Cuộc họp hằng năm tại Dhamma Thali – Ấn Độ Mùng 1, tháng giêng, 1993 – Diễn văn khai mạc |
Dhamma: Xóa Tan Bóng Tối
Những thiền sinh Vipassana thân mến của thầy:
Như mọi năm, một lần nữa chúng ta họp mặt để xét lại những gì chúng ta đã làm xem có khuyết điểm nào không, và hiểu cách xóa bỏ những khuyết điểm đó. Chúng ta xét lại những gì đã đạt được không phải để phát triển ngã mạn, mà với một sự hiểu biết quân bình. Chúng ta sẽ tìm cách làm thế nào để sự thành công này được gia tăng. Sau cùng, chúng ta họp mặt để hoạch định thực tiễn cho tương lai. Cuộc họp này sẽ không giống như những cuộc họp xã giao, nơi người ta tranh luận để đưa tới giải pháp và quên đi tất cả. Không được, khía cạnh thực tế của Giáo Pháp là tối quan trọng đối với chúng ta.
Đây là lý do tại sao, trước khi bắt đầu những cuộc họp hằng năm này, hầu hết các con đã tham dự những khóa thiền lâu ngày, và sau cuộc họp này một số đông các con cũng sẽ làm như thế. Đây là một dấu hiệu tốt, các con đã chú trọng nhiều hơn đến sự thực tập, và các cuộc thảo luận là dựa trên cơ sở này. Truyền thống tốt đẹp này phải được duy trì trong tương lai; Nếu không, sự phục vụ của chúng ta cho nhân loại đang đau khổ sẽ không được thành công.
Có khổ đau, điều này không thể chối bỏ. Khắp mọi nơi đều đen tối và khổ đau. Người ta khổ sở và mò mẫm trong bóng tối, không biết làm cách nào để thoát khỏi khổ đau. Trên khắp thế giới, dưới danh nghĩa của tôn giáo, đang có rất nhiều xung đột và chiến tranh. Bất hạnh thay, kể cả trong quốc gia này, nơi hãnh diện là mảnh đất khởi nguồn của Dhamma tinh khiết, cũng đang bị đau khổ bởi những xung đột như thế. Khi bóng tối dày đặc thì phải cần tới ánh sáng. Phương thức thoát khỏi khổ đau sẽ nảy sinh từ sự đau khổ sâu đậm nhất.
Thật tốt là ánh sáng Dhamma đã tới và phương cách đã trở lên rõ ràng hơn. Trong những năm qua, ánh sáng Dhamma đã bắt đầu quay trở lại. Người ta bắt đầu xem xét phương pháp và thấy rằng nó mang lại kết quả. Những người thông minh và khôn ngoan, những bậc trí thức từ những nước khác nhau, tôn giáo khác nhau, cộng đồng khác nhau đã tới dòng sông Hằng của Vipassana để nhúng mình và thấy rằng nó thực sự tươi mát và hữu hiệu.
Từng bước trên con đường phải được xem xét ở mức độ trí thức: nó có hợp lý, thực dụng và vừa phải không. Và rồi tại tầng lớp thực sự của sự thực hành, xem nó có kết quả không? Nó có đưa tới điều tốt đẹp ngay ở đây và ngay bây giờ không? Con đường dẫn các con tới mục tiêu, nơi các con hoàn toàn được giải thoát để trở thành một A-La-Hán. Điều này thật tốt, nhưng kết quả nào sẽ có ngay bây giờ? Đó là một con đường rất dài để tiến tới mục tiêu cuối cùng để trở thành một A-La-Hán. Ta có thể thoát khỏi khổ đau bây giờ không? Mọi người bước đi trên con đường thấy rằng nó hữu hiệu. Dĩ nhiên kết quả sẽ khác nhau từ người này sang người khác, tùy theo sự tích tụ trong quá khứ của mỗi cá nhân và tùy theo cách ta thực hành bây giờ. Nhưng con đường là có kết quả.
Vipassana không thể được truyền bá chỉ bằng cách thảo luận, hay chỉ bằng cách viết lách hay diễn thuyết hay cố gắng chứng minh ở mức độ trí thức rằng phương pháp của chúng ta là nhất. Không phải như vậy, nó không giúp ích gì cả. Nó phải được kiểm chứng bằng kết quả thực sự. Khổ đau có khắp nơi, hãy để cho người ta biết rằng có một lối thoát. Và các con chỉ có thể làm được điều đó bằng lối sống của chính mình. Nếu người ta thấy có sự thay đổi tốt đẹp hơn nơi các con, rằng các con đã tìm được những cái đã bị mất mát thì họ sẽ được lôi cuốn. Đây là cách Dhamma sẽ lan truyền.
Giống như mọi thành phố phải có trường học, nhà thương v.v… Vipassana sẽ dần dần trở nên cần thiết khắp nơi trên thế giới. Phải có nơi nào đó để sự tập luyện về tinh thần được truyền dạy để kiểm soát và thanh lọc tâm, mà người ta không sợ bị cải đạo sang một tôn giáo đặc biệt nào đó khi tham gia khóa thiền. Sẽ có sự nguy hiểm lớn lao trong việc truyền bá Dhamma, nếu những khóa thiền Vipassana cải đạo người ta sang một tổ chức tôn giáo đặc biệt nào đó. Lúc đó nó sẽ không còn là Vipassana nữa. Khi tới một nhà thương, trường học người ta sẽ không bị cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác. Cũng giống như thế khi đến với một khóa thiền Vipassana. Vipassana sẽ không liên quan gì tới tông phái. Điều đó phải trở lên rõ ràng hơn trong tâm những người muốn truyền dạy Dhamma và nó cũng phải rõ ràng trong tâm những người thực hành Dhamma. Nếu điều này bị mất đi thì mọi thứ sẽ bị mất đi.
Sự tinh khiết của con đường là sự phổ quát. Nó đã phổ quát và hãy giữ được sự phổ quát trong tương lai. Nó hữu ích cho từng người và mọi người. Bất cứ ai thực hành chắc chắn sẽ có được lợi lạc. Đây là một thông điệp quan trọng phải được đưa tới toàn thể thế giới. Và thông điệp này có thể được truyền bá khi chính các con đã chứng minh được rằng, các con đã không bị cải đạo từ một tôn giáo này sang một tôn giáo khác. Đồng thời sự bất tịnh trong tâm các con đã được tẩy trừ bằng phương pháp này và các con đã bắt đầu thoát khỏi khổ đau. Đây là tấm gương tốt nhất minh chứng cho giá trị của Dhamma.
Một điều quan trọng khác, chúng ta bắt đầu làm cho phương diện lý thuyết của Dhamma có mặt rộng rãi hơn. Bởi vì sự thực hành đã bị mất trong nhiều quốc gia, ý nghĩa một số lời dạy của Đức Phật đã không được hiểu một cách rõ ràng và sự giải thích thì bị sai lệch. Điều quan trọng cho một hành giả là hiểu được khía cạnh lý thuyết của Dhamma để xem những gì chúng ta đang thực hành có chính xác hay không.
Những lời chỉ dẫn lý thuyết sẽ giúp ích rất nhiều trong sự thực hành Dhamma. Nhưng hãy hiểu rằng, điều này không nên trở thành một mục đích chính. Vì quá nhiệt tình, khi chúng ta bắt đầu chú trọng quá nhiều đế phần lý thuyết của Dhamma và quên đi phần thực hành, chúng ta sẽ mất tất cả. Phương diện thực hành của Dhamma là điều tối quan trọng. Hãy ghi nhớ điều này, chúng ta phải nghiên cứu khía cạnh lý thuyết của Dhamma.
Nguyện cho các con trở thành những người mang băng hiệu Dhamma, những người mang ngọn đuốc Dhamma. Hãy mang thông điệp Dhamma ra khắp thế giới để giúp mọi người thoát khỏi khổ đau. Hãy tạo ra không gì ngoài lòng trắc ẩn, tình thương và thiện chí để càng ngày càng có nhiều người thoát khỏi khổ đau. Chúng ta không liên quan gì đến những tổ chức tôn giáo. Chúng ta không liên quan gì đến tông phái. Sự khổ đau, cơn bệnh, là phổ quát và có một phương thuốc cũng rất phổ quát. Phải chắc rằng nó vẫn được phổ quát và giúp người ta thoát khỏi khổ đau.
Nguyện cho càng ngày càng có nhiều người được tiếp xúc với Dhamma. Nguyện cho càng ngày càng có nhiều người thoát khỏi khổ đau. Nguyện cho càng ngày càng có nhiều người bắt đầu trải nghiệm được bình an thực sự, hài hòa thực sự.
Bhavatu sabba maṅgalaṃ