Chương Hai – Dẫn Nhập Vào Thiền Quán

 

-ooOoo-

 

“Thường người ta tin rằng một người có khả năng tập trung cao độ và có thể bảo đảm thế quân bình tâm trí hoàn hảo theo ý muốn thì có thể đạt những kết quả tốt hơn một người không có khả năng như thế. Vì vậy, tất nhiên có rất nhiều lợi ích cho bất cứ ai theo đuổi thành công một khóa huấn luyện về thiền, dù người ấy là một tu sĩ, nhà quản trị, nhà chính trị, nhà kinh doanh hay một sinh viên. Một tâm trí quân bình là cần để tạo sự quân bình cho những tâm trí thiếu quân bình của người khác.” — Sayagyi U Ba Khin

Trước khi tìm hiểu bối cảnh lịch sử và tầm quan trọng của phương pháp này và các bút tích của U Ba Khin trong việc phổ biến nó, trước tiên chúng ta cần trình bày những nét đặc trưng và những mục tiêu chính của Thiền Quán, không chỉ cho những người mới nghe nói đến nó lần đầu, mà cả cho những người hành thiền, để có thể lợi dụng cơ hội này hầu đào sâu sự hiểu biết của mình. Cách thích hợp nhất để dẫn nhập vào đề tài này là sử dụng hai bài thuyết giảng ngắn gọn và rõ ràng của bậc thầy nổi tiếng thế giới S.N. Goenka, người đã góp phần rất lớn cho việc truyền bá phương pháp này trên khắp thế giới. Những bài thuyết giảng này nhấn mạnh hai nét đặc trưng đặc biệt quan trọng đối với Sayagyi: 1) tính thực tiễn và hữu dụng của phương pháp để giúp người ta thoát khỏi đau khổ; và 2) tính phổ quát của việc thực hành phương pháp này.

 

—o0o—

 

Nghệ Thuật Sống

Bài thuyết giảng dưới đây do S.N. Goenka đọc trước công chúng tại Berne, Switzerland, ngày 16 tháng 7năm 1980.

Mọi người đều tìm kiếm sự bình an và hòa hợp, vì đó là những điều chúng ta thiếu trong cuộc sống. Thỉnh thoảng chúng ta cảm nghiệm nơi mình những xáo động, tức giận, bất hòa, đau khổ; và khi chúng ta bị đau khổ vì xáo động, chúng ta không giữ yên sự đau khổ đó nơi mình. Nhưng chúng ta đem phân phát nó cho những người khác nữa. Sự xáo động thấm nhập cả bầu khí chung quanh con người đang đau khổ. Bất cứ ai đến tiếp xúc với người ấy cũng trở nên xáo động, tức giận. Chắc chắn đó không phải là cách đúng đắn để sống. Chúng ta phải sống bình an với chính mình và bình an với mọi người. Dù sao, con người là một sinh vật xã hội. Con người phải sống trong xã hội — sống và giao tiếp với người khác. Làm thế nào để sống bình an? Làm thế nào để sống hòa hợp với chính mình, và duy trì sự bình an và hòa hợp xung quanh chúng ta, để mọi người cũng có thể sống bình an và hòa hợp?

Một người bị xáo động. Ðể thoát khỏi sự xáo động, người ấy phải biết rõ lí do cơ bản của nó, nguyên nhân của đau khổ. Nếu tìm hiểu kĩ vấn đề, người ấy sẽ thấy rõ rằng bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu tạo ra một điều tiêu cực hay một sự sai trái gì trong tâm trí, chúng ta chắc chắn sẽ bị xáo động. Một sự tiêu cực trong tâm trí, một sự sai trái hay thiếu trong sáng nơi tâm trí không thể tồn tại với sự an bình và hòa hợp.

Người ta bắt đầu phát sinh sự tiêu cực như thế nào? Ðây cũng thế, khi tìm hiểu kĩ càng, mọi sự sẽ sáng tỏ ngay. Tôi rất đau khổ khi tôi thấy ai cư xử theo kiểu mà tôi không ưa, khi tôi thấy xảy ra điều gì mà tôi không thích. Những điều không thích đã xảy ra và tôi tạo nên sự căng thẳng trong tâm hồn mình. Những điều tôi thích thì không xảy ra, có những chướng ngại xuất hiện và một lần nữa tôi lại tạo sự căng thẳng trong tâm hồn mình; tôi bắt đầu cột chặt các nút thắt trong nội tâm mình. Và trong suốt cuộc đời, những điều không thích cứ tiếp tục diễn ra, những điều thích có thể diễn ra hay cũng có thể không diễn ra, và điều này tạo thành một tiến trình phản ứng, thắt chặt các nút lại — những cái nút không thể tháo gỡ — làm cho toàn thể cơ cấu tâm lí và thể lí quá căng thẳng, quá đầy tiêu cực, khiến cho đời sống trở nên bất hạnh.

Vậy một cách để giải quyết vấn đề là sắp đặt thế nào để không xảy ra điều gì tôi không thích trong cuộc đời, và để mọi sự xảy ra đúng như tôi mong muốn. Tôi phải phát triển sức mạnh này — hay một ai đó phải có sức mạnh này và phải đến giúp tôi khi tôi yêu cầu để những điều tôi không thích thì không xảy ra và những điều tôi thích đều xảy ra. Nhưng hoàn toàn không thể được. Không có ai trên đời này luôn luôn được thỏa mãn về tất cả những gì mình muốn, mọi điều không phải bao giờ cũng theo như ý mình mong muốn, mà không xảy ra điều ngược lại. Sự việc thường luôn luôn diễn ra ngược với những ước muốn và sự mong mỏi của chúng ta. Vậy câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để tôi không phản ứng một cách mù quáng khi đứng trước những sự việc mà tôi không thích? Làm thế nào để không tạo ra sự căng thẳng? Làm thế nào để sống bình an và hòa hợp?

Tại Ấn Ðộ cũng như tại những nước khác, các bậc hiền triết trong quá khứ đã nghiên cứu vấn đề này — vấn đề đau khổ của con người — và đã tìm ra một giải pháp: nếu xảy ra một điều gì không thích, và người ta bắt đầu phản ứng bằng sự tức giận, sợ hãi, hay một điều tiêu cực nào, thì ngay lập tức người ta phải hướng sự chú ý của mình sang một điều gì khác. Chẳng hạn như đứng dậy, lấy một li nước, bắt đầu uống — cơn tức giận của bạn sẽ không tăng thêm và bạn sẽ dần dần nguôi giận. Hay bắt đầu đếm: “Một, hai, ba, …” Hay bắt đầu lặp lại một lời, một câu, hay một lời tâm niệm, chẳng hạn niệm tên của một vị thần thánh hay một bậc thánh nhân nào mà bạn tôn sùng; tâm trí bạn sẽ được giải tỏa, và bạn sẽ thoát được cảm giác tiêu cực hay cơn tức giận.

Giải pháp này rất ích lợi: nó đã có tác dụng. Và nó vẫn còn tác dụng. Thực hành điều này, tâm trí sẽ cảm thấy được giải thoát khỏi sự xáo động. Nhưng trong thực tế, giải pháp này chỉ có tác dụng trên bình diện ý thức. Thực ra, khi đổi hướng chú ý đi nơi khác, người ta dồn nén cái tiêu cực vào sâu trong vô thức, và ở bình diện vô thức này người ta tiếp tục làm cho những cái tiêu cực ấy phát sinh và gia tăng mãi. Ở bề mặt là một lớp đất an bình và hòa hợp, nhưng ở sâu trong tâm trí là một núi lửa đang nằm im với những cái tiêu cực bị dồn nén chờ gặp dịp sẽ phát nổ và phun trào dữ dội.

Các nhà khám phá khác về sự thật nội tâm còn đi xa hơn trong các cuộc tìm kiếm của họ; và bằng việc kinh nghiệm thực tại của tinh thần và vật chất trong tâm hồn họ, họ nhận ra rằng việc đổi hướng sự chú ý chỉ là chạy trốn vấn đề. Chạy trốn không phải là giải pháp: người ta phải đối diện vấn đề. Khi một sự tiêu cực nổi lên trong tâm trí, họ khuyên chúng ta chỉ cần quan sát và đối diện với nó. Ngay khi người ta bắt đầu quan sát một sự tiêu cực nào, nó tự động mất dần sức mạnh để rồi héo tàn và biến mất.

Thật là một giải pháp tốt: nó tránh được cả hai thái cực — dập tắt và dung túng. Dồn nén một sự tiêu cực trong tiềm thức sẽ không tiêu diệt được nó; và dung túng cho nó bộc lộ ra bằng hành động hay lời nói sẽ chỉ tạo thêm vấn đề. Nhưng nếu người ta chỉ việc quan sát nó, thì nó sẽ dần dần tiêu tan, và người ta đã hủy diệt được sự tiêu cực đó, người ta được giải thoát khỏi nó.

Nghe thì tuyệt đấy, nhưng có thực tế chăng? Với một người trung bình, đối diện với sự xấu có phải chuyện dễ không? Khi cơn tức giận nổi dậy, nó chế ngự chúng ta mau lẹ đến nỗi chúng ta không nhận ra. Thế là bị cơn tức giận chế ngự, chúng ta phạm phải những hành động hay lời nói gây hại cho chúng ta và cho người khác. Về sau, khi cơn giận đã qua đi, chúng ta bắt đầu khóc lóc và ân hận, xin người này người kia hay Phạm thiên tha thứ cho chúng ta: “Trời, tôi đã sai, xin tha thứ cho tôi!” Nhưng lần sau khi rơi vào cùng hoàn cảnh như thế, chúng ta lại phản ứng giống hệt như vậy. Hối hận mà thôi thì chẳng ích lợi gì.

Cái khó là ở chỗ tôi không biết khi nào một điều xấu bắt đầu nổi dậy. Nó nằm sâu trong tiềm thức của tôi, và khi nó đã trồi lên bề mặt ý thức, thì nó đã có một sức mạnh quá lớn khiến nó hoàn toàn chế ngự tôi, và tôi không thể quan sát được nó.

Vì thế tôi phải luôn có một người thư kí riêng luôn ở bên cạnh để nhắc nhở, “Ông chủ hãy để ý, cơn giận đã bắt đầu rồi đấy!” Vì tôi không biết lúc nào cơn giận bắt đầu, nên tôi phải có ba thư kí riêng để thay ca nhau suốt cả ngày! Giả sử tôi có ba thư kí, và cơn giận bắt đầu nổi dậy. Ngay lập tức người thư kí nói với tôi, “Ông chủ hãy để ý, cơn giận bắt đầu rồi đấy!” Ðiều đầu tiên tôi làm là đánh chửi anh ta, “Ðồ ngu! Anh nghĩ anh được trả lương là để dạy tôi sao?” Tôi đã bị cơn giận choáng ngợp khiến không một lời khuyên tốt nào có tác dụng.

Nhưng giả sử tôi còn khôn ngoan, và tôi không đánh chửi anh ta. Ngược lại, tôi nói, “Cám ơn anh nhiều. Bây giờ tôi phải ngồi xuống và quan sát cơn giận của tôi.” Nhưng có thể được không? Ngay khi tôi nhắm chặt mắt mình lại và cố gắng quan sát cơn giận, lập tức đối tượng của cơn giận đến với tâm trí tôi — một người hay một sự cố nào đó. Lúc đó tôi không còn quan sát chính cơn giận nữa. Tôi chỉ quan sát những kích thích bên ngoài của cảm xúc. Ðiều này chỉ làm gia tăng cơn giận; cũng không phải một giải pháp. Rất khó để quan sát một điều tiêu cực trừu tượng, một cảm xúc trừu tượng, tách rời khỏi đối tượng bên ngoài đã gây nên điều tiêu cực đó.

Thế nhưng, một người đã đạt tới sự thật tối thượng thì sẽ tìm ra một giải pháp thực sự. Họ khám phá ra rằng mỗi khi một sự xấu xuất hiện trong tâm trí, thì đồng thời có hai điều bắt đầu xảy ra trên bình diện thể lí. Một là hơi thở mất nhịp điệu bình thường. Chúng ta bắt đầu thở mạnh mỗi khi có điều xấu xuất hiện trong trí khôn. Ðiều này dễ quan sát. Ở một bình diện tinh tế hơn, có một thứ phản ứng sinh hóa phát sinh trong cơ thể — một cảm giác nào đó. Mọi điều xấu đều phát sinh một cảm giác thế này hay thế khác bên trong, trong phần này hay phần khác của cơ thể.

Ðây là một giải pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể quan sát những điều xấu trừu tượng của tâm trí — sợ hãi, tức giận, hay đam mê trừu tượng. Nhưng nhờ được huấn luyện và thực hành đúng mức, rất dễ quan sát được sự hô hấp và những cảm giác của cơ thể — cả hai đều trực tiếp liên quan tới những sự xấu trong tâm trí. Hô hấp và cảm giác sẽ giúp tôi theo hai cách. Thứ nhất, chúng sẽ giống như những thư kí riêng của tôi. Vừa khi một điều xấu phát sinh trong tâm trí, hơi thở tôi sẽ mất nhịp điệu bình thường; nó sẽ bắt đầu la lên, “Coi chừng, có điều gì sai đấy!” Tôi không thể làm ngơ đối với hơi thở của mình. Tôi phải chấp nhận lời cảnh báo của nó. Cũng thế, những cảm giác nói cho tôi biết có điều gì sai vừa xảy ra. Thế là tôi được cảnh báo, tôi quan sát hơi thở và cảm giác của tôi, và tôi mau chóng nhận thấy điều xấu đã qua đi.

Hiện tượng tâm thể lí này cũng giống như một đồng tiền có hai mặt. Ở một mặt là bất kì tư tưởng hay cảm xúc nào nảy sinh trong tâm trí. Ở mặt kia là sự hô hấp và những cảm giác của cơ thể. Mọi tư tưởng hay cảm xúc, mọi điều xấu trong tâm trí, đều bộc lộ qua hơi thở và cảm giác trong lúc đó. Vì vậy, bằng việc quan sát hơi thở hay cảm giác, tôi thực sự quan sát được điều tiêu cực trong tâm trí. Thay vì chạy trốn vấn đề, tôi đang thực sự đối diện chính thực tại. Thế rồi tôi sẽ thấy rằng điều tiêu cực này mất đi sức mạnh của nó: nó không còn đè bẹp tôi như trước kia nữa. Nếu tôi kiên trì, điều tiêu cực kia sẽ hoàn toàn biến mất, và tôi tìm được sự bình an và hạnh phúc.

Bằng cách này, phương pháp tự quan sát cho chúng ta thấy thực tại trong hai chiều kích, nội tại và ngoại tại. Trước kia người ta luôn luôn mở to mắt để nhìn và bỏ mất sự thật nội tâm. Tôi luôn luôn nhìn ra bên ngoài để tìm nguyên nhân sự bất hạnh của mình; tôi luôn luôn đổ lỗi và tìm cách thay đổi thực tại bên ngoài. Vì không biết thực tại nội tâm, tôi không bao giờ hiểu được rằng nguyên nhân của đau khổ nằm ở bên trong, trong những phản ứng mù quáng trước những cảm giác thích thú và khó chịu.

Nhưng bây giờ, sau khi được huấn luyện, tôi có thể nhìn thấy mặt bên kia của đồng tiền. Tôi có thể ý thức về hơi thở của mình và cả những gì đang xảy ra trong tôi. Dù là hơi thở hay cảm giác, tôi tập luyện để chỉ quan sát nó, mà không làm mất sự quân bình của tâm trí. Tôi không còn phản ứng, không còn gia tăng sự đau khổ của mình. Ngược lại, tôi để cho sự tiêu cực lộ ra và biến mất.

Càng thực hành phương pháp này, người ta càng thoát nhanh ra khỏi sự tiêu cực. Dần dần tâm hồn trở nên thanh thoát khỏi mọi vẩn đục; nó trở nên trong sạch. Một tâm hồn trong sạch luôn luôn đầy tràn tình yêu — tình yêu vị tha đối với hết mọi người; đầy cảm thông trước những thất bại và đau khổ của người khác; đầy niềm vui trước sự thành công và hạnh phúc của họ; đầy thanh thản trước mọi hoàn cảnh.

Khi người ta đạt tới giai đoạn này, toàn thể khuôn mẫu đời sống của người ta bắt đầu thay đổi. Họ không còn có thể làm điều gì, dù lời nói hay hành động, mà có thể gây xáo trộn sự bình an và hạnh phúc của người khác. Ngược lại, tâm hồn quân bình không chỉ có sự bình an nơi chính mình, mà còn giúp người khác cũng trở nên an bình. Bầu khí xung quanh con người như thế sẽ thấm nhuần sự bình an và hòa hợp, và điều này cũng bắt đầu ảnh hưởng tới những người khác nữa.

Bằng cách luyện tập để trở nên quân bình trước bất cứ điều gì cảm nghiệm trong tâm hồn, người ta cũng phát triển được lòng siêu thoát đối với tất cả những gì gặp ở bên ngoài. Tuy nhiên, sự siêu thoát này không phải sự trốn tránh hay thờ ơ trước các vấn đề của thế giới. Một người thực hành Thiền Quán trở nên nhạy cảm hơn trước những đau khổ của người khác và làm hết sức mình để xoa dịu những đau khổ của họ bằng bất cứ cách nào có thể — không còn sự xáo trộn nào nữa, mà chỉ có một tâm hồn tràn đầy yêu thương, cảm thông và thanh thản. Họ học được sự dửng dưng thánh thiện — họ biết cách hoàn toàn dấn thân, hoàn toàn tận tụy phục vụ người khác, đồng thời duy trì sự quân bình trong tâm hồn mình. Bằng cách này họ luôn cảm thấy bình an và hạnh phúc, đồng thời hoạt động vì sự bình an và hạnh phúc của người khác.

Ðó là điều Ðức Phật đã dạy; một nghệ thuật sống. Ngài không bao giờ sáng lập hay dạy một tôn giáo nào, một chủ nghĩa nào. Ngài không bao giờ truyền cho các môn đệ của ngài thực hành những nghi thức hay lễ giáo nào, hay những công thức mù quáng và rỗng tuếch nào. Ngược lại, ngài chỉ dạy họ quan sát thiên nhiên đúng theo bản chất của nó, bằng cách quan sát thực tại trong nội tâm. Vì si mê, người ta luôn phản ứng gây thiệt hại cho bản thân mình và cho người khác. Nhưng khi tuệ giác xuất hiện — sự khôn ngoan của việc quan sát thiên nhiên đúng theo bản chất của nó — người ta vượt ra khỏi thói quen phản ứng này. Khi người ta không còn phản ứng một cách mù quáng nữa, người ta sẽ có thể có hành động đích thực — hành động xuất phát từ một tâm hồn quân bình, một tâm hồn nhìn thấy và hiểu được chân lí. Một hành động như thế chỉ có thể là tích cực, sáng tạo, ích lợi cho bản thân và cho người khác.

Vì vậy, điều cần là “hãy tự biết mình” — lời khuyên của mọi con người khôn ngoan. Người ta phải biết mình không chỉ trên bình diện tri thức, bình diện các ý tưởng và lí thuyết. Cũng không có nghĩa là chỉ biết mình ở bình diện cảm xúc hay sùng mộ, chỉ chấp nhận một cách mù quáng những gì đã nghe hay đọc. Hiểu biết như thế thì chưa đủ. Ðúng hơn, phải biết thực tại ở bình diện hiện thực. Người ta phải cảm nghiệm trực tiếp thực tại của hiện tượng tâm thể lí này. Chỉ có sự hiểu biết này mới giúp chúng ta thoát ra khỏi những điều tiêu cực, vẩn đục, thoát ra khỏi đau khổ.

Kinh nghiệm trực tiếp này về thực tại của bản thân mình, phương pháp tự quan sát này, là cái mà chúng ta gọi là “Vipassàna”, “Thiền Quán”. Theo ngôn ngữ Ấn Ðộ vào thời Ðức Phật, passana có nghĩa là thấy theo cách thức bình thường, mở mắt mà thấy; nhưng Vipassàna có nghĩa là quan sát sự vật trong chân tướng của nó, chứ không phải theo dáng vẻ bề ngoài của nó. Chân lí ở dáng vẻ bề ngoài cần phải được đào sâu, cho tới khi ta đạt tới chân lí tối thượng về toàn thể cơ cấu tâm lí và vật lí. Khi cảm nghiệm được chân lí này, người ta biết cách để không phản ứng một cách mù quáng, không còn tạo ra những điều tiêu cực nữa — và đương nhiên những điều tiêu cực cũ dần dần bị nhổ sạch. Người ta thoát ra khỏi moị đau khổ và cảm nghiệm hạnh phúc.

Có ba bước luyện tập được dạy trong một khóa học suy niệm Thiền Quán. Trước hết, người ta phải tránh mọi hành động hay lời nói làm xáo trộn bình an và sự hòa hợp của người khác. Người ta không thể làm việc để giải thoát mình khỏi những điều vẩn đục mà đồng thời vẫn tiếp tục có những hành vi hay lời nói làm gia tăng những điều vẩn đục đó. Vì vậy, bước cơ bản đầu tiên của việc hành thiền là có một qui luật đạo đức. Người ta cam kết không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không gian dối, và không sử dụng chất gây nghiện. Bằng cách tránh tất cả những hành vi này, người ta làm cho tâm hồn mình thanh thản đủ để có thể tiến bước với nhiệm vụ kế tiếp.

Bước kế tiếp là phát triển việc kiểm soát tâm trí ngông cuồng của mình, bằng cách tập cho nó gắn chặt vào một đối tượng duy nhất: hơi thở. Người ta cố gắng duy trì sự chú ý vào việc hít thở của mình được bao lâu mà họ có thể. Ðây không phải bài tập hít thở: người ta không điều hòa nhịp thở. Ngược lại, người ta quan sát nhịp thở tự nhiên của mình, hít vào, thở ra. Bằng cách này người ta làm dịu tâm trí để nó không còn bị chế ngự bởi những điều tiêu cực dữ dội nữa. Ðồng thời, người ta tập trung tâm trí, làm cho tâm trí trở nên sắc bén và sáng suốt để có khả năng phát triển trực giác.

Hai bước đầu tiên này — sống theo qui luật đạo đức và kiểm soát tâm trí — là hai bước tự chúng rất cần thiết và ích lợi; nhưng chúng có thể dẫn tới sự ức chế, nếu không có bước thứ ba — thanh tẩy tâm trí khỏi những điều tiêu cực bằng cách phát triển cái nhìn trực giác vào bản tính của chính mình. Ðây chính là Thiền Quán: cảm nghiệm chân tướng của mình, bằng việc quan sát có hệ thống và bình thản hiện tượng tâm-vật không ngừng thay đổi tự tỏ lộ như là cảm giác trong bản thân mình. Ðây chính là tột đỉnh của lời Phật dạy: tự thanh tẩy bằng việc tự quan sát.

Phương pháp này mọi người đều có thể thực hành. Mọi người ai ai cũng phải đối diện với vấn đề đau khổ, nó là một căn bệnh phổ quát đòi hỏi phải có một thuốc chữa phổ quát — chứ không thể là phân rẽ được. Khi người ta giận dữ, thì không phải là sự giận dữ Phật giáo, sự giận dữ Ấn giáo, hay sự giận dữ Kitô giáo. Giận dữ là giận dữ. Khi người ta bị xáo động vì sự giận dữ này, sự xáo động không phải là Kitô giáo hay Ấn giáo hay Phật giáo. Căn bệnh là phổ quát. Thuốc chữa cũng phải phổ quát.

Thiền Quán là thứ thuốc phổ quát đó. Không ai sẽ phản đối một qui luật sống biết tôn trọng sự bình an và hòa hợp của người khác. Không ai sẽ phản đối việc phát triển sự kiểm soát tâm trí. Không ai sẽ phản đối việc phát triển cái nhìn trực giác vào thực tại của chính mình, nhờ đó có thể giải thoát tâm hồn khỏi những điều tiêu cực. Thiền Quán là một con đường phổ quát.

Quan sát thực tại đúng theo chân tướng của nó bằng cách quan sát chân lí trong tâm hồn, đó là tự biết mình ở bình diện hiện thực, kinh nghiệm. Khi hành thiền, người ta làm cho mình thoát ra khỏi những điều tiêu cực. Từ chân lí chung chung, bên ngoài và dáng vẻ, người ta đi sâu vào chân lí cơ bản của vật chất và tinh thần. Rồi người ta vượt qua chân lí này và cảm nghiệm một chân lí siêu việt tinh thần và vật chất, siêu việt thời gian và không gian, siêu việt lãnh vực có điều kiện của sự tương đối: chân lí của sự giải thoát toàn diện khỏi mọi điều tiêu cực, mọi sự ô uế, mọi nỗi đau khổ. Người ta có thể gọi chân lí tối hậu này là gì tùy ý; nhưng nó là mục tiêu cuối cùng của mọi người.

 

-ooOoo-

 

Bài viết trích từ cuốn Vipassana – Tiếng Chuông Vượt Thời Gian (The Clock of Vipassana Has Struck)  – Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin (Tỳ Kheo Thiện Minh dịch).

 

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH THIỀN QUÁN – TIẾNG CHUÔNG VƯỢT THỜI GIAN

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *