởi khi trông thấy các con. Các con phải lôi cuốn người ta đến với Dhamma, những người cho đến bây giờ chưa được lôi cuốn. Và các con phải chắc rằng những người đã được lôi cuốn đến với Dhamma được lôi cuốn mạnh hơn.

Đó là một trách nhiệm lớn lao. Đây là lúc sự bành trướng bắt đầu. Bây giờ sự bành trướng sẽ hết sức nhanh. Chúng ta rất được may mắn có cơ hội để phục vụ trong một bầu không khí tốt lành. Đây là lúc có rất nhiều bất hạnh. Dhamma phải khởi sinh. Dhama sẽ phát triển mặc cho chúng ta có ở đây hay không. Bây giờ chúng ta có cơ hội để phục vụ, để phát triển paramis cho chính mình.

Hãy tận dụng cơ hội vì sự tốt lành cho chính mình và sự tốt lành cho người khác; vì sự giải thoát và hạnh phúc cho chính mình, và vì sự giải thoát và hạnh phúc cho người khác. Nguyện cho Dhamma lớn mạnh. Nguyện cho người ta khắp thế giới thoát khỏi khổ đau. Nguyện cho bình an, hài hòa và hạnh phúc có mặt.

Bhavatu sabba mangalam

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *