Hỏi: Thưa thầy, mỗi khi một thiền sư phụ tá đi vào và đi ra khỏi thiền đường, những người phục vụ Dhamma thường hay cúi lạy. Thiền sinh quan sát những điều này, và khi họ phục vụ Dhamma họ cũng làm đúng như vậy. Nó hầu như đã trở thành một nghi lễ. Xin thầy chỉ dẫn cho chúng con về điều này?
Thầy Goenka: Trong Dhamma tinh khiết không một nghi lễ nào được cho phép. Dhamma và nghi lễ không thể hiện hữu cùng với nhau. Thầy thấy không có gì sai trái trong việc một người nào đó tỏ lòng kính trọng đối với thiền sư phụ tá, với điều kiện là người này bày tỏ sự kính trọng đối với Dhamma. Một thiền sư phụ tá hay bất cứ ai ngồi trên chỗ của Dhamma – thiền sư phụ tá hay thiền sư kỳ cựu, hay phụ tá cho thiền sư tổng quản, bất cứ ai – là đại diện cho giáo huấn của Đức Phật, cho Dhamma và toàn thể một dòng những thiền sư của Vipassana. Người đó đã sống một cuộc đời Dhamma và phục vụ người khác trong Dhamma. Ta phát triển lòng thành tín, lòng biết ơn đối với người này. Cúi lạy là một công việc tạo ra công đức. Thực ra ta cúi lạy Dhamma, tỏ lòng kính trọng Dhamma.
Nhưng khi điều này trở nên thuần túy là một nghi lễ hay nghi thức, nó đi ngược lại với Dhamma. Nếu có một ai vì sự kính trọng mà cúi lạy và người khác cảm thấy : “Nếu tôi không cúi lạy thì mọi người sẽ cho tôi là một người khiếm nhã, do đó tôi cũng phải cúi lạy,” một lần nữa, điều này đi ngược với Dhamma. Hành xử theo đường lối Dhamma là luôn luôn có chủ ý tinh khiết ở trong tâm. Bằng không nó chỉ là những thói quen máy móc: Các con cúi lạy và tập thể dục cho cái lưng! Nếu muốn tập thể dục, tốt hơn nên tập trong phòng riêng của mình.
Nếu có một ai không cúi lạy bởi vì vào một lúc nào đó người đó đã không phát triển được chủ ý thành tín đối với Dhamma. Thầy cảm thấy vui, “Rất tốt.” Cúi lạy phải kèm theo chủ ý là tỏ lòng kính trọng đối với Dhamma, chứ không phải đối với một cá nhân.
Ngay như Đức Phật cũng không thích người khác tỏ lòng thành kính đối với mình. Ngài nói rằng: “Các con có thể khi nào cũng ở gần ta, nắm lấy vạt áo của ta, nhưng các con ở xa ta rất nhiều. Nhưng nếu các con thực hành Dhamma với một tâm thanh tịnh, mặc dù các con ở xa hàng ngàn dặm các con vẫn rất gần ta.”
Yo dhammaṃ passati so maṃ passati, yo maṃ passati so dhammam passati. Người nào thực hành Dhamma – có nghĩa là thực hành Dhamma ở bên trong – là đang quan sát ta, là đang thấy ta. Nếu ai không thực hành Dhamma, thì cúi lạy chỉ là một bài tập điên rồ.
Hỏi đáp với Thiền Sư S.N. Goenka tại các cuộc họp hàng năm – Trích từ cuốn Vì Lợi Ích Cho Nhiều Người