SÂN HẬN

Đây là bài cuối trong ba bài nói chuện của Goenkaji tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, Davos, Thụy Sỹ, Tháng Giêng, năm 2000.

Điều gì sẽ xảy ra khi một người sân hận? Quy luật tự nhiên cho thấy rằng khi người nào phát ra sân hận họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của nó. Bạn chắc chắn sẽ trở nên đau khổ khi bạn phát ra sân hận cho dù hầu hết mọi lần bạn không nhận ra rằng bạn đang tự hại mình do nổi sân như vậy. Ngay cả nếu ai đó nhận ra được điều này, sự thực là họ không thể tự mình tránh khỏi sân hận; tự mình thoát ra khỏi cơn giận. Bây giờ chúng ta hãy xem tại sao người ta lại trở nên sân hận.

Sự thực hiển nhiên cho thấy là sân hận phát sinh khi một điều gì đó không vừa ý xảy ra, khi một người nào đó gây chướng ngại cho việc hoàn thành những ước muốn của bạn, khi người nào đó sỉ nhục bạn hoặc khi người nào đó trong lúc nói sau lưng đã bộc lộ những nhận xét có vẻ khinh thường bạn. Tất cả những lý do đại loại như vậy khiến cho người ta bùng lên ngọn lửa sân hận và là những lý do rõ rệt khiến cho người ta trở nên giận dữ.

Bây giờ thử hỏi liệu có thể một người có thể có rất nhiều quyền lực đến độ không ai dám nói hay làm điều gì nghịch ý anh ta không? Điều này chắc chắn là không thể có. Ngay cả với người quyền thế nhất trên thế gian này, những điều không mong muốn vẫn có thể xảy ra và anh ta hay cô ta hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn nó. Cho dù chúng ta có thể ngăn được một nguời không cho xỉ vả chúng ta hay nói điều gì đó chống lại chúng ta thì cũng không có gì bảo đảm được rằng người này sẽ không lặp lại việc ấy.

Tuy nhiên trong khi chúng ta không thể thay đổi được thế gian bên ngoài theo ước muốn của chúng ta, chúng ta chắc chắn có thể thay đổi chính bản thân chúng ta để loại trừ cái khổ mà chúng ta phải chịu do phát sinh ra sân hận. Để làm được điều này chúng ta phải truy tìm nguyên nhân sâu xa của sân hận trong chính bản thân chúng ta thay vì bên ngoài.

Chúng ta phải hiểu lý do đích thực khiến cho sân hận phát sinh ở bên trong chúng ta. Chẳng hạn từ quan điểm của Vipassanā hay thiền Minh sát, chúng ta hiểu lý do đích thực khiến chúng ta nếm trải sân hận nằm ở bên trong chúng ta. Nếu bạn học được nghệ thuật quan sát thực tại trong chính bản thân bạn thì điều sẽ trở nên thật rõ ràng cho bạn ở mức kinh nghiệm rằng lý do đích thực khiến phát sinh sân hận nằm ở bên trong chứ không phải bên ngoài.

Ngay khi bạn gặp môt điều không vừa ý nào đó ở bên ngoài, liền có một cảm thọ ở trên thân. Và do đối tượng là không vừa ý nên cảm thọ sẽ rất khó chịu. Chính ra chỉ sau khi cảm giác cảm thọ khó chịu (thọ khổ) này bạn mới phản ứng lại với sân. Nếu bạn học được cách làm thế nào để quan sát những cảm thọ trên thân này với thái độ bình thản hay xả ly không phản ứng lại chúng, bạn sẽ thoát ra khỏi thói quen cũ của bừng bừng nổi giận và tự làm hại mình.

Thực hành minh sát sẽ giúp bạn phát triển được khả năng quan sát mọi loại cảm thọ khác nhau mà bạn kinh nghiệm trên những thân phần khác nhau từ lúc này đến lúc khác và giữ được thái độ xả do không phản ứng lại với chúng. Thói quen cũ của bạn trước đây là khi bạn cảm giác một cảm thọ dễ chịu (thọ lạc) bạn sẽ phản ứng lại với tham ái và chấp thủ, và khi bạn cảm giác những cảm thọ khó chịu bạn liền phản ứng lại nóng giận và sân hận.

Vipassanā dạy bạn biết quan sát mọi cảm thọ, cả dễ chịu lẫn khó chịu, một cách khách quan và giữ thái độ xả với sự hiểu biết rằng mọi cảm thọ đều có bản chất sanh và diệt hay vô thường. Không có cảm thọ nào tồn tại vĩnh hằng cả.

Nhờ thực hành thường xuyên việc quan sát cảm thọ một cách xả ly bạn thay đổi được lề thói quen của phản ứng mù quáng tức thời đối với các cảm thọ này. Như vậy, trong cuộc sống hằng ngày, bất cứ khi nào bạn tiếp xúc với một điều gì không vừa lòng, bạn để ý thấy rằng một cảm thọ khó chịu đã phát sanh trong thân và bạn bắt đầu quan sát nó, không để cho đùng đùng nổi giận như trước.

Dĩ nhiên, phải mất một thời gian mới đạt đến được giai đoạn ở đây bạn hoàn toàn giải thoát khỏi sân hận. Song khi bạn thực hành Vipassanā ngày một nhiều hơn bạn sẽ nhận ra rằng giai đoạn bạn lăn quay trong sân hận đang trở nên ngày càng ngắn hơn. Cho dù bạn không thể cảm giác được cảm thọ liền khi nó khởi lên, có thể sau một ít phút bạn mới bắt đầu nhận ra rằng do phản ứng mù quáng của sân hận bạn đang làm cho các cảm thọ thậm chí căng thẳng hơn, bằng cách ấy cũng tự làm cho mình đau khổ hơn.

Ngay khi bạn nhận ra sự kiện này thì bạn cũng bắt đầu thoát khỏi sân hận. Với việc thực hành Minh sát đều đặn giai đoạn nhận thức được khổ đau liên quan đến cảm thọ khổ này sẽ ngày cảng trở nên ngắn hơn khi bạn hiểu được tức thời sự tai hại mà bạn đang tự gây ra cho mình do phát ra sân hận. Đây là cách duy nhất để tự giải thoát bản thân khỏi thói quen phản ứng điên rồ với sân hận này.

Dĩ nhiên cũng có một cách khác là ngay khi bạn nhận ra rằng mình đã phát sanh sân hận bạn có thể chuyển hướng sự chú ý của mình sang một đối tượng khác nào đó và nhờ kỹ thuật này bạn có thể cảm nhận như mình đang thoát ra khỏi sân hận. Tuy nhiên, thực sự chỉ có phần bề mặt của tâm thoát ra khỏi sân hận. Tận sâu bên trong bạn vẫn tiếp tục sôi sục với ngọn lửa sân vì bạn đã không đoạn trừ được sân mà chỉ đè nén nó.

Vipassanā dạy bạn không chạy trốn thực tại mà, thay vào đó, đối diện với thực tại và bắt đầu quan sát cơn giận trong tâm và cảm thọ khó chịu trong thân một cách khách quan. Nhờ quan sát thực tại của những cảm thọ khó chịu trong thân bạn không chuyển hướng sự chú ý của mình sang một nơi khác cũng không đè nén cơn giận của bạn vào mức sâu hơn của tâm. Nếu bạn tiếp tục duy trì việc quan sát các cảm thọ một cách buông xả bạn sẽ nhận thấy rằng, một cách tự nhiên, cơn giận đã khởi lên ấy trở nên càng lúc càng yếu đi và cuối cùng thì biến mất.

Sự thực là có một rào cản giữa phần tâm nhỏ, đó là bề mặt của tâm, với phần tâm lớn hơn, phần tâm thường được gọi là tiềm thức (hay tâm hữu phần – bhavanga). Phần tâm lớn nằm ở mức sâu kín nhất này luôn luôn tiếp xúc với các cảm thọ của thân và đã trở thành kẻ nô lệ cho mô thức thói quen phản ứng mù quáng đối với những cảm thọ này. Do lý do này hay lý do khác mà có những loại thọ khác nhau ở khắp toàn thân trong từng sát na.

Nếu cảm thọ là dễ chịu hay lạc thời mô thức thói quen là phản ứng lại với tham ái và chấp thủ và nếu cảm thọ là khó chịu hay khổ mô thức thói quen là phản ứng lại với ác cảm và sân hận. Do sự ngăn cách giữa phần bề mặt nhỏ bé của tâm và phần tâm còn lại nên phần bề mặt hoàn toàn không hay biết về sự kiện rằng sự phản ứng không ngớt này đang diễn ra ở mức sâu hơn. Vipassanā sẽ giúp bạn phá bỏ rào cản này và toàn bộ cơ cấu tâm trở nên rất ý thức.

Nó sẽ cảm giác được các cảm thọ từ sát na này đến sát na khác và, với sự hiểu biết về quy luật vô thường, nó giữ được thái độ bình thản hay buông xả. Thật dễ luyện tập cho mức bề mặt của tâm giữ được thái độ bình thản với sự hiểu biết ở mức tri thức song bức điện văn của sự hiểu biết tri thức ấy lại không đến được mức sâu hơn của tâm bởi vì rào cản này. Khi rào cản này bị Vipassanā phá bỏ toàn bộ, tâm duy trì liên tục sự hiểu biết về quy luật vô thường đồng thời mô thức thói quen phản ứng mù quáng bắt đầu thay đổi. Đây là cách tốt nhất để bạn tự giải thoát mình ra khỏi khổ đau của sân hận.

 

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *