TIỂU PHẨM II – CHƯƠNG PHẬN SỰ: PHẬN SỰ Ở CHỖ THỌ THỰC

Tiểu Phẩm II

Chương Phận Sự

Phận sự ở chỗ thọ thực

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách đi đến chỗ thọ thực, tách ra rồi đi lên phía trước các tỳ khưu trưởng lão, chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống, còn xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi, lại còn trải ra y hai lớp rồi ngồi xuống ở trong xóm nhà. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách lại đi đến chỗ thọ thực, tách ra rồi đi lên phía trước các tỳ khưu trưởng lão, chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống, còn xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi, lại còn trải ra y hai lớp rồi ngồi xuống ở trong xóm nhà?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách đi đến chỗ thọ thực, ―(như trên)― lại còn trải ra y hai lớp rồi ngồi xuống ở trong xóm nhà, có đúng không vậy?”

– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự ở chỗ thọ thực cho các tỳ khưu, các tỳ khưu ở chỗ thọ thực nên thực hành như thế.

Nếu thời giờ được thông báo ở trong tu viện, vị (tỳ khưu) nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn,[1] nên buộc dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trùm lên, nên thắt lại dây buộc, nên rửa bình bát rồi cầm lấy, nên đi vào làng một cách nghiêm trang không hấp tấp. Không nên tách ra rồi đi lên phía trước các tỳ khưu trưởng lão. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.

Nên ngồi ở trong nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên ―(như trên)― với sự ôm đầu gối. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Không nên trải ra y hai lớp rồi ngồi xuống ở trong nhà.

Trong khi được dâng nước, nên cầm bình bát bằng hai tay và thọ lãnh nước. Nên hạ thấp xuống rồi rửa bình bát một cách cẩn thận không chà xát mạnh. Nếu có vật chứa nước rửa, nên hạ thấp xuống rồi đổ nước vào trong vật chứa nước rửa (nghĩ rằng): ‘Chớ làm vật chứa nước rửa bị văng nước tung tóe, chớ làm các tỳ khưu xung quanh bị nước văng nhằm, chớ làm y hai lớp bị dính nước.’

Nếu vật chứa nước rửa không có, nên hạ thấp xuống rồi tưới lên trên mặt đất (nghĩ rằng): ‘Chớ làm các tỳ khưu xung quanh bị nước văng nhằm, chớ làm y hai lớp bị dính nước.’

Trong khi được dâng cơm, nên cầm bình bát bằng hai tay rồi thọ lãnh cơm. Nên chừa chỗ cho xúp. Nếu có bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc thức ăn ngon, vị trưởng lão nên nói rằng: ‘Nên chia đều ra cho tất cả.’

Nên thọ lãnh vật thực một cách nghiêm trang. Nên thọ lãnh vật thực với sự chú tâm ở bình bát. Nên thọ lãnh vật thực với lượng xúp tương xứng. Nên thọ lãnh vật thực vừa ngang miệng (bình bát). Vị trưởng lão không nên thọ thực khi tất cả chưa được đầy đủ cơm.

Nên thọ dụng vật thực một cách nghiêm trang. Nên thọ dụng vật thực với sự chú tâm ở bình bát. Nên thọ dụng vật thực theo tuần tự. Nên thọ dụng vật thực với lượng xúp tương xứng. Không nên vun lên thành đống rồi thọ dụng vật thực. Không nên dùng cơm che lấp xúp hoặc thức ăn với ý muốn được nhiều hơn. Vị không bị bệnh không nên yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực.

Không nên nhìn vào bình bát của các vị khác với ý định tìm lỗi. Không nên làm vắt cơm quá lớn. Nên làm vắt cơm tròn đều. Không nên há miệng ra khi vắt cơm chưa được đưa đến. Không nên đưa trọn bàn tay vào miệng trong lúc thọ thực. Không nên nói chuyện với miệng có vắt cơm. Không nên thọ thực theo lối đưa thức ăn vào miệng một cách liên tục. Không nên thọ thực theo lối cắn vắt cơm từng chút một. Không nên thọ thực theo lối làm phồng má. Không nên thọ thực có sự vung rảy bàn tay. Không nên thọ thực có sự làm rơi đổ cơm. Không nên thọ thực có sự le lưỡi. Không nên thọ thực có làm tiếng chép chép. Không nên thọ thực có làm tiếng rột rột. Không nên thọ thực có sự liếm tay. Không nên thọ thực có sự nạo vét bình bát. Không nên thọ thực có sự liếm môi. Không nên thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn.

Vị trưởng lão không nên thọ lãnh nước khi tất cả còn chưa thọ thực xong. Trong khi được dâng nước, nên cầm bình bát bằng hai tay rồi thọ lãnh nước. Nên hạ thấp xuống rồi rửa bình bát một cách cẩn thận không chà xát mạnh. Nếu có vật chứa nước rửa, nên hạ thấp xuống rồi đổ nước vào trong vật chứa nước rửa (nghĩ rằng): ‘Chớ làm vật chứa nước rửa bị văng nước tung tóe, chớ làm các tỳ khưu xung quanh bị nước văng nhằm, chớ làm y hai lớp bị dính nước.’ Nếu vật chứa nước rửa không có, nên hạ thấp xuống rồi tưới lên trên mặt đất (nghĩ rằng): ‘Chớ làm các tỳ khưu xung quanh bị nước văng nhằm, chớ làm y hai lớp bị dính nước.’ Không nên đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà.

Trong khi đi trở về, các tỳ khưu mới tu nên đi về trước tiên, sau đó là các vị trưởng lão. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự ở chỗ thọ thực của các tỳ khưu, các tỳ khưu ở chỗ thọ thực nên thực hành như thế.”

Tụng phẩm thứ nhất.

*****

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *