BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA

Sự hiểu biết của trí tuệ (anicca, anatta, và dukkha)

Quý vị tới khóa thiền này để chính mình uống thuốc, để phát triển trí tuệ cho mình. Muốn làm được như thế quý vị phải hiểu sự thật ở mức độ thực nghiệm. Rất nhiều hiểu lầm xảy ra vì những điều tưởng như thật hoàn toàn khác hẳn với sự thật. Để tránh khỏi sự nhầm lẫn này, quý vị phải có được trí tuệ thực nghiệm. Và bên ngoài thân thể của ta, sự thật không thể được chứng nghiệm mà chỉ có thể được suy luận đến mà thôi. Do đó, quý vị phải phát triển được khả năng chứng nghiệm được sự thật bên trong chính mình, từ chỗ thô thiển nhất tới chỗ tinh tế nhất, để thoát khỏi mọi ảo tưởng, mọi vướng mắc, ràng buộc.

Mọi người đều biết là vũ trụ thay đổi không ngừng, nhưng chỉ sự hiểu biết mang tính trí thức về thực tại này không giúp ích được gì cả; ta phải chứng nghiệm được sự thay đổi ấy trong chính ta. Có thể khi một việc đau buồn xảy ra, như một người gần gũi hoặc thân thiết qua đời, đối diện với thực tế phũ phàng này của sự vô thường, ta bắt đầu có trí tuệ, thấy được sự vô nghĩa trong việc theo đuổi những của cải trần tục, hoặc việc tranh cãi với người khác. Nhưng chẳng bao lâu, thói quen cũ của sự ngã mạn khẳng định lại quyền lực của nó, và trí tuệ này bị lu mờ dần bởi nó không dựa trên kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân. Ta đã không chứng nghiệm được sự thật của vô thường ngay trong ta.

Mọi sự đều đổi thay, sinh và diệt từng giây phút – anicca; nhưng tiến trình này xảy ra quá nhanh và liên tục nên tạo ra ảo tưởng mọi việc đều bất biến, không thay đổi. Ngọn lửa của cây nến và ánh sáng của bóng đèn điện đều thay đổi không ngừng. Nếu ta phát hiện được tiến trình thay đổi bằng các giác quan của mình, như trong trường hợp ánh sáng của đèn cầy, ta có thể thoát khỏi ảo tưởng. Nhưng khi sự thay đổi xảy ra quá nhanh và liên tục như trường hợp của bóng đèn điện mà các giác quan của ta không thể phát hiện được thì sự phá vỡ ảo tưởng khó hơn rất nhiều. Ta có thể nhận ra sự thay đổi không ngừng của một dòng sông đang chảy nhưng làm sao ta hiểu được rằng, người đang tắm trong dòng sông đó cũng đang thay đổi từng giây từng phút?

Cách duy nhất để phá vỡ ảo tưởng là tập cách tìm hiểu ngay trong chính ta, và tự chứng nghiệm được thực tại của cơ cấu thân và tâm của chính mình. Đây là điều mà thái tử Siddhattha Gotama đã làm để trở thành một vị Phật. Bỏ qua một bên tất cả những điều đã biết trước đây, Ngài tìm hiểu về chính Ngài để phát hiện ra bản chất thực sự của cơ cấu vật chất và tinh thần. Bắt đầu từ thực tại nông cạn, biểu hiện bề ngoài, Ngài thâm nhập tới từng lớp vi tế nhất, và Ngài khám phá ra rằng toàn thể cơ cấu vật chất, toàn thể thế giới vật chất, được cấu tạo bằng những vi tử, tiếng Pali gọi là attha kalapa. Ngài nhận thấy mỗi vi tử gồm có bốn nguyên tố chính – đất, nước, gió, lửa, và những thuộc tính của chúng. Ngài phát hiện ra rằng những vi tử này là những phần tử căn bản kết hợp thành vật chất, và chúng sinh ra rồi diệt đi rất nhanh – hàng tỉ tỉ lần trong một giây. Trên thực tế, không có sự chắc đặc trong thế giới vật chất; không có gì ngoài sự bùng cháy và những rung động. Các nhà khoa học hiện đại đã xác nhận những phát hiện của Đức Phật và đã chứng minh bằng thí nghiệm là thế giới vật chất gồm có những hạt cơ bản sinh diệt rất nhanh. Tuy nhiên, các nhà khoa học này không thể thoát khỏi khổ đau bởi vì họ chỉ hiểu bằng tri thức, không giống như Đức Phật, họ không chứng nghiệm trực tiếp được sự

thật bên trong chính họ. Chỉ khi nào ta tự chứng nghiệm được thực tại vô thường nơi chính mình, khi đó ta mới có thể thoát khỏi đau khổ.

Cùng lúc với sự hiểu biết về anicca phát triển trong bản thân, một sự hiểu biết khác của trí tuệ phát sinh: anatta, không có cái “ta” và không có cái “của ta”. Trong cấu trúc vật chất và tinh thần, không có một cái gì có thể tồn tại hơn một khoảnh khắc, không có gì có thể được xem là cái “ta”, hoặc một linh hồn không thay đổi. Nếu có một cái gì thật sự là “của ta”, thì ta phải làm chủ được chúng, phải kiểm soát được chúng. Nhưng trên thực tế, ta không làm chủ được ngay cả thân xác mình: nó luôn luôn thay đổi, hủy hoại không kể gì đến ước muốn của ta.

Kế đến, sự hiểu biết thứ ba của trí tuệ phát sinh: dukkha, khổ. Nếu ta cố làm chủ và bám giữ những gì đang thay đổi ngoài tầm kiểm soát của mình thì đương nhiên ta tạo ra khổ cho chính mình. Thông thường, ta nhận biết khổ qua những cảm giác khó chịu, nhưng cảm giác dễ chịu cũng tạo ra khổ không kém nếu ta dính mắc vào các cảm giác ấy, bởi vì chúng cũng vô thường như thế. Bám víu vào những gì phù du tạm bợ chắc chắn sẽ đưa tới khổ.

Khi sự hiểu biết về anicca, anatta, và dukkha trở nên vững mạnh, trí tuệ này sẽ thể hiện trong cuộc sống hằng ngày của ta. Cũng như khi ta đã học được cách thâm nhập vượt qua thực tại biểu hiện bên trong, thì trong những hoàn cảnh bên ngoài ta sẽ có khả năng thấy được sự thật biểu hiện đồng thời cũng thấy được sự thật tối hậu. Ta thoát khỏi ảo tưởng và sống một cuộc đời hạnh phúc và lành mạnh.

Rất nhiều ảo tưởng hình thành từ một sự thật hiển lộ ra bên ngoài, chắc chắn, kết hợp chặt chẽ – chẳng hạn ảo tưởng về sắc đẹp thể xác. Thân xác chỉ đẹp khi còn kết hợp với nhau thành một khối. Bất cứ bộ phận nào khi nhìn riêng rẽ sẽ không còn hấp dẫn, không còn đẹp nữa – asubha. Vẻ đẹp thể xác là một thực tại có tính nông cạn, bề ngoài, không phải là sự thật tối hậu.

Tuy nhiên, hiểu được bản chất hư ảo của vẻ đẹp thể xác không đưa đến sự ghét bỏ người khác. Khi trí tuệ đã phát sinh, tâm trí tự nhiên trở nên quân bình, không dính mắc, thanh tịnh, đầy thiện chí đối với mọi người. Khi đã chứng nghiệm được sự thực trong chính mình, ta sẽ hết ảo tưởng, ham muốn, ghét bỏ để sống được một cuộc sống an lạc và hạnh phúc.

Chiều mai, quý vị sẽ bước những bước đầu tiên trong lãnh vực panna khi thực tập Vipassana. Không nên nghĩ rằng ngay sau khi bắt đầu, quý vị sẽ thấy những hạt vi tử sinh ra và diệt đi trong khắp cơ thể. Không phải như thế, ta bắt đầu bằng sự thật thô thiển, hiển lộ, và bằng cách giữ được sự bình tâm, dần dần ta sẽ thâm nhập vào sự thật tinh tế hơn, tới những sự thật tối hậu về tinh thần và vật chất, và sau cùng, tới sự thật tối hậu vượt ra ngoài thân và tâm.

Để đạt được mục đích này, quý vị phải tự mình tu tập. Do đó nên giữ sila của mình vững mạnh hơn, bởi vì đây là nền móng của sự tu tập, và tiếp tục thực hành Anapana cho tới 3 giờ chiều ngày mai; tiếp tục quan sát thực tại trong phạm vi quanh mũi. Tiếp tục làm cho đầu óc bén nhạy để khi khởi sự Vipassna vào ngày mai quý vị có thể thâm nhập vào những tầng lớp sâu hơn và diệt trừ được những bất tịnh ẩn sâu trong đó. Hãy tu tập kiên nhẫn, bền bỉ, liên tục, vì sự tốt đẹp và sự giải thoát của quý vị.

Nguyện cho quý vị thành công trong những bước đầu tiên trên con đường giải thoát.

Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc!

 

Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *