BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ

Những câu hỏi liên quan đến cách thức tu tập Vipassana

Ngày thứ tư là ngày rất quan trọng. Quý vị đã bắt đầu nhúng mình vào dòng sông Dhamma, tìm hiểu sự thật về chính con người mình ở lĩnh vực các cảm giác trên thân. Trong quá khứ, vì vô minh, những cảm giác này là nguồn gốc sinh sôi nảy nở của khổ đau, nhưng chúng cũng là phương tiện để diệt trừ khổ. Quý vị đã khởi sự bước trên con đường giải thoát bằng cách học cách quan sát cảm giác trên cơ thể và duy trì sự bình tâm.

Vài câu hỏi thường được đặt ra về cách thực tập này:

Tại sao phải di chuyển sự chú tâm trên khắp cơ thể theo thứ tự, và tại sao phải theo thứ tự này?

Thứ tự nào cũng được, nhưng thứ tự rất cần thiết. Nếu không, sẽ có nguy cơ bỏ sót vài chỗ trên cơ thể, và những chỗ đó sẽ vẫn còn bị mù mờ, bỏ trống. Cảm giác hiện diện khắp mọi chỗ trên cơ thể, và trong phương pháp này, điều rất quan trọng là phát huy được khả năng cảm nhận được chúng trên toàn thân. Vì lý do này, di chuyển theo thứ tự rất có lợi.

Nếu chỗ nào trên cơ thể không có cảm giác, quý vị có thể dừng sự chú tâm ở đó một phút. Trên thực tế, tại đó cũng như tại mọi chỗ khác trên cơ thể đều có cảm giác, nhưng ở trong trạng thái rất tinh tế khiến tâm quý vị không cảm nhận được và như thế chỗ này có vẻ như mơ hồ. Nên dừng lại nơi đó một phút, quan sát một cách bình tĩnh, yên lặng và bình tâm. Không sinh lòng ham muốn có một cảm giác hoặc ghét bỏ sự mù mờ. Nếu làm như thế, quý vị đã đánh mất sự bình tâm, và một tâm mất quân bình thì thiếu bén nhạy, chắc chắn sẽ không nhận biết được những cảm giác tinh tế hơn. Nhưng nếu tâm được giữ quân bình, nó sẽ trở nên bén nhạy hơn và có khả năng nhận biết được các cảm giác vi tế hơn. Hãy bình tâm quan sát từng vùng khoảng một phút, không nên nhiều hơn. Nếu trong một phút không cảm thấy cảm giác nào xuất hiện, hãy mỉm cười di chuyển tiếp. Trong vòng kế tiếp lại ngừng tại đó một phút; không sớm thì muộn, quý vị sẽ bắt đầu cảm thấy cảm giác tại nơi đó và trên khắp cơ thể. Nếu quý vị đã dừng ở đó một phút mà vẫn không cảm thấy gì thì nên cảm nhận sự cọ xát của áo quần nếu đây là khu vực được che kín, hoặc sự xúc chạm với không khí nếu nơi đó không có vải che. Bắt đầu bằng những cảm giác thô thiển này và dần dần quý vị sẽ cảm nhận được các cảm giác khác.

Nếu ta đang chú tâm vào một nơi trên cơ thể và một cảm giác xuất hiện tại một chỗ khác, vậy ta có nên dời sự quan sát đến chỗ đó không?

Không nên, vẫn tiếp tục đi theo thứ tự. Đừng cố loại bỏ cảm giác tại những chỗ khác trên cơ thể – quý vị không nên làm như thế – nhưng đừng coi chúng là quan trọng. Chỉ khi nào quí vị di chuyển đến đâu quí vị mới quan sát cảm giác ở chỗ đó. Hãy di chuyển theo thứ tự. Nếu không, quý vị sẽ nhảy từ chỗ này sang chỗ khác, bỏ sót nhiều chỗ trên cơ thể và chỉ quan sát được những cảm giác thô thiển. Quý vị phải tập cho mình quan sát được những cảm giác khác nhau trên khắp cơ thể, thô thiển hay tinh tế, dễ chịu hay khó chịu, rõ rệt hay mơ hồ. Do đó không bao giờ để sự chú tâm nhảy từ chỗ này sang chỗ khác.

Cần thời gian bao lâu để di chuyển từ đầu tới chân?

Thời gian khác nhau tùy trường hợp. Lời chỉ dẫn là chú tâm vào một vùng nào đó và ngay sau khi cảm nhận được cảm giác hãy di chuyển tiếp. Nếu tâm đủ nhạy bén, tâm sẽ ý thức được cảm giác ngay khi tới một chỗ nào đó và quý vị có thể di chuyển tiếp ngay lập tức. Nếu trường hợp này xảy ra trên khắp cơ thể, ta có thể đi từ đầu tới chân trong khoảng mười phút. Nhưng ta không nên di chuyển nhanh hơn trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu tâm không được nhạy bén, nhiều nơi cần phải chờ tới một phút cho cảm giác xuất hiện. Trong trường hợp đó, có thể phải mất ba mươi phút hoặc một giờ để đi từ đầu xuống chân. Thời gian cần thiết để di chuyển đủ một vòng không quan trọng. Chỉ tiếp tục tu tập một cách kiên nhẫn, bền bỉ, chắc chắn quý vị sẽ thành công.

Diện tích vùng chú tâm rộng khoảng bao nhiêu?

Hãy chú tâm đến từng phần của cơ thể rộng khoảng năm hay bảy phân; sau đó dichuyển tới năm hay bảy phân khác và tiếp tục như vậy. Nếu tâm không đủ nhạy bén, lấy một phần lớn hơn, ví dụ như cả khuôn mặt hay cả cánh tay. Sau đó cố thu hẹp dần diệntích vùng ta chú tâm. Cuối cùng quý vị sẽ có khả năng cảm nhận được cảm giác tại mọi nơi trên cơ thể. Nhưng bây giờ thì một vùng khoảng năm tới bảy phân là tốt rồi. 

Ta có nên chỉ chú ý tới những cảm giác trên bề mặt hay cả bên trong cơ thể?

Đôi khi thiền sinh cảm nhận được cảm giác ở bên trong cơ thể ngay khi bắt đầu thực hành Vipassana. Có khi mới đầu thiền sinh chỉ cảm thấy cảm giác trên bề mặt. Cả hai đều hoàn toàn tốt. Nếu cảm giác chỉ xuất hiện trên bề mặt, quan sát chúng nhiều lần cho tới khi quý vị cảm nhận được cảm giác trên toàn thân. Sau khi đã cảm thấy cảm giác khắp mọi nơi ở bên ngoài, quý vị bắt đầu tiến sâu vào bên trong. Dần dần sẽ phát triển được khả năng cảm nhận được cảm giác ở mọi chỗ, cả bên trong lẫn bên ngoài, tại mọi nơi trong cơ cấu thân vật lý. Nhưng để bắt đầu, những cảm giác ở bên ngoài cũng đủ tốt rồi. 

Con đường tu tập sẽ dẫn dắt qua khắp trường cảm giác, dẫn tới sự thật tối hậu vượt ra ngoài tầm cảm nhận của giác quan. Nếu tiếp tục thanh lọc tâm với sự trợ giúp của cảm giác, chắc chắn quý vị sẽ đạt tới giai đoạn tối hậu.

Khi ta còn vô minh, cảm giác là phương tiện làm gia tăng sự đau khổ bởi vì ta phản ứng lại cảm giác bằng sự ham muốn hoặc ghét bỏ. Khó khăn thực sự nảy sinh, căng thẳng khởi đầu ở mức độ của những cảm giác trên thân. Do đó, đây là nơi ta phải tu tập để giải quyết khó khăn, để thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm. Ta phải học để ý thức được những cảm giác khác nhau mà không phản ứng lại chúng, chấp nhận bản chất hay đổi thay và vô ngã của cảm giác. Nhờ vậy, ta thoát khỏi thói quen phản ứng mù quáng, tự giải thoát mình khỏi những đau khổ.

Cảm giác là gì?

Bất cứ những gì ta cảm nhận được trên thân là cảm giác – bất cứ cảm giác tự nhiên, bình thường, thông thường nào trên thân, cho dù dễ chịu hay khó chịu, cho dù thô thiển hay tinh tế, mạnh hay yếu. Không bao giờ nên bỏ qua một cảm giác nào vì cho đó là do làn không khí gây ra hoặc vì ngồi lâu, hoặc do một bệnh tật cũ. Dù với bất cứ lý do nào, sự thật là quý vị cảm thấy một cảm giác. Trước đây quý vị cố xua đuổi những cảm giác khó chịu, và níu giữ những cảm giác dễ chịu. Bây giờ quý vị chỉ quan sát một cách khách quan, không đồng hóa mình với những cảm giác.

Đó là sự quan sát không lựa chọn. Đừng bao giờ cố chọn lựa cảm giác; trái lại, hãy chấp nhận những gì nảy sinh một cách tự nhiên. Nếu quý vị bắt đầu tìm kiếm một cảm giác đặc biệt nào đó, một cảm giác khác thường, quý vị sẽ tạo ra khó khăn cho chính mình, và sẽ không tiến bộ được trên con đường tu tập. Phương pháp không phải là để cảm nghiệm được những gì đặc biệt mà cốt để giữ được tâm quân bình khi cảm nhận bất cứ cảm giác nào. Trong quá khứ, quý vị đã gặp phải các cảm giác tương tự trên thân, nhưng quý vị chưa ý thức được và phản ứng lại chúng. Bây giờ quý vị đang học cách để nhận biết và không phản ứng lại, tập ý thức bất cứ cảm giác nào đang xảy ra trên cơ thể và giữ sự bình tâm. 

 

Hỏi đáp cùng Thiền Sư S.N. Goenka – Trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày

Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *