TIỂU PHẨM I – CHƯƠNG HÀNH SỰ: HÀNH SỰ CHỈ DẠY, CÂU CHUYỆN VỀ TRƯỞNG LÃO SEYYASAKA

Tiểu Phẩm I – Chương Hành Sự

Hành sự chỉ dạy

Câu chuyện về trưởng lão Seyyasaka

Vào lúc bấy giờ, đại đức Seyyasaka là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội), sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia. Hơn nữa, các tỳ khưu thường xuyên bị bận rộn trong khi ban cho hình phạt parivāsa, trong khi đưa về lại (hình phạt) ban đầu, trong khi ban cho hình phạt mānatta, trong khi giải tội.

Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Seyyasaka lại là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội), lại sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia. Hơn nữa các tỳ khưu thường xuyên bị bận rộn trong khi ban cho hình phạt parivāsa, trong khi đưa về lại (hình phạt) ban đầu, trong khi ban cho hình phạt mānatta, trong khi giải tội?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu Seyyasaka là kẻ ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội), sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia. Hơn nữa, các tỳ khưu thường xuyên bị bận rộn trong khi ban cho hình phạt parivāsa, trong khi đưa về lại (hình phạt) ban đầu, trong khi ban cho hình phạt mānatta, trong khi giải tội, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn cho kẻ rồ dại ấy, thật không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm. Này các tỳ khưu, vì sao kẻ rồ dại ấy, lại là kẻ ngu si, khờ khạo, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội), lại sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia. Hơn nữa, các tỳ khưu thường xuyên bị bận rộn trong khi ban cho hình phạt parivāsa, trong khi đưa về lại (hình phạt) ban đầu, trong khi ban cho hình phạt mānatta, trong khi giải tội?

Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy thực hiện hành sự chỉ dạy đối với tỳ khưu Seyyasaka rằng: ‘Ngươi cần phải sống với sự nương nhờ.’ Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy: Trước hết, tỳ khưu Seyyasaka cần được quở trách; sau khi quở trách cần được nhắc nhở; sau khi nhắc nhở cần xác định tội; sau khi xác định tội, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Seyyasaka này là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội), sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia. Hơn nữa, các tỳ khưu thường xuyên bị bận rộn trong khi cho vị ấy hình phạt parivāsa, trong khi đưa về lại (hình phạt) ban đầu, trong khi ban cho hình phạt mānatta, trong khi giải tội. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực hiện hành sự chỉ dạy đối với tỳ khưu Seyyasaka rằng: ‘Ngươi cần phải sống với sự nương nhờ.’ Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Seyyasaka này là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội), sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia. Hơn nữa, các tỳ khưu thường xuyên bị bận rộn trong khi cho vị ấy hình phạt parivāsa, trong khi đưa về lại (hình phạt) ban đầu, trong khi ban cho hình phạt mānatta, trong khi giải tội. Hội chúng thực hiện hành sự chỉ dạy đối với tỳ khưu Seyyasaka rằng: ‘Ngươi cần phải sống với sự nương nhờ.’ Đại đức nào đồng ý việc thực hiện hành sự chỉ dạy đối với đại đức Seyyasaka rằng: ‘Ngươi cần phải sống với sự nương nhờ’ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. ―(như trên)― Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Seyyasaka này là vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không có giới hạn (về tội); sống thân cận với các gia chủ bằng những giao thiệp không đúng đắn với hàng tại gia. Hơn nữa, các tỳ khưu thường xuyên bị bận rộn trong khi cho vị ấy hình phạt parivāsa, trong khi đưa về lại (hình phạt) ban đầu, trong khi ban cho hình phạt mānatta, trong khi giải tội. Hội chúng thực hiện hành sự chỉ dạy đối với tỳ khưu Seyyasaka rằng: ‘Ngươi cần phải sống với sự nương nhờ.’ Đại đức nào đồng ý việc thực hiện hành sự chỉ dạy đối với đại đức Seyyasaka rằng: ‘Ngươi cần phải sống với sự nương nhờ’ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Hành sự chỉ dạy đối với đại đức Seyyasaka rằng: ‘Ngươi cần phải sống với sự nương nhờ’ đã được hội chúng thực hiện. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

*****

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *