Cuộc họp hằng năm: Dhamma Giri, Ấn Độ Ngày 3 tháng 3 năm 1987 |
Dương cao ngọn đuốc Dhamma
Các con trai và con gái Dhamma thân mến của thầy,
Thật là một cơ hội tuyệt vời để một lần nữa trong cuộc đời này, chúng ta lại cùng nhau bước đi trên con đường Dhamma để tiến tới mục tiêu tối hậu của sự giải thoát hoàn toàn. Trong vô lượng kiếp trong quá khứ chúng ta đã cùng nhau làm việc để phát triển paramis cho mình, và nhờ vào sự liên hệ trong quá khứ, chúng ta lại làm việc chung với nhau để giải thoát cho mình và giúp người khác được giải thoát khỏi sự ràng buộc của bất tịnh.
Có quá nhiều khổ đau khắp thế giới, nhưng thời điểm đã chín mùi để nhiều người thực hành Dhamma tinh khiết và thoát khỏi khổ đau. Chúng ta may mắn đã trở thành phương tiện để phục vụ những người này một cách đúng đắn, và bằng cách giúp họ thoát khỏi khổ đau, chắc chắn là chúng ta cũng giúp cho chính mình. Có nhiều cách thực tiễn tốt lành để giúp những người đói khát, nghèo khó, bệnh hoạn, mù chữ, nhưng sự phục vụ Dhamma thì không gì sánh bằng. Sự phục vụ Dhamma giúp những người đau khổ có được sức mạnh để tiến bước và diệt trừ được nguồn gốc sâu xa của mọi đau khổ đã tích lũy từ vô lượng kiếp.
Làm sao để ta có thể tham gia vào công việc phục vụ cho nhân loại là điều tối quan trọng. Cho dù ta ngồi trên chỗ của Dhamma để giảng giải Dhamma, hay là ta nấu ăn hay chùi rửa, không công việc nào cao hơn hay thấp hơn. Phục vụ là phục vụ. Chắc chắn là có sự khác biệt giữa công việc này và công việc khác, nhưng thước đo đích thực phẩm chất của sự phục vụ là chủ ý của mình. Nểu bản ngã gia tăng vì được ngồi trên chỗ của Dhamma vì nhiều người cúi lạy thì ta không biết gì về Dhamma. Thay vào đó, phục vụ kiểu này có hại vì sự rung động do một người như thế tạo ra sẽ làm ô nhiễm toàn bộ môi trường. Người ta không thể học Dhamma trong điều kiện này.
Ngược lại, có người chỉ có chùi nhà tắm hay quyét nhà nhưng tâm tràn đầy tình thương, lòng trắc ẩn và thiện ý để tạo ra môi trường lành mạnh và trong sạch để hành thiền. Những chủ ý như thế làm cho sự phục vụ hết sức tuyệt vời. Cái quan trọng là phẩm chất trong chủ ý của người phục vụ.
Như mọi bộ phận trong cơ thể con người đều thiết yếu, cũng như thế đối với tổ chức Dhamma. Mọi người phục vụ đều quan trọng ngang nhau, nhưng sự phục vụ không còn là phục vụ nữa trừ khi ta thực hành Dhamma. Chỉ như vậy ta mới có thể gặt hái được thành quả tuyệt vời của Dhamma do sự phục vụ đem lại.
Những người phục vụ phải ghi nhớ trong tâm rằng họ làm gương cho người mới tới về sự hữu hiệu của Dhamma. Nếu không có những phẩm chất tốt, họ sẽ làm người khác nản lòng những để thực hành Dhamma. Họ có một trách nhiệm lớn lao để chắc rằng hành vi của họ tạo ra sự tin tưởng về Dhamma cho những người còn hoài nghi, và nhiều tin tưởng hơn cho người đã có lòng tin.
Những ai phục vụ phải củng cố vững vàng trong Dhamma, sau đó thì tất cả những ràng buộc vào tông phái, triết thuyết và nghi lễ sẽ mất đi. Đây là một thước đo để đo sự phát triển của ta trong Dhamma. Khi tất cả những ràng buộc không còn nữa thì ta sẽ thấy Dhamma là một cách sống, sống trong sự bình an cho bản thân và cho những người khác. Mọi hành động – việc làm, lời nói, ý nghĩ – chỉ là để giúp người khác. Nhưng những hành động này không được thiện lành trừ khi tâm hết bất tịnh như thèm muốn, chán ghét, thù hận, ác ý. Khi những tật xấu này bị diệt trừ, phẩm chất tốt của tình thương, lòng trắc ẩn và thiện ý sẽ nảy sinh một cách tự nhiên trong tâm. Đây là Dhamma – một con đường phổ quát không thuộc về một tông phái nào.
Mục tiêu của Dhamma là để tẩy trừ gốc rễ của bất tịnh tại tầng lớp sâu thẳm nhất. Bằng cách thực hành ta sớm nhận ra gốc rễ là gì, khổ đau thực sự bắt đầu ở đâu: bằng những phản ứng mù quáng bằng thèm muốn và chán ghét đối với cảm giác trong người. Nếu ta biết cách giữ được sự bình tâm với sự hiểu biết về vô thường, ta thoát khỏi thói quen xấu của phản ứng và toàn bộ tâm được thanh lọc. Nếu ta bỏ quên gốc rễ thì ta không thể giải thoát được.
Bởi vậy thiền sinh Vipassana phải hiểu thật rõ hành động của mình và sự hành thiền có thanh lọc ở tầng lớp gốc rễ hay không. Nếu hiểu rõ ràng thì sự ràng buộc vào tông phái sẽ tự nhiên bị phá vỡ. Thói quen kỳ thị thiền sinh này hay thiền sinh khác cũng sẽ chấm dứt khi ta nhận ra rằng ai cũng đau khổ. Sự phục vụ của ta là để giúp người ta được vững mạnh trong phương pháp và thoát khỏi những bất tịnh. Nếu ta phục vụ vô vị lợi bằng cách này, đây là thái độ Dhamma tinh khiết, kết quả đương nhiên phải tốt.
Không ai phục vụ Dhamma nên cảm thấy vượt trội hay tự ti đối với người khác. Bất cứ nhiệm vụ nào được giao phó, ta nên chấp nhận một cách vui vẻ vì là cơ hội để phục vụ cho sự lợi lạc của nhiều người, để đem lại nụ cười cho những người buồn chán và giúp người ta tăng trưởng trong Dhamma bằng cách thực hành liên tục. Khi ta được lợi lạc bằng sự thực hành của chính mình thì ta mong muốn người đã đến với con đường bắt đầu chứng nghiệm được sự bình an và hài hòa.
Theo cách này, phục vụ chỉ để phục vụ mà không trông đợi được đền đáp. Nếu người ta bắt đầu phục vụ vì quyền lợi cá nhân, có thể là tiền tài hay được lợi lạc khác như khen ngợi, trọng vọng hay kính nể thì toàn thể môi trường sẽ tràn đầy những rung động bất tịnh. Mọi người phục vụ có trách nhiệm lớn lao để bảo đảm môi trường của một trung tâm Dhamma lúc nào cũng tràn đầy những rung động Dhamma tinh khiết bây giờ hay trong những thế hệ tương lai. Tương tự như thế, những người hành thiền tại một trung tâm hãy tập với phương pháp tinh khiết mà không trộn lẫn với bất cứ thứ gì khác, sẽ hỗ trợ cho những rung động Dhamma tại khu vực đó.
Những rung động này tại một chỗ sẽ tồn tại hằng thế kỷ. Từ thế hệ này sang thế hệ khác người ta sẽ tới mảnh đất Dhamma để thoát khỏi khổ đau. Bằng sự phục vụ và sự hành thiền tốt của ta, ta cống hiến cho môi trường thiện lành này, nơi có nhiều hữu hiệu.
Bởi vậy cho nên sự phục vụ Dhamma là một cơ hội ngoại hạng. Phục vụ để giải thoát cho chính mình và giúp người khác được giải thoát khỏi bất tịnh, khỏi ràng buộc, khỏi đau khổ. Hãy là những người dương cao ngọn đuốc Dhamma để xóa tan bóng tối của vô minh và đau khổ ở xung quanh.
Nguyện cho các con được vững mạnh để phục vụ những người đau khổ ở khắp nơi. Nguyện cho mọi người đau khổ được tiếp cận với Dhamma và được giải thoát. Nguyện các con tiếp tục thực hành Dhamma vì sự tốt lành cho bản thân và vì sự tốt lành cho nhiều người.
Nguyện cho mọi người được hạnh phúc.
Nguyện cho mọi người được bình an.
Bhavatu sabba mangalam