TIỂU PHẨM II – CHƯƠNG PHẬN SỰ: PHẬN SỰ Ở NHÀ VỆ SINH

Tiểu Phẩm II

Chương Phận Sự

Phận sự ở nhà vệ sinh 

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ dòng dõi Bà-la-môn đại tiện xong không muốn rửa sạch (nghĩ rằng): “Ai lại đụng đến đồ hôi hám hạ tiện này?” Có con giun đũa đã dính ở hậu môn của vị ấy. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu.

– “Này đại đức, có phải đại đức đại tiện xong mà không rửa sạch?”

– “Này các đại đức, đúng vậy.”

Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao vị tỳ khưu đại tiện xong lại không rửa sạch?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này tỳ khưu, nghe nói ngươi đại tiện xong lại không rửa sạch, có đúng không vậy?”

– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, sau khi đại tiện xong nếu có nước không nên không rửa sạch; vị nào không rửa sạch thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đi đại tiện ở nhà vệ sinh theo thứ tự thâm niên. Các tỳ khưu mới tu đi đến trước tiên bị mắc tiêu vẫn chờ đợi. Trong lúc kiềm chế việc đại tiện, các vị ấy bị ngất xỉu ngã xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?”

– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, việc đại tiện ở nhà vệ sinh không nên thực hành theo thứ tự thâm niên; vị nào thực hành thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc đại tiện theo thứ tự đi đến.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi vào nhà vệ sinh vô cùng vội vã, vén y lên rồi đi vào, đại tiện rặn thành tiếng, đại tiện trong lúc nhai gỗ chà răng, đại tiện ra ngoài máng đựng phân, tiểu tiện ra ngoài máng nước tiểu, khạc nhổ vào máng nước tiểu, chùi bằng khúc cây chùi bị sần sùi, làm rơi khúc cây chùi vào hố phân, đi ra vô cùng vội vã, vén y lên rồi đi ra, rửa ráy có làm tiếng chắt lưỡi, chừa lại nước ở trong gáo múc nước rửa. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi vào nhà vệ sinh vô cùng vội vã, ―(như trên)― chừa lại nước ở trong gáo múc nước rửa?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)―

– “Này tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?”

– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự ở nhà vệ sinh cho các tỳ khưu, các tỳ khưu ở nhà vệ sinh nên thực hành như thế.

Vị đi đến nhà vệ sinh, đứng ở bên ngoài, nên tằng hắng. Vị ngồi bên trong cũng nên tằng hắng. Nên máng y lên sào treo y hoặc dây phơi y rồi nên đi vào nhà vệ sinh một cách cẩn thận không hấp tấp. Không nên đi vào quá vội vã. Không nên vén y (nội) lên rồi đi vào. Khi đã đứng trên bệ nhà vệ sinh mới nên kéo y (nội) lên. Không nên đại tiện rặn thành tiếng. Không nên đại tiện trong lúc nhai gỗ chà răng. Không nên đại tiện ra ngoài máng đựng phân. Không nên tiểu tiện ra ngoài máng nước tiểu. Không nên khạc nhổ vào máng nước tiểu. Không nên chùi với khúc cây chùi bị sần sùi. Không nên làm rơi khúc cây chùi vào hố phân. Khi còn đứng trên bệ nhà vệ sinh, nên che lại kín đáo. Không nên đi ra vô cùng vội vã. Không nên vén y (nội) lên rồi đi ra. Khi đã đứng ở sàn rửa mới nên vén y lên. Không nên rửa ráy có làm tiếng chắt lưỡi. Không nên chừa lại nước ở trong gáo múc nước rửa. Khi còn đứng ở sàn rửa, nên che lại kín đáo. Nếu nhà vệ sinh bị dơ nên rửa sạch. Nếu thùng đựng đồ chùi bị đầy, nên đổ bỏ các khúc cây chùi. Nếu nhà vệ sinh có rác bẩn nên quét nhà vệ sinh. Nếu bục nền xung quanh có rác bẩn nên quét bục nền xung quanh. Nếu căn phòng có rác bẩn nên quét căn phòng. Nếu cổng có rác bẩn nên quét cổng. Nếu lu nước rửa không có nước, nên đổ nước vào lu nước rửa.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự ở nhà vệ sinh của các tỳ khưu, các tỳ khưu ở nhà vệ sinh nên thực hành như thế.”

*****

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *