Chương Bốn – Những Đặc Trưng Của Phương Pháp U Ba Khin 

-ooOoo-

 

“Ðể tiến bộ trong việc suy niệm thiền Vipassāna, thiền sinh phải ý thức về anicca (vô thường) liên tục bao lâu mà mình có thể. Ðức Phật đã khuyên dạy các tì kheo phải cố gắng luôn ý thức về anicca (vô thường), dukkha (khổ não) hay anatta (vô ngã) trong mọi tư thế của các thầy… Ý thức liên tục về vô thường, khổ não và vô ngã, chính là bí quyết thành công. 

Những lời cuối cùng của Ðức Phật trước khi trút hơi thở cuối cùng và ra đi vào cõi Vô Dư Niết Bàn- Maha Parinibbana là: “Vô thường là bản chất nội tại của mọi sự vật. Hãy chuyên tâm thực hành để được giải thoát.” 

Ðây chính là cốt tủy của mọi lời dạy của ngài trong 45 năm giảng dạy. Nếu bạn liên tục giữ được ý thức về tính vô thường nội tại trong mọi sự vật, chắc chắn rằng với thời gian bạn sẽ đạt được mục tiêu.” — Sayagyi U Ba Khin

U Ba Khin đã phát triển một phương pháp trực tiếp để hành thiền quán – Vipassāna, giúp người ta có thể nắm bắt được nó trong một thời gian luyện tập ngắn và từ đó tiếp tục thực hành nó trong cuộc đời của một người thế tục. Phương pháp của ông có tầm quan trọng lớn trong việc truyền bá chánh pháp- Dhamma ở phương Tây, vì trong hai mươi năm giảng dạy tại trung tâm của ông, ông đã giảng dạy cho hàng ngàn người nước ngoài để họ nắm bắt trực tiếp việc thực hành sâu xa này mà không cần có hiểu biết trước về Phật giáo. Từ khi U Ba Khin qua đời năm 1971, một số các học trò nhiệt thành nhất của ông đã tiếp nối công trình của ông, cả ở Myanma lẫn ở nước ngoài.

Ðâu là mục đích của Thiền quán, sự suy niệm để đạt sự quán triệt thâm sâu này? Nó có gì khác biệt đối với một người dành cả đời mình để chỉ chuyên lo thực hành nó, và đối với một người có những trách nhiệm xã hội và gia đình không? Hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất thì không có khác biệt. Mục đích là chấm dứt đau khổ. Mục tiêu của việc thực hành này là cảm nghiệm được sự “bình an Niết bàn trong tâm hồn,” như U Ba Khin diễn tả. Nhưng những lợi ích nó đem đến cũng ảnh hưởng tới đời sống hằng ngày, tới những đau đớn do sự dằn vặt nội tâm, và tới những mối lo âu sợ hãi phát sinh do những căng thẳng của đời sống hiện đại. Khả năng sống thực sự giây phút hiện tại của mình một cách hòa hợp, khả năng thể hiện tình yêu thương nhân hậu, khả năng chu toàn các bổn phận hằng ngày của mình một cách thanh thản không vương vấn sự sân hận, tham dục hay ưu tư, là những điều mà cả các tu sĩ lẫn người thế tục đều có thể đạt được.

U Ba Khin nhận thấy rằng, khác với các tu sĩ, các học trò của ông có nhiều giới hạn thực tế và có ít thời giờ dành cho việc hành thiền. Hơn nữa, họ phải sống trong thế gian và có những mối tương tác với xã hội, bị chi phối nhiều bởi môi trường bên ngoài chứ không được che chở như trong những bức tường của một tu viện. Những điều kiện sống này thường gây cản trở cho nếp sống đạo đức đúng đắn và sự tập trung tốt, là những điều kiện tiên quyết để có thể đạt sự quán thông. Vì những lí do đó, ông cống hiến cho họ một phương pháp giúp họ có thể khắc phục những sức ép này. Trong một thời gian ngắn chỉ chừng mười ngày, nhiều thiền sinh của ông đã có thể cảm nghiệm ít là một thoáng thực tại nội tâm và có thể tiếp tục kéo dài cảm nghiệm này nếu sau khi rời trung tâm họ dành mỗi ngày hai giờ để suy niệm. 

Vì hiểu rằng việc thực hành giới đức- sìla là điều cơ bản, nên ông luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân giữ năm giới luật mà Ðức Phật đã truyền dạy người thế tục: không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không nghiện ngập.

Ðặt nền tảng trên việc thực hành giới luật, phương pháp này có ba tính chất đặc biệt: 

Trước hết là sự phát triển một mức độ tập trung nào đó. Về điểm này U Ba Khin đã viết: 

Thiền định – Samadhi là một cách tập luyện cho tâm của mình trở nên thư thái, trong sạch và mạnh mẽ, và vì vậy nó là cốt tuỷ của đời sống tu trì, dù là của người theo đạo Phật, Do thái, Kitô, Ấn, Hồi, hay Sikh. Thực vậy, nó là mẫu số chung lớn nhất cho mọi tôn giáo. Nếu người ta không thanh tẩy cái tâm của mình khỏi những điều ô uế (nivarana) và đưa nó đến trạng thái trong sạch, thì không thể nào hợp nhất được với Phạm thiên – Brahma. Tuy mỗi tôn giáo sử dụng những phương pháp khác nhau, nhưng mục tiêu phát triển tâm vẫn chỉ là một, đó là đạt được tình trạng thanh thản của thân thể và tâm hồn.

Thiền sinh ở trung tâm [Vipassāna] được giúp đỡ để phát triển khả năng tập trung đơn nhất bằng cách luyện tập để tập trung chú ý vào một điểm ở môi trên sát cửa mũi, để ý sự đồng bộ của nhịp thở trong sự im lặng ý thức về nhịp hít vào và thở ra… Trong phương pháp niệm hơi thở anapana được áp dụng tại trung tâm, có một lợi điểm lớn là việc hít thở không chỉ tự nhiên, mà còn luôn luôn có sẵn để duy trì sự tập trung chú ý của mình và loại trừ mọi tư tưởng nào khác. Với một quyết tâm hạn chế dần những làn tư tưởng trước tiên vào vùng quanh mũi với việc niệm hơi thở, và dần dần với tần số của nhịp thở ngày càng ngắn hơn, vào một điểm ở môi trên với chỉ có hơi nóng của hơi thở mà thôi, thì chắc chắn một thiền sinh suy niệm giỏi có thể bảo đảm đạt tình trạng tập trung đơn nhất chỉ trong một ít ngày luyện tập.

Thiền sinh cần phải phát triển khả năng tập trung trong một thời gian ngắn, để có thể có một mức độ khả dĩ về năng lực đi sâu vào kinh nghiệm đầy đủ, thay vì chỉ hiểu biết chân lí nội tại bằng lí trí mà thôi. Phương pháp này khác với phương pháp truyền thống trong tu viện, theo đó thiền sinh phải phát triển một sự tập trung tinh vi và cao độ. Người hành thiền ngoài đời có ít thời giờ và sự cô tịch hoàn toàn để đạt được mức độ tập trung – samàdhi cao như thế. Nhưng đồng thời U Ba Khin không hài lòng với việc thực hành tập trung tối thiểu này. Ông còn muốn đạt một mức độ tập trung đủ để thực hành trong lãnh vực tuệ giác sâu xa.

Ðặc trưng thứ hai của phương pháp U Ba Khin là nhấn mạnh vào anicca — vô thường. Ðức Phật dạy rằng mọi kinh nghiệm, mọi hiện tượng trần thế, đều có ba đặc tính: vô thường, khổ não và vô ngã. Khi luyện tập sự tập trung và chỉ quan sát những hiện tượng tự nhiên, phải chú ý tập trung vào ba đặc tính này của thực tại. Việc thực hành này sẽ dẫn tới sự khử trừ những tin tưởng sai lạc và những sự ràng buộc làm người ta trở nên yếu đuối. U Ba Khin dạy rằng cách trực tiếp nhất để hiểu những đặc tính cốt yếu này là qua việc ý thức về vô thường . Ông khẳng định rằng vô thường là đặc tính dễ thấy và dễ hiểu nhất trong ba đặc tính, và việc nhận thức được vô thường sẽ tự động dẫn tới việc nhận thức được hai đặc tính kia.

Mục tiêu thực sự của phương pháp mà U Ba Khin dùng để giảng dạy cách hành thiền Vipassāna là việc quan sát liên tục những hiện tượng vật lí thay đổi nhất thời nơi cơ thể — quan sát có hệ thống những cảm giác thể lí. Như Ðức Phật đã nhấn mạnh nhiều lần trong kinh Mahasattipatthana Sutta (Ðại Niệm Xứ), thực tại vi tế của sự sinh-diệt (samudayavaya) có mặt trong mọi khía cạnh của hiện tượng thân- tâm. Quá trình này mạnh và dễ nhận ra nơi những cảm giác của cơ thể. Ông khuyến khích các thiền sinh tập trung chú ý vào những cảm giác này để trở nên nhạy cảm đối với quá trình biến đổi mà họ có thể quan sát trong kinh nghiệm cảm giác về nóng, lạnh, đau, áp lực, v.v… Ông dạy các thiền sinh chỉ cần quan sát bản chất hay thay đổi của các hiện tượng nơi thân thể. Ông luôn luôn nhắc nhở rằng việc thực hành liên tục sẽ mang lại những kết quả thực tiễn và thiêng liêng. Ông khẳng định rằng một người thế tục cũng có thể thực sự cảm nghiệm những kết quả của Níp bàn-nibbàna ngay ở đời này. Và ông khuyến khích người ta không nên chỉ hài lòng với việc thực hành hình thức bề ngoài hay với việc đọc những sách viết về những điều này.

Như S.N. Goenka, học trò của ông diễn tả, việc hành thiền cũng là một “nghệ thuật sống.” U Ba Khin rất xác tín về sức mạnh của phương pháp là thanh luyện tâm, nên ông đã mạnh mẽ cổ võ mọi nhân viên trong văn phòng Kế toán trưởng của ông hãy dự một khóa thiền do ông hướng dẫn. Vì mục đích này, ông đã dành riêng một khu trong văn phòng của ông để hành thiền. Ðôi khi trong những cuộc hội họp đầy rối loạn của các viên chức chính phủ, thường gồm những người có những ý kiến tranh chấp, trong những cuộc thảo luận nóng bỏng nhất, U Ba Khin thường đứng lên rồi đứng yên chăm chú nhìn ra cửa sổ trong một lúc. Rồi ông quay trở lại bàn hội họp. Ðồng nghiệp của ông nghĩ ông đang nhìn ra thế giới bên ngoài, nhưng U Ba Khin giải thích cho những người ngồi gần ông rằng ông đang nghỉ một lát để nhìn vào trong tâm của mình, để tái lập lại sự tập trung ý thức để có thể đối diện tốt hơn với những vấn đề đang thảo luận.

Ðặc trưng thứ ba của phương pháp U Ba Khin là mức độ hành thiền tập trung trong những quãng thời gian ngắn mười ngày để tạo sự tập trung hoàn toàn của những người có ít thời giờ và phải trở lại ngay với trăm công nghìn việc của cuộc sống hằng ngày. Vì lí do đó, U Ba Khin luôn luôn nhấn mạnh cho các thiền sinh về những khía cạnh thực hành và cụ thể của việc hành thiền, đồng thời giảm thiểu tối đa những cắt nghĩa về lí thuyết và giáo lí. Ðối với ông, điều quan trọng là sống với Dhamma- giáo pháp — qui luật tự nhiên điều hành vũ trụ — qua kinh nghiệm bản thân của mỗi người trong việc áp dụng một phương pháp trực tiếp và tập trung.

Tóm tắt đại cương phương pháp này, nó bao gồm việc thực hành nếp sống đạo đức, rồi tập trung tâm trí, bắt đầu bằng việc niệm hơi thở, rồi hướng sự tập trung tới các phần khác nhau của cơ thể, di chuyển một cách có hệ thống trên khắp cơ thể để phát triển một sự ý thức ngày càng đầy đủ và tinh tế về mọi cảm giác phát sinh nơi cơ thể. Mục tiêu là nhận thức ngày càng rõ rệt hơn mọi cảm giác khi chúng bộc lộ ra, bất luận cảm giác ấy là gì, và nhờ sự nhận thức này để phát triển một ý thức ngày càng đầy đủ và sâu xa về quá trình sinh diệt của các hiện tượng của tâm và thân mà các cảm giác bộc lộ ra. Ðây là sự quan sát thân và các cảm giác, thực sự là hai lãnh vực đầu tiên mà ý thức phải tập trung vào, như được mô tả trong một bài thuyết giảng cơ bản của Ðức Phật, kinh Maha satipatthàna Sutta ( Kinh Ðại Niệm Xứ).

Hai lãnh vực khác (quan sát tâm và tưởng) chỉ được thực hành trong phương pháp này khi cần phải duy trì sự liên tục của ý thức: mọi tư tưởng, cảm xúc, v.v… phát sinh trong quá trình niệm thân và niệm thọ sẽ được nhận ra khi chúng xuất hiện, nhưng chú ý luôn luôn tập trung vào những cảm thọ của thân thể, vì chính nhờ nhận thức rõ ràng về chúng và về bản tính vô thường của chúng mà ta đạt được sự thanh luyện tâm. Như Ðức Phật đã nói: “Trong thân thể sâu thẳm chứa đựng tâm và tưởng này, ta khám phá ra vũ trụ, nguồn gốc của nó, kết thúc của nó, và cách thức dẫn tới sự kết thúc của nó” (Tăng Chi Bộ Kinh, kinh Catukkanipata 5.5, Rohitassa).

Dần dần, khi tri giác về các tiến trình cảm giác trở thành tinh tế và chính xác hơn, sẽ có sự gia tăng ý thức về tính hay thay đổi và bản chất mau qua của nó. Ðây chính là kinh nghiệm về vô thường, về tính thay đổi cơ bản của mọi sự vật đang tồn tại. Theo thuật ngữ của U Ba Khin, kinh nghiệm này được mô tả là “sự kích hoạt vô thường.”. Sự kích hoạt, sự ý thức này về tính vô thường ở bình diện kinh nghiệm trực tiếp — lớn mạnh dần dần và lan truyền khắp cơ thể, trong và ngoài — tẩy sạch tâm khỏi những dục vọng, tham ái, sân hận, lo âu, sợ hãi, và căng thẳng, đồng thời cải tạo lại những khuôn mẫu thói quen cũ của tâm. Ích lợi của nó cũng lan rộng tới thân, thường làm bớt đi những rối loạn và những bệnh tật thể lí và tâm lí.

Ðiều thực sự xảy ra chỉ có thể mô tả một cách tương đối. Dần dần, khi người hành thiền thấm nhập sâu hơn vào bản chất thực của các hiện tượng nhờ sự ý thức rõ ràng về thường — nghĩa là, nhờ một sự nhận biết trực tiếp về tính vô thường — thì lúc đó sẽ phát sinh một tâm thái khác, một yếu tố của kinh nghiệm thư thái có tác dụng tẩy trừ tham dục, sân hận, lo âu, sợ hãi. Hậu quả là những sự lôi cuốn hay chán ghét vốn gây đau khổ cho chúng ta sẽ còn ảnh hưởng đến chúng ta nữa, và sự gắn bó vào cái mà chúng ta tưởng lầm là bản ngã thường hằng của chúng ta cũng bớt đi. Như lời U Ba Khin diễn tả:

Cũng giống như nhiên liệu càng đốt càng cạn đi, những sức mạnh tiêu cực (những phiền não hay sự ô uế) bên trong chúng ta bị loại dần nhờ yếu tố Níp bàn- nibbana dhatu, là cái chúng ta làm phát sinh với ý thức thực sự về vô thường trong khi chúng ta hành thiền.

Khi được phát triển đúng mức, kinh nghiệm vô thường đánh vào gốc rễ những sự yếu đuối thể lí và tâm lí của người ta và loại bỏ dần dần những điều xấu bên trong, nghĩa là những nguyên nhân của các sự yếu đuối thể lí và tâm lí đó. Kinh nghiệm này không chỉ dành cho những người xuất gia. Nó cũng dành cho cả người thế tục. Mặc dù có những cản trở làm cho người thế tục bị xáo động trong những ngày này, nhưng một thiền sư hay người hướng dẫn hành thiền giàu kinh nghiệm có thể giúp một thiền sinh đạt kinh nghiệm hiểu thấu vô thường trong một thời gian tương đối ngắn. Một khi đã hiểu thấu được nó rồi, điều còn lại là người ấy cần phải lo duy trì nó…

Ðể phát triển nó xa hơn, điều cốt yếu là, sau khi đã hoàn thành một khóa học, người hành thiền phải tự mình thực hành một cách đều đặn. Tuy nhiên, U Ba Khin là một con người rất thực tế, nên ông không đòi hỏi nơi con người bình thường, bận bịu trong cuộc sống phải làm điều không thể:

Không cần thiết phải…thấu hiểu kinh nghiệm vô thường mọi lúc. Chỉ cần nó được thực hành với những nhịp độ đều đặn, bằng cách dành riêng những khoảng thời gian ngắn ban ngày hay ban đêm cho việc hành thiền này. Ít là trong thời gian này, phải cố gắng định tâm vào bên trong cơ thể, và chỉ ý thức về vô thường mà thôi. Nghĩa là…ý thức về thường phải liên tục từ lúc này qua lúc khác để không cho phép có những tư tưởng viển vông và lan man xen vào, vì chúng chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho bước tiến bộ.

Và với một thẩm quyền vững chắc nhờ kinh nghiệm của mình, U Ba Khin thường nói:

“Chúng ta không một chút nghi ngờ rằng những kết quả chắc chắn sẽ đến với những ai thành tâm và mở lòng để tham dự một khóa huấn luyện dưới sự hướng dẫn của một thiền sư kinh nghiệm — tôi muốn nói, những kết quả được nhìn nhận là tốt, cụ thể, sống động, cá nhân, thực tế — để giúp họ tiến bước vững vàng và sống trong tình trạng an vui hạnh phúc cho suốt cuộc đời còn lại của họ.”

Ở chương cuối sách này, sẽ có một bài mô tả thực hành vắn tắt những khóa học thiền mười ngày “theo truyền thống U Ba Khin.”

 

-ooOoo-

 

Bài viết trích từ cuốn Vipassana – Tiếng Chuông Vượt Thời Gian (The Clock of Vipassana Has Struck)  – Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin (Tỳ Kheo Thiện Minh dịch).

 

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH THIỀN QUÁN – TIẾNG CHUÔNG VƯỢT THỜI GIAN

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *