HỌC PALI QUA KINH TỤNG – BUDDHAGUṆA – ÂN ÐỨC PHẬT

BUDDHAGUṆA – ÂN ÐỨC PHẬT

Buddhaguṇa = Buddha + guṇa: nhóm từ (loại tappurisa, biến đổi tuỳ thuận theo từ cuối “guṇa“), nam tánh, nguyên thể.

guṇa: danh từ, nam tánh = phẩm chất, đức hạnh.

Nghĩa: Phẩm hạnh thánh thiện của bậc đã giác ngộ.

Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho Vijjācaraṇasampanno Sugato Lokavidū Anuttaro Purisadammasārathi Satthā devamanussānaṃ Buddho Bhagavāti.

Itipi = iti + api (sara sandhi do sự gặp nhau của 2 nguyên âm “i” và “a“).

iti: trạng từ, không đổi, dùng để trích dẫn một lời nói = như vầy: “…”

api: liên từ, không đổi = cũng thế, cho dầu, ngay cả, chí đến.

so (cách thứ nhất của “ta“): đại từ nhân xưng được dùng như tính từ bổ nghĩa cho “Bhagavā,” nam tánh, cách thứ nhất, số ít = vị ấy, người ấy.

Bhagavā: tính từ, nam tánh, cách thứ nhất của “bhagavantu,” số ít = đáng kính trọng, có oai lực, thánh thiện. Trong trường hợp là danh hiệu của đức Phật thì trở thành danh từ = đức Thế-tôn.

Arahaṃ: danh từ, nam tánh, cách thứ nhất của “arahant,” số ít = người không còn ô nhiễm, bậc A la hán, bậc Ứng Cúng.

Sammāsambuddho = Sammā + sam + buddho: biến thể tính theo từ cuối “buddho,”danh từ, nam tánh, cách thứ nhất, số ít = vị đã giác ngộ hoàn toàn một cách chơn chánh, đấng Chánh Biến Tri. (Xem lại ở trên phần “Namo tassa …”).

Vijjācaraṇasampanno = Vijjācaraṇa + sampanno: nhóm từ (loại tappurisa, bổ nghĩa cho “so“), nam tánh, cách thứ nhất, số ít = Minh Hạnh Túc.

vijjācaraṇa = Vijjā + caraṇa: nhóm từ (loại dvanda).

vijjā: danh từ, nữ tánh = kiến thức, trí tuệ.

caraṇa: danh từ, trung tánh = đạo đức, tánh hạnh tốt.

sampanno: quá khứ phân từ thể thụ động của động từ “sampajjati = sam + pad + a + ti,” được dùng như tính từ bổ nghĩa cho “so,” nam tánh, cách thứ nhất, số ít = thành tựu một cách trọn vẹn.

Sugato = Su + gato: tính từ = đã ra đi một cách trọn vẹn, đã Niết-bàn, bậc Thiện Thệ.

su: tiếp đầu ngữ, bất biến = khéo, tốt, đẹp.

gato: quá khứ phân từ thể thụ động của động từ “gacchati = gam + a + ti,” được dùng như tính từ bổ nghĩa cho “so,” nam tánh, cách thứ nhất, số ít = đã ra đi.

Lokavidū = Loka + vidū: nhóm từ (loại tappurisa, bổ nghĩa cho “so“), nam tánh, cách thứ nhất, số ít = hiểu biết về thế gian, Thế Gian Giải.

loka: danh từ, nam tánh = thế gian, cuộc đời.

vidū: tính từ = khôn ngoan, hiểu biết, thiện nghệ.

Anuttaro = An + uttaro: tính từ, bổ nghĩa cho “so,” nam tánh, cách thứ nhất, số ít = không gì hơn được, Vô Thượng Sĩ.

an = na: phủ định từ = không.

uttaro = ud + taro = so sánh cấp hai của “ud,” = ở trên, vượt trội.

Purisadammasārathi = Purisa + dammasārathi: nhóm từ (loại tappurisa), biến đổi theo từ cuối “sārathi,” nam tánh, cách thứ nhất, số ít = người lái xe có khả năng điều khiển, huấn luyện kẻ khác, Ðiều Ngự Trượng Phu.

purisa: danh từ, nam tánh = người nam, chúng sanh (nói chung).

dammasārathi = damma + sārathi: nhóm từ (loại kammadhāraya)

damma: quá khứ phân từ của tha động từ “dammeti = dam + aya(e) + ti,” = đã làm kẻ khác được thuần hoá.

sārathi: danh từ, nam tánh: người điều khiển xe, xa phu.

Satthā: danh từ, nam tánh, cách thứ nhất của “satthu,” số ít = vị thầy.

devamanussānaṃ = deva + manussānaṃ: nhóm từ (loại dvanda), biến đổi tuỳ thuận vào từ cuối “manussānaṃ,” danh từ, nam tánh, cách thứ sáu, số nhiều = chư thiên và loài người.

deva: danh từ, nam tánh = vị trời, thiên thần.

manussānaṃ: danh từ, nam tánh, cách thứ sáu của “manussa,” số nhiều = loài người.

Satthā devamanussānaṃ = vị thầy của chư thiên và loài người, Thiên Nhơn Sư.

Buddho = danh từ, nam tánh, cách thứ nhất của “buddha,” số ít = bậc đã giác ngộ, đức Phật.

Bhagavāti = Bhagavā + iti: đã giải thích ở phía trên.

Nghĩa: Thật vậy, bậc đáng kính trọng ấy là: “A la hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.”

 -ooOoo-

 

 

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *