Cách thức tổ chức các khóa thiền
(Cuộc họp hàng năm: Dhamma Khetta, Ấn độ, năm 1983)
Các thành viên quản lý và những người tổ chức khóa thiền thân mến,
Mùa đông năm nay, thầy đã duyệt xét một số vấn đề quan trọng liên quan tới Dhamma. Với kinh nghiệm thành công của hơn 50 khóa thiền do thiền sư phụ tá hướng dẫn năm vừa qua, những chỉ dẫn sau đây được soạn thảo trong cuộc họp gần đây giữa các thiền sư phụ tá với thầy tại Hyderabad vào tháng 2, năm 1983. Những chỉ đạo này sẽ rất hữu dụng cho việc lan truyền Dhamma.
Thêm vào đó, là những chỉ đạo chung cho tất cả những khóa thiền, bao gồm việc Dāna, thực phẩm cho khóa thiền, lịch dạy của các thiền sư phụ tá và một số điều khác đã được duyệt xét.
Những thiền sư phụ tá được thầy bổ nhiệm sẽ thay mặt thầy để hướng dẫn những khóa thiền, và nên được các thiền sinh chấp nhận. Điều này đặc biệt quan trọng đối với khóa thiền, nơi thiền sư phụ tá chịu trách nhiệm đảm bảo phương pháp truyền dạy và cách thức tổ chức khóa thiền theo đúng chỉ thị của thầy, và tạo ra bầu không khí thích hợp giúp các thiền sinh hành thiền.
Sự gia tăng các khóa thiền sẽ tạo nhiều cơ hội cho thiền sinh học Dhamma hơn so với khi thầy đích thân hướng dẫn. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các cơ hội này, điều cần thiết bây giờ là sự phục vụ và hỗ trợ của những thiền sinh cũ. Nếu không có sự giúp đỡ đó, thì các khóa thiền do các thiền sư phụ tá giảng dạy sẽ không được tổ chức đúng đắn, có thể đưa đến sự suy yếu trong sự truyền bá Dhamma. Một điều quan trọng nữa là những thiền sinh cũ cần khuyến khích thiền sinh mới tham gia vào việc tổ chức và phục vụ khóa thiền, để họ có thể được sự huấn luyện cần thiết để đảm nhận thêm các trọng trách khác nữa.
Điều quan trọng nhất trong điều lệ về kỷ luật dành cho thiền sư phụ tá, là người đó tới để phục vụ người khác. Theo đó, thiền sư phụ tá không bao giờ nên trông đợi, hoặc sử dụng Dhamma làm phương tiện để có được chức vụ tốt hơn cho mình hay cho gia đình. Sự giảng dạy Dhamma không bao giờ được trở thành công cụ làm kế sinh nhai hay hưởng được lợi lạc về tài vật bằng bất cứ cách nào.
Cho tới bây giờ, thầy đã nhấn mạnh rằng thiền sư phụ tá chỉ nên thêm rất ít vào sự giảng dạy trong các khóa thiền. Khóa thiền phải được giảng dạy đúng như trong các băng đĩa từ sáng sớm cho tới lúc Mettā hàng đêm. Trừ trường hợp do chất lượng băng đĩa quá tệ, hay có sự cố máy móc xảy ra, hoặc có vài điều cần làm sáng tỏ thì thiền sư phụ tá mới được nói thêm trong sự giảng dạy. Trong tương lai, thầy sẽ tự mình cắt đặt công việc giảng dạy hiện có trong băng đĩa cho các thiền sư phụ tá.
Trong trường hợp thiền sinh hay người tổ chức cảm thấy sự bất ổn trong sự hành xử của một thiền sư phụ tá liên quan đến sự hiểu biết về Dhamma, giải pháp trước tiên là phải thảo luận với thiền sư phụ tá liên quan. Nếu không thành công thì lúc đó mới thông báo cho thầy. Điều quan trọng là tránh hành động bất thiện bằng cách nói xấu bất cứ thiền sư nào
Những điểm sau đây dành cho những người tổ chức khóa thiền trên khắp thế giới đã được thảo luận cặn kẽ với thầy tại Hyderabad. Những điều lệ này sẽ áp dụng cho tất cả các khóa thiền do thầy hay các thiền sư phụ tá hướng dẫn. Những chính cách sau đây đã được soạn thảo do sự chỉ đạo và chấp thuận của thầy.
Dāna và tài chính cho khóa thiền
Với nỗ lực giản dị hóa, tiêu chuẩn hóa, hãy dùng những lời lẽ thích hợp liên quan đến Dāna khi thông báo về một khóa thiền hoặc thảo luận với các thiền sinh. Các khóa thiền được tổ chức hoàn toàn dựa trên nền tảng của sự hiến tặng. Chúng ta đã thay đổi những từ ngữ để nhấn mạnh rằng Dāna là một phần không thể thiếu trong sự thực hành.
Những người tổ chức khóa thiền được khuyến khích, dựa vào tình hình địa phương, để dùng Dāna trang trải phí tổn của khóa thiền, gồm các khoản phí tổn khởi đầu để thuê địa điểm, mua thực phẩm, di chuyển… Chỉ trong trường hợp đặc biệt, các ngoại lệ liên quan tới chính sách chỉ đạo này mới được áp dụng, sau khi tham vấn với thiền sư hoặc thiền sư phụ tá.
Trong ngày cuối cùng hoặc ngày thứ 10, một sự thiếu hụt 20% hay hơn nữa xảy ra thì vào sáng hôm sau, vào ngày 11, một thông báo nói về phí tổn của khóa thiền và Dāna nhận được có thể được thông báo.
Nếu sau khóa thiền chấm dứt mà vẫn thiếu hụt về tài chính, thì địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm, ít nhất là 3 tháng. Trong thời gian này sự thiếu hụt có thể được thông báo trên bản tin hoặc thảo luận giữa những thiền sinh cũ với nhau nếu việc việc tổ chức các khóa thiền trong tương lai vẫn tiếp tục trong chiều hướng khó khăn.
Sau ba tháng nếu sự thiếu hụt vẫn còn, thiền sư hay thiền sư phụ tá có thể được hỏi ý kiến về những nguồn tài trợ để trang trải sự thiếu hụt.
Thêm vào đó, một lá thư Dāna có thể được gởi cho thiền sinh cũ để nói rõ ràng, minh bạch về tình hình tài chính của khóa thiền. Ban điều hành phải quyết định có cần thiết hay không khi gửi thư này cho từng thiền sinh cũ, những người đã nộp đơn tham dự khóa thiền. Trong lá thư này, những phí tổn được đề cập với mục đích thông tin mà thôi (những con số phải linh hoạt để phù hợp với điều kiện ở địa phương.) Trong khi hệ thống Dāna tiếp tục đưa đến thành công, nhưng đã có một quyết định làm minh bạch hơn nữa: trách nhiệm của một hệ thống Dana sẽ do những thiền sinh cũ đã liên tiếp tham gia các khóa thiền này gánh vác.
Nói chung, những người tổ chức được khuyến cáo là cần thường xuyên liên lạc trực tiếp với thiền sư hoặc thiền sư phụ tá để thảo luận về mọi vấn đề trong việc tổ chức khóa thiền, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sự lựa chọn địa điểm, lên lịch, tài chính và thông báo cho quần chúng v.v…
[Chú ý: Nếu cần thiết phải viết thư cho thầy Goenka về vấn đề tài chính, phải nói rõ ràng số tiền đề cập tới thuộc về những tổ chức, hiệp hội hay ban điều hành nào. Điều quan trọng là làm sao để không tạo ra ấn tượng sai lầm rằng, tiền bạc có liên quan ít nhiều đến cá nhân thầy Goenka.]