BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU

Năm chướng ngại: ham muốn, ghét bỏ, uể oải về tinh thần và thể xác, dao động, nghi ngờ (tham, sân, hôn trầm và thụy miên, trạo cử, hoài nghi)

Dĩ nhiên có nhiều chướng ngại và khó khăn trên bước đường tu tập: năm kẻ thù cố áp đảo và ngăn chặn sự tiến bộ của quý vị. Hai kẻ thù đầu tiên là sự ham muốn và ghét bỏ (tham và sân). Mục đích của sự tu tập Vipassana là để diệt trừ hai bất tịnh căn bản này. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể nảy sinh trong lúc quý vị hành thiền, và nếu chúng tràn ngập trong tâm, tiến trình thanh lọc bị ngừng lại. Quý vị có thể ham muốn những cảm giác tinh tế hoặc ngay cả nibbana (niết bàn); cũng chẳng có gì khác nhau. Ham muốn là một ngọn lửa bốc cháy, bất kể loại nhiên liệu là gì; ham muốn khiến quý vị đi ngược đường với sự giải thoát. Tương tự, quý vị có thể bắt đầu phát sinh ra sự ghét bỏ đối với những đau nhức đang gặp phải, và một lần nữa quý vị lại đi sai đường.

Một kẻ thù khác là sự lười biếng, buồn ngủ (hôn trầm, thụy miên). Tuy ngủ say cả đêm nhưng khi ngồi thiền quý vị vẫn cảm thấy rất buồn ngủ. Sự buồn ngủ phát sinh vì những bất tịnh trong tâm. Những bất tịnh này bị xua đuổi vì sự tu tập Vipassana cho nên chúng cố làm cho quý vị ngừng tu tập. Quý vị phải chiến đấu để ngăn cản kẻ thù này thắng được mình. Thở mạnh hơn một chút, hoặc đứng dậy, vẩy nước lạnh vào mắt, hoặc đi bộ một chút, rồi ngồi thiền tiếp.

Thêm vào đó, quý vị có thể cảm thấy bị dao động dữ dội (trạo cử), đây là một cách khác để những bất tịnh cố chặn đứng quý vị tu tập Vipassana. Suốt ngày, quý vị chạy hết chỗ này sang chỗ khác, làm đủ mọi việc ngoại trừ việc hành thiền. Sau đó, quý vị nhận ra rằng mình đã phí thì giờ, và bắt đầu than van, hối hận. Nhưng trên con đường Dhamma, không có chỗ đứng cho sự than khóc. Nếu phạm một lỗi lầm, quý vị nên thú nhận nó trước một người lớn tuổi mà mình tin tưởng, và hứa sẽ cẩn trọng không vi phạm trở lại trong tương lai.

Cuối cùng, một kẻ thù lớn nữa là sự nghi ngờ, hoặc nghi ngờ vị thầy, hoặc nghi ngờ phương pháp, hoặc nghi ngờ khả năng tu tập của mình. Chấp nhận mù quáng không có lợi ích gì, nhưng không ngừng nghi ngờ hoài một cách vô lý cũng thế. Khi nào còn nghi ngờ, quý vị không thể tiến dù chỉ một bước trên con đường tu tập. Nếu có điều gì quý vị thấy chưa được sáng tỏ, không nên ngần ngại tới gặp người hướng dẫn. Hãy thảo luận vấn đề này với vị đó để hiểu được một cách đúng đắn. Nếu quý vị tu tập đúng theo những gì được hướng dẫn, thế nào cũng có kết quả.

Phương pháp có hiệu quả, không phải nhờ vào pháp thuật hoặc phép lạ, mà bằng luật tự nhiên. Bất cứ ai bắt đầu tu tập phù hợp với luật tự nhiên đương nhiên sẽ hết khổ; đây là phép lạ kỳ diệu nhất có thể xảy ra.

Một số đông người đã hưởng được những lợi ích của phương pháp thiền, không chỉ riêng những người đã gặp Đức Phật, mà cả những người thuộc các thế hệ sau Đức Phật hay thế hệ hiện tại. Nếu ta tu tập đúng cách, cố gắng duy trì được ý thức và sự bình tâm, thì những lớp bất tịnh cũ không sớm thì muộn rồi cũng sẽ nổi lên bề mặt của tâm và bị diệt trừ. Nếu ta tu tập, Dhamma cho ta kết quả tuyệt diệu ngay tại đây, ngay bây giờ. Do đó hãy tu tập với đầy sự tin tưởng và hiểu biết. Hãy tận dụng cơ hội này để thoát khỏi mọi đau khổ và hưởng được niềm an lạc thực sự.

Nguyện cho quý vị hưởng được hạnh phúc thực sự.

Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc!

 

Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *