TIỂU BỘ – HẠNH TẠNG – II. SỰ TOÀN HẢO VỀ GIỚI

II. SỰ TOÀN HẢO VỀ GIỚI

1. Hạnh của Vị Nuôi Dưỡng Mẹ

  1. Vào lúc ta là con voi nuôi dưỡng voi mẹ ở trong rừng rậm. Lúc bấy giờ, ở trên trái đất không có người tương đương với ta về giới đức.
  1. Có người đi rừng, sau khi nhìn thấy ta ở khu rừng rậm, đã thông báo với đức vua rằng: “Tâu đại vương, có con voi được xứng đáng với ngài đang sống ở trong rừng.
  1. Không cần phải gây thương tích cho nó, cũng không cần đến cọc trói và hầm hố. Khi được nắm ở vòi của chính nó, tự thân nó sẽ đi đến chỗ này.”
  1. Nghe được lời nói ấy của ông ta, ngay cả đức vua cũng có tâm trí hớn hở và đã phái đi người thuần hóa voi, là bậc thầy kinh nghiệm, đã được huấn luyện rành rẽ.
  1. Sau khi đi đến, người thuần hóa voi ấy đã nhìn thấy (ta), ở trong hồ sen, đang nhổ lên rễ và ngó sen nhằm mục đích nuôi dưỡng mẹ.
  1. Biết được giới đức của ta, người này đã xác định các đặc điểm và đã nói rằng: “Này con trai, hãy đi đến,” rồi đã nắm chặt cái vòi của ta.
  1. Khi ấy, sức mạnh tự nhiên đồng hành với cơ thể của ta là tương đương với sức mạnh của một ngàn con voi ngày hôm nay.
  1. Nếu ta nổi cơn giận dữ với những người đã đi đến để bắt ta, ta có thừa khả năng đối với bọn họ, thậm chí luôn cả vương quốc của những người ấy nữa.
  1. Hơn nữa, vì gìn giữ giới để làm viên mãn sự toàn hảo về giới, ta không làm thay đổi tâm ý trong khi họ xô đẩy ta vào cây cọc trói.
  1. Nếu bọn họ có làm tổn thương ta bằng những cái rìu và những cây thương, ta cũng chẳng nổi cơn giận dữ đối với bọn họ vì ta có nỗi lo sợ bị đứt giới.

Hạnh của Vị Nuôi Dưỡng Mẹ là phần thứ nhất.

2. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Bhūridatta[21]
 

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Bhūridatta có đại thần lực. Ta đã đi đến cõi trời cùng với vị Đại Vương Virūpakkha.[22]
  1. Sau khi nhìn thấy chư thiên ở tại nơi ấy được thọ hưởng an lạc trọn vẹn, ta đã thọ trì giới cấm nhằm mục đích đi đến cõi trời ấy.[23]
  1. Sau khi làm phận sự đối với cơ thể[24] và thọ dụng chỉ đủ để nuôi sống, ta đã quyết định về bốn chi phần (của cơ thể)[25] rồi đã nằm ở trên đỉnh của gò mối.
  1. Đối với người nào có việc cần dùng đến da ngoài, da trong, thịt, các sợi gân, hoặc các khúc xương (ở cơ thể ta), chính vì là vật đã được bố thí nên hãy để người ấy mang đi.
  1. Khi ta đang nằm, kẻ vô ơn Ālambana[26] đã nắm lấy ta ném vào trong giỏ rồi đã bắt ta làm trò vui ở nơi này nơi khác.
  1. Ngay cả trong khi ông ấy ném (ta) vào giỏ, thậm chí trong khi ông ấy dùng bàn tay đè bẹp (ta) xuống, ta không giận dữ đối với Ālambana vì ta có nỗi lo sợ bị đứt giới.
  1. Sự xả bỏ sanh mạng bản thân của ta là nhẹ hơn cọng cỏ. Sự phá giới đối với ta tương tợ như việc đảo ngược trái đất.
  1. Liên tục một trăm kiếp sống, ta có thể xả bỏ mạng sống của ta chứ không thể nào làm đứt giới cho dù là vì nguyên nhân (làm vua cai trị) bốn châu lục.
  1. Hơn nữa, vì gìn giữ giới để làm viên mãn sự toàn hảo về giới, ta không làm thay đổi tâm ý trong khi (Ālambana) ném (ta) vào trong giỏ.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Bhūridatta là phần thứ nhì.

 3. Hạnh của Con Rồng Campeyya[27]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Campeyyaka có đại thần lực. Vào thời ấy, ta cũng đã là người nghiêm túc, hành trì giới cấm.[28]
  1. Cũng vào khi ấy, trong khi ta là người hành pháp đang thực hành ngày trai giới, một người luyện rắn đã tóm bắt lấy ta rồi đã bắt ta làm trò vui ở cổng hoàng cung.
  1. Gã ấy nghĩ về màu nào, xanh, vàng, hoặc đỏ, còn ta, trong khi biến đổi theo ý nghĩ của gã ấy, trở thành (có màu sắc) giống như đã được suy nghĩ (bởi người ấy).
  1. Ta có thể biến đất thành nước, và cũng có thể biến nước thành đất. Nếu ta nổi giận đối với gã ấy, ta có thể biến (gã ấy) trở thành tro bụi trong một sát-na.[29]
  1. Nếu như ta thể hiện năng lực của tâm, ta sẽ từ bỏ giới; (và) mục đích tối thượng không được thành tựu đến người từ bỏ giới.
  1. Dầu sao đi nữa, hãy để thân xác này bị tan vỡ, hãy để nó bị phân tán ở ngay đây; trong khi bị tan tác giống như bụi phấn, ta cũng không thể nào làm đứt giới.

 Hạnh của Con Rồng Campeyya là phần thứ ba.

4. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Cullabodhi[30]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Cullabodhi, là người có giới hạnh. Nhìn thấy hiện hữu là nguy hiểm, ta đã ra đi theo hạnh xuất ly.
  1. Ta có người vợ dòng dõi Bà-la-môn có nước da như vàng ròng. Cô ta cũng không mong muốn luân hồi nên đã ra đi theo hạnh xuất ly.
  1. Không dính mắc, thân quyến đã lìa, không mong muốn về gia đình, (hay) về đồ chúng, chúng tôi du hành qua làng mạc phố chợ và đã đi đến Bārāṇasī.
  1. Ở tại nơi ấy, chúng tôi đã sống khôn khéo, không cấu kết gia đình, bè đảng. Cả hai đã sống trong khu vườn của đức vua, không bị quấy rầy, ít có tiếng động.
  1. Đức vua đã đi đến ngoạn cảnh khu vườn và đã nhìn thấy người nữ Bà-la-môn. Ngài đã đi đến gặp ta và hỏi rằng: “Nàng ấy là vợ của khanh hay của ai?”
  1. Được nói như vậy, ta đã nói với đức vua lời này: “Nàng ấy không phải là vợ của thần, nàng là người đồng đạo, cùng chung giáo lý.”
  1. Bị ái luyến và khát khao nàng ấy, đức vua đã ra lệnh các thuộc hạ bắt giữ rồi dùng sức mạnh để ép buộc đưa nàng vào nội cung.
  1. Nàng là người vợ của ta theo nghi thức chạm vào bát nước, đồng thời xuất gia cùng chung giáo lý. Trong khi nàng bị lôi kéo đưa đi, sự giận dữ đã khởi lên ở ta.
  1. Cùng lúc khi cơn giận đã được phát khởi, ta đã nhớ lại giới cấm. Ngay tại nơi ấy, ta đã nén lại cơn giận và đã không cho bộc phát lên.
  1. Nếu như có ai dùng con dao bén đâm chém người nữ Bà-la-môn ấy, ta cũng không thể nào làm đứt giới với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
  1. Người nữ Bà-la-môn ấy không có bị ta ghét bỏ, cũng không phải là sức mạnh của ta không có. Ðối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta sẽ gìn giữ giới hạnh.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Cullabodhi là phần thứ tư.

5. Hạnh của Con Trâu Chúa[31]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là con trâu lang thang ở trong khu rừng rậm, có thân thể phát triển, khỏe mạnh, to lớn, trông thấy phải sợ hãi.
  1. Nơi ấy, trong hang động, ở sườn núi dốc, dưới cội cây, (gần) nơi hồ nước, có (các) khu vực rải rác đó đây dành cho loài trâu.
  1. Trong khi đi lang thang ở khu rừng rậm, ta đã nhìn thấy một nơi thuận tiện. Ta đã đi đến nơi ấy, đứng lại, rồi nằm xuống.
  1. Rồi có con khỉ đê tiện, thô lỗ, nhanh nhảu đã đi đến nơi ấy và tiểu tiện, đại tiện ở trên lưng, trên trán, và lông mày của ta.
  1. Một lần trong ngày, rồi lần thứ hai, lần thứ ba, và thậm chí đến lần thứ tư, nó làm ta bị nhơ bẩn vào mọi lúc; vì điều ấy, ta trở nên bực bội.
  1. Nhìn thấy sự bực bội của ta, có con Dạ-xoa đã nói với ta điều này: “Ngươi hãy giết chết cái loài tồi tệ đê tiện ấy bằng các sừng và các móng chân.”
  1. Được con Dạ-xoa nói như vậy, khi ấy ta đã nói với con Dạ-xoa ấy điều này: “Sao ngươi lại bôi nhọ ta với cái thây ma đê tiện và thô lỗ?
  1. Nếu ta nổi giận với nó, vì điều đó ta sẽ trở nên tồi tệ hơn, giới của ta có thể bị đứt, và người trí có thể khiển trách ta.
  1. Vả lại, sống mà hổ thẹn thì chết với sự trong sạch là cao quý. Cho dù nguyên nhân là mạng sống, không thể nào ta lại gây ra sự tổn hại cho kẻ khác?
  1. Trong khi suy nghĩ về những người khác là giống như ta, con khỉ này cũng sẽ hành động như thế. Chính họ sẽ giết chết nó tại nơi ấy, còn ta thì sẽ có được sự giải thoát này.[32]
  1. Trong khi nhẫn nhịn sự khinh miệt ở những người kém cỏi, trung bình, hoặc cao quý, như thế bậc thiện trí đạt được theo như điều đã được mong mỏi bởi tâm ý.[33]

Hạnh của Con Trâu Chúa là phần thứ năm.

6. Hạnh của Con Nai Chúa Ruru[34]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vua của loài nai, có tên  là Ruru, có màu lông tợ như vàng nung đỏ, đang chú tâm vào giới hạnh tối cao.
  1. Ta đã đi đến trú ngụ tại nơi ấy, ở một khu đất xinh xắn, đáng yêu, thanh vắng, không có loài người, bên bờ sông Gaṅgā[35] thích ý.
  1. Khi ấy, ở thượng nguồn sông Gaṅgā, có người đàn ông bị bức bách bởi những chủ nợ nên đã gieo mình xuống dòng sông Gaṅgā (nghĩ rằng): “Ta hoặc là sống hay là chết.”
  1. Trong khi bị cuốn trôi ở giòng nước lớn và kêu la thảm thiết ngày đêm, người ấy trôi ra giữa dòng sông Gaṅgā.
  1. Nghe được tiếng kêu la thảm thiết của người ấy đang than khóc, ta đã đứng ở bờ sông Gaṅgā hỏi rằng: “Ông là người nào?
  1. Và khi được ta hỏi, người ấy đã giải thích hành động của mình: “Sợ hãi những người chủ nợ, bị hoảng hốt, tôi đã lao mình xuống dòng sông lớn.”
  1. Khởi tâm thương xót người ấy, ta đã buông bỏ mạng sống của mình, lao vào (dòng nước), và đã vớt người ấy lên trong bóng tối của ban đêm.
  1. Nhận biết được thời điểm đã được hồi phục, ta đã nói với người ấy điều này: “Ta yêu cầu ngươi một ân huệ là ngươi chớ có nói về ta đối với bất cứ người nào.”
  1. Sau khi đi đến thành phố, người ấy vì nguyên nhân của cải đã nói ra khi được hỏi, rồi đã đưa đức vua đi đến vùng phụ cận của ta.
  1. Toàn bộ sự việc đến đâu đã được ta tường thuật cho đức vua. Nghe được lời kể lại, đức vua đã hướng mũi tên vào người ấy (nói rằng): “Trẫm sẽ giết chết kẻ đê tiện phản bội bạn bè ngay tại chỗ này.”
  1. Trong khi bảo vệ cho người ấy, ta đã hoán đổi (người ấy) bằng bản thân của ta (nói rằng): “Tâu đại vương hãy để cho người ấy sống. Thần sẽ là người tạo ra lạc thú cho ngài.”
  1. Ta đã bảo vệ giới của ta. Ta đã không bảo tồn mạng sống của mình. Bởi vì, vào lúc ấy ta đã là người có giới hạnh với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.

Hạnh của Con Nai Chúa Ruru là phần thứ sáu.

7. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Mātaṅga[36]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là đạo sĩ tóc bện nghiêm trì khổ hạnh, có giới đức, định tâm bền vững, tên là Mātaṅga.
  1. Ta và một vị Bà-la-môn, cả hai sống ở bên bờ sông Gaṅgā. Ta sống ở thượng nguồn, còn vị Bà-la-môn sống ở hạ nguồn.
  1. Trong khi đi lang thang dọc theo bờ sông, vị Bà-la-môn đã nhìn thấy khu ẩn cư của ta ở thượng nguồn. Tại nơi ấy, sau khi mắng nhiếc ta, vị ấy đã nguyền rủa về sự vỡ tan cái đầu (của ta).
  1. Nếu ta nổi cơn giận dữ đối với vị này, nếu ta không gìn giữ giới, thì sau khi nhìn vào vị ấy ta có thể làm cho trở thành như là tro bụi.
  1. Lúc bấy giờ, điều mà vị ấy nguyền rủa ta trong lúc bị bực tức và có tâm ý xấu xa lại được áp dụng ở trên cái đầu của chính vị ấy. Ta đã giúp cho vị ấy được thoát khỏi (việc bị bể đầu thành bảy mảnh) bằng thủ thuật.[37]
  1. Ta đã bảo vệ giới của ta. Ta đã không bảo tồn mạng sống của mình. Bởi vì, vào lúc ấy ta đã là người có giới hạnh với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Mātaṅga là phần thứ bảy.

8. Hạnh của Thiên Tử Dhamma[38]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Đại Dạ-xoa tên là Dhamma, có tùy tùng đông đảo, có đại thần lực, có lòng bi mẫn đối với tất cả thế gian.
  1. Trong lúc khuyến khích dân chúng hành trì thập thiện nghiệp đạo, ta cùng với bạn bè và những người hầu cận đi đến các thôn làng phố chợ.
  1. Có con Dạ-xoa độc ác, bỏn xẻn, trong lúc giảng giải về thập ác, nó với bạn bè và những người hầu cận cũng đi khắp trái đất này.
  1. Là những người nói về chánh pháp và tà pháp, cả hai chúng tôi là đối thủ. Trong khi va chạm càng xe với càng xe ở lối đi ngược chiều, cả hai đối mặt nhau.
  1. Cuộc xung đột giữa thiện và ác đã xảy ra một cách ghê rợn, và trận chiến đấu lớn lao vì việc rời khỏi đường lộ là sắp sửa xảy ra.
  1. Nếu như ta nổi cơn giận dữ đối với gã ấy, nếu như ta phá vỡ đức tính khổ hạnh, ta có thể làm cho gã ấy và đoàn tùy tùng trở thành tro bụi.
  1. Tuy nhiên, nhằm mục đích gìn giữ giới hạnh, ta đã làm nguội lạnh tâm ý. Sau khi cùng với đám người bước xuống, ta đã nhường đường cho kẻ ác.
  1. Cùng lúc ta đang rời khỏi đường lộ sau khi đã làm nguội lạnh tâm ý, trái đất ngay lập tức đã tạo ra khe nứt dành cho con Dạ-xoa ác xấu.

Hạnh của thiên tử Dhamma là phần thứ tám.

9. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Alīnasatta[39]

  1. Ở trong kinh thành Kampillā, thành phố tráng lệ thuộc vương quốc Pancāla, có đức vua tên Jayaddisa đã được thành tựu giới đức.
  1. Là Alīnasatta, người con trai của đức vua ấy, ta được học tập, có giới hạnh tốt, có đức độ, luôn luôn quan tâm đến người hầu cận.
  1. Cha ta đã đi săn thú rừng và đã đến gần bên Porisāda (kẻ ăn thịt người). Gã ấy đã bắt giữ cha ta (nói rằng): “Ngươi là thức ăn của ta, chớ có vùng vẫy.”
  1. Sau khi được nghe lời nói ấy của gã, đức vua đã trở nên hoảng hốt, run rẩy vì sợ hãi, cứng đờ chân cẳng khi trông thấy kẻ ăn thịt người.
  1. (Đức vua đã nói rằng:) “Hãy giữ lấy con thú rừng, rồi trả tự do cho ta,” và đã hứa hẹn việc sẽ quay trở lại. Sau khi giao lại tài sản cho vị (quan đại thần) Bà-la-môn, cha (ta) đã nhắn nhủ ta rằng:
  1. Này con, hãy cai quản vương quốc. Chớ bỏ bê thành phố này. Cha đã hứa với kẻ ăn thịt người về việc sẽ quay trở lại của cha.” 
  1. Sau khi cúi lạy mẹ cha và buông bỏ bản thân, ta đã đặt cung kiếm xuống rồi đã đi đến gặp kẻ ăn thịt người.
  1. Có lẽ gã ấy sẽ sợ hãi người đi đến có vũ khí trong tay. Khi ta đã gây nên nỗi lo sợ, vì điều ấy giới sẽ bị hư hỏng.
  1. Vì ta có nỗi lo sợ về việc đứt giới, ta đã không nói điều gây khó chịu đối với gã ấy. Là người nói điều lợi ích, có tâm từ ái, ta đã nói điều này:
  1. Hãy đốt lên ngọn lửa lớn, tôi sẽ lao từ trên cây xuống. Này ông chú, ông hãy biết lúc đã được chín tới, rồi ông hãy thọ thực.”
  1. Như thế với việc thực hành giới là nguyên nhân, ta đã không bảo tồn mạng sống của ta. Và ta đã khiến cho gã (ăn thịt người) ấy luôn luôn xa lánh việc giết hại sanh mạng.

Hạnh của (đức Bồ-tát) Alīnasatta là phần thứ chín.

10. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Saṅkhapāla[40]

  1. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Saṅkhapāla, chúa tể của loài rồng, có đại thần lực, có răng nanh[41] là vũ khí, có nọc độc ghê gớm, và có hai lưỡi.
  1. Ở tại ngã tư của con đường lớn có sự tụ hội của nhiều hạng người, sau khi quyết định về bốn chi phần (của cơ thể), ta đã thiết lập chỗ cư ngụ ở tại nơi ấy.
  1. Đối với người nào có việc cần dùng đến da ngoài, da trong, thịt, các sợi gân, hoặc các khúc xương (ở cơ thể ta), chính vì là vật đã được bố thí nên hãy để người ấy mang đi.
  1. Có những gã vô lại thô lỗ, hung dữ, bất nhân, đã nhìn thấy và đã tiến đến gần ta ở tại nơi ấy, các bàn tay có nắm gậy gộc.
  1. Sau khi chọc thủng ở lỗ mũi, ở đuôi, và ở xương sống lưng, những gã vô lại đã đặt ta lên cáng rồi lôi đi.
  1. Và ở nơi ấy, với luồng gió từ lỗ mũi ta, trong khi mong muốn ta có thể thiêu đốt trái đất có biển bao bọc, có rừng, có núi.
  1. Mặc dù đang bị đâm thọc bởi những cọc nhọn, mặc dầu đang bị chặt chém bởi những con dao, ta cũng không tức giận những gã vô lại; đây là sự toàn hảo về giới của ta.

 Hạnh của (đức Bồ-tát) Saṅkhapāla là phần thứ mười.

–ooOoo–

  1. Con long tượng, Bhūridatta, (con rồng) Campeyya, (Culla) bodhi, con trâu (chúa), (con nai chúa) Ruru, (đạo sĩ tóc bện) Mātaṅga, (thiên tử) Dhamma, (đức vua) Jayaddisa và người con trai.
  1. Tất cả (chín) hạnh này đều có năng lực của giới, là những phần thiết yếu, là những yếu tố góp phần (vào sự toàn hảo về giới); (tuy nhiên), ta còn bảo tồn mạng sống rồi mới gìn giữ các giới.
  1. (Trái lại), mạng sống của ta khi là Saṅkhapāla luôn luôn được ban phát đến bất cứ người nào; do đó, điều ấy là sự toàn hảo về giới.

Dứt phần giảng giải sự toàn hảo về giới.

–ooOoo–

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Hạnh Tạng“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Hạnh Tạng” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *