Tiểu Phẩm II
Chương Chia Rẻ Hội Chúng
Tụng Phẩm Thứ Nhất
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngụ tại Anupiyā. Anupiyā là tên của một thị trấn của xứ Malla. Vào lúc bấy giờ, nhiều vương tử rất danh tiếng thuộc dòng dõi Sakya xuất gia noi theo gương đức Thế Tôn (là người) đã xuất gia. Vào lúc bấy giờ, Mahānāma dòng Sakya và Anuruddha dòng Sakya là hai anh em. Anuruddha dòng Sakya là người mảnh mai. Vị ấy có ba tòa lâu đài: một dành cho mùa lạnh, một dành cho mùa nóng, một dành cho mùa mưa. Vào bốn tháng mùa mưa ở trong tòa lâu đài dành cho mùa mưa, trong lúc được phục vụ bởi các nữ công tấu nhạc, chàng không bước xuống phía dưới của tòa lâu đài.
Khi ấy, Manānāma dòng Sakya đã khởi ý điều này: “Hiện nay nhiều vương tử rất danh tiếng thuộc dòng dõi Sakya đã xuất gia noi theo gương đức Thế Tôn (là người) đã xuất gia. Còn gia tộc của chúng ta thì không có người nào rời nhà xuất gia sống không nhà cả. Có lẽ hoặc là ta hoặc là Anuruddha nên xuất gia?” Sau đó, Mahānāma dòng Sakya đã đi đến gặp Anuruddha dòng Sakya, sau khi đến đã nói với Anuruddha dòng Sakya điều này: – “Này Anuruddha yêu dấu, hiện nay nhiều vương tử rất danh tiếng thuộc dòng dõi Sakya đã xuất gia noi theo gương đức Thế Tôn (là người) đã xuất gia. Còn gia tộc của chúng ta thì không có người nào rời nhà xuất gia sống không nhà cả. Chính vì điều ấy, hoặc là em hoặc là anh nên xuất gia.”
– “Em thì mảnh mai, em không thể rời nhà xuất gia sống không nhà. Anh hãy xuất gia đi.”
– “Anuruddha yêu dấu, hãy đến. Anh sẽ chỉ dạy công việc gia đình cho em. Trước tiên, cần bảo cày xới ruộng nương, sau khi bảo cày xới rồi cần bảo gieo hạt, sau khi bảo gieo hạt rồi cần bảo đưa nước vào, sau khi bảo đưa nước vào rồi cần bảo tưới nước đều khắp các ruộng, sau khi bảo tưới nước đều khắp các ruộng cần bảo nhổ cỏ, sau khi bảo nhổ cỏ rồi cần bảo gặt hái, sau khi bảo gặt hái rồi cần bảo thâu hoạch, sau khi bảo thâu hoạch rồi cần bảo chất thành đống, sau khi bảo chất thành đống rồi cần bảo đập giũ, sau khi bảo đập giũ rồi cần bảo tách rơm ra, sau khi bảo tách rơm ra cần bảo tách trấu ra, sau khi bảo tách trấu ra cần bảo sàng sảy, sau khi bảo sàng sảy rồi cần bảo đem cất vào kho, sau khi bảo đem cất vào kho rồi vào mùa tới cũng cần được làm y như thế, vào mùa tới nữa cũng cần được làm y như thế.”
– “Thế các công việc không được ngưng lại hay sao? Sự chấm dứt của các công việc không được biết đến hay sao? Khi nào các công việc sẽ được ngưng lại? Khi nào sự chấm dứt các công việc sẽ được biết đến? Khi nào chúng ta mới được rảnh rỗi mà hưởng thụ năm phần dục lạc đã được ban cho, đã được sở hữu?”
– “Này Anuruddha yêu dấu, công việc không được ngưng lại. Sự chấm dứt của các công việc không được biết đến. Khi công việc vẫn chưa ngưng lại, cha mẹ và ông đã qua đời.”
– “Chính vì điều ấy nên chính anh hãy biết lấy công việc gia đình. Em sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.”
Sau đó, Anuruddha dòng Sakya đã đi đến gặp người mẹ, sau khi đến đã nói với người mẹ điều này: – “Thưa mẹ, con muốn rời nhà xuất gia sống không nhà. Mẹ hãy cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà.” Khi được nói như thế, mẹ của Anuruddha dòng Sakya đã nói với Anuruddha dòng Sakya điều này: – “Này Anuruddha yêu dấu, các con là hai người con trai thân thương, quý mến, yêu dấu của mẹ. Chỉ có sự chết thì mẹ đành phải xa con một cách miễn cưỡng; làm sao trong lúc con đang còn sống mẹ lại cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà được?”
Đến lần thứ nhì, Anuruddha dòng Sakya đã nói với người mẹ điều này: – “Thưa mẹ, con muốn rời nhà xuất gia sống không nhà. Mẹ hãy cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà.”
– “Này Anuruddha yêu dấu, các con là hai người con trai thân thương, quý mến, yêu dấu của mẹ. Chỉ có sự chết thì mẹ đành phải xa con một cách miễn cưỡng; làm sao trong lúc con đang còn sống mẹ lại cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà được?”
Đến lần thứ ba, Anuruddha đã nói với người mẹ điều này: – “Thưa mẹ, con muốn rời nhà xuất gia sống không nhà. Mẹ hãy cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà.”
Vào lúc bấy giờ, đức vua Bhaddiya dòng Sakya trị vì lãnh thổ Sakya. Và đức vua là bạn của Anuruddha dòng Sakya. Khi ấy, mẹ của Anuruddha dòng Sakya (nghĩ rằng): ‘Đức vua Bhaddiya dòng Sakya này trị vì lãnh thổ Sakya là bạn của Anuruddha dòng Sakya. Vị ấy không nhiệt tình rời nhà xuất gia sống không nhà!’ nên đã nói với Anuruddha dòng Sakya điều này: – “Này Anuruddha yêu dấu, nếu đức vua Bhaddiya dòng Sakya rời nhà xuất gia sống không nhà, như vậy thì con cũng hãy xuất gia.”
Sau đó, Anuruddha dòng Sakya đã đi đến gặp đức vua Bhaddiya dòng Sakya, sau khi đến đã nói với đức vua Bhaddiya dòng Sakya điều này: – “Này bạn, việc xuất gia của tôi tùy thuộc vào bạn đó.”
– “Này bạn, nếu việc xuất gia của bạn tùy thuộc vào tôi, hãy làm cho nó không còn tùy thuộc nữa. Tôi với bạn … cứ việc xuất gia một cách thoải mái.”[1]
– “Này bạn, hãy đến. Cả hai ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.”
– “Này bạn, tôi không thể rời nhà xuất gia sống không nhà. Điều gì khác mà tôi có thể làm cho bạn thì tôi sẽ làm cho bạn. Bạn hãy xuất gia đi.”
– “Này bạn, mẹ đã nói với tôi như vầy: ‘Này Anuruddha yêu dấu, nếu đức vua Bhaddiya dòng Sakya rời nhà xuất gia sống không nhà, như vậy thì con cũng hãy xuất gia.’ Này bạn, hơn nữa bạn đã nói lời nói này: ‘Này bạn, nếu việc xuất gia của bạn tùy thuộc vào tôi, hãy làm cho nó không còn tùy thuộc nữa. Tôi với bạn … cứ việc xuất gia một cách thoải mái.’ Này bạn, hãy đến. Cả hai ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.”
Vào lúc bấy giờ, loài người nói năng chân thật, tôn trọng sự chân thật. Khi ấy, đức vua Bhaddiya dòng Sakya đã nói với Anuruddha dòng Sakya điều này: – “Này bạn, hãy chờ đợi bảy năm. Sau bảy năm, cả hai chúng ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.”
– “Này bạn, bảy năm quá lâu. Tôi không thể chờ đợi bảy năm.”
– “Này bạn, hãy chờ đợi sáu năm. ―(như trên)― năm năm. ―(như trên)― bốn năm. ―(như trên)― ba năm. ―(như trên)― hai năm. ―(như trên)― một năm. Sau một năm, cả hai chúng ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.”
– “Này bạn, một năm quá lâu. Tôi không thể chờ đợi một năm.”
– “Này bạn, hãy chờ đợi bảy tháng. Sau bảy tháng, cả hai chúng ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.”
– “Này bạn, bảy tháng quá lâu. Tôi không thể chờ đợi bảy tháng.”
– “Này bạn, hãy chờ đợi sáu tháng. ―(như trên)― năm tháng. ―(như trên)― bốn tháng. ―(như trên)― ba tháng. ―(như trên)― hai tháng. ―(như trên)― một tháng. ―(như trên)― nửa tháng. Sau nửa tháng, cả hai chúng ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.”
– “Này bạn, nửa tháng quá lâu. Tôi không thể chờ đợi nửa tháng.”
– “Này bạn, hãy chờ đợi bảy ngày đến khi tôi trao lại vương quốc cho các người con trai và các người em trai xong.”
– “Này bạn, bảy ngày không lâu lắm. Tôi sẽ chờ đợi.”
Khi ấy, đức vua Bhaddiya dòng Sakya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimbila, Devadatta, với thợ cạo Upāli là người thứ bảy, giống như trước đây họ đã đi ra khu vườn hoa cùng với bốn loại quân binh, tương tợ y như thế, họ đã đi ra cùng với bốn loại quân binh. Khi đi đã xa, họ đã cho quân binh trở về. Sau khi đi sang lãnh thổ khác, họ đã cởi các đồ trang sức ra, dùng y khoác ngoài buộc lại thành gói, rồi đã nói với thợ cạo Upāli điều này: – “Này khanh Upāli, ngươi nên trở lại. Nhiêu đây cũng đủ cho cả đời của ngươi.”
Sau đó, trong khi đi trở về thợ cạo Upāli đã khởi ý điều này: “Những người dòng Sakya thật là ác độc (nghĩ rằng): ‘Các vương tử đã bỏ đi vì gã này,’ cũng có thể ra lệnh giết ta. Chính các vương tử dòng Sakya này còn rời nhà xuất gia sống không nhà, việc gì ta lại không?” Vị ấy đã mở gói đồ ra rồi treo gói đồ ấy ở trên cây, nói rằng: “Ai thấy được cứ việc lấy món quà” rồi đã đi đến gặp các vương tử dòng Sakya. Các vương tử dòng Sakya ấy đã nhìn thấy thợ cạo Upāli đang từ đàng xa đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với thợ cạo Upāli điều này: – “Này khanh Upāli, vì sao ngươi quay lại?”
– “Thưa các vương tử, ở đây trong khi quay trở về tôi đã khởi ý điều này: ‘Những người dòng Sakya thật là ác độc (nghĩ rằng): ‘Các vương tử đã bỏ đi vì gã này,’ cũng có thể ra lệnh giết ta. Chính các vương tử dòng Sakya này còn rời nhà xuất gia sống không nhà, việc gì ta lại không?’ Thưa các vương tử, tôi đây đã mở gói đồ ra treo gói đồ ấy ở trên cây, nói rằng: ‘Ai thấy được cứ việc lấy món quà’ rồi từ đó tôi đã quay lại.”
– “Này khanh Upāli, ngươi đã hành động đúng về việc người đã quay trở lại vì những người dòng Sakya quả là ác độc (nghĩ rằng): ‘Các vương tử đã bỏ đi vì gã này,’ cũng có thể ra lệnh giết ngươi.”
Sau đó, các vương tử dòng Sakya ấy đã đưa thợ cạo Upāli đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các vương tử dòng Sakya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, chúng tôi thuộc dòng Sakya có sự ngã mạn. Bạch ngài, thợ cạo Upāli này là người hầu cận của chúng tôi lâu nay. Xin đức Thế Tôn cho người này xuất gia trước tiên. Chúng tôi sẽ thực hiện việc đảnh lễ, việc đứng dậy, việc chắp tay, hành động thích hợp đối với ông ta. Như thế, sự ngã mạn của dòng Sakya trong những người Sakya chúng tôi sẽ không còn nữa.”
Khi ấy, đức Thế Tôn đã cho thợ cạo Upāli xuất gia trước tiên kế đến là các vương tử dòng Sakya ấy. Sau đó ngay trong năm ấy, đại đức Bhaddiya đã chứng ngộ ba Minh, đại đức Anuruddha đã chứng đạt Thiên nhãn, đại đức Ānanda đã chứng ngộ quả Nhập Lưu, Devadatta đã thành tựu được thần thông của phàm nhân.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhaddiya mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!” Khi ấy, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, đại đức Bhaddiya mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ Bạch ngài, chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, hoặc là trong khi hồi tưởng lại chính sự khoái lạc vương giả ấy trước đây, (vị ấy) mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: – “Này tỳ khưu, hãy đến. Ngươi hãy nhân danh ta nói với tỳ khưu Bhaddiya rằng: ‘Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư cho gọi đại đức.’” – “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Bhaddiya, sau khi đến đã nói với đại đức Bhaddiya điều này: – “Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư cho gọi đại đức.”
– “Này đại đức, xin vâng.” Rồi đại đức Bhaddiya nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đại đức Bhaddiya đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhaddiya điều này: – “Này Bhaddiya, nghe nói ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ có đúng không vậy?”
– “Bạch ngài, đúng vậy.”
– “Này Bhaddiya, trong khi cảm nhận được lợi ích gì khiến ngươi, mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ vậy?”
– “Bạch ngài, trước đây khi con làm vua, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong xứ sở, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài xứ sở, bạch ngài, trong khi được bảo vệ và được an toàn như vậy, con đây sống vẫn cảm thấy sợ hãi, khiếp đảm, lo âu, hồi hộp. Bạch ngài, thế mà giờ đây con chỉ một mình, mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn không sợ hãi, không khiếp đảm, không lo âu, không hồi hộp, vô tư lự, điềm tĩnh, tùy thuận sự bố thí của người khác, sống với tâm như loài thú rừng. Bạch ngài, trong khi cảm nhận được lợi ích này nên con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
Sau đó, khi hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào mà các sự sân hận không hiện diện ở trong tâm, đã vượt qua khỏi hữu và phi hữu như thế, vị ấy đã không còn sự sợ hãi, có sự an lạc, không sầu muộn, chư Thiên không đạt được việc nhìn thấy vị ấy.”
Sau đó, khi đã ngự ở Anupiyā theo như ý thích đức Thế Tôn đức Thế Tôn trong khi tuần tự du hành đã ngự đến thành Kosambi. Tại nơi đó, trong thành Kosambi, đức Thế Tôn ngự ở tu viện Ghosita. Khi ấy, Devadatta trong lúc độc cư thiền tịnh đã có ý nghĩ suy tầm như vầy sanh khởi: “Ta nên làm cho ai tin tưởng để khi người ấy đã đặt niềm tin nơi ta rồi thì nhiều lợi lộc và sự trọng vọng có thể phát sanh?”
Khi ấy, điều này đã khởi lên cho Devadatta: “Hoàng tử Ajātasattu này còn trẻ và có tương lai rạng rỡ. Hay là ta nên làm cho hoàng tử Ajātasattu tin tưởng để khi vị ấy đã đặt niềm tin nơi ta rồi thì nhiều lợi lộc và sự trọng vọng sẽ phát sanh?”
Sau đó, Devadatta đã thu xếp sàng tọa rồi cầm y bát đi đến thành Rājagaha. Theo tuần tự, vị ấy đã đến được thành Rājagaha. Khi ấy, Devadatta đã thay đổi hình dạng của mình và biến thành hình dạng đứa bé trai mình quấn đầy rắn xuất hiện ở trên bắp vế của hoàng tử Ajātasattu. Khi ấy, hoàng tử Ajātasattuđã trở nên sợ hãi, khiếp đảm, lo âu, hồi hộp. Khi ấy, Devadatta đã nói với hoàng tử Ajātasattu điều này:
– “Hoàng tử, ngài sợ tôi hay sao?”
– “Vâng, ta sợ lắm. Ngươi là ai?”
– “Tôi là Devadatta.”
– “Thưa ngài, nếu ngươi là ngài đại đức Devadatta, xin hãy hiện ra với hình dáng của chính ngài đi.”
Sau đó, Devadatta đã thay đổi hình dạng đứa bé trai và hiện ra đứng trước hoàng tử Ajātasattu có mang y hai lớp và y bát. Khi ấy, hoàng tử Ajātasattu vô cùng ngưỡng mộ thần thông kỳ diệu này của Devadatta nên sáng chiều đã đi đến phục vụ cùng với đoàn xe năm trăm chiếc và vật cúng dường về thực phẩm là năm trăm phần cơm nấu với sữa được mang lại.
Khi ấy, Devadatta với tâm đã bị chế ngự, đã bị ám ảnh bởi sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh khiến điều tham muốn như vầy đã khởi lên: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu.’ Cùng lúc với sự sanh khởi của tâm, Devadatta đã mất đi thần thông ấy.
Vào lúc bấy giờ, thị giả của đại đức Mahāmoggallāna tên là Kakudha con trai của Koḷiya vừa mới từ trần và tái sanh vào thân khác do ý tạo. Vị ấy đạt được bản thể có hình dạng như là hai hay ba cánh đồng làng ở xứ Magadha. Với sự thành tựu bản thể đó, vị ấy vẫn không hề làm tổn thương chính mình hay người khác.
Khi ấy, Thiên tử Kakudha đã đi đến gặp đại đức Mahāmoggallāna, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahāmoggallāna rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, Thiên tử Kakudha đã nói với đại đức Mahāmoggallāna điều này: – “Thưa ngài, Devadatta với tâm đã bị chế ngự, đã bị ám ảnh bởi sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh khiến điều tham muốn như vầy đã khởi lên: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu.’ Thưa ngài, cùng lúc với sự sanh khởi của tâm, Devadatta đã mất đi thần thông ấy.” Thiên tử Kakudha đã nói lên điều ấy. Sau khi nói lên điều ấy, vị ấy đã đảnh lễ đại đức Mahāmoggallāna, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi biến mất ngay tại chỗ ấy.
Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Mahāmoggallāna đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, thị giả của con tên là Kakudha con trai dòng Koḷiya vừa mới từ trần và tái sanh vào thân khác do ý tạo. Vị ấy đạt được bản thể có hình dạng như là hai hay ba cánh đồng làng ở xứ Magadha. Với sự thành tựu bản thể đó, vị ấy vẫn không hề làm tổn thương chính mình hay người khác. Bạch ngài, khi ấy Thiên tử Kakudha đã đi đến gặp con, sau khi đến đã đảnh lễ con rồi đã đứng một bên. Khi đã đứng một bên, Thiên tử Kakudha đã nói với con điều này: ‘Thưa ngài, Devadatta với tâm đã bị chế ngự, đã bị ám ảnh bởi sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh khiến điều tham muốn như vầy đã khởi lên: Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu. Thưa ngài, chính do sự sanh khởi của tâm, Devadatta đã mất đi thần thông của mình.’Thiên tử Kakudha đã nói lên điều ấy. Sau khi nói lên điều ấy, vị ấy đã đảnh lễ con, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi biến mất ngay tại chỗ ấy.”
– “Này Moggallāna, có phải Thiên tử Kakudha với ngươi có tâm hiểu và biết (lẫn nhau) bằng tâm nên bất cứ điều gì Thiên tử Kakudha nói (ngươi biết được) tất cả điều ấy đều theo chính cách ấy, chứ không phải cách nào khác?”
– “Bạch ngài, Thiên tử Kakudha với con có tâm hiểu và biết (lẫn nhau) bằng tâm nên bất cứ điều gì Thiên tử Kakudha nói (con biết được) tất cả điều ấy đều theo chính cách ấy, chứ không phải cách nào khác.”
– “Này Moggallāna, hãy giữ kín lời nói này. Này Moggallāna, hãy giữ kín lời nói này. Đã đến lúc kẻ rồ dại ấy tự chính mình sẽ làm bộc lộ bản thân.”
Này Moggallāna, có năm hạng đạo sư này đang hiện hữu ở trên đời. Thế nào là năm?
Này Moggallāna, ở đây có hạng đạo sư trong khi có giới không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có giới thanh tịnh’ và ‘Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử biết về chính vị ấy như vầy: “Ngài đạo sư này trong khi có giới không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có giới thanh tịnh’ và ‘Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây nên điều ấy cho ông ta? Vả lại, ông ta được hài lòng với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh; điều gì ông ta sẽ làm, chính ông ta sẽ biết điều ấy.”
Này Moggallāna, như vậy là các đệ tử bảo vệ vị đạo sư về giới, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ về giới từ các đệ tử.
Này Moggallāna, còn có điều khác nữa, ở đây có hạng đạo sư trong khi có sự nuôi mạng không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có sự nuôi mạng thanh tịnh’ và ‘Sự nuôi mạng của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử biết về chính vị ấy như vầy: “Ngài đạo sư này trong khi có sự nuôi mạng không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có sự nuôi mạng thanh tịnh’ và ‘Sự nuôi mạng của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây nên điều ấy cho ông ta? Vả lại, ông ta được hài lòng với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh; điều gì ông ta sẽ làm, chính ông ta sẽ biết điều ấy.”
Này Moggallāna, như vậy là các đệ tử bảo vệ vị đạo sư về việc nuôi mạng, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ về việc nuôi mạng từ các đệ tử.
Này Moggallāna, còn có điều khác nữa, ở đây có hạng đạo sư trong khi có sự thuyết pháp không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có sự thuyết pháp thanh tịnh’ và ‘Sự thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử biết về chính vị ấy như vầy: “Ngài đạo sư này trong khi có sự thuyết pháp không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có sự thuyết pháp thanh tịnh’ và ‘Sự thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây nên điều ấy cho ông ta? Vả lại, ông ta được hài lòng với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh; điều gì ông ta sẽ làm, chính ông ta sẽ biết điều ấy.”
Này Moggallāna, như vậy là các đệ tử bảo vệ vị đạo sư về việc thuyết pháp, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ về việc thuyết pháp từ các đệ tử.
Này Moggallāna, còn có điều khác nữa, ở đây có hạng đạo sư trong khi có lối giải thích không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có lối giải thích thanh tịnh’ và ‘Lối giải thích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử biết về chính vị ấy như vầy: “Ngài đạo sư này trong khi có lối giải thích không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có lối giải thích thanh tịnh’ và ‘Lối giải thích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây nên điều ấy cho ông ta? Vả lại, ông ta được hài lòng với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh; điều gì ông ta sẽ làm, chính ông ta sẽ biết điều ấy.”
Này Moggallāna, như vậy là các đệ tử bảo vệ vị đạo sư về lối giải thích, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ về lối giải thích từ các đệ tử.
Này Moggallāna, còn có điều khác nữa, ở đây có hạng đạo sư trong khi có tri kiến không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có tri kiến thanh tịnh’ và ‘Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử biết về chính vị ấy như vầy: “Ngài đạo sư này trong khi có tri kiến không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có tri kiến thanh tịnh’ và ‘Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây nên điều ấy cho ông ta? Vả lại, ông ta được hài lòng với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh; điều gì ông ta sẽ làm, chính ông ta sẽ biết điều ấy.”
Này Moggallāna, như vậy là các đệ tử bảo vệ vị đạo sư về tri kiến, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ về tri kiến từ các đệ tử.”
Này Moggallāna, năm hạng đạo sư này đang hiện hữu ở trên đời.
Và này Moggallāna, ta có giới thanh tịnh và biết rằng: ‘Ta có giới thanh tịnh’ và ‘Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử không cần bảo vệ ta về giới, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về giới từ các đệ tử.
Ta nuôi mạng thanh tịnh và biết rằng: ‘Ta có sự nuôi mạng thanh tịnh’ và ‘Sự nuôi mạng của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử không cần bảo vệ ta về sự nuôi mạng, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về sự nuôi mạng từ các đệ tử.
Ta thuyết pháp thanh tịnh và biết rằng: ‘Ta có sự thuyết pháp thanh tịnh’ và ‘Sự thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử không cần bảo vệ ta về sự thuyết pháp, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về sự thuyết pháp từ các đệ tử.
Ta có lối giải thích thanh tịnh và biết rằng: ‘Ta có lối giải thích thanh tịnh’ và ‘Lối giải thích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử không cần bảo vệ ta về lối giải thích, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về lối giải thích từ các đệ tử.
Ta có tri kiến thanh tịnh và biết rằng: ‘Ta có tri kiến thanh tịnh’ và ‘Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Các đệ tử không cần bảo vệ ta về tri kiến, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về tri kiến từ các đệ tử.”
Sau đó, khi đã ngự tại Kosambi theo như ý thích đức Thế Tôn đã lên đường du hành đi đến thành Rājagaha. Trong khi du hành theo tuần tự ngài đã ngự đến thành Rājagaha.
Tại nơi đó, trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc.
Khi ấy, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, hoàng tử Ajātasattu sáng chiều đi đến phục vụ Devadatta cùng với đoàn xe năm trăm chiếc, và vật cúng dường về thực phẩm là năm trăm phần cơm nấu với sữa được mang lại.”
– “Này các tỳ khưu, chớ có ganh tỵ với Devadatta về sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh. Này các tỳ khưu, cho đến khi nào hoàng tử Ajātasattu còn sáng chiều đi đến phục vụ Devadatta cùng với đoàn xe năm trăm chiếc, và vật cúng dường về thực phẩm là năm trăm phần cơm nấu với sữa còn được mang lại thì này các tỳ khưu, việc suy giảm trong các thiện pháp là điều sẽ xảy đến cho Devadatta, chứ không phải sự tiến triển.
Này các tỳ khưu, cũng giống như người ta làm vỡ túi mật ở mũi của con chó dữ tợn; này các tỳ khưu, bởi vì như vậy con chó ấy sẽ trở nên dữ tợn hơn trước. Tương tợ như thế, này các tỳ khưu, cho đến khi nào hoàng tử Ajātasattu còn sáng chiều đi đến phục vụ Devadatta cùng với đoàn xe năm trăm chiếc, và vật cúng dường về thực phẩm là năm trăm phần cơm nấu với sữa còn được mang lại thì này các tỳ khưu, việc suy giảm trong các thiện pháp là điều sẽ xảy đến cho Devadatta, chứ không phải sự tiến triển.
Này các tỳ khưu, sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại. Này các tỳ khưu, giống như cây chuối khi trổ quả thì đưa đến sự hư hỏng của thân cây, khi trổ quả thì đưa đến sự tiêu hoại; tương tợ như thế, sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; lợi lộc, vinh hiển, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại.
Này các tỳ khưu, giống như cây tre khi kết trái thì đưa đến sự hư hỏng của thân cây, khi kết trái thì đưa đến sự tiêu hoại; tương tợ như thế, sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại.
Này các tỳ khưu, giống như cây sậy khi kết trái thì đưa đến sự hư hỏng của thân cây, khi kết trái thì đưa đến sự tiêu hoại; tương tợ như thế, sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại.
Này các tỳ khưu, giống như con lừa cái khi mang thai thì đưa đến sự hư hỏng của bản thân, khi mang thai thì đưa đến sự tiêu hoại; tương tợ như thế, sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; sự lợi lộc, trọng vọng, và tôn vinh đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại.”
“Đúng vậy, (sự kết) trái hại chết cây chuối, (sự kết) trái hại chết cây tre, (sự kết) trái hại chết cây sậy, sự trọng vọng hại chết kẻ ngu tương tợ như bào thai hại chết con lừa.”
Tụng phẩm thứ nhất.
*****