CĂN NGUYÊN CỦA VẤN ĐỀ
Khổ và chấp thủ
“Sự thực của khổ”, Đức Phật nói, “phải được liễu tri (khám phá cho đến tận cùng của nó).” 14 Vào cái đêm sắp thành đạo, Ngài ngồi xuống hành thiền với quyết tâm sẽ không đứng dậy cho đến khi hiểu rõ được khổ phát sinh như thế nào và làm sao để có thể đoạn trừ nó
Xác định khổ
Ngài thấy rõ là khổ hiện hữu. Đây là một sự thực không thể tránh khỏi, dù nó có thể khó chịu đến như thế nào. Khổ bắt đầu với sự bắt đầu của cuộc sống. Chúng ta hầu như không có một cái nhớ ý thức nào về sự hiện hữu ở bên trong bào thai, nhưng kinh nghiệm chung cho thấy rằng chúng ta chui ra khỏi nó với tiếng khóc. Sanh là một tình trạng gian khổ cực kỳ.
Sau khi chào đời, chúng ta chắc chắn còn gặp những cái khổ của bệnh đau và tuổi già. Vậy mà, bất chấp chúng ta có phải bệnh đau ra sao, bất chấp chúng ta có suy yếu và già nua như thế nào, chẳng ai trong chúng ta muốn chết cả, bởi vì chết là một nỗi khổ lớn.
Mọi sinh vật trong cõi đều phải đối diện với những cái khổ này. Và khi chúng ta trải qua cuộc đời, chắc chắn chúng ta còn phải gặp những cái khổ khác, những lọai khổ khác nhau của thể xác hoặc tinh thần. Chúng ta vướng vào những cái khổ của việc phải gần những vật khó ưa và chia lìa vật vừa lòng. Chúng ta không được những gì chúng ta muốn; thay vào đó lại phải những gì chúng ta không mong. Mọi tình huống như vậy đếu là khổ.
Những trường hợp vừa đề cập của khổ không có gì khó nhận ra với bất kỳ ai có suy tư sâu sắc về nó. Nhưng Đức Phật tương lai không lấy làm thoải mãn với những lý giải hạn chế của tri thức. Ngài tiếp tục dò tìm sâu hơn vào trong chính mình để kinh nghiệm bản chất thực sự của khổ, và Ngài khám phá ra rằng “chấp thủ vào năm uẩn là khổ.”15 Ở một mức độ rất sâu, khổ là sự chấp thủ quá độ mà mỗi ngưởi chúng ta đã hình thành đối với thân và tâm này. Con người lầm chấp vào cái thực thể tâm – vật lý này của họ trong khi thực sự là chỉ có một tiến trình đang diễn biến mà thôi. Sự chấp thủ vào khái niệm không thực về tự thân này, vào cái mà trong thực tế đang thay đổi không ngừng này, là khổ.
14S.L VI(XII).ii.1, Dhamma-cakkappavattana Sutta
15Ibid (xem cùng cuốn sách trên – Dhamma-cakkappavattana Sutta)
Chấp thủ
Có nhiều loại chấp thủ. Đầu tiên là chấp thủ vào thói quen đi tìm sự thỏa mãn dục lạc (hay Dục Thủ). Một người nghiện dùng ma túy bởi vì anh ta muốn nếm cái cảm giác đê mê mà thuốc ấy tạo ra cho anh, mặc dù anh ta dư biết rằng do dùng thuốc anh ta đã củng cố thêm cho sự nghiện ngập của mình. Tương tư như vậy, chúng ta đã nghiện cái tình trạng tham ái. Ngay khi một ước muốn được thỏa mãn, chúng ta liền phát sanh một ước muốn khác. Đối tượng chỉ là phụ; sự thực là chúng ta luôn tìm cách duy trì liên tục trạng thái khát khao; bởi vì ngay cái khát khao này đã tạo ra trong chúng ta một cảm giác dễ chịu mà chúng ta muốn được kéo dài mãi. Tham ái hay khát khao trở thành một thói quen, một sự nghiện ngập, chúng ta không thể nào bỏ được. Và cũng như 1 người nghiện, dần dần rồi sẽ trở nên lờn đối với loại thuốc đã chọn của anh ta và lúc nào cũng đòi hỏi phải có những liều cao hơn để đạt được cái tình trạng đê mê ấy, tham ái của chúng ta cũng thế, chúng ta càng tìm cách thỏa mãn nó thì nó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Theo cách này chúng ta chẳng thể nào đi đến tận cùng của tham ái, và bao lâu chúng ta còn tham ái, chúng ta chẳng bao giờ hạnh phúc.
Chấp thủ lớn khác là “ngã chấp”, hay chấp vào cái “tôi”, cái hình ảnh mà chúng ta có về chính bản thân mình (Ngã chấp thủ). Đối với mỗi người chúng ta, cái “Tôi” có lẽ là nhân vật quan trọng nhất trần gian. Chúng ta xử sự chẳng khác nào một thanh nam châm với những mạt sắt vây quanh: nó sẽ tự động sắp xếp những mạt sắt ấy theo khuôn mẫu lấy nó làm trung tâm, và chỉ với cách suy nghĩ kém cỏi như vậy chúng ta, theo bản năng, cố gắng sắp xếp thế gian theo ý thích của chúng ta, tìm cách hấp dẫn những cái dễ chịu vào và đẩy cái khó ưa ra. Nhưng chẳng ai trong chúng ta sống một mình trong cái thế gian này; một cái “tôi” chắc chắn phải cọ sát với những cái tôi khác. Cái khuôn mẫu mà mỗi người chúng ta tìm cách tạo ra bị khuấy động bởi từ trường của những người khác, và chính chúng ta cũng phải bị hấp dẫn hay bị đẩy ra. Kết quả chỉ có thề là bất hạnh hay khổ đau mà thôi.
Chúng ta không chỉ giới hạn sự chấp thủ vào cái “tôi” mà còn bành trướng nó đến “cái của tôi”, đến bất cứ những gì thuộc về chúng ta. Mỗi người chúng ta dần dần hình thành sự chấp thủ to lớn đối với những gì chúng ta có, vì cái đó dính liền với chúng ta, hỗ trợ cho hình ảnh về “cái tôi” của chúng ta. Sự chấp thủ này sẽ không tạo ra vấn đề nếu những gì bạn gọi là “của tôi” cứ thường hằng, và cái “tôi” cứ còn mãi để hưởng thụ nó đời đời. Nhưng sự thực thì sớm hay muộn gì cái “tôi” cũng phải chia lìa với cái “của tôi”. Giờ phút chia tay chắc chắn sẽ đến. Khi nó đến, nếu sự chấp thủ vào cái “của tôi”, càng lớn thì khổ đau cũng sẽ càng lớn.
Và sự chấp thủ vẫn còn mở rộng thêm đến những quan kiến của chúng ta, đến những đức tin của chúng ta (Kiến thủ). Bất chấp nội dung thực sự của quan kiến và đức tin ấy là như thế nào, bất chấp là chúng đúng – sai ra sao, một khi chúng ta chấp vào đó rồi thì chúng chắc chắn sẽ làm cho chúng ta đau khổ. Mỗi người chúng ta đều tin chắc rằng những quan kiến và truyền thống của chúng ta là đệ nhất và dĩ nhiên sẽ cảm thấy rất đau khổ khi nghe chúng bị người khác chỉ trích. Lại nữa, nếu chúng ta cố gắng để giải thích những quan kiến của mình và người khác không chấp nhận chúng, chúng ta cũng cảm thấy khó chịu. Chúng ta không nhận ra rằng mỗi người ai cũng có đức tin riêng của họ. Thật là vô ích khi cố gắng tranh luận xem quan kiến nào là đúng hoặc là sai; lợi ích hơn sẽ là bỏ qua một bên những khái niệm có trước và cố gắng để thấy thực tại đúng như nó là. Nhưng sự chấp thủ vào quan kiến đã ngăn không cho chúng ta làm như vậy, và vì chúng ta cứ mãi phải khổ đau.
Cuối cùng, đó là sự chấp thủ và các hình thức và lễ nghi tôn giáo (giới cấm thủ). Chúng ta có khuynh hướng quá chú trọng đến các hình thức bên ngoài thay vì ý nghĩ cơ bản của tôn giáo và nhất là còn cảm thấy rằng bất kỳ ai không thực hành những lễ nghi như thế thì không thể được xem là một con người tôn giáo thực sự. Chúng ta quên rằng không có cốt lõi (đạo đức), thì phương diện nghi thức của tôn giáo chỉ là một cái vỏ rỗng không. Lòng thành kính khi đọc những lời kinh cầu hoặc thực hiện những lễ nghi sẽ chẳng có giá trị nếu tâm còn chất chứa đầy tham lam, sân hận và oán thù.
Để là một người tôn giáo thực sự chúng ta phải phát triển thái độ tôn giáo: thanh tịnh cõi lòng, có tình thương yêu và bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Song sự chấp thủ của chúng ta vào các hình thức tôn giáo bên ngoài đã dẫn chúng ta đến việc xem tiểu tiết quan trọng hơn nội dung chính của nó. Chúng ta bỏ qua cốt lõi đạo đức của tôn giáo và do đó chúng ta vẫn mãi đau khổ.
Mọi khổ đau của chúng ta, bất kể là như thế nào, đều liên quan đến một trong những loại thủ này. Chấp thủ và khổ đau luôn luôn ở chung với nhau.