Câu hỏiThầy thường nói về vai trò và sự liên hệ giữa người phục vụ Dhamma, thành viên ban điều hành và thiền sư phụ tá, xin thầy nói rõ về điều này một lần nữa.

Trả lời: Thầy không ngừng lặp lại cùng một điều: nếu ta phục vụ Dhamma với mục đích để đạt được tiền tài, hay ngay như hi vọng hay bị lôi cuốn vì địa vị tiếng tăm thì ta không xứng đáng để làm một thiền sư phụ tá, thành viên ban điều hành hay một người phục vụ.

Ta chỉ nên tạo ra tình thương và lòng từ bi cho người khác, phục vụ chỉ để cảm thấy lòng biết ơn và mong muốn giúp họ thoát khỏi khổ đau mà không mong muốn được đền đáp. Chức vụ mà ta đang phục vụ không có gì khác nhau cả. Ta phải thoát khỏi ngã mạn càng nhiều càng tốt.

Nếu sự phục vụ của các con tạo ra ngã mạn trong tâm thì tâm đã bị ô nhiễm. Khi sự phục vụ không giúp gì cho các con làm sao các con giúp người khác được. Một người bệnh hoạn không thể giúp một người bệnh hoạn khác, đầu tiên hãy làm cho mình hết bệnh đã. Hãy chắc rằng Dhamma đã giúp các con và các con đã không còn ngã mạn, sau đó các con bắt đầu phục vụ.

Một khi các con đã bắt đầu phục vụ, nếu các con thấy rằng các con cố giữ quan điểm của mình, các con cũng nên hiểu rằng vào lúc này các con không nên phục vụ. Các con nên ngồi thiền và thoát khỏi ngã mạn càng nhiều càng tốt trước khi các con tiếp tục phục vụ. Nếu sự hiểu biết này phát triển sâu đậm, sự liên hệ giữa thiền sư phụ tá, người phục vụ, ban quản trị và thành viên sẽ được hòa thuận, bằng không thì không được. Đức Phật đã nói nếu người nào chỉ rõ lỗi lầm của mình, hãy cám ơn người đó. Người đó đã chỉ cho con một kho báu, các con đã không biết làm thế nào để tận dụng kho tàng này. Các con hãy cám ơn những ai đã chỉ cho các con lỗi lầm và tự xem xét chính mình, tự nghĩ rằng: “Đúng, nhiều người đã nói mình có sai lầm này, như vậy chắc chắn ta đã có lỗi lầm, giờ ta không nên bào chữa, ta nên xem xét và cố loại trừ được nó.” Đó là điều hay nhất để làm.

Thật là khó khăn để thấy rằng ta có lỗi hay không bởi vì xu hướng bào chữa hành động với chính mình và đối với người khác. Nhưng nếu các con thấy rằng các con bực bội khi có người khác phê bình mình thì đúng, có cái gì thực sự sai lầm trong chính các con. Nếu các con thực sự không thể chịu đựng được sự phê bình, nó cho thấy các con rất yếu trong Dhamma. Đức Phật muốn chúng ta sống trong hòa thuận mà không có tranh cãi. Những người con trai (Buddha-putra), con gái (Buddhaputri) của Đức Phật không bao giờ tranh cãi, họ luôn luôn đầy tình thương trong ánh mắt. Sự quan hệ giống như sữa và nước, một khi chúng hòa nhập chúng không có thể tách rời được. Tất cả những người phục vụ Dhamma nên giống như nước và sữa. Khi các con phục vụ Dhamma dưới bất cứ hình thức nào các con cũng là người hành thiền Vipassana trước và sau cùng.

Do đó hãy thực hành để xóa bỏ ngã mạn, nếu các con làm được điều này sự quan hệ sẽ tự động trở nên hòa thuận. Hãy vận dụng Dhamma để có những mối quan hệ tốt lành.

 

Hỏi đáp với Thiền Sư S.N. Goenka tại các cuộc họp hàng năm – Trích từ cuốn Vì Lợi Ích Cho Nhiều Người

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *