1. KINH RẮN
1. Vị (tỳ khưu) nào xua đi cơn giận dữ đã trổi dậy, tựa như (kẻ xua đi) nọc rắn độc đã lan tỏa nhờ vào các loại thảo dược, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

2. Vị (tỳ khưu) nào đã cắt đứt hoàn toàn luyến ái, tựa như kẻ đã lội xuống (cắt đứt) đóa hoa sen mọc lên ở hồ nước, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

3. Vị (tỳ khưu) nào đã cắt đứt hoàn toàn tham ái, sau khi đã làm khô cạn dòng suối nước trôi nhanh,[1] vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.[1] Giáo sư K. R. Norman, ở bản dịch The Group of Discourses của mình, đồng ý với sự hiệu đính của Brough như sau: saritaṃ sīghasaraṃ’va sosayitvā = tựa như kẻ đã làm khô cạn dòng suối nước trôi nhanh.

4. Vị (tỳ khưu) nào đã hủy diệt hoàn toàn ngã mạn, tựa như cơn lũ lớn (hủy diệt) cây cầu làm bằng sậy vô cùng yếu ớt, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

5. Vị (tỳ khưu) nào đã không đi đến bản thể ở các hữu,[1] tựa như kẻ (không đạt được bông hoa) trong khi tìm kiếm bông hoa ở những cây sung,[2] vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.
[1] Bản thể ở các hữu: bản thể thường còn hoặc bản thể tự ngã ở các cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, cõi hữu tưởng, cõi vô tưởng, cõi phi tưởng phi phi tưởng, cõi một uẩn, cõi bốn uẩn, cõi năm uẩn (SnA. i, 19).[2] Theo Chú Giải, udumbara là loại cây không có bông hoa (Sđd.). Từ điển ghi nghĩa udumbara là cây sung, cây vả, dướng như hai loại cây này kết trái nhưng không trải qua thời kỳ trổ hoa.

6. Đối với vị (tỳ khưu) nào mà các sự bực tức không hiện diện ở trong tâm, vị đã vượt qua khỏi hữu và phi hữu như thế, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

7. Đối với vị (tỳ khưu) nào các ý nghĩ suy tầm được thiêu đốt, khéo được cắt bỏ ở nội tâm, không còn dư sót, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

8. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, đã chế ngự tất cả vọng tưởng này, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

9. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, sau khi biết được về thế gian rằng: ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

10. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, (sau khi biết được rằng) ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ có tham đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

11. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, (sau khi biết được rằng) ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ có luyến ái đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

12. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, (sau khi biết được rằng) ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ có sân đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

13. Vị (tỳ khưu) nào đã không vượt quá, đã không quay trở lại, (sau khi biết được rằng) ‘Toàn bộ điều này là không thật,’ có si đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

14. Đối với vị (tỳ khưu) nào mà các pháp tiềm ẩn đều không hiện diện, (và) các cội rễ bất thiện đều đã được trừ diệt, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

15. Đối với vị (tỳ khưu) nào mà các pháp sanh ra từ sự bực bội, (là) các duyên đưa về lại bờ này, đều không hiện diện, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

16. Đối với vị (tỳ khưu) nào mà các pháp sanh ra từ sự bám lấy đối tượng, (là) các pháp làm nhân đưa đến sự trói chặt vào hiện hữu, đều không hiện diện, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

17. Vị (tỳ khưu) nào sau khi đã dứt bỏ năm pháp che lấp, không có phiền muộn, có sự nghi ngờ đã được vượt qua, có mũi tên đã được xa lìa, vị tỳ khưu ấy từ bỏ bờ này và bờ kia, tựa như con rắn từ bỏ lớp da cũ đã bị già cỗi.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Kinh Tập“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Kinh Tập” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *