Cuộc họp hằng năm tại Dhamma Giri – Ấn Độ Ngày 13 – Tháng giêng – 1991 Diễn văn bế mạc |
Ánh sáng lớn mạnh của Dhamma.
Những người con trai và con gái Dhamma thân mến của thầy,
Chúng ta đã thực thi một công việc hết sức là nghiêm túc. Đó là một trách nhiệm lớn lao để phục vụ người khác trong Dhamma. Nếu có sự bất tịnh trong ý định của chúng ta, cho dù chỉ một ít mong muốn rằng, “Tôi phải được đền đáp cho sự phục vụ này của tôi,” thì toàn thể mục đích của chúng ta đã bị mất đi. Những người trông mong có được tiền tài trong việc giảng dạy Dhamma thì không bao giờ có thể giảng dạy Dhamma; họ hoàn toàn không xứng đáng. Có nhiều người đã hiểu là họ phục vụ người khác trong Dhamma không phải để có lợi về tiền tài, tuy nhiên vẫn trông mong được người khác kính trọng, “Hãy xem, tôi đã phục vụ tốt đến như thế, do đó tôi phải được kính nể.” Nếu vẫn còn trông mong, dù chỉ một chút ít sự biết ơn của người khác, ta nên hiểu rằng ta không thích hợp để phục vụ người khác. Ta đã không hiểu rằng, ta phải phục vụ chính mình trước rồi sau đó mới phục vụ người khác.
Bậc giác ngộ đã nhắn nhủ tất cả những người mà ngài đã gửi đi: Caratha bhikkhave cārikam – Hãy đi! Đi để là gì? Bahujana-hitāya– vì lợi ích của nhiều người, bahujana-sukhāya – vì hạnh phúc của nhiều người, lokānu-kampāya– vì lòng trắc ẩn cho mọi người.
Có rất nhiều khổ đau xung quanh chúng ta. Càng ngày nên có càng nhiều người thoát khỏi khổ đau. Mục đích của việc trao tặng Dhamma cho người khác là giúp họ thoát khỏi khổ đau chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân chắc chắn sẽ tự động tới. Để đạt tới giai đoạn cuối cùng của sự giải thoát hoàn toàn, các con phải phát triển pāramīs của mình, và mọi việc các con đã làm vì lợi ích của người khác cũng để giúp phát triển pāramīs của mình.
Nếu ta nghĩ dù chỉ một thoáng qua, “Hãy để cho càng ngày càng có nhiều người bắt đầu cho mình là Phật tử, hãy để cho một tông phái Phật giáo lớn mạnh. Hãy để những người từ tông phái khác đến đây để ta có được một số lớn tín đồ” thì ta đã không hiểu Đức Phật – ta đã không hiểu Dhamma.
Có một việc xảy ra trong đời của Đức Phật. Một lần Ngài đến một nơi có đông người tu ẩn dật và giảng Pháp cho họ. Xuất thân từ một tông phái đặc biệt nên họ nghĩ rằng, “Người này có thể cải đạo chúng ta, làm chúng ta phải từ bỏ tông phái của mình.” Ngài giải thích, “Ta đến đây không phải để tìm kiếm đệ tử cho ta. Ta không màng đến chuyện biến quý vị thành đệ tử của ta. Không nên lo ngại về việc đó. Ta tới đây không phải để làm gián đoạn mối quan hệ của quý vị với người thầy của quý vị – hãy để việc đó tiếp tục. Quý vị có thể nhận được gì đó từ vị thầy của quý vị, và quý vị phải tôn kính họ vì đó là bổn phận của đệ tử phải như thế. Quý vị hiến tặng cho những vị thầy này – hãy tiếp tục hiến tặng cho họ. Ta ở đây không phải để ngăn chặn việc quý vị đạt được mục tiêu thoát khỏi khổ đau và tiến tới hoàn toàn giải thoát. Những gì ta sẽ dạy quý vị sẽ giúp quý vị đạt mục tiêu đó. Hãy cho ta bảy ngày trong đời của quý vị, hãy cứ thử điều này.”
Đây phải là thái độ của chúng ta: “Hãy thử nó. Chúng tôi không màng tới việc cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác. Hãy dành mười ngày trong đời quý vị, sau đó nếu quý vị thấy có lợi ích thì hãy chấp nhận nó, bằng không thì hãy bỏ qua.” Chúng ta cũng không trông đợi được đền đáp bất cứ thứ gì, chúng ta chỉ là người đi ban phát. Sayagyi cũng thường nói rằng: “Ta là người ban phát, ta không phải là người thụ nhận. Nếu người ta muốn nhận, họ sẽ nhận. Nếu họ không muốn nhận, họ sẽ không nhận. Với tất cả lòng trắc ẩn, ta chỉ ban phát.”
Đây phải là thái độ của tất cả những ai nhận lấy trách nhiệm ban phát Dhamma. Chúng ta chỉ ban phát và không trông đợi được đền đáp, và chỉ với chủ ý của lòng trắc ẩn, là càng ngày càng có nhiều người thoát khỏi khổ đau.
Nhiều khi người ta không thấy lợi lạc thì chúng ta nên làm gì? Chúng ta ban phát, nhưng đôi khi không có hiệu quả và họ không nhận được. Với lòng trắc ẩn, chúng ta lại ban phát thêm một lần nữa – chỉ có vậy thôi. Không nên thất vọng khi người ta không thực hành một cách đúng đắn, và không nhận được lợi ích mà đáng lẽ họ phải nhận được. Nếu chúng ta than van vì điều đó thì chúng ta có sự ràng buộc, rằng nhiều người nên có được lợi lạc từ Dhamma. Dĩ nhiên họ sẽ được lợi lạc từ Dhamma, do đó chúng ta làm hết sức mình. Chúng ta hãy tiếp tục ban phát và không trông đợi được đền đáp bất cứ điều gì, và chắc chắn điều này sẽ có những kết quả tốt.
Những khó khăn ban đầu chắc chắn sẽ xảy ra vì người ta có những định kiến ở trong tâm, họ sẽ thấy mọi điều qua cặp kính màu của họ. Thầy đã đối mặt với rất nhiều sự nghi hoặc về Vipassana khi thầy bắt đầu ở Ấn Độ. Một số người nghĩ rằng, “Hãy xem, ý định của người này chắc chắn để cải đạo người khác.” Nếu một ai có đầu óc tông phái, người đó sẽ luôn luôn thấy mọi thứ đều là tông phái. Có những người tới nước này và xây dựng bệnh viện, trường học và những cơ sở xã hội khác nhau, rồi sau một vài năm phục vụ, họ bắt đầu cải đạo người ta sang tôn giáo của họ. Bởi vì những điều này đã xảy ra nên người ta bắt đầu cảm thấy, “Hãy xem, người này đến từ Miến Điện và ông ta đã phục vụ người khác cùng một kiểu cách. Đúng thế, người ta sẽ có được bình an và hạnh phúc. Họ sẽ thoát khỏi những tệ nạn như ma túy, rượu chè v.v… Điều này thật tuyệt vời! Nhưng mục tiêu tối hậu của ông ta là cải đạo mọi người sang Phật giáo.”
Ta mỉm cười. Nếu điều này thực sự là ý định của ta, ta sẽ trở lên bực bội nghĩ rằng, “Hãy xem, ý định khôn khéo đã bị khám phá. Ta sẽ thành công bằng cách nào?” Nhưng nếu tâm ta trong sáng, thì cứ để cho người ta nói. Nếu không phải hôm nay thì ngày mai người ta sẽ hiểu. Dhamma tinh khiết được truyền bá chỉ bằng cách này mà thôi.
Tương tự như thế với các quốc gia ở phương Tây. Đương nhiên có sự ngần ngại, một số người nghĩ rằng, “Một tôn giáo ngoại lai đã tới nước của chúng ta, những người này sẽ làm đồng bào của chúng ta trở thành nô lệ.” Sự nghi ngại là hoàn toàn tự nhiên vì điều đó đã xảy ra. Nhưng ý định của chúng ta hoàn toàn chỉ để phục vụ để ban phát cho người khác cái gì đó – một điều làm cho họ hạnh phúc mà không có sự cải đạo sang bất cứ tôn giáo, giáo lý, tín ngưỡng nào. Nếu mục tiêu không bị ô nhiễm thì sự thành công đương nhiên sẽ tới.
Một thời điểm chắc chắn sẽ tới cho sự lan truyền rộng rãi của Dhamma mặc cho những khó khăn ban đầu, với điều kiện phương pháp phải giữ được sự tinh khiết và chủ ý của những người ban phát phương pháp này cho người khác cũng phải giữ được sự tinh khiết. Đây là một điều rất quan trọng. Chúng ta hoàn toàn chỉ là những cỗ xe và nếu cỗ xe tốt, càng ngày sẽ càng có nhiều người được lợi lạc. Mặt khác, có người chơi trò chơi ngã mạn dưới danh nghĩa truyền bá Dhamma thì dĩ nhiên Dhamma sẽ xua đuổi người ta đi chỗ khác.
Dhamma đương nhiên được truyền bá vì bây giờ thời điểm đã chín mùi. Có rất nhiều khổ đau ở Ấn Độ với nhiều tông phái, dưới danh nghĩa Dhamma, đã chống báng lẫn nhau, giết hại nhau. Điều đó thật đáng thương. Điều đó xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, ai cũng “Tôn giáo của tôi, tôn giáo của tôi” mà không có biết Dhamma là gì. Đây là điều cần thiết ngày nay. Đau khổ gia tăng khắp nơi bởi vì người ta không hiểu Dhamma là gì. Nếu họ hiểu Dhamma thì sẽ có một thế giới tốt đẹp hơn, và điều này chắc chắn sẽ xảy ra. Cho dù tất cả những bóng tối đang hiện hữu bây giờ, nhưng ánh sáng nhỏ nhoi của Dhamma đã tới và nó chắc chắn sẽ tỏa chiếu.
Một thời điểm chắc chắn sẽ tới khi có trung tâm Vipassana ở mọi nơi trên thế giới. Người ta sẽ hiểu rằng đó là điều cần thiết và nó không liên quan tới bất cứ tôn giáo nào. Đây là cách giữ cho tâm được thiện lành và thanh tịnh để chúng ta sống một cuộc sống tốt lành và có thể giúp người khác sống một cuộc sống tốt lành. Đây là mục đích của Dhamma. Nếu mục đích này vẫn được rõ ràng và phương pháp giữ được sự tinh khiết, Dhamma sẽ được lan truyền, bóng tối khắp nơi sẽ bị xóa tan. Sự đau khổ ở khắp nơi chắc chắn sẽ bị tiêu trừ.
Nguyện cho mọi người được sống trong bình an thực sự, hài hòa thực sự, hạnh phúc thực sự.
Bhavatu sabba maṅgalaṃ