Câu hỏi:Tại Ấn Độ, tụng niệm, đọc chú, tưởng tượng là một phần quan trọng trong việc hành thiền. Tại sao thầy lại nhấn mạnh là chúng ta không nên bận tâm tới những việc này và trái lại đặt toàn thể sự chú tâm vào hơi thở và cảm giác?
Trả lời: Chúng ta không có gì chống đối tụng niệm hoặc là hình dung; chúng có những giá trị của chúng và là sự hỗ trợ tuyệt vời để tập trung. Nếu các con tiếp tục tưởng tượng một hình dáng, đặc biệt là hình dáng của ai đó mà các con tin tưởng mãnh liệt tâm của các con sẽ tĩnh lặng và trở nên tập trung. Tương tự nếu các con đọc thầm trong tâm một tiếng nào đó tâm sẽ tĩnh lặng và cũng sẽ thanh lọc tâm. Tuy nhiên, đó chỉ là sự thanh lọc ở trên bề mặt mà cái bất tịnh vẫn còn bị dồn ép sâu tận bên trong.
Mục đích của Vipassana không phải thuần túy chỉ để tập trung tâm hoặc là để thanh lọc tâm ở tầng lớp trên bề mặt mà để thanh lọc tâm ở tầng lớp sâu nhất. Mỗi một tiếng có một sự rung động riêng của nó, đặc biệt là những tiếng bīja mantras (những lời chú). Nếu các con cứ tiếp tục lặp lại những chú này các con sẽ bao trùm trong một rung động giả tạo, và điều này tốt tới một mức độ nào đó. Bởi vì nó giống như một bức chắn không cho phép những rung động xấu làm phiền các con. Nhưng sự bất tịnh gốc rễ không có cơ hội được diệt trừ, và như thế các con không tìm thấy những gì xảy ra cho tâm và thân các con khi các con tạo ra bất tịnh như giận dữ, sợ hãi, ngã mạn, hoặc là đam mê.
Bất cứ một bất tịnh nào nảy sinh trong tâm chắc chắn sẽ tạo ra một cảm giác trên cơ thể bởi vì tâm và thân liên quan mật thiết với nhau, khiến cho chúng ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu tâm có một ý nghĩ tốt các con cảm thấy những cảm giác dễ chịu. Nếu tâm tràn đầy bất tịnh các con sẽ cảm thấy những cảm giác khó chịu. Đây là luật tự nhiên. Khi một sự bất tịnh ở trong tâm tạo ra cảm giác khó chịu, các con phản ứng đối với cảm giác đó bằng sự chán ghét và sự phản ứng này tự nó tạo ra một loại cảm giác khó chịu nào đó và một lần nữa con lại phản ứng lại điều này. Do đó sự phản ứng của các con đối với sự bất tịnh gia tăng bội phần bởi những cảm giác này, và cảm giác nảy sinh gia tăng bội phần bởi vì những bất tịnh. Một chu kỳ ghê gớm bắt đầu.
Đức Phật khám phá ra rằng để phá bỏ chu kỳ ghê gớm này các con phải quan sát cảm giác một cách khách quan và hiểu được rằng chúng là anicca. Đây là bởi vì vedanā – paccayā tanhā – bởi vì có cảm giác thèm muốn nảy sinh. Vì chỉ có cảm giác dễ chịu trên thân khiến các con tạo ra thèm muốn, bám víu chứ không có cái gì khác. Nó có vẻ như là các con thèm muốn cái gì đó ở bên ngoài, một hình dáng ở bên ngoài, âm thanh, mùi vị, sự xúc chạm, vị nếm – Nhưng có một khoảng trống giữa đối tượng bên ngoài và sự phản ứng của con đối với nó. Khoảng trống được Đức Phật khám phá và đây là sự giác ngộ của ngài.
Không phải là salāyatana-paccayā tanhā – tùy thuộc vào đối tượng của giác quan thèm muốn nảy sinh mà vì salāyatana-paccayā phasso; phassa-paccayā vedanā; vedanā-paccayā tanhā – bởi vì sự xúc chạm của giác quan, cảm giác thèm muốn nảy sinh. Mắt xích nối bị bỏ quên, bị thiếu hụt là khám phá của Đức Phật. Nếu các con không tận dụng nó các con đã không đi theo lời giảng dạy khiến cho các con tiến tới mục đích cuối cùng.
Khi người ta chỉ chú trọng tới những rung động tự tạo, hay là những hình dáng tưởng tượng họ không chú trọng tới những cảm giác tự nhiên. Nhưng nếu họ bắt đầu tập với những cảm giác tự nhiên họ sẽ đi tới tầng lớp sâu thẳm nhất ở trong tâm và diệt trừ được những bất tịnh của mình.
Chúng ta không phải ở đây để lên án người khác đang dùng tụng niệm và tưởng tượng, nhưng đối với những người tin chắc rằng con đường này sẽ đưa chúng ta tới mục đích cuối cùng chắc chắn đã hiểu được sự quan trọng của vedana. Cho dù vedana là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, hãy quan sát chúng với anicca. Khi sự hiểu biết của các con về anicca trở nên mạnh hơn nó sẽ thanh lọc bề sâu của tâm và các con đạt được mục đích tối hậu bên ngoài vedana.
Hỏi đáp với Thiền Sư S.N. Goenka tại các cuộc họp hàng năm – Trích từ cuốn Vì Lợi Ích Cho Nhiều Người