TIỂU BỘ – PHÁP CÚ – 25. PHẨM TỲ KHƯU – TỲ KHƯU INDACANDA DỊCH

25. PHẨM TỲ KHƯU

[360] 1. Tốt đẹp thay sự thu thúc ở mắt! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở tai! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở mũi! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở lưỡi!

[361] 2. Tốt đẹp thay sự thu thúc ở thân! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở khẩu! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở ý! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở tất cả các nơi (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, khẩu, ý)! Vị tỳ khưu thu thúc ở tất cả các nơi được thoát khỏi mọi khổ đau.

[362] 3. Vị đã chế ngự bàn tay, đã chế ngự bàn chân, đã chế ngự lời nói, đã chế ngự bản thân, được thích thú ở nội tâm, định tĩnh, đơn độc, hài lòng, (người ta) đã gọi vị ấy là tỳ khưu.

[363] 4. Vị tỳ khưu nào đã chế ngự miệng, có lời nói khôn khéo, không cao ngạo, làm sáng tỏ ý nghĩa và Giáo Pháp; lời nói của vị ấy là ngọt ngào.

[364] 5. Có chỗ trú là Giáo Pháp, được vui thích với Giáo Pháp, suy nghĩ về Giáo Pháp, tùy niệm về Giáo Pháp, vị tỳ khưu không rời bỏ Chánh Pháp.

[365] 6. Không nên khinh chê phần thọ lãnh của mình, không nên thể hiện sự thèm muốn (phần) của những người khác, trong khi thèm muốn (phần) của những người khác, vị tỳ khưu không đạt được định.

[366] 7. Thậm chí nếu phần thọ lãnh là ít ỏi, vị tỳ khưu không nên khinh chê phần thọ lãnh của mình. Chư Thiên quả thật ca ngợi vị có sự nuôi mạng trong sạch, không lười biếng ấy.

[367] 8. Vị nào không có việc chấp là ‘của ta’ ở danh và sắc về mọi mặt, và không sầu muộn về những gì không có; thật vậy vị ấy được gọi là ‘tỳ khưu.’

[368] 9. Vị tỳ khưu trú tâm từ, tịnh tín lời dạy của đức Phật, có thể đạt đến vị thế an tịnh, sự vắng lặng của các hành, an lạc.

[369] 10. Này tỳ khưu, hãy tát cạn chiếc thuyền này. Được tát cạn, nó sẽ đi nhanh cho ngươi. Hãy chặt đứt luyến ái và sân hận, nhờ đó ngươi sẽ đi đến Niết Bàn.

[370] 11. Nên chặt đứt năm (năm sự ràng buộc ở phần dưới), nên từ bỏ năm (năm sự ràng buộc ở phần trên), nên tu tập hơn nữa về năm (quyền). Là người đã vượt qua năm sự dính líu (tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến), vị tỳ khưu được gọi là ‘đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ.’[6]

[371] 12. Này tỳ khưu, hãy tham thiền, và chớ có xao lãng. Chớ để tâm của ngươi quanh quẩn ở các loại dục. Chớ bị xao lãng, có việc nuốt hòn sắt (ở địa ngục). Trong khi bị đốt nóng, chớ khóc than rằng: ‘Đây là khổ.’

[372] 13. Không có thiền đối với kẻ không có trí tuệ, không có trí tuệ đối với kẻ không thiền. Ở vị nào có thiền và trí tuệ, vị ấy quả nhiên ở gần Niết Bàn.

[373] 14. Có sự thỏa thích không thuộc loài người cho vị tỳ khưu đã đi vào ngôi nhà trống vắng, có tâm an tịnh, đang minh sát pháp một cách đúng đắn.

[374] 15. Mỗi một khi nắm bắt được sự sanh diệt của các uẩn, (vị ấy) đạt được hỷ và hân hoan; điều ấy, đối với các vị đang nhận thức, là Bất Tử.

[375] 16. Tại nơi ấy, điều này là sự khởi đầu của vị tỳ khưu có trí tuệ trong Giáo Pháp này: sự phòng hộ các giác quan, sự tự biết đủ, và sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha.

[376] 17. Hãy thân cận các bạn hữu tốt lành có sự nuôi mạng trong sạch, không lười biếng. Nên có thói quen tiếp rước hậu hỹ, nên khéo léo trong lối cư xử. Từ đó, có nhiều hân hoan, (vị ấy) sẽ làm chấm dứt khổ đau.

[377] 18. Này các tỳ khưu, giống như cây hoa nhài rũ bỏ những bông hoa úa tàn, tương tự như thế các ngươi hãy buông bỏ luyến ái và sân hận.

[378] 19. Vị tỳ khưu có thân an tịnh, có khẩu an tịnh, có sự an tịnh ở tâm, khéo được định tĩnh, có vật chất thế gian đã được tẩy trừ, được gọi là ‘bậc an tịnh.’

[379] 20. Hãy tự mình quở trách bản thân, hãy tự mình dò xét bản thân. Này tỳ khưu, ngươi đây được hộ trì bởi bản thân, có niệm, sẽ sống an lạc.

[380] 21. Chính ta là người chủ của ta, chính ta là nơi nương tựa của ta. Vì thế, hãy tự chế ngự bản thân, ví như người thương buôn chế ngự con ngựa hiền.

[381] 22. Vị tỳ khưu có nhiều sự hân hoan, tịnh tín lời dạy của đức Phật, có thể đạt đến vị thế an tịnh, sự vắng lặng của các hành, an lạc.

[382] 23. Thật vậy, vị tỳ khưu trẻ tuổi, gắn bó vào lời dạy của đức Phật, vị ấy chiếu sáng thế gian này, ví như mặt trăng ra khỏi đám mây.

Phẩm Tỳ Khưu là thứ hai mươi lăm.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *