PHẬT SỬ – LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT: Lịch Sử Đức Phật Koṇāgamana

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT

Lịch Sử Đức Phật Koṇāgamana

  1. Sau (đức Phật) Kakusandha, có đấng Toàn Giác, bậc Tối Thượng Nhân, đấng Chiến Thắng, vị đứng đầu thế gian, bậc Nhân Ngưu tên là Koṇāgamana.
  1. Sau khi làm tròn đủ mười pháp, vị ấy đã vượt qua bãi sa mạc (luân hồi). Sau khi tẩy rửa mọi điều nhơ bẩn, vị ấy đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
  1. Trong khi vị Lãnh Đạo Koṇāgamana đang chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của ba mươi ngàn koṭi (ba trăm tỷ) vị.
  1. Và trong khi thể hiện thần thông trừ diệt các học thuyết khác, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của hai mươi ngàn koṭi (hai trăm tỷ) vị.
  1. Kế đến, sau khi thể hiện sự biến hóa (thần thông), đấng Chiến Thắng đã đi đến thành phố của chư thiên. Tại nơi ấy, bậc Toàn Giác đã ngự trên tảng đá là ngai vàng của vị Chúa Trời Sakka.
  1. Bậc Hiền Triết ấy an cư mùa mưa (ở cõi trời), trong khi thuyết giảng bảy bộ sách (Vi Diệu Pháp), đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của mười ngàn koṭi (một trăm tỷ) vị.
  1. Vị Thiên Nhân ấy của chư thiên đã có chỉ một lần hội tụ gồm các bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
  1. Khi ấy, đã có cuộc hội tụ của ba mươi ngàn vị tỳ khưu đã vượt qua khỏi giòng nước lũ và đã làm tiêu tán sự tử vong.
  1. Vào lúc bấy giờ, ta là vị Sát-đế-lỵ tên Pabbata hội đủ các thân hữu và quan viên, có binh lực và xe cộ không phải là ít.
  1. Sau khi đã đi đến diện kiến đấng Toàn Giác và lắng nghe Giáo Pháp tối thượng, ta đã thỉnh mời hội chúng cùng với đấng Chiến Thắng và đã dâng cúng vật thí theo như ước muốn.
  1. Ta đã cúng dường bậc Đạo Sư và các vị Thinh Văn vải xứ Pattuṇṇa, vải Trung Quốc, tơ lụa xứ Kāsī, cùng với mền len, và luôn cả đôi dép bằng vàng nữa.
  1. Bậc Hiền Triết ấy, ngồi giữa hội chúng, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong kiếp Bhadda này, người này sẽ trở thành vị Phật.
  1. Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
  1. Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
  1. Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy thọ thực món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
  1. Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề, bậc Vô Thượng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
  1. Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
  1. Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
  1. Khemā và Uppalavaṇṇā không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’
  1. Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) nam thí chủ hộ độ hàng đầu. Uttarā và Nandamātā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
  1. Sau khi nghe được lời nói này của vị Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại vui mừng (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
  1. Họ thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, và nở nụ cười. Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên chắp tay cúi lạy (nói rằng):
  1. Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
  1. Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
  1. Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
  1. Sau khi nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
  1. Trong khi tầm cầu quả vị Toàn Tri, ta đã cúng dường vật thí đến đấng Tối Thượng Nhân. Sau khi từ bỏ vương quốc rộng lớn, ta đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
  1. Thành phố có tên là Sobhavatī, vị vua dòng Sát-đế-lỵ tên là Sobha. Tại nơi ấy, gia tộc vĩ đại của đấng Toàn Giác cư ngụ ở trong thành phố.
  1. Và vị Bà-la-môn Yaññadatta ấy đã là người cha của đức Phật. Người mẹ của bậc Đạo Sư Koṇāgamana tên là Uttarā.
  1. Vị ấy đã sống ở giữa gia đình trong ba ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Tusita, Santusita, và Santuṭṭha.
  1. Có không dưới mười sáu ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Rucigattā. Con trai tên là Satthavāha.
  1. Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, bậc Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng phương tiện voi và đã thực hành hạnh nỗ lực sáu tháng.
  1. Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân tên Koṇāgamana đã chuyển vận bánh xe (Chánh Pháp) ở tại Migadāya (vườn nai).
  1. Bhiyyasa và Uttara đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc có danh tiếng Koṇāgamana tên là Sotthija.
  1. Samuddā và Uttarā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Udumbara.”
  1. Ugga và Somadeva đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Sīvalā và luôn cả Sāmā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
  1. Đức Phật ấy đạt đến chiều cao ba mươi cánh tay (15 mét). Tương tợ như chiếc vòng vàng ở trong lò lửa của thợ rèn, vị ấy đã rực rỡ với các hào quang như thế ấy.
  1. Tuổi thọ được biết là đến ba chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
  1. Sau khi giương cao ngôi bảo tháp Chánh Pháp được tô điểm với những biểu ngữ về Chánh Pháp, vị ấy đã kết thành chùm hoa Chánh Pháp rồi đã Niết Bàn cùng với các Thinh Văn.
  1. Môn đồ của vị ấy có thần lực vĩ đại, có sự giảng giải Giáo Pháp huy hoàng, tất cả đều hoàn toàn biết mất; phải chăng tất cả các hành là trống không?
  1. Đấng Toàn Giác Koṇāgamana đã Niết Bàn tại tu viện Pabbata. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.

Lịch sử đức Phật Koṇāgamana là phần thứ hai mươi ba.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *