Cuộc họp hằng năm Dhamma Giri, Ấn Độ Ngày 16, tháng Giêng, 1992 – Diễn văn bế mạc |
Tình hữu nghị Dhamma
Các con trai, con gái Dhamma thân mến của thầy,
Có rất nhiều việc đã được hoàn tất để giúp truyền bá Dhamma trong 21 năm qua. Không phải là ta không đánh giá cao điều này, nhưng công việc đã hoàn tất chỉ là bước rất nhỏ trong một cuộc hành trình rất dài. Một bước nhỏ nhoi đã được hoàn tất, nhưng là một bước rất quan trọng bởi vì nó đã đi theo đường lối đúng đắn trên con đường đúng đắn. Bây giờ thời điểm đã chín mùi và Dhamma chắc chắn sẽ được truyền bá. Nó đã bắt đầu được truyền bá. Mọi người nên cảm thấy rất may mắn có được cơ hội để tham dự vào việc truyền bá Dhamma để giúp người ta thoát khỏi khổ đau.
Công việc đang tiến triển. Sự phục vụ ngày càng trở nên cần thiết, và thật là tốt có nhiều người đã tham gia phục vụ. Nhưng trừ khi các con biết cách phục vụ chính mình, các con mới có thể phục vụ người khác. Một người bệnh hoạn khó có thể hỗ trợ một người ốm yếu khác. Một người bị mù không thể chỉ dẫn cho một người mù khác. Đức Phật nói rằng, “Ta đảm bảo sự giải thoát của quý vị, nhưng với một điều kiện, quý vị phải diệt trừ được ngã mạn.” Nếu ai đó đến phục vụ người khác và không làm gì để xóa bỏ bản ngã thì sự phục vụ là ở đâu? Nếu các con muốn giúp người khác thoát khỏi sự ràng buộc, thoát khỏi khổ đau mà các con không làm gì hết để giải thoát chính mình khỏi ràng buộc, khổ đau và không làm gì để diệt bản ngã của mình, thì chắc chắn sự phục vụ này không phải là phục vụ Dhamma. Các con phải làm cái ngã của mình tiêu tan. Có rất nhiều lĩnh vực khác để các con có thể có được những lợi lạc vật chất, nhưng trong Dhamma hãy bỏ qua một bên những lợi lạc vật chất. Đây không phải một nơi hay lãnh vực tìm kiếm tên tuổi, danh lợi, quyền lực hay là địa vị.
Đức Phật nói rằng có hai hạng người quý hiếm. Một là những người tự nguyện phục vụ, điều đó có nghĩa rằng không có ý nghĩ gì trong tâm họ ngoài sự phục vụ. Thay vào đó, một người như thế sẽ nghĩ rằng bahujana-hitāya,bahujana-sukhāya- sự phục vụ của tôi là để giúp người khác, càng ngày càng có nhiều người phải được có lợi ích từ việc phục vụ. Thứ hai là người cảm thấy biết ơn. Hãy phát triển hai phẩm chất này, chắc chắn các con đang tiến bộ trên con đường và xứng đáng phục vụ người khác trong ngôi nhà Dhamma.
Tổ chức đang lớn mạnh, nhưng khi lớn mạnh thì rất có thể những ý kiến khác nhau sẽ xảy ra, những sự xung khắc cá nhân có thể bắt đầu từ những ý kiến cá nhân. Ta phải hết sức cẩn thận, đây giống như một ngọn lửa – không nên để nó bắt đầu. Nhưng khi nó bắt đầu phải chắc rằng nó sẽ bị dập tắt ngay lập tức, không cho nó lan rộng. Hãy luôn luôn nhớ tới lời của Đức Phật:
Vivādaṃ bhayato disvā,
avivādañ ca khemato,
samaggā sakhilā hotha,
esā buddhānusāsanī
Thấy nguy hiểm trong tranh cãi,
yên ổn trong đồng thuận,
sống chung với tình hữu nghị
đây là lời dạy của Bậc Giác Ngộ.
Nếu các con tìm thấy lỗi của ai đó, phải chắc rằng các con sẽ tới và nói với người đó một cách khiêm nhường nhất, với tình thương và lòng trắc ẩn, “Tôi thấy hành động của bạn không phù hợp với Dhamma.” Hãy cố thuyết phục họ. Nếu không thể thuyết phục được thì cũng không nên sinh ra bức xúc và hãy tạo ra nhiều lòng trắc ẩn hơn. Hãy thử lại một lần nữa và nếu người này vẫn không hiểu thì hãy thông báo cho người trưởng thượng. Nếu điều này vẫn không thành công thì hãy để cho người trưởng thượng khác thử. Nếu vẫn không thành công thì hãy có lòng trắc ẩn cho người này.
Nếu các con sinh ra tức tối hoặc thù hận, làm sao các con có thể giúp người khác được? Các con không thể giúp chính các con. Hãy cẩn thận và nhớ rằng, vivadaṃ bhayato disvā – đây là một tình huống đáng sợ mà các con tạo ra bởi sự ghen ghét và giận dữ. Đây là một gia đình và một thành viên trong gia đình trở lên yếu đuối thì trách nhiệm của những người còn lại là giúp người này trở lên lành mạnh. Không nên kết án người đó và đuổi đi. Người này cần lòng trắc ẩn của chúng ta chứ không phải sự thù ghét.
Nếu chúng ta tiếp tục có thái độ này thì Dhamma sẽ ở với chúng ta, luôn luôn ở với chúng ta bởi vì chúng ta đã bắt đầu giúp chúng ta trước. Sẽ không có gì khác ngoài tình thương và lòng trắc ẩn. Đây phải trở thành một khuôn mẫu hay một chỉ đạo cho mọi người phục vụ Dhamma.
Bây giờ nói về sự nghiên cứu: Những lời lẽ của Đức Phật đã bị mất đi trong nhiều quốc gia và chúng ta nên cảm thấy biết ơn những quốc gia đã duy trì chúng trong sự tinh khiết ban sơ. Những lời dạy này của Đức Phật phải được lan truyền, ấn hành, xuất bản nhưng đó không phải mục đích chính của chúng ta. Mục đích chính của chúng ta là thực hành thiền. Nếu chúng ta mãn nguyện, hài lòng chỉ với việc đọc lời dạy của Đức Phật, nhưng không bước một bước nào trên con đường Ngài giảng dạy thì chúng ta sẽ làm hại chính mình. Phương diện lý thuyết của Dhamma và lời dạy của Đức Phật là để giúp và khuyến khích chúng ta, nhưng việc chính luôn luôn phải là bước trên con đường từng bước một. Hãy tận dụng những lời của Đức Phật, chúng chắc chắn sẽ khích lệ các con.
Thầy khuyên mọi thiền sinh Vipassana ít nhất hãy học tiếng Pāli căn bản, ngôn ngữ mà Đức Phật đã dùng. Thầy nói dựa trên kinh nghiệm của thầy. Những lời nói của các bậc giác ngộ rất là khích lệ với điều kiện các con tiếp tục hành thiền. Các con phải tự mình làm công việc tìm kiếm sự thật bên trong, nghiên cứu sự tương quan giữa thân và tâm bên trong. Làm sao, vì sự vô minh, ta tiếp tục phản ứng, và làm sao, với trí tuệ ta thoát khỏi chúng – đây là cách gíao huấn của Đức Phật có thể được dùng để giải thoát cho các con như thế nào.
Khổ đau ở khắp mọi nơi. Nguyện cho phương thuốc kỳ diệu này của Đức Phật sẽ giúp những người đau khổ thoát khỏi khổ đau. Nguyện cho ánh sáng Dhamma sẽ lan tỏa khắp thế giới, đẩy lui bóng tối của vô minh.
Bhavatu sabba mangalam