Tứ như ý túc
(Iddhipàda)

Ngài Ledi Sayadaw

 

Giờ đây Sư (Ngài Ledi Sayadaw) sẽ giản lược mô tả các iddhipàdas [1] (Như ý Túc), hay Căn Bản của sự Thành Công.

Iddhi

Danh từ iddhipàda được giải thích là: ijjhanam iddhi. Iddhi là sự kiện đã thành công, đã hoàn thành tròn đủ, hay đã hoàn tất viên mãn. [2]

Trong Giáo Huấn của Ðức Phật có năm iddhis. Ðó là:

  1. Abhinneyyesu dhammesu abhinnà-siddhi, [3]
  2. Parinneyyesu dhammesu parinnà-siddhi,
  3. Pahàtabbesu dhammesu pahàna-siddhi,
  4. Sacchikàtabbesu dhammesu sacchikiriya-siddhi,
  5. Bhàvetabbesu dhammesu bhànanà-siddhi.

 

  1. Viên mãn hoàn tất, hay thành công, trong sự đặc biệt thông hiểu những sự vật mà sự hiểu biết đặc biệt thâm sâu phải được thâu thập, những sự vật như rùpa (sắc pháp) nàma (danh pháp);
  2. Viên mãn hoàn tất, hay thành công, trong sự thông hiểu đầy đủ những điều mà sự hiểu biết đầy đủ phải thành tựu, những điều như dukkha sacca (Ðau Khổ, Chân Lý Thâm Diệu về Ðau Khổ);
  3. Viên mãn hoàn tất, hay thành công, trong nhiệm vụ diệt trừ những điều phải được diệt trừ, những điều như samudaya sacca (Nguyên Nhân Sanh Ðau Khổ, Chân Lý Thâm Diệu về Nguyên Nhân của Ðau Khổ);
  4. Viên mãn hoàn tất, hay thành công, trong nhiệm vụ chứng ngộ những điều phải được chứng ngộ, như nirodha sacca (Chấm Dứt Ðau Khổ, Chân Lý Thâm Diệu về sự Chấm Dứt Ðau Khổ);
  5. Viên mãn hoàn tất, hay thành công, trong nhiệm vụ trau dồi và phát triển, những việc như magga sacca (Con Ðường Chấm Dứt Ðau Khổ, Chân Lý về Con Ðường dẫn đến Chấm Dứt Ðau Khổ).

 

Ðó là năm thành công (iddhis) chánh yếu trong Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana).

Abhinnà-siddhi có nghĩa: viên mãn hoàn tất nhiệm vụ thông hiểu các paramattha dhammas (chân lý cùng tột, hay chân đế) mà trước kia, khi còn đứng ngoài Giáo Huấn của một vị Phật, mình không hiểu biết. Một cách rốt ráo, Abhinnà-siddhi là thông suốt Abhidhammattha Sangaha [4] (Vi Diệu Pháp Toát Yếu, sơ lược tất cả giáo lý chánh yếu của Tạng Luận).

Parinnà-siddhi có nghĩa: viên mãn hoàn thành nhiệm vụ hiểu biết đầy đủ dukkha sacca (Chân Lý Thâm Diệu về sự Khổ), hoặc qua sự thông suốt lakkhana (những đặc tướng), rasa (những cơ năng), paccupatthàna (những biểu hiện), và padatthàna (những nguyên nhân kế cận), hoặc qua sự thấu hiểu ba đặc tướng anicca (vô thường), dukkha (khổ) và anattà (vô ngã) của vạn pháp.

Pahàna-siddhi có nghĩa: viên mãn hoàn tất nhiệm vụ khắc phục, loại trừ (pahàna), tức tận diệt, các kilesas (ô nhiễm), vốn là sammudaya sacca (Chân Lý Thâm Diệu về Nguyên Nhân của Ðau Khổ). Trong sách này, vì điểm chánh yếu là thành đạt mức độ thấp nhất của bậc Tu-Ðà-Huờn (sotàpanna), tức “Bon-sin-san” sotàpanna, chớ không nhắm đến các tầng Thánh cao hơn, nên công trình viên mãn hoàn thành nhiệm vụ diệt trừ sakàya-ditthi (Thân Kiến) là pahàna-siddhi. Nhiệm vụ loại trừ vicikicchà (hoài nghi) nằm trong nhiệm vụ diệt trừ sakàya-ditthi (Thân Kiến).

Sacchikiriya-siddhi có nghĩa: viên mãn hoàn tất nhiệm vụ chứng ngộ nirodha-sacca (Chân Lý Thâm Diệu về sự Chấm Dứt Ðau Khổ) cả hai, về mặt tâm linh cũng như về phương diện thể chất.

Bhàvanà-siddhi có nghĩa: trau giồi ba sikkhàs (pháp Tu Học) về sìla (Giới), samàdhi (Ðịnh) và pannà (Tuệ) cho đến khi thành đạt lokuttara magga sacca (Thánh Ðạo dẫn đến Chấm Dứt Ðau Khổ).

Ðây cũng là viên mãn thành công bảy giai đoạn thanh lọc (Thanh Tịnh Ðạo) khởi đầu với Giới Tịnh và những phân hạng phụ, hợp thành nhiều loại iddhi, trong ý nghĩa nhiều loại khả năng trong phạm vi của nó.

 

Iddhipàda

Danh từ được giải thích là: iddhiyà pàdo iddhipàdo, tức là căn cội hay nền tảng để viên mãn hoàn tất hay để tiến đến mức toàn hảo (thành công hay khả năng) [5]

Có bốn loại iddhipàdas (Như ý Túc). Ðó là:

  1. Chandiddhipàdo (chanda, dục như ý túc)
  2. Viriyiddhipàdo (viriya, tấn như ý túc)
  3. Cittiddhipàdo (citta, tâm như ý túc)
  4. Vimamsiddhipàdo (vimamsa hay pannà, trạch pháp, hay tuệ như ý túc).

 

Chanda có nghĩa (nhiệt tâm), nóng lòng mong muốn được có, hết lòng muốn thành đạt, muốn tiến đến, muốn hoàn tất viên mãn, muốn thành tựu. Ý muốn ở đây là cực kỳ mong muốn, ý muốn ở mức cao độ. Không có bất luận chi, bên trong hay bên ngoài cá nhân ta có thể cản ngăn lòng ham muốn ấy. Ðây là loại ham muốn đưa đến ý nghĩ, “Nếu không thành đạt điều này trong kiếp sống hiện tại ắt ta không thể an tâm. Thà chết còn hơn sống mà không làm được như ý nguyện.”

Ðây là loại mong muốn mà vào thời Ðức Phật Kassapa [6], Vua Dhammasonda [7] xứ Benares hằng ôm ấp dưỡng nuôi trong lòng khi Ðức vua tự nghĩ, “Làm vua như ta đây có ích gì nếu không nghe được một thời Pháp của Ðức Phật Kassapa?” Rồi Ngài từ bỏ ngai vàng, ra đi, quyết lòng tìm một người có thể lặp lại cho mình nghe một thời Pháp của Ðức Phật Kassapa, bất luận dài hay ngắn thế nào, dầu chỉ vỏn vẹn một câu kệ cũng được.

Một nguyện vọng thiết tha như vậy có thể dịu bớt nếu được thỏa mãn như trường hợp vua Bimbisàra [8], Bà Visàkhà, và Trưởng Giả Anàthapindika [9]. Chỉ đến khi nhoáng thấy dấu hiệu mơ hồ rằng điều mong muốn có thể thành đạt nhưng không hoàn toàn viên mãn, rằng tâm trở nên bấn loạn và có ý nghĩ phát sanh rằng thà chết còn hơn sống mà không thỏa mãn được nguyện vọng.

Cũng có những thí dụ tương tự như trường hợp Vua Temiya [10], Vua Hatthipàla [11], những vì vua, những vương hầu quý phái và những trưởng giả giàu sang thời Ðức Phật đã từ bỏ đền đài cung điện, xa lìa đoàn tùy tùng hầu cận và cuộc sống xa hoa trên nhung lụa để sống đời tỳ khưu (bhikkhu) trong Giáo Huấn của Ðức Phật.

Viriya, tinh tấn, hay tấn như ý túc, có nghĩa sammappadhàna viriya, chánh cần, cùng chung với bốn đặc tánh của nó [12]. Người có đức hạnh chuyên cần như vậy tự thấm nhuần ý nghĩ rằng mục tiêu có thể thành tựu nếu mình tận lực cố gắng. Người ấy không rủn chí dầu có ai bảo rằng mình sẽ trải qua trăm ngàn khó khăn khổ nhọc. Ngưòi ấy không sờn lòng dầu thật sự gặp những hoàn cảnh cực kỳ gian lao kham khổ. Người ấy không thối chí dầu nghe nói rằng mình phải gia công tinh tấn trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Người ấy không nản lòng dầu thật sự gia công tinh tấn chuyên cần suốt thời gian lâu dài như thế ấy.

Những người mà hạnh tinh tấn còn yếu kém suy nhược thụt lùi trước nhiệm vụ khi chạm trán với những khó khăn cần phải tinh tấn chuyên cần. Họ thối lui khi nghe nói phải xa lìa bạn bè thân thuộc. Họ rụt rè e ngại trước viễn cảnh cần phải ăn uống đạm bạc, ngủ nghỉ phải tiết độ. Họ lùi bước trước viễn ảnh phải thực hành thiền tập lâu dài.

Tâm (citta), tâm như ý túc, có nghĩa bám chặt vào những iddhis, thành công, khi gặp Giáo Huấn (Sàsana) và nghe Giáo Pháp. Ðây là sự bám níu cực kỳ nhiệt thành và dõng mãnh.

Mặc dầu sống giữa những gì tốt đẹp và xa hoa của thế gian, giữa những quyền thế, tiền của và phước báu dồi dào, giữa những kinh sách quý báu và hết lòng nghiên cứu học hỏi, ta không mãi mê chìm đắm trong đó mà lúc nào cũng hướng tâm về những iddhis, như ý túc. Ta chỉ toại nguyện và an lòng khi gom tâm chăm chú vào những vấn đề liên quan đến iddhis, như ý túc. Cũng như nhà luyện kim tỉ mỉ chú tâm vào, và chỉ để ý đến, trạng thái biến chất của vàng hay bạc, mà không nghĩ đến gì khác, quên cả ăn uống ngủ nghỉ, không hay biết đến bất luận gì khi đi ra ngoài. Tâm, citta, lúc nào cũng miệt mài chăm chú vào bản chất iddhis.

Vimamsà (trạch pháp) có nghĩa: sáng suốt hiểu biết rõ ràng, nhận chân tầm quan trọng của những khổ đau trong cảnh địa ngục, và những hoàn cảnh bất hạnh triền miên trải dài theo vòng quanh những kiếp sinh tồn của vòng luân hồi. Ðó là sự hiểu biết có thể nhận thấy lợi ích đặc thù của iddhis, như ý túc. Ðó là sự hiểu biết có thể tiềm ẩn và sâu kín nằm trong những pháp khó hiểu, và trong bản chất của những pháp (dhammas) khó thấu ấy. Một người đã có nhiều hiểu biết như thế không còn tìm vui thích trong cuộc rượt bắt những lạc thú trần tục, ngoại trừ chạy theo những iddhis, như ý túc. Người ấy chỉ mãn nguyện khi nắm vững những iddhis, như ý túc, uyên thâm và sâu thẳm. Giáo Pháp càng thâm sâu, nguyện vọng thành đạt Giáo Pháp càng nhiệt thành và mạnh mẽ.

Người có một trong bốn như ý túc, tức bốn Căn Bản của Sự Thành Công (iddhipàda) không thể còn chấp nhận hay ngụy biện rằng trong kiếp sống hiện tại này mình không thể gia công chuyên cần tinh tấn nhằm vững chắc kiên cố trong pháp Niệm Thân (kàyagatà-sati) và trong những mức độ cao hơn của Giáo Huấn (sàsana) như bảy giai đoạn thanh lọc tâm (Thanh Tịnh Ðạo, visuddhi). Chỉ có những người không bao giờ có “căn bản” nào trong Bốn Căn Bản của sự Thành Công (Tứ Như ý Túc) và không thể nhìn thấy sự khác biệt giữa trạng thái nông cạn và trạng thái uyên thâm của đời sống, không thể phân biệt lớp bề mặt bên ngoài và những gì thâm sâu huyền diệu nằm bên trong giáo pháp (dhamma), chỉ có những người ấy mới chấp nhận và ngụy biện rằng mình không thể chuyên cần cố gắng và đành sống dể duôi hờ hửng.

Người đã có một trong bốn Như ý Túc (iddhipàdas), có thể thành đạt thêm những Như ý Túc còn lại — tùy theo số lượng ba-la-mật đã được tích trữ — cho đến khi tiến đạt đến những lokuttara iddhi, Như ý Túc Siêu Thế, hoặc trong kiếp này hoặc trong kiếp kế sau ở một cảnh trời. Trường hợp của những vị có hai, hay ba, hoặc bốn Như ý Túc thì không cần phải bàn thảo dong dài thêm nữa.

Trường hợp những người không có “căn bản nào của sự thành công” nên cố gắng thành đạt một trong Tứ Như ý Túc (iddhipàdas). Những vị này nên chỉ chấp nhận và ngụy biện rằng mình không thể làm được bởi vì mình không có ý muốn thành đạt những lợi ích cao siêu của Giáo Huấn (sàsana), như Tứ Niệm Xứ (satipatthàna). Những vị ấy nên xem sự chấp nhận không thể làm được ấy là con đường xa lộ đưa ngay vào bốn cảnh khổ (Apàya-loka). Như vậy, các vị này nên học hỏi, nghiên cứu, và nghiền ngẫm suy gẫm những lời dạy trong Kinh sách [13] làm phát sanh ý muốn chân thành, lòng thúc dục (chanda). Những vị này nên đến gần một vị thầy có thể khơi động, làm phát sanh nhiệt tâm của mình và nương tựa nơi vị thầy ấy.

Do đó Đức Phật dạy:

Chandiddhipàdam bhàveti, Viriyiddhipàdam bhàveti, Cittiddhipàdam bhàveti, Vìmamsiddhipàdam bhàveti.

Vị ấy trau giồi lòng nhiệt thành, tinh tấn, tâm và trạch pháp như Căn Bản của sự Thành Công (Như ý Túc).

Vài người, chưa có “như ý” (iddhi) nào mà không cố gắng thành đạt “Như ý Túc” (iddhipàda). Nếu không nóng lòng mong muốn (chanda), ắt họ không biết rằng cần phải có tâm nhiệt thành mong muốn như vậy. Họ là những người chấp nhận và ngụy biện là mình chịu thua, không làm được. Trường hợp tinh tấn, tâm, và trạch pháp (viriya, citta, và vimamsà) cũng dường thế ấy.

Vững chắc gom tâm vào pháp kàyagatàsati, niệm thân, có nghĩa là kiên cố pàda, đặt nền tảng. Nghiên cứu học hỏi những tích chuyện đề cập đến tình trạng khẩn cấp samvega [14] phải nghiêm túc khép mình vào kỷ cương những giới luật của người đạo sĩ ẩn dật (dhutanga, hạnh đầu đà) và những pháp hành tương tự, là kiên cố tinh tấn (viriya). Vững chắc đi sâu vào những vấn đề thâm sâu của Giáo Pháp, như Tứ Ðại (mahà-bhùta: đất, nước, lửa, gió) là kiên cố trong vimamsà, trạch pháp.

Nếu thành đạt một trong bốn Căn Bản của sự Thành Công, Như ý Túc, ắt có thể chắc rằng những iddhis [15], Như ý tương đương sẽ được thành tựu, tùy theo pàrami, ba-la-mật của mình tích trữ. Vì lẽ ấy Chú Giải nói rằng người không có “căn bản của sự thành công” (Như ý Túc) giống như con của hạng Candàla [16], trong khi người có những Như ý Túc như con của vị Hoàng Ðế. Con của hạng Candàla ắt không bao giờ có triển vọng trở nên hoàng đế bởi vì không có “căn bản” (pàda) để thành đạt trạng thái “Con của Hoàng Ðế”. Nhưng Con của một vị Hoàng Ðế thì lúc nào cũng dưỡng nuôi hy vọng trở nên Hoàng Ðế bởi vì đã có sẵn “căn bản” để trở thành.

Do đó, người khôn ngoan sáng suốt ngày nay phải tận lực thành đạt Tứ Như ý Túc, Iddhipàda, bốn căn bản của sự thành công, nhằm loại trừ lãnh vực rộng lớn của Thân Kiến (sakkàya ditthi) và thành tựu — trong Giáo Huấn (Sàsana) của vị Phật hiện tại — những lợi ích cao thượng nhất có thể được thành tựu, tùy ba-la-mật của mình.

 

Ghi chú:

[1] Theo Buddhist Dictionary của Ngài Nyanatiloka (được người dịch tóm lược), iddhi là “Năng Lực Thần Thông”, “Thần Lực”. Ariyà-iddhi là khả năng kiểm soát ý nghĩ của mình như thế nào để có thể giữ tâm luôn luôn bình thản, không chao động. Iddhi-pàda, “Ðường Ðến Thần Lực” hay “Con Ðường Hướng Ðến Thành Công”, là bốn phẩm hạnh hợp thành Con Ðường dẫn đến Ðạo và Quả, gọi là Tứ Như ý Túc, cũng được gọi Tứ Thần Túc.

[2] Xem thêm “The Path of Purification” (Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Ðạo), do Ðại Ðức Nànamoli chuyển dịch (ấn bản thứ nhì, Colombo 1964), chương XII, & 20-22, 44. Nơi đây được thấy danh từ iddhiiddhipàda không chỉ đề cập đến các năng lực thần thông như đôi khi được giả thuyết. Trong đoạn văn này iddhi có nghĩa là thực hành Giáo Pháp một cách “thành công”, và có bốn trường hợp thành công như thế (Tứ Như ý Túc). Trong phần đầu của chương này người dịch (Sein Nyo Tun) chuyển ngữ iddhi là “sự hoàn thành”. Nhằm thích hợp với thuật ngữ hơn, danh từ “thành công” đã được chọn. Tự điển PTS gợi ý dùng danh từ “có khả năng vững vàng”. (Chủ Biên)

[3] siddhi đồng nghĩa với iddhi,

[4] Xem chú thích trong Chương III.

[5] Xem “The Path of Purification”, chương XII, 50-53; XXII, 36.

[6] Vị Phật trước Phật Gotama (Thích Ca)

[7] Rasavàhini (Jambudipuppatti-kathà)

[8] Xem chú giải Kinh Tirokudda Sutta, trong “Minor Readings” (Kuddakapatha) do Ð.Ð. Nànamoli dịch (PTS), trang 223ff.

[9] Xem Chú Giải Kinh Pháp Cú, tích chuyện liên quan đến câu 1,

[10] Túc Sanh Truyện Mùgapakkha.

[11] Túc Sanh Truyện Hatthipàla.

[12] Xem Chương II.

[13] Những lời dạy trong Kinh sách = suttanta discourse.

[14] Samvega là khuấy động tâm, do công trình quán niệm các hiểm họa và khổ nhọc của Samsàra, vòng luân hồi.

[15] Tức là một trong năm iddhis hay siddhis được đề cập đến ở phần đầu chương này.

[16] Candàla — vào thời xưa ở Ấn Ðộ, chăn-đà-la (thủ-đà-la) là hạng người thấp kém nhất trong xã hội.

 

-ooOoo-

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *