BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI

Bát Thánh Đạo: sila (giới) và samadhi (định)

Con đường của Dhamma được gọi là Bát Thánh Đạo. Thánh có nghĩa là ai đi theo đường lối này đương nhiên sẽ thành một người có tâm hồn thánh thiện, một thánh nhân. Con đường này được chia ra làm ba phần: sila, samadhi và panna. Sila là đạo đức (giới) – tránh những hành động và lời nói bất thiện, làm những việc thiện. Samadhi là làm chủ được tâm mình (định). Thực tập cả hai rất có lợi, nhưng cả sila lẫn samadhi đều không thể diệt trừ được tất cả những phiền não tích luỹ trong tâm. Vì lý do này, ta phải thực hành phần thứ ba của con đường tu tập: panna, phát triển trí tuệ, hoàn toàn thanh lọc được tâm (tuệ). Ba phần trong Bát Thánh Đạo thuộc về sila như sau:

1) Samma-vaca – lời nói chân chính, nói những lời thanh tịnh (chánh ngữ). Để hiểu được lời nói thanh tịnh là gì, ta phải hiểu được lời nói bất tịnh ra sao. Nói dối để lừa lọc người, nói lời cay nghiệt làm tổn thương người, nói xấu sau lưng và vu khống, nói lời vô bổ và nhảm nhí, tất cả đều là những lời nói bất tịnh. Khi ta tránh được hết những điều này, những gì còn lại là lời nói chân chính.

2) Samma-kammanta – hành động chân chính, hành động thiện (chánh nghiệp). Trên con đường của Dhamma, thước đo duy nhất để xác định những hành động thuộc về việc làm, lời nói hay ý nghĩ là tịnh hay bất tịnh chính là ở chổ hành động đó giúp ích hay làm hại người khác. Do đó giết hại, trộm cắp, tà dâm, và say sưa đến độ không biết mình đang làm gì đều là những hành động có hại cho người đồng thời cũng hại chính mình. Khi ta tránh không làm những hành động bất tịnh này, những gì còn lại là hành động chân chính.

3) Samma-ajiva – nghề nghiệp chân chính (chánh mạng). Mọi người đều phải có việc làm để nuôi sống cho bản thân và cho thân nhân, nhưng nếu cách kiếm sống đó có hại cho người khác thì đó không phải là nghề nghiệp chân chính. Có thể ta không làm những việc sai trái trong nghề nghiệp của mình nhưng lại khuyến khích người khác làm sai quấy; vậy là ta cũng kiếm sống một cách không chân chính. Ví dụ: bán rượu, mở sòng bạc, bán vũ khí, bán thú vật hoặc bán thịt đều không phải là nghề nghiệp chân chính. Ngay cả những nghề lương thiện, nhưng chỉ với mục đích bóc lột người khác, như vậy là ta đã không kiếm sống một cách chân chính. Nếu mục đích là để làm tròn nhiệm vụ của một cá nhân trong xã hội, đóng góp khả năng, nỗ lực cho lợi ích chung, để bù lại, ta chỉ nhận thù lao vừa phải để nuôi sống cho bản thân và cho người thân. Như vậy là ta hành nghề chân chính.

Một chủ gia đình, một cư sĩ cần tiền để nuôi bản thân. Tuy nhiên mối nguy hiểm là khi việc kiếm tiền trở thành một hình thức thổi phồng bản ngã: ta tìm cách tích luỹ cho mình càng nhiều càng tốt, và khinh rẻ người kiếm được ít hơn. Một thái độ như thế, có hại cho người khác đồng thời có hại cho chính mình vì tự ngã càng lớn chừng nào ta càng cách xa sự giải thoát chừng ấy. Bởi vậy, một phần quan trọng của lối sống chân chính là đóng góp từ thiện, chia sẻ một phần những gì ta kiếm được cho người khác. Khi đó ta kiếm sống không những cho riêng mình mà còn giúp ích cho người khác nữa.

Nếu Dhamma chỉ đơn thuần gồm có sự chú ý vào việc tránh làm hại người khác thì Dhamma không có hiệu nghiệm. Trên lý thuyết, ta có thể hiểu sự nguy hại trong việc làm ác và lợi ích của việc làm lành hoặc ta có thể chấp nhận sự quan trọng của sila chỉ vì lòng ngưỡng mộ đối với những người thuyết giảng về đạo đức. Tuy nhiên ta vẫn tiếp tục làm những việc bất thiện bởi vì ta không kiểm soát được tâm mình. Do đó phải tu tập phần thứ hai của Dhamma, samadhi – phát triển việc làm chủ được tâm. Trong việc này có ba phần của Bát Thánh Đạo:

4) Samma-vayama – nỗ lực chân chính, tu tập đúng cách (chánh tinh tấn). Qua sự thực tập, quý vị đã thấy tâm trí yếu đuối và chao đảo đến chừng nào, luôn luôn nhảy hết từ đối tượng này sang đối tượng khác. Một tâm như thế cần được luyện tập để được vững mạnh hơn. Có bốn cách luyện tập làm cho tâm vững mạnh: diệt trừ những bất tịnh đã có trong tâm, không cho bất tịnh mới nảy sinh, bảo tồn và gia tăng những điều thiện đang có trong tâm, và trau dồi những điều thiện còn thiếu sót. Bằng cách tập ý thức về hơi thở (Anapana) quý vị đã gián tiếp bắt đầu thực hành sự luyện tập này.

5) Samma-sati – ý thức chân chính, ý thức về sự thật ở giây phút hiện tại (chánh niệm). Hướng về quá khứ chỉ có những ký ức, hướng về tương lai chỉ có sự mong ước, lo sợ, tưởng tượng. Quý vị đã bắt đầu thực tập samma-sati bằng cách tập cho mình luôn luôn ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trong phạm vi bên trong mũi. Quý vị phải phát triển khả năng ý thức được toàn thể thực tại, từ thô thiển đến tinh tế nhất. Để bắt đầu, quý vị để ý đến hơi thở có ý thức, có chủ ý, rồi đến hơi thở tự nhiên, nhẹ nhàng, sau đó chú ý đến sự xúc chạm của hơi thở. Bây giờ quý vị sẽ chú tâm vào một đối tượng tinh tế hơn: những cảm giác của thân thể, những cảm giác tự nhiên trong khu vục giới hạn ở mũi. Quý vị có thể cảm thấy nhiệt độ của hơi thở, lạnh hơn một chút khi vào, ấm hơn một chút khi ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, còn vô số cảm giác không liên quan gì đến hơi thở như nóng, lạnh, ngứa, thoi thóp, rung động, đè nén, căng thẳng, đau nhức, … Quý vị không thể chọn lựa cảm giác mình muốn bởi vì quý vị không thể tạo ra cảm giác. Chỉ quan sát, chỉ luôn luôn để ý. Tên của cảm giác không quan trọng, điều quan trọng là ta ý thức được thực trạng của cảm giác mà không phản ứng lại chúng.

Như quý vị đã thấy, khuôn mẫu thói quen của tâm là chìm đắm trong tương lai hoặc quá khứ, tạo ra ham muốn hoặc ghét bỏ. Bằng cách thực tập về ý thức chân chính, quý vị đã bắt đầu xóa bỏ thói quen này. Không phải là sau khóa thiền này quý vị sẽ quên hết quá khứ và không còn một ý nghĩ nào về tương lai. Nhưng trên thực tế, quý vị thường phí phạm năng lực của mình khi suy nghĩ lẩn quẩn một cách vô ích về quá khứ hoặc tương lai, phí phạm nó nhiều đến nỗi khi cần nhớ lại hoặc cần hoạch định một việc gì quý vị không thể làm được. Bằng cách phát triển samma-sati, quý vị sẽ học được cách chú tâm vào thực tại. Quý vị sẽ nhận thấy, khi cần, sẽ nhớ lại những gì đã qua một cách dễ dàng hơn và có thể hoạch định thỏa đáng cho tương lai. Quý vị sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc và lành mạnh.

6) Samma-samadhi – định tâm chân chính (chánh định). Chỉ định tâm suông không phải là mục tiêu của phương pháp này; sự định tâm quý vị đạt được phải có nền tảng của sự thanh tịnh. Ta có thể định tâm trên nền tảng của lòng ham muốn, ghét bỏ hoặc vô minh, nhưng đây không phải là samma-samadhi. Ta phải ý thức được thực tại trong ta, không một chút ham muốn hoặc ghét bỏ. Giữ được sự ý thức này liên tục từ giây phút này sang giây phút khác chính là samma-samadhi.

Bằng cách triệt để tuân theo năm giới, quý vị đã bắt đầu thực tập sila. Bằng cách rèn

luyện tâm trí mình chăm chú vào một điểm, một đối tượng có thực trong giây phút hiện tại này, quý vị đã bắt đầu có được samadhi. Giờ hãy tu tập chuyên cần để cho tâm trở nên nhạy bén, để khi bắt đầu thực tập panna, quý vị sẽ có khả năng thâm nhập vào những tầng sâu thẳm của vô thức, để tẩy trừ hết những bất tịnh nằm trong đó và hưởng được hạnh phúc thật sự – hạnh phúc của sự giải thoát.

Mong tất cả quý vị được hạnh phúc thực sự.

Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc.

 

Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *