Tập Yếu II
Tăng Theo Từng Bậc
Nhóm Một
Các pháp tạo tội cần phải biết.[16] Các pháp không tạo tội cần phải biết.[17]
Phạm tội cần phải biết. Không phạm tội cần phải biết.
Tội nhẹ cần phải biết. Tội nặng cần phải biết.[18]
Tội còn dư sót cần phải biết. Tội không còn dư sót cần phải biết.[19]
Tội xấu xa cần phải biết. Tội không xấu xa cần phải biết.[20]
Tội có sự sửa chữa được cần phải biết. Tội không có sự sửa chữa được cần phải biết.
Tội đưa đến sự sám hối cần phải biết. Tội không đưa đến sự sám hối cần phải biết.
Tội có sự chướng ngại cần phải biết. Tội không có sự chướng ngại cần phải biết.[21]
Tội là điều quy định do sự chê trách cần phải biết.[22] Tội là điều quy định không do sự chê trách cần phải biết.
Tội được sanh lên do làm cần phải biết. Tội được sanh lên do không làm cần phải biết. Tội được sanh lên do làm và không làm cần phải biết.[23]
Tội vi phạm đầu tiên cần phải biết. Tội vi phạm đến sau cần phải biết.
Tội kế tiếp của các tội vi phạm đầu tiên cần phải biết. Tội kế tiếp của các tội vi phạm đến sau cần phải biết.[24]
Tội đã sám hối được tính đến cần phải biết.[25] Tội đã sám hối không được tính đến cần phải biết.[26]
Sự quy định cần phải biết. Sự quy định thêm cần phải biết. Sự quy định khi (sự việc) chưa xảy ra cần phải biết.
Sự quy định (áp dụng) cho tất cả mọi nơi cần phải biết. Sự quy định (áp dụng) cho khu vực cần phải biết.
Sự quy định chung cần phải biết. Sự quy định riêng cần phải biết.
Sự quy định cho một (hội chúng) cần phải biết. Sự quy định cho cả hai (hội chúng) cần phải biết.
Tội là lỗi trầm trọng cần phải biết. Tội là lỗi không trầm trọng cần phải biết.[27]
Tội có liên quan đến người tại gia cần phải biết. Tội không có liên quan đến người tại gia cần phải biết.
Tội (có nghiệp) xác định cần phải biết.[28] Tội (có nghiệp) không xác định cần phải biết.
Người là vị vi phạm đầu tiên cần phải biết. Người không là vị vi phạm đầu tiên cần phải biết.
Người là vị vi phạm không thường xuyên cần phải biết. Người là vị vi phạm thường xuyên cần phải biết.
Người là vị cáo tội cần phải biết. Người là vị bị buộc tội cần phải biết.
Người là vị cáo tội sai pháp cần phải biết. Người là vị bị buộc tội sai pháp cần phải biết.
Người là vị cáo tội đúng pháp cần phải biết. Người là vị bị buộc tội đúng pháp cần phải biết.
Người đã được xác định cần phải biết. Người chưa được xác định cần phải biết.
Người là vị có thể phạm tội cần phải biết. Người là vị không thể vi phạm tội cần phải biết.[29]
Người là vị bị án treo cần phải biết. Người là vị không bị án treo cần phải biết.
Người là vị đã bị trục xuất cần phải biết. Người là vị không bị trục xuất cần phải biết.
Người là vị đồng cộng trú cần phải biết. Người là vị không đồng cộng trú cần phải biết.
Sự đình chỉ cần phải biết.[30]
Dứt Nhóm Một.
*****
Tóm lược phần này
Các pháp tạo tội, tội vi phạm, các tội nhẹ, còn dư sót, và xấu xa, sự sửa chữa, và luôn cả sự sám hối, có chướng ngại, chê trách, và do làm.
Do làm và không làm, (tội vi phạm) đầu tiên, tội kế tiếp, tội đã được tính đến, sự quy định, khi chưa xảy ra, tất cả mọi nơi, cho khu vực, (quy định) chung, và cho một (hội chúng).
Tội trầm trọng, liên quan người tại gia, và đã được xác định, vị đầu tiên, không thường xuyên, vị cáo tội, sai pháp và đúng pháp, vị đã được xác định, không thể vi phạm, bị án treo, bị trục xuất, đồng cộng trú, và luôn cả sự đình chỉ, đây là phần tóm lược cho mỗi một điều.
–ooOoo–
[16] Các pháp tạo nên tội: là sáu nguồn sanh tội theo ba cửa thân, khẩu, và ý (VinA. vii, 1319).
[17] Các Pháp không tạo nên tội: là bảy pháp dàn xếp sự tranh tụng (Sđd.).
[18] Tội nặng: Nếu không tính đến tội pārājika thì tội saṅghādisesa là tội nặng, và năm tội còn lại là tội nhẹ (Sđd.).
[19] Tội không còn dư sót: là nhóm tội pārājika. Tội còn dư sót: là sáu nhóm tội còn lại (Sđd.).
[20] Tội xấu xa: là nhóm tội pārājika và saṅghādisesa. Tội không xấu xa: là năm nhóm tội còn lại (Sđd.).
[21] Vi phạm bất cứ tội nào với sự cố ý là chướng ngại cho cõi trời và là chướng ngại cho sự giải thoát. Còn vi phạm tội vì không biết cũng đáng chê trách nhưng không là chướng ngại cho cõi trời và sự giải thoát (Sđd.).
[22] Điều quy định do sự chê trách: Từ sāvajjapaññatti được ngài Buddhaghosa giải thích là lokavajja, tức là sự chê trách của thế gian (Sđd.); vì thế từ sāvajjapaññatti được ghi nghĩa Việt như thế.
[23] Tội được sanh lên do làm: nghĩa là trong khi làm thì phạm tội, ví dụ tội pārājika. Tội được sanh lên do không làm: ví dụ như tội không chú nguyện y mới. Tội được sanh lên do làm và không làm: ví dụ như tội bảo xây dựng cốc liêu (Sđd.).
[24] Ngài Buddhaghosa trích dẫn lời giải thích của bộ chú giải Kurundī rằng: Tội vi phạm đầu tiên (pubbāpatti) là tội phạm trước hết. Tội vi phạm đến sau (aparāpatti) là tội phạm thêm trong thời kỳ xứng đáng hình phạt mānatta. Tội kế tiếp của các tội vi phạm đầu tiên (pubbātīnaṃ antarāpatti) là tội phạm thêm trong thời kỳ đang thực hành hình phạt parivāsa. Tội kế tiếp của các tội vi phạm đến sau (aparāpattīnaṃ antarāpatti) là tội phạm thêm trong thời kỳ đang thực hành hình phạt mānatta (Sđd. 1319-1320).
[25] Tội đã sám hối được tính đến: nghĩa là tội nào đã được sám hối với ý định: ‘Sau khi buông bỏ gánh nặng, ta sẽ không vi phạm nữa,’ (Sđd. 1320).
[26] Tội đã sám hối không được tính đến: nghĩa là tội nào đã được sám hối vẫn không buông bỏ gánh nặng bởi vì tâm không trong sạch, vẫn còn có sự gắng sức. Chính tội này dầu đã được sám hối nhưng không được tính là đã sám hối. Là tội pārājika của tỳ khưu ni ở vào sự việc thứ tám (Sđd.).
[27] Tội là lỗi trầm trọng và tội là lỗi không trầm trọng được ngài Buddhaghosa giải thích là tội nặng và tội nhẹ như phần ở trên (Sđd.).
[28] Tội (có nghiệp) xác định là năm nghiệp vô gián như giết cha, giết mẹ, v.v… (Sđd. 1320).
[29] Người không thể phạm tội là chư Phật Chánh Đẳng Giác và chư Phật Độc Giác (Sđd.).
[30] Là sự đình chỉ giới bổn Pātimokkha (Sđd. 1321). Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương IX.