Tiểu Phẩm I
Chương Parivāsa
Phận sự của vị hành Parivāsa
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu hành parivāsa ưng thuận sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, hành động thích hợp, sự sửa soạn chỗ ngồi, sự sửa soạn chỗ nằm, nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, sự tiếp rước y bát, sự kỳ cọ lưng trong khi tắm của các tỳ khưu trong sạch. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu hành parivāsa lại ưng thuận sự đảnh lễ, sự đứng dậy, ―(như trên)―sự kỳ cọ lưng trong khi tắm của các tỳ khưu trong sạch?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu hành parivāsa ưng thuận sự đảnh lễ, sự đứng dậy, ―(như trên)― sự kỳ cọ lưng trong khi tắm của các tỳ khưu trong sạch, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, tại sao các tỳ khưu hành parivāsa lại ưng thuận sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, hành động thích hợp, sự sửa soạn chỗ ngồi, sự sửa soạn chỗ nằm, nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, sự tiếp rước y bát, sự kỳ cọ lưng trong khi tắm của các tỳ khưu trong sạch? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
– “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa không nên ưng thuận sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chắp tay, hành động thích hợp, sự sửa soạn chỗ ngồi, sự sửa soạn chỗ nằm, nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, sự tiếp rước y bát, sự kỳ cọ lưng trong khi tắm của các tỳ khưu trong sạch; vị nào ưng thuận thì phạm tội dukkaṭa.
Này các tỳ khưu, ta cho phép việc đảnh lễ, việc đứng dậy, việc chắp tay, hành động thích hợp, việc sửa soạn chỗ ngồi, việc sửa soạn chỗ nằm, nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, việc tiếp rước y bát, việc kỳ cọ lưng trong khi tắm giữa các tỳ khưu hành parivāsa với nhau được tính theo thâm niên.
Này các tỳ khưu, ta cho phép năm sự việc là lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, y tắm mưa, sự phân chia (vật cúng dường), bữa thọ trai được tính theo thâm niên đối với các tỳ khưu hànhparivāsa.[1]
Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự cho các tỳ khưu hành parivāsa, các tỳ khưu hành parivāsa nên thực hành theo như thế. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa nên thực hành phận sự đúng đắn. Trong trường hợp này, các phận sự đúng đắn ấy là:
Không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên ban cho phép nương nhờ, không nên bảo sa di phục vụ, không nên ưng thuận sự chỉ định giảng dạy tỳ khưu ni, không nên giảng dạy tỳ khưu ni dầu đã được chỉ định, hội chúng đã cho hình phạt parivāsa với tội nào thì không nên tái phạm tội ấy, hoặc tội tương tợ, hoặc tội nghiêm trọng hơn tội ấy, không nên chỉ trích hành sự, không nên chỉ trích các vị thực hiện hành sự, đối với vị tỳ khưu trong sạch không nên đình chỉ lễ Uposatha, không nên đình chỉ lễ Pavāraṇā, không nên làm công việc khuyên bảo, không nên khởi xướng việc cáo tội, không nên thỉnh ý (để buộc tội), không nên quở trách, không nên nhắc nhở, không nên cấu kết với các tỳ khưu.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa không nên đi phía trước, không nên ngồi phía trước vị tỳ khưu trong sạch. Nên cho vị ấy chỗ ngồi cuối cùng, chỗ nằm cuối cùng, trú xá cuối cùng của hội chúng, và vị ấy nên ưng thuận việc ấy.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa không nên đi đến các gia đình với vị tỳ khưu trong sạch làm vị Sa-môn đi trước hoặc làm Sa-môn theo sau, không nên thọ trì pháp (đầu đà) cư ngụ ở trong rừng, không nên thọ trì pháp (đầu đà) hành khất thực, không vì lý do đó mà cho người đem lại vật thực (nghĩ rằng): ‘Chớ để họ biết về mình.’
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa là vị vãng lai nên trình báo (về hình phạt đang thọ đến các tỳ khưu thường trú), nên trình báo đến vị vãng lai, nên trình báo trong lễ Uposatha, nên trình báo trong lễ Pavāraṇā. Nếu bị bệnh, nên cho người đại diện trình báo giùm.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú không có tỳ khưu, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú,[2] trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hànhparivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là không đồng cộng trú, trừ phi (cùng đi) với vị tỳ khưu trong sạch, trừ phi có nguy hiểm.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsatừ chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsatừ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa từ chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú có tỳ khưu nếu các tỳ khưu ở nơi ấy là đồng cộng trú và biết được rằng: ‘Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.’
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa cùng với vị tỳ khưu trong sạch không nên cư ngụ chung ở chỗ trú cùng một mái che, không nên cư ngụ chung ở nơi không phải là chỗ trú cùng một mái che, không nên cư ngụ chung ở chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú cùng một mái che. Khi thấy vị tỳ khưu trong sạch nên từ chỗ ngồi đứng dậy. Vị tỳ khưu trong sạch nên được mời chỗ ngồi. Không nên ngồi chung một chỗ ngồi với vị tỳ khưu trong sạch, không nên ngồi trên chỗ ngồi cao (khi vị kia) ngồi ở chỗ ngồi thấp, không nên ngồi trên chỗ ngồi (khi vị kia) ngồi ở trên nền đất, không nên đi kinh hành chung một đường kinh hành, không nên đi kinh hành ở đường kinh hành cao (trong khi vị kia) đi kinh hành ở đường kinh hành thấp, không nên đi kinh hành ở đường kinh hành (trong khi vị kia) đi kinh hành ở trên mặt đất.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hành parivāsa cùng với vị tỳ khưu hành parivāsa thâm niên hơn ―(như trên)― cùng với vị tỳ khưu xứng đáng việc đưa về lại (hình phạt) ban đầu ―(như trên)― cùng với vị tỳ khưu xứng đáng hình phạt mānatta―(như trên)― cùng với vị tỳ khưu thực hành mānatta―(như trên)― cùng với vị tỳ khưu xứng đáng sự giải tội không nên cư ngụ chung ở chỗ trú cùng một mái che, không nên cư ngụ chung ở nơi không phải là chỗ trú cùng một mái che, không nên cư ngụ chung ở chỗ trú hoặc nơi không phải là chỗ trú cùng một mái che, không nên ngồi chung một chỗ ngồi, không nên ngồi trên chỗ ngồi cao (khi vị kia) ngồi ở chỗ ngồi thấp, không nên ngồi trên chỗ ngồi (khi vị kia) ngồi ở trên nền đất, không nên đi kinh hành chung một đường kinh hành, không nên đi kinh hành ở đường kinh hành cao (trong khi vị kia) đi kinh hành ở đường kinh hành thấp, không nên đi kinh hành ở đường kinh hành (trong khi vị kia) đi kinh hành ở trên mặt đất.
Này các tỳ khưu, nếu (nhóm) có vị thứ tư là vị hành parivāsa mà ban cho hình phạtparivāsa, đưa về lại (hình phạt) ban đầu, ban cho hình phạt mānatta, có vị ấy là vị thứ hai mươi mà giải tội, (như thế) không phải là hành sự và không nên thực hành.”
Dứt chín mươi bốn phận sự của vị hành parivāsa.
Khi ấy, đại đức Upāli đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Upāli đã nói với đức Thế Tôn rằng: – “Bạch ngài, vị tỳ khưu hành parivāsa có bao nhiêu sự đứt đêm?” – “Này Upāli, vị tỳ khưu hành parivāsa có ba sự đứt đêm: sự cư ngụ chung (với các hạng tỳ khưu đã nêu trong phần phận sự ở trên), sự cư ngụ tách rời (chỉ có một mình), sự không trình báo (cho các tỳ khưu vãng lai, v.v…). Này Upāli, đây là ba sự đứt đêm của vị tỳ khưu hành parivāsa.”
Vào lúc bấy giờ, có hội chúng tỳ khưu đông đảo tụ hội tại Sāvatthi. Các tỳ khưu hành parivāsa không thể hoàn thành hình phạt parivāsa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép ngưng hình phạt parivāsa. Và này các tỳ khưu, nên ngưng như vầy: Vị tỳ khưu hành parivāsa nên đi đến một vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy: ‘Tôi ngưng hình phạt parivāsa.’ Hình phạt parivāsa đã được ngưng lại. ‘Tôi ngưng (thực hành) phận sự.’ Hình phạt parivāsađã được ngưng lại.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở Sāvatthi đã ra đi nơi này nơi nọ. Các tỳ khưu hành parivāsa có thể hoàn thành hình phạt parivāsa. Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ trì hình phạt parivāsa. Và này các tỳ khưu, nên thọ trì như vầy: Vị tỳ khưu hành parivāsa nên đi đến một vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy: ‘Tôi thọ trì hình phạt parivāsa.’ Hình phạt parivāsa đã được thọ trì. ‘Tôi thọ trì phận sự.’ Hình phạt parivāsa đã được thọ trì.”
Dứt phận sự của vị hành parivāsa.
*****
[1] Nghĩa là theo thứ tự thâm niên so với các tỳ khưu trong sạch (VinA. vi, 1160).
[2] Hai nền tảng của việc không đồng cộng trú: Tự bản thân thực hiện việc không đồng cộng trú cho bản thân, hoặc là hội chúng hợp nhất ban án treo vị ấy về việc không nhìn nhận tội, hoặc về việc không sửa chữa lỗi, hoặc về việc không từ bỏ tà kiến ác (Mahāvagga 2 – Đại Phẩm 2, TTPV 05, Chương X, trang 335).