TOA THUỐC CỦA BÁC SĨ – CHỈ NIỀM TIN LÀ KHÔNG ĐỦ

Hiểu rõ thuốc có hiệu quả như thế nào cũng là điều lợi ích nếu nó khích lệ bạn uống thuốc. Nhưng nếu không thực sự uống thuốc, bạn không thể nào chữa được bệnh. Bạn phải tự mình uống thuốc mới mong hết bệnh. Chỉ niềm tin không giúp được bạn, bạn phải tự trải nghiệm mới giúp được chính mình.

TOA THUỐC CỦA BÁC SỸ 

Một người đàn ông kia bị bệnh và đi đến bác sĩ. Vị bác sĩ khám xong rồi kê cho anh ta một toa thuốc. Người đàn ông này rất tin tưởng vị bác sĩ của mình. Anh ta trở về nhà và trong phòng cầu nguyện của mình anh ta đặt một bức tượng rất đẹp của vị bác sĩ ấy. Rồi, anh ngồi xuống dập đầu kính lễ bức tượng ấy ba lần, và dâng lên hương hoa. Xong, anh móc cái toa thuốc mà vị bác sĩ đã ghi cho anh ra và trịnh trọng đọc:

“Sáng hai viên! Trưa hai viên! Tối hai viên!”

Suốt cả ngày, suốt cả đời anh ta cữ mãi miết đọc toa thuốc vì anh có đức tin lớn nơi vị bác sĩ, nhưng toa thuốc vẫn không giúp ích được gì cho anh.

Người đàn ông quyết định là mình cần phải biết thêm thông tin về toa thuốc này, và thế là anh tức tốc chạy đến hỏi vị bác sĩ, “Tại sao bác sĩ lại kê toa thuốc này? Nó sẽ giúp cho tôi như thế nào?” Là một người trí thức, vị bác sĩ giải thích, “Này, hãy xem nhé, đây là bệnh của anh, và đây là nguyên nhân sanh ra bệnh của anh. Nếu anh uống thuốc mà tôi đã kê toa đó, nó sẽ loại trừ căn nguyên của bệnh. Khi nhân đã được loại trừ, bệnh sẽ tự động biến mất thôi.” Người đàn ông suy nghĩ, “A, thật tuyệt vời! Bác sĩ của ta rất thông thái! Toa thuốc của ông thật vô cùng lợi ích đấy chứ!”

Thế là anh ta lại trở về nhà và bắt đầu tranh cãi với những người hàng xóm láng giềng của mình, khăng khăng rằng, “Bác sĩ của tôi là đệ nhất! Các ông bác sĩ khác đều vô dụng!” Nhưng anh ta được gì khi tranh cãi như thế? Suốt cuộc đời anh ta có thể cứ tiếp tục tranh cãi, song điều ấy cũng hoàn toàn chẳng giúp ích được gì cho anh. Nếu anh ta uống thuốc, chỉ lúc đó anh ta mới vơi nhẹ được nỗi khổ của mình, mới dứt được căn bệnh của mình. Chỉ lúc đó thuốc mới giúp ích được cho anh ta.

Mỗi con người giải thoát cũng giống như một vị lương y vậy. Vì lòng bi mẫn, vị ấy đưa ra một toa thuốc khuyên mọi người cách làm thế nào để tự giải thoát mình ra khỏi khổ đau. Nếu người nào phát sinh đức tin mù quáng nơi vị ấy, họ sẽ biến toa thuốc thành kinh điển và rồi bắt đầu tranh cãi với các bộ phái khác, cho rằng giáo lý của bậc sáng lập ra tôn giáo của họ mới là cao siêu. Nhưng chẳng ai màng đến việc thực hành theo lời dạy, chẳng ai màng đến việc uống thuốc theo toa đã kê để loại trừ căn bệnh. 

Thực ra, có niềm tin nơi vị bác sĩ sẽ là hữu ích nếu nó khuyến khích được bệnh nhân theo lời khuyên của ông ta. Hiểu rõ thuốc có hiệu quả như thế nào cũng là điều lợi ích nếu nó khích lệ bạn uống thuốc. Nhưng nếu không thực sự uống thuốc, bạn không thể nào chữa được bệnh. Bạn phải tự mình uống thuốc mới mong hết bệnh.

 

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *