TƯƠNG ƯNG BỘ V
CHƯƠNG II: TƯƠNG ƯNG GIÁC CHI
PHẨM UDÀYI
21.I. Giác (Bodhanà) (S.v,83)
1) …
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến… rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— “Giác chi, giác chi”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?
— Ðưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên được gọi là giác chi.
4) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
5) Ðưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, cho nên được gọi là giác chi.
22.II. Thuyết Giảng (Tạp 26,17 Ðại 2, 196a) (S.v,83)
1) …
2)– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy giác chi. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy giác chi? Niệm giác chi… xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này.
23.III. Trú Xứ (Thànà) (Tạp 26,71 Ðại 2, 190b) (S.v,84)
1) …
2) — Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho dục và tham (kàmaràga), này các Tỷ-kheo, nên dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
3) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho sân, này các Tỷ-kheo, nên sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
4) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, nên hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
5) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho trạo hối, này các Tỷ-kheo, nên trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
6) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, nên nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
7) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, nên niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
8) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho xả giác chi, này các Tỷ-kheo, nên xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
24.IV. Phi Như Lý (Ayoniso) (Tạp 27, 14 Ðại 2, 195b) (S.v,84)
1) …
2)– Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh khởi đi đến tăng trưởng, quảng đại.
3) … sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
4) … hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
5) … trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
6) … nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
7) … và niệm giác chi chưa sanh không sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh bị đoạn diệt… xả giác chi chưa sanh không sanh khởi; và xả giác chi đã sanh bị đoạn diệt.
8) … Và này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, dục tham chưa sanh không thể sanh khởi; và dục tham đã sanh bị đoạn tận.
9) … sân chưa sanh không thể sanh khởi; và sân đã sanh bị đoạn tận.
10) … hôn trầm thụy miên chưa sanh không thể sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh bị đoạn tận.
11) … trạo hối chưa sanh không thể sanh khởi; và trạo hối đã sanh bị đoạn tận.
12) … nghi hoặc chưa sanh không thể sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh bị đoạn tận.
13) … Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn… xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.
25.V. Không Tổn Giảm (Aparihàni) (1) (S.v,85)
1) …
2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy pháp không tổn giảm. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không tổn giảm? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là bảy pháp không tổn giảm.
26.VI. Ðoạn Tận (Khaya) (S.v,86)
1) …
2) — Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy.
3) Và con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi.
4) Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :
— Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến đoạn tận khát ái?
5) — Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận.
6-11) … trạch pháp giác chi… tinh tấn giác chi… hỷ giác chi… khinh an giác chi… định giác chi…
12) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận.
13) Như vậy, này Udàyi, do khát ái đoạn tận nên nghiệp đoạn tận. Do nghiệp đoạn tận nên khổ đoạn tận.
27.VII. Ðoạn Diệt (Tạp 27, 18 Ðại 2, 196a) (S.v,87)
1) …
2) — Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn diệt khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy.
3) Và này các Tỷ-kheo, con đường nào, đạo lộ nào đưa đến đoạn diệt khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi.
4) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ,… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
5) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái.
28.VIII. Thể Nhập (Nibbedha). (S.v,87)
1) …
2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường thể nhập phần (nibbedhabhàgiyam). Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thể nhập phần? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi.
4) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :
— Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến thể nhập?
5) — Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập niệm giác chi, đâm thủng được (nibbijjhati), phá vỡ được (padàleti) tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ… Tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập xả giác chi, đâm thủng được, phá vỡ được tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ.
6) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này Udàyi, bảy giác chi đưa đến thể nhập.
29.IX. Một Pháp (S.v,88)
1) …
2) — Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử. Ðó chính là bảy giác chi, này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi.
3) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly,… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp có khả năng sanh kiết sử? Mắt, này các Tỷ-kheo, là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước (ajjhosanà), sai sử, trói buộc (samyojanavinibandhà) … Ý là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước, sai sử, trói buộc.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các pháp có khả năng sanh kiết sử.
30.X. Udàyi (S.v,89)
1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa những người Sumbha, tại một thị trấn của những người Sumbha tên là Setaka.
2) Rồi Tôn giả Udàyi, đi đến Thế Tôn… ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :
3) — Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Xúc động nhiều thay (bahukatam), bạch Thế Tôn, là lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí của con đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, trước khi con còn là người tại gia, con không có nhiều xúc động (bahukata) đối với Pháp, không có nhiều xúc động đối với Tăng. Nhưng, bạch Thế Tôn, khi con cảm thấy (sampassamàno) lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí đối với Thế Tôn, thời con xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và Thế Tôn thuyết pháp cho con : “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt, đây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt… Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thức đoạn diệt”.
4) Rồi, bạch Thế Tôn, con đi đến chỗ nhà trống, và trong khi tùy quán (samparivattento) theo sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, con như thật thắng tri : “Ðây là khổ”. Con như thật thắng tri: “Ðây là khổ tập khởi”. Con như thật thắng tri: “Ðây là khổ diệt”. Con như thật thắng tri : “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”.
5) Pháp, bạch Thế Tôn, được con hoàn toàn chứng tri (abhisamito). Con đường được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đắc như vậy (tathattàya). Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Bạch Thế Tôn, con chứng được niệm giác chi. Niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết được rằng : “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”… Con chứng được, bạch Thế Tôn, xả giác chi. Xả này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Bạch Thế Tôn, con đường này được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.
6) — Lành thay, lành thay, này Udàyi ! Con đường này, này Udàyi, Ông chứng được, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ dắt dẫn Ông, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, Ông sẽ rõ biết rằng : “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda