TIỂU PHẨM II – CHƯƠNG TỲ KHƯU NI: TỤNG PHẨM THỨ NHÌ

Tiểu Phẩm II

Chương Tỳ Khưu Ni

Tụng Phẩm Thứ Nhì

Sau đó, khi đã đã ngự tại Vesāli theo như ý thích đức Thế Tôn đã lên đường du hành về phía Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Sāvatthi. Tại nơi đó ở Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư rắc nước bùn lên các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): ‘Có lẽ họ sẽ lưu tâm đến chúng ta.’ Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu không nên rắc nước bùn lên các tỳ khưu ni; vị nào rắc thì phạm tộidukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hình phạt đối với vị tỳ khưu ấy.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hình phạt gì nên được thực hiện?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, hội chúng tỳ khưu ni không cần thực hiện việc đảnh lễ đối với vị tỳ khưu ấy.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư vén hở thân rồi phô bày cho các tỳ khưu ni thấy, vén hở đùi rồi phô bày cho các tỳ khưu ni thấy, vén hở chỗ kín rồi phô bày cho các tỳ khưu ni thấy, trò chuyện với các tỳ khưu ni, giao lưu với các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): ‘Có lẽ họ sẽ lưu tâm đến chúng ta.’ Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, tỳ khưu không nên vén hở thân rồi phô bày cho các tỳ khưu ni thấy, không nên vén hở đùi rồi phô bày cho các tỳ khưu ni thấy, không nên vén hở chỗ kín rồi phô bày cho các tỳ khưu ni thấy, không nên trò chuyện với các tỳ khưu ni, không nên giao lưu với các tỳ khưu ni; vị nào giao lưu thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hình phạt đối với vị tỳ khưu ấy.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hình phạt gì nên được thực hiện?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, hội chúng tỳ khưu ni không cần thực hiện việc đảnh lễ đối với vị tỳ khưu ấy.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư rắc nước bùn lên các tỳ khưu (nghĩ rằng): ‘Có lẽ họ sẽ lưu tâm đến chúng ta.’ Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên rắc nước bùn lên các tỳ khưu; vị ni nào rắc thì phạm tộidukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hình phạt đối với tỳ khưu ni ấy.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hình phạt gì nên được thực hiện?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của tỳ khưu).”

Khi việc ngăn cấm được thực hiện, họ không chấp hành. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ việc giáo giới.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư vén hở thân rồi phô bày cho các tỳ khưu thấy, vén hở ngực rồi phô bày cho các tỳ khưu thấy, vén hở đùi rồi phô bày cho các tỳ khưu thấy, vén hở chổ kín rồi phô bày cho các tỳ khưu thấy, trò chuyện với các tỳ khưu, giao lưu với các tỳ khưu (nghĩ rằng): ‘Có lẽ họ sẽ lưu tâm đến chúng ta.’ Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên vén hở thân rồi phô bày cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở ngực rồi phô bày cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở đùi rồi phô bày cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở chổ kín rồi phô bày cho các tỳ khưu thấy, không nên trò chuyện với các tỳ khưu, không nên giao lưu với các tỳ khưu; vị ni nào giao lưu thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hình phạt đối với vị tỳ khưu ni ấy.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hình phạt gì nên được thực hiện?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của tỳ khưu).” Khi việc ngăn cấm được thực hiện, họ không chấp hành. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ việc giáo giới.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Lễ Uposatha được phép thực hiện với tỳ khưu ni bị đình chỉ giáo giới hay không được phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, lễ Uposatha không nên thực hiện với tỳ khưu ni bị đình chỉ giáo giới cho đến khi nào sự tranh tụng ấy còn chưa được giải quyết.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi sau khi đình chỉ việc giáo giới đã ra đi du hành. Các tỳ khưu ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao ngài đại đức Udāyi sau khi đình chỉ việc giáo giới lại ra đi du hành?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, sau khi đình chỉ việc giáo giới rồi không nên ra đi du hành; vị nào ra đi thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ngu dốt không có kinh nghiệm đình chỉ việc giáo giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, việc giáo giới không nên bị đình chỉ bởi vị ngu dốt, không có kinh nghiệm; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đình chỉ việc giáo giới không có sự việc, không có nguyên do. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, việc giáo giới không nên bị đình chỉ không có sự việc, không có nguyên do; vị nào đình chỉ thì phạm tộidukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sau khi đình chỉ việc giáo giới không đưa ra sự phán xét. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, sau khi đình chỉ việc giáo giới, không nên không đưa ra sự phán xét; vị nào không đưa ra thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không đi (để nghe) giáo giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên không đi (để nghe) giáo giới; vị ni nào không đi nên được hành xử theo Pháp.”[2]

Vào lúc bấy giờ, toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni đều đi (để nghe) giáo giới. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này sẽ hưởng lạc với những bà này.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đi (để nghe) giáo giới toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni. Nếu đi thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép đi (để nghe) giáo giới bốn hay năm tỳ khưu ni.”

Vào lúc bấy giờ, bốn hay năm tỳ khưu ni đi (để nghe) giáo giới. Dân chúng tương tợ y như thế phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này này sẽ hưởng lạc với những bà này.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đi (để nghe) giáo giới bốn hay năm tỳ khưu ni. Nếu các vị đi thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép đi (để nghe) giáo giới hai hay ba tỳ khưu ni. Nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi nên nói như vầy: ‘Thưa ngài đại đức, hội chúng tỳ khưu ni đảnh lễ ở chân của hội chúng tỳ khưu và thỉnh cầu việc đến gần (để nghe) giáo giới. Thưa ngài, mong rằng hội chúng tỳ khưu ni đạt được việc đến gần (để nghe) giáo giới.’

Vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha và nên nói như vầy: ‘Thưa ngài, hội chúng tỳ khưu ni đảnh lễ ở chân của hội chúng tỳ khưu và thỉnh cầu việc đến gần (để nghe) giáo giới. Thưa ngài, mong rằng hội chúng tỳ khưu ni đạt được việc đến gần (để nghe) giáo giới.’ Vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: ‘Có vị tỳ khưu nào đó đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni?’ Nếu có vị tỳ khưu nào đó đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: ‘Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, hội chúng tỳ khưu ni hãy đi đến gặp vị ấy.’ Nếu không có vị tỳ khưu nào đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổnPātimokkha nên nói rằng: ‘Vị đại đức nào đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni?’

Nếu có vị nào đó đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni và vị ấy có tám yếu tố,[3] sau khi chỉ định xong nên nói rằng: ‘Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, hội chúng tỳ khưu ni hãy đi đến gặp vị ấy.’ Nếu không có vị nào đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: ‘Không có tỳ khưu nào được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, mong rằng hội chúng tỳ khưu ni được thành đạt với sự hoan hỷ.’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu không nhận lãnh việc giáo giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không thể không nhận lãnh việc giáo giới; vị nào không nhận lãnh thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là ngu dốt. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này: – “Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.”

– “Này các chị gái, bởi vì tôi ngu dốt, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?” – “Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: ‘Các tỳ khưu nên nhận lãnh việc giáo giới cho các tỳ khưu ni.’” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này: – “Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.” – “Này các chị gái, bởi vì tôi bị bệnh, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?” – “Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: ‘Trừ ra vị ngu dốt, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.’”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là vị xuất hành. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này: – “Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.” – “Này các chị gái, bởi vì tôi là vị xuất hành, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?” – “Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: ‘Trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.’”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, trừ ra vị xuất hành, các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ cư ngụ ở trong rừng. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này: – “Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.” – “Này các chị gái, bởi tôi cư ngụ ở trong rừng, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?” – “Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: ‘Trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, trừ ra vị xuất hành, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.’”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu là vị ngụ ở rừng nhận lãnh việc giáo giới và (cho phép) quy định điểm hẹn: ‘Tôi sẽ thực hiện ở chỗ kia.’”

Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh việc giáo giới các tỳ khưu không thông báo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không thể không thông báo việc giáo giới; vị nào không thông báo thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh việc giáo giới các tỳ khưu không thực hiện. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, việc giáo giới không thể không thực hiện; vị nào không thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không đi đến điểm hẹn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên không đi đến điểm hẹn; vị ni nào không đi thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni mang dây thắt lưng loại dài, lại còn bó thắt eo bằng chúng nữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên mang dây thắt lưng loại dài; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni (sử dụng) dây thắt lưng được thực hiện một vòng, và không nên bó thắt eo bằng dây thắt lưng; vị ni nào bó thắt (eo) thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni buộc (dây thắt lưng) thành dải tua bằng sợi tre chẻ mỏng, buộc thành dải tua bằng sợi da thú, buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt, buộc thành dải tua bằng vải dệt tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng vải dệt thắt bím, buộc thành dải tua bằng sợi vải coḷa, buộc thành dải tua bằng vải coḷa tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng vải coḷa thắt bím, buộc thành dải tua bằng chỉ tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng chỉ thắt bím. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên buộc (dây thắt lưng) thành dải tua bằng sợi tre chẻ mỏng, không nên buộc thành dải tua bằng sợi da thú, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt thắt bím, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải coḷa, không nên buộc thành dải tua bằng vải coḷa tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng vải coḷa thắt bím, không nên buộc thành dải tua bằng chỉ tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng chỉ thắt bím; vị ni nào buộc thì phạm tộidukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni bảo đập vỗ vùng hông với khúc xương đùi, bảo đấm bóp vùng hông với xương hàm con bò, bảo đấm bóp bàn tay, bảo đấm bóp mu bàn tay, bảo đấm bóp bàn chân, bảo đấm bóp mu bàn chân, bảo đấm bóp đùi, bảo đấm bóp mặt, bảo đấm bóp nướu răng. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên bảo đập vỗ vùng hông với khúc xương đùi, ―(như trên)― không nên bảo đấm bóp nướu răng; vị ni nào bảo đấm bóp thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư thoa dầu ở mặt, chà xát mặt, đánh phấn ở mặt, đắp mặt bằng phấn đỏ, tô màu ở cơ thể, tô màu ở mặt, tô màu ở mặt và ở cơ thể. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên thoa dầu ở mặt, không nên chà xát mặt, không nên đánh phấn ở mặt, không nên đắp mặt bằng phấn đỏ, không nên tô màu ở cơ thể, không nên tô màu ở mặt, không nên tô màu ở mặt và ở cơ thể; vị ni nào làm thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư kẻ mí mắt, làm dấu ở trán, nhìn qua cửa sổ (xuống đường phố), đứng tựa cửa lớn (khoe phần thân trên), tổ chức nhảy múa, hỗ trợ gái điếm, lập quán bán rượu, lập tiệm bán thịt, trưng bày cửa hiệu, tiến hành việc cho vay lấy lãi, tiến hành việc thương mãi, nuôi tôi trai, nuôi tớ gái, nuôi trai làm mướn, nuôi gái làm thuê, nuôi thú vật, buôn bán rau xanh, mang mảnh da mài dao cạo. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên kẻ mí mắt, ―(như trên)― không nên mang mảnh da mài dao cạo; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư mặc các y toàn màu xanh đậm, mặc các y toàn màu vàng, mặc các y toàn màu đỏ (máu), mặc các y toàn màu tím, mặc các y toàn màu đen, mặc các y nhuộm toàn màu đỏ tía, mặc các y nhuộm toàn màu hồng, mặc các y không cắt đường viền, mặc các y có đường viền rộng, mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, mặc các y có đường viền có vẽ trái cây, mặc áo choàng, mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīṭaka. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên mặc các y toàn màu xanh đậm, ―(như trên)― không nên mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīṭaka; vị ni nào mặc thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ trong khi lâm chung đã nói như vầy: – “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng.” Ở nơi ấy, các tỳ khưu và các tỳ khưu ni tranh cãi rằng: – “Thuộc về chúng tôi, thuộc về chúng tôi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ni trong trong khi lâm chung nói như vầy: ‘Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,’ trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về riêng hội chúng tỳ khưu ni. Này các tỳ khưu, nếu vị ni tu tập sự, ―(như trên)― Này các tỳ khưu, nếu vị sa di ni trong khi lâm chung nói như vầy: ‘Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,’ trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về riêng hội chúng tỳ khưu ni. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu trong khi lâm chung nói như vầy: ‘Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,’ trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu ni không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về riêng hội chúng tỳ khưu. Này các tỳ khưu, nếu vị sa di, ―(như trên)― Này các tỳ khưu, nếu nam cư sĩ, ―(như trên)― Này các tỳ khưu, nếu nữ cư sĩ, ―(như trên)― Này các tỳ khưu, nếu người nào khác trong khi lâm chung nói như vầy: ‘Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,’ trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu ni không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về riêng hội chúng tỳ khưu.”

Vào lúc bấy giờ, có phụ nữ nọ trước đây là người xứ Malla đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Cô ni ấy sau khi gặp vị tỳ khưu yếu đuối trên đường đã cho cái thúc bằng bả vai rồi tiếp tục đi. Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao tỳ khưu ni lại cho vị tỳ khưu cái thúc?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên cho vị tỳ khưu cái thúc; vị ni nào cho thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni bước sang (một bên) nhường lối đi khi nhìn thấy vị tỳ khưu, ngay khi (vị ấy) còn ở đàng xa.”

Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ khi chồng đi vắng bị có thai với tình nhân. Cô ấy đã làm cho sẩy thai rồi đã nói với vị tỳ khưu ni thường đi đến nhà điều này: – “Thưa ni sư, xin hãy dùng bình bát mang đi cái bào thai này.” Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã bỏ cái bào thai ấy vào trong bình bát, che kín bằng y hai lớp, rồi ra đi. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đi khất thực đã lập dự tính rằng: “Khi chưa dâng phần vật thực ta sẽ thọ lãnh đầu tiên đến vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni thì ta sẽ không thọ thực.”

Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nhìn thấy vị tỳ khưu ni ấy và đã nói điều này: – “Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.” – “Thưa ngài, thôi đi.” Đến lần thứ nhì, vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này: – “Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.” – “Thưa ngài, thôi đi.” Đến lần thứ ba, vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này: – “Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.” – “Thưa ngài, thôi đi.” – “Này chị gái, tôi đã lập dự tính rằng: ‘Khi chưa dâng phần vật thực ta sẽ thọ lãnh đầu tiên đến vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni thì ta sẽ không thọ thực.’ Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.”

Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy trong lúc bị quấy rầy bởi vị tỳ khưu ấy đã đưa bình bát ra cho xem: – “Thưa ngài, hãy nhìn cái bào thai trong bình bát nè. Và chớ có nói với bất cứ ai.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao tỳ khưu ni lại dùng bình bát mang đi cái bào thai vậy?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao tỳ khưu ni lại dùng bình bát mang đi cái bào thai vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên dùng bình bát mang đi bào thai; vị ni nào mang đi thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni khi gặp vị tỳ khưu thì lấy bình bát ra và đưa cho xem.”

Vào lúc bấy giờ, khi gặp vị tỳ khưu các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư xoay tròn (bình bát) và cho xem phần dưới của bình bát. Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao khi gặp vị tỳ khưu các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư xoay tròn (bình bát) và cho xem phần dưới của bình bát?” Sau đó, các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, khi gặp vị tỳ khưu tỳ khưu ni không nên xoay tròn (bình bát) và cho xem phần dưới của bình bát; vị nào cho xem thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, khi gặp vị tỳ khưu ta cho phép tỳ khưu ni lật ngửa bình bát rồi đưa cho xem. Và vật thực nào có trong bình bát, nên thỉnh mời vị tỳ khưu với vật ấy.”

Vào lúc bấy giờ, trên đường phố ở thành Sāvatthi có vật biểu tượng nam tánh bị quăng bỏ. Các tỳ khưu ni đã nhìn chăm chú vào vật ấy. Dân chúng đã la ầm lên. Các tỳ khưu ni ấy đã bị xấu hổ. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến ni viện và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni lại nhìn chăm chú vào vật biểu tượng nam tánh?” Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên nhìn chăm chú vào vật biểu tượng nam tánh; vị nào nhìn chăm chú thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường dâng vật thực cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu cho đến các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các ngài đại đức lại cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân, không lẽ chúng tôi không biết cho vật thí hay sao?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân; vị nào cho thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu có được vật thực dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép dâng đến hội chúng.” Còn dồi dào nhiều hơn trước nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép dâng luôn cả vật dành riêng cho cá nhân.” Vào lúc bấy giờ, vật thực được làm để tích trữ của các tỳ khưu được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni thọ dụng vật tích trữ của các tỳ khưu sau khi đã được các tỳ khưu trao cho.”

Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường dâng vật thực cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni cho đến các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu ni lại cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân? Không lẽ chúng tôi không biết cho vật thí hay sao?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân; vị ni nào cho thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni có được vật thực dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép dâng đến hội chúng.” Còn dồi dào nhiều hơn trước nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép dâng luôn cả vật dành riêng cho cá nhân.” Vào lúc bấy giờ, vật thực được làm để tích trữ của các tỳ khưu ni được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu thọ dụng vật tích trữ của các tỳ khưu ni sau khi đã được các tỳ khưu ni trao cho.”

Vào lúc bấy giờ, sàng tọa của các tỳ khưu thì dồi dào, của các tỳ khưu ni thì không có. Các tỳ khưu ni đã phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu: – “Thưa các ngài, lành thay các ngài hãy cho chúng tôi (mượn) sàng tọa trong một thời gian.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép cho các tỳ khưu ni (mượn) sàng tọa trong một thời gian.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni có kinh nguyệt ngồi và nằm trên giường được bọc nệm, trên ghế được bọc nệm. Chỗ nằm ngồi bị lấm lem bởi máu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên ngồi hoặc nằm trên giường được bọc nệm, trên ghế được bọc nệm; vị ni nào ngồi hoặc nằm thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) y nội trợ.”

Y nội trợ bị lấm lem bởi máu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kim gài và mảnh vải.” Mảnh vải bị rơi xuống Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép khâu lại bằng chỉ và buộc ở đùi.” Chỉ bị đứt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) váy, băng vải buộc ở hông.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư mang băng vải buộc ở hông vào mọi lúc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên mang băng vải buộc ở hông vào mọi lúc; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) băng vải buộc ở hông đối với vị ni có kinh nguyệt.”

Tụng phẩm thứ nhì.

*****

[2] Liên quan đến tám Trọng Pháp và tội pācittiya 58 của tỳ khưu ni (ND).

[3] Xem tám yếu tố ở điều học pācittiya 21 (TTPV 02, trang 153).

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *