V. SỰ TOÀN HẢO VỀ CHÂN THẬT
7. Hạnh của con Khỉ Chúa[56]
- Vào lúc ta là con khỉ sống trong hang ở bờ sông, ta đã bị đe dọa bởi con cá sấu nên không đạt được việc ra đi.
- Tại địa điểm ta thường đứng ở bờ bên này rồi nhảy qua bờ bên kia, tại chỗ ấy có con cá sấu là kẻ thù, là kẻ sát thủ, có dáng vóc hung tợn.
- Con cá sấu đã thông báo với ta rằng: “Cứ việc đi đến.” Ta đã nói với nó rằng: “Tôi đang đi đến,” rồi đã bước lên đầu của nó và đã đứng vững bờ bên kia.
- Điều đã được nói với con cá sấu không phải là không đúng sự thật (vì) ta đã hành động đúng theo lời nói. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Hạnh của con khỉ chúa là phần thứ bảy.
8. Hạnh của Đạo Sĩ Sacca
- Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là đạo sĩ khổ hạnh tên gọi Sacca. Ta đã hộ trì thế gian bằng sự chân thật; ta đã làm cho mọi người hợp nhất.
Hạnh của đạo sĩ Sacca là phần thứ tám.
9. Hạnh của Chim Cút Con[57]
- Vào một thời điểm khác nữa, khi ở tại Magadha, ta là con chim cút con, cánh chưa được mọc, còn non nớt, (như) là miếng thịt ở trong tổ.
- (Chim) mẹ tha (mồi) lại ở trong mỏ và nuôi dưỡng ta. Ta sống còn do sự tiếp xúc với chim mẹ; ta không có sức mạnh ở thân.
- Trong năm vào mùa nóng, có nạn cháy rừng bộc phát. Ngọn lửa cuộn khói đen tiến về hướng chúng tôi.
- Ngọn lửa lớn lao trong lúc gào thét đã tạo ra luồng khói này cuộn khói nọ. Trong khi lần lượt làm phát cháy, ngọn lửa đã tiến đến gần ta.
- Lo sợ vì sự ồ ạt của ngọn lửa, mẹ cha của ta trở nên kinh hãi, hoảng hốt, đã bỏ rơi ta lại ở trong tổ và đã giải thoát cho bản thân.
- Ta đã ra sức hai chân, hai cánh; ta không có sức mạnh ở thân. Ta đây không đi được. Khi ấy tại nơi ấy, ta đã suy nghĩ như vầy:
- “Bị kinh hãi, hoảng hốt, run sợ, ta có thể chạy đến gần cha mẹ, nhưng họ đã bỏ rơi ta và tẩu thoát. Ta nên hành động như thế nào ngày hôm nay?
- Đức hạnh của giới, sự chân thật, sự trong sạch, lòng bi mẫn hiện hữu ở trên đời; với sự chân thật ấy, ta có thể hiện hành động chân thật tối thắng.”
- Ta đã hướng về sức mạnh của Giáo Pháp, tưởng nhớ đến các đấng Chiến Thắng[58]trước đây, và nương tựa vào sức mạnh của sự chân thật, ta đã thể hiện hành động chân thật rằng:
- “Có cánh không thể bay, có chân không thể đi. Mẹ cha đã lìa khỏi, lửa ơi hãy lui đi.”
- Với sự chân thật đã được thực hiện bởi ta, ngọn lửa cháy rực to lớn đã lùi trở lại mười sáu karīsa,[59] giống như ngọn lửa đã gặp phải nước. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Hạnh của chim cút con là phần thứ chín.
10. Hạnh của Vua Cá[60]
- Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vua của loài cá ở trong cái hồ rộng lớn. Và nước ở trong hồ bị khô cạn vào mùa nắng, dưới sự đốt cháy của ánh mặt trời.
- Do đó, các con quạ, các con diều hâu, các con cò, các con chim ưng và chim ó đã đáp xuống, ăn các con cá ban ngày lẫn ban đêm.[61]
- Tại nơi ấy, cùng với các thân quyến ta đã bị áp bức, và ta đã suy nghĩ như vầy: “Vậy thì bằng cách nào để ta có thể giải thoát cho thân quyến khỏi khổ đau?”
- Sau khi xem xét ý nghĩa của các pháp, ta đã nhận ra sự chân thật là nơi nương tựa. Căn cứ vào sự chân thật, ta đã cởi bỏ thảm họa bị diệt chủng ấy cho các thân quyến.
- Sau khi hồi tưởng về thiện pháp, ta đã suy nghiệm về chân lý tuyệt đối. Ta đã thể hiện hành động chân thật là pháp bền vững và thường còn ở thế gian rằng:
- “Kể từ lúc ta nhớ được về bản thân, kể từ khi ta đạt đến sự hiểu biết, ta không biết đến việc đã cố ý hãm hại dầu chỉ một sanh mạng.[62] Do lời nói chân thật này, xin Thần Mây[63]hãy đổ mưa xuống.
- Hỡi Thần Mây, hãy vang lên tiếng sấm, hãy làm tiêu tan kho lương dự trữ của loài quạ,[64] hãy vây hãm loài quạ bằng sự buồn rầu, hãy giải thoát loài cá khỏi nỗi phiền muộn.”
- Đồng lúc với sự chân thật cao quý được thể hiện, Thần Mây đã gầm lên tiếng sấm và trong giây lát đã đổ mưa xuống, làm tràn ngập vùng đất liền và trũng thấp.
- Sau khi thể hiện sự tinh tấn tột đỉnh là pháp chân thật cao quý có hình thức như thế, (có sự) tin cậy vào năng lực và uy quyền của sự chân thật, ta đã làm cho đám mây lớn đổ mưa xuống. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Hạnh của vua cá là phần thứ mười.
11. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Kaṇhadīpāyana[65]
- Vào một thời điểm khác nữa, khi là vị ẩn sĩ Kaṇhadīpāyana, ta đã sống không được hoan hỷ hơn năm mươi năm.
- Không ai biết tâm ý không hoan hỷ này của ta. Ta đã không nói ra với ai cả và sự không hoan hỷ diễn tiến ở trong tâm ý của ta.
- Bà-la-môn Maṇḍabya, bạn của ta, là một vị đại ẩn sĩ đã bị thọ lãnh (hành phạt) cắm cọc nhọn do trả quả của nghiệp quá khứ.[66]
- Ta đã chăm sóc và đã phục hồi sức khỏe cho vị ấy. Sau khi cáo từ, ta đã trở về lại chốn ẩn cư của mình.
- Người bạn Bà-la-môn của ta đã đưa vợ và đứa con trai nhỏ đến. Ba người cùng đi và đã đi đến với tư thế của những người khách.
- Trong lúc ta đang ngồi tại chốn ẩn cư của mình chuyện trò với những người ấy, đứa bé trai đã ném trái banh và làm cho làm con rắn có nọc độc giận dữ.
- Sau đó, trong lúc dõi theo lộ trình di chuyển của trái banh, đứa bé trai ấy đã chạm bàn tay vào đầu của con rắn độc.
- Do sự đụng chạm của đứa bé, con rắn đã trở nên giận dữ. Ỷ lại vào sức mạnh của nọc độc, bị bực bội với sự bực bội cùng tột, con rắn ngay lập tức đã cắn đứa bé.
- Khi bị cắn bởi con rắn độc, đứa bé đã ngã xuống ở trên nền đất. Vì điều ấy, ta đã trở nên đau buồn; nỗi buồn đau ấy đã tác động đến ta.
- Sau khi an ủi họ (là những người) đang bị đau khổ, đang bị mũi tên sầu muộn, ta đã thể hiện hành động chân thật tột đỉnh cao quý tối thượng lần đầu tiên rằng:
- “Là người mong mỏi phước thiện, ta đã thực hành Phạm hạnh với tâm tín thành chỉ được bảy ngày. Từ đó về sau, Phạm hạnh của ta là năm mươi năm và thêm nữa.
- Ta thực hành (Phạm hạnh) không có nhiệt tình, chỉ qua ngày. Do lời nói chân thật này, hãy có được sự tốt lành, chất độc hãy được tiêu trừ, và Yaññadatta[67] hãy sống.”
- Với sự chân thật của ta đã được thể hiện, đứa bé Bà-la-môn bị run rẩy bởi sức mạnh của nọc độc đã được tỉnh lại, đã đứng lên, không tật bệnh. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Kaṇhadīpāyana là phần thứ mười một.
12. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Sutasoma[68]
- Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là đức vua Sutasoma. Bị bắt giữ bởi Porisāda (kẻ ăn thịt người), ta đã nhớ lại lời hứa với vị Bà-la-môn.
- Sau khi xỏ dây ở lòng bàn tay của một trăm vị Sát-đế-lỵ rồi (treo lên) phơi khô họ, kẻ ấy đã đưa ta đi nhằm mục đích tế thần.
- Kẻ ăn thịt người đã hỏi ta rằng: “Có phải ngài mong muốn việc cởi trói? Ta sẽ làm theo ý thích của ngài nếu ngài còn quay trở lại.”
- Vào lúc ấy, sau khi đã hứa hẹn đối với câu hỏi của kẻ (ăn thịt người) ấy về việc trở lại của ta, ta đã đi đến thành phố tráng lệ và đã chối từ vương quốc.
- Sau khi tưởng nhớ đến Chánh Pháp đã được thực hành bởi các đấng Chiến Thắng thời quá khứ, ta đã trao lại tài sản cho vị Bà-la-môn và đã đi đến gặp kẻ ăn thịt người.
- Trong trường hợp ấy, không có sự phân vân ở ta về việc kẻ ấy sẽ giết hay không (giết). Trong khi bảo vệ lời nói chân thật, ta đã đi đến để buông bỏ mạng sống. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Sutasoma là phần thứ mười hai.
Dứt sự toàn hảo về chân thật.
–ooOoo–
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Hạnh Tạng“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Hạnh Tạng” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda