TIỂU BỘ – PHÁP CÚ – 3. PHẨM TÂM – TỲ KHƯU INDACANDA DỊCH

3. PHẨM TÂM

[33] 1. Tâm chao đảo, thay đổi, khó hộ trì, khó ngăn chặn, người thông minh làm cho tâm được ngay thẳng, ví như thợ làm tên uốn thẳng cây tên.

[34] 2. Ví như con cá bị vớt ra khỏi nước và bị ném ở trên đất liền, tâm này giãy giụa hầu thoát khỏi tầm khống chế của Ma Vương. 

[35] 3. Tâm khó kiểm soát, nhanh nhạy, có sự lao theo cảnh nó muốn. Tốt đẹp thay sự rèn luyện của tâm! Tâm đã được rèn luyện là nguồn đem lại niềm an lạc.

[36] 4. Tâm rất khó nhận biết, vô cùng vi tế, có sự lao theo cảnh nó muốn, người thông minh nên bảo vệ tâm. Tâm đã được hộ trì là nguồn đem lại niềm an lạc.

[37] 5. Tâm có sự di chuyển đến nơi xa xôi, độc hành, không có thân xác, có chỗ trú ẩn là hang sâu (trái tim). Những ai sẽ thu thúc tâm thì (sẽ) được thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.

[38] 6. Đối với kẻ có tâm không được ổn định, không nhận thức được Chánh Pháp, có niềm tin bị dao động, thì tuệ không hoàn hảo.

[39] 7. Đối với người đang tỉnh thức, có tâm không bị nhiễm (bởi dục), có ý không bị công kích (bởi sân), đã dứt bỏ thiện và ác, thì không có sự sợ hãi.

[40] 8. Sau khi biết được thân này tương tợ chậu đất nung, sau khi thiết lập tâm này tương tợ thành trì, nên tấn công Ma Vương bằng vũ khí trí tuệ, và nên bảo vệ điều đã chiến thắng, nên có sự không ngơi nghỉ.

[41] 9. Không bao lâu nữa, thân này quả nhiên sẽ nằm dài ở trên đất, bị liệng bỏ đi, tâm thức đã xa lìa, ví như khúc gỗ mục không còn sự lợi ích.

[42] 10. Tâm hướng đến sự sai trái có thể gây nên cho người ấy điều còn tồi tệ hơn so với việc mà kẻ địch có thể làm đối với kẻ địch, hoặc kẻ thù hằn đối với kẻ thù hằn.

[43] 11. Tâm hướng đến sự chân chánh có thể tạo ra cho người ấy điều còn tốt đẹp hơn so với việc mà mẹ cha hoặc luôn cả các thân quyến khác có thể làm cho người ấy.

Phẩm Tâm là thứ ba.


 

[1] tiṇṇamaññataraṃ yāmaṃ: Chú giải giải thích là một trong ba giai đoạn của cuộc đời, chứ không phải một trong ba canh của đêm (DhA. iii, 138).

[2] Không ghi theo nghĩa thông thường của seti là ‘nằm, ngủ.’ Chú Giải giải thích từ setiviharati: ‘sống, sinh hoạt’ (DhA. iii, 165).

[3] Theo Chú Giải, bệnh (ātura) ở đây có nghĩa là ô nhiễm (kilesa), không bệnh nghĩa là không có ô nhiễm (DhA. iii, 257).

[4] atidhonacārinaṃ: ‘kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét’ ý nghĩa này được ghi theo lời giải thích của Chú Giải (DhA. iii, 344).

[5] Ba mươi sáu dòng chảy: nói đến sáu ái liên quan nội phần và sáu ái liên quan ngoại phần, ở vào ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (DhA. iv, 48).

[6] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 108).

[7] Về cả hai pháp: nói đến samathavipassanā, chỉ tịnh và minh sát (DhA. iv, 140).

[8] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 160).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *