NGUYÊN NHÂN KHỔ ĐAU VÀ 3 LOẠI NGHIỆP KAMMA

NHÂN GẦN CỦA KHỔ

Thế giới thực không giống như thế giới của các câu chuyện thần tiên trong đó mọi người sống với nhau một cách hạnh phúc cho đến mãi về sau. Chúng ta không thể tránh được sự thực phũ phàng rằng cuộc đời là bất toàn, bất túc, bất toại nguyện – sự thực về sự hiện hữu của khổ. 

Khi xét đến hiện thực này, điều quan trọng chúng ta muốn biết là khổ có (nguyên) nhân hay không, và nếu có, liệu chúng ta có thể loại trừ được nhân ấy để cho khổ được loại trừ hay không. Nếu trường hợp nhân sanh ra cái khổ của chúng ta chỉ là những chuyện xảy ra tình cờ qua đó có thể chúng ta không có quyền kiểm soát hay ảnh hưởng gì được, thì chúng ta cũng đành bất lực và nên từ bỏ mọi cố gắng truy tìm con đường thoát khổ đi thì hơn. Hoặc nếu những khổ đau của chúng ta được định đoạt bởi một đấng quyền năng nào đó làm việc theo lối độc đoán và bí ẩn, thời chúng ta phải tìm cách làm nguôi cơn thịnh nộ của đấng này để ông sẽ không còn giáng khổ đau lên chúng ta nữa.

Đức Phật thấy rõ rằng khổ đau của chúng ta không phải là sản phẩm của sự tình cờ. Có những nguyên nhân nằm đằng sau nó, vì mọi hiện tượng hay các pháp đều do nhân duyên sanh. Quy luật nhân quả – kamma (nghiệp) – là quy luật phổ quát và cơ bản cho sự hiện hữu. Những nhân ấy không nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta 

NGHIỆP KAMMA

Chữ kamma (hay, trong hình thức Sanskrit phổ biến rộng rãi hơn của nó, karma) thường được mọi người hiểu theo nghĩa “số phận”. Tiếc thay, hàm ý của từ này ngược hẳn với những gì Đức Phật có ý định muốn nói bằng từ kamma. Số phận là cái gì đó nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta, là mệnh trời hay ý của Thượng đế, những gì đã được định trước cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên kamma nghĩa đen là “hành động”. Những hành động của chúng ta là nhân của những gì chúng ta cảm thọ trong cuộc đời: “Các chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, được sanh ra từ nghiệp, bị trói buộc bởi nghiệp; nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Nghiệp họ làm thấp hèn hay cao thượng thế nào, cuộc sống của họ sẽ thấp hèn hay cao thượng như thế ấy”. 7

7 M.135, Cūla Kamma Vibhanga Sutta (Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt. Trung bộ III)

 

Mọi việc chúng ta gặp trong cuộc đời là kết quả của những hành động hay nghiệp riêng của chúng ta. Do đó, mỗi người chúng ta có thể làm chủ được số phận của mình bằng cách làm chủ những hành động chúng ta làm. Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm đối với những hành động làm phát sinh ra khổ đau của chúng ta. Đức Phật nói,

Ta là chủ nhân của ta,
Ta tạo tương lại cho chính ta. 8 

8 Dhammapada, XXV.21(380)

Theo đó, mỗi người chúng ta cũng giống như một người bịt mắt chưa hề học lái xe, ngồi đằng sau tay lái của một chiếc xe tốc hành trên một xa lộ đông đúc. Chắc chắn anh ta không thể về đến nơi đã định mà không gặp rủi ro. Anh ta có thể nghĩ rằng mình đang lái xe, nhưng thực sự là xe đang lái anh ta. Nếu anh ta muốn tránh tai nạn, chưa nói đến việc về đến đích, anh ta phải bỏ cái khăn bịt mắt ra, phải học cách điều khiển xe, và biết cách tránh sự hiểm nguy càng nhanh càng tốt. Tương tự, chúng ta phải biết những gì chúng ta làm và cũng phải học cách thực hiện những nghiệp nào sẽ dẫn đến chỗ chúng ta thực sự muốn đến.

BA LOẠI NGHIỆP

Có ba loại nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thông thường chúng ta coi thân nghiệp là quan trọng nhất, khẩu nghiệp trung bình, và ý nghiệp là ít quan trọng nhất. Đánh một người đối với chúng ta có vẻ như là một hành động nghiêm trọng hơn nói những lời xỉ vả người ấy, và cả hai (đánh và chửi) dường như nghiêm trọng hơn một ác ý không bộc lộ ra đối với người ấy. Tất nhiên, nhận định này sẽ được quan niệm tùy theo luật lệ của mỗi xứ sở, và do con người chế ra. Nhưng theo Pháp (Dhamma), quy luật của thiên nhiên hay quy luật tự nhiên, ý nghiệp là quan trọng nhất. Một hành động bằng thân hay bằng lời nói sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau tùy theo ý định thực hiện hành động ấy.

Một bác sĩ phẩu thuật dùng con dao mổ của mình để thực hiện một ca mổ cấp cứu mà cuối cùng hóa ra lại không thành công dẫn đến cái chết của bệnh nhân; một tên sát nhân dùng con dao của mình để đâm nạn nhân cho đến chết. Về thân mà nói, hai hành động của họ giống nhau, với cùng kết quả (là chết người), nhưng về mặt tâm lý, họ lại khác biệt nhau rất xa về ý định. 

Người bác sĩ phẩu thuật hành động vì lòng bi mẫn, trong khi tên sát nhân vì lòng sân hận. Quả báo mà mỗi người gặt sẽ hoàn toàn khác nhau, tùy theo ý nghiệp của họ.

Tương tự, trong trường hợp của lời nói, ý định là quan trọng nhất. Một người cãi nhau với bạn đồng nghiệp của mình và xỉ vả người này, gọi họ là đồ ngu. Anh ta nói lời đó xuất phát từ lòng sân hận. Cũng người này khi nhìn thấy con mình chơi đùa trong vũng bùn nhơ nhớp và nhẹ nhàng gọi nó là đồ ngu. Lời nói này của anh ta xuất phát từ tình thương. Trong cả hai trường hợp cùng một lời nói được nói ra, song thực tế lại bộc lộ hai trạng thái tâm trái ngược nhau. Chính ý định nằm trong lời nói sẽ quyết định quả báo. 

Những lời nói và hành động hoặc những tác động bên ngoài của họ chỉ là những hệ quả của ý nghiệp. Chúng được phán xét một cách thích đáng theo tính chất của ý định qua đó chúng tìm được sự bộc lộ ra. Chính ý nghiệp mới là nghiệp (kamma) thực sự, là nhân sẽ cho quả trong tương lai. Hiểu được đạo lý này, Đức Phật công bố, 

Tâm đi trước các pháp,
Tâm là chủ, tâm tạo.
Nếu với tâm bất tịnh,
Nói năng hay hành động,
Khổ não sẽ theo sau
Như bánh xe lăn theo, chân con vật kéo xe.
Nếu với tâm thanh tịnh,
Nói năng hay hành động,
An lạc sẽ theo sau,
Như bóng chẳng rời hình.9

9 Dhammapada, I. 1&2 (Pháp Cú Kinh)

 

NHÂN CỦA KHỔ

Nhưng những ý nghiệp nào sẽ quyết định só phận của chúng ta? Nếu tâm chỉ là thức, tưởng, thọ và hành (những phản ứng), thì yếu tố nào trong số này làm phát sanh khổ đau? Thực sự mỗi trong những yếu tố ấy có liên can một mức độ nào đó trong tiến trình khổ đau. Tuy nhiên, ba yếu tố đầu – thức, thọ và tưởng – chủ yếu là thụ động. Thức chỉ đơn thuần tiếp nhận những dữ liệu chưa xử lý của kinh nghiệm, tưởng phân loại dữ liệu, thọ báo hiệu sự xảy ra của các bước trước. Công việc của ba yếu tố này chỉ là để thu nhận những thông tin đưa vào. Nhưng khi tâm bắt đầu phản ứng, tình trạng thụ động nhường chỗ cho sự hấp dẫn hay ghê tởm, cho thích hay ghét. Sự phản ứng này làm chuyển động một chuỗi các sự kiện mới mà khởi đầu của nó là sự phản ứng hay hành, sankhara. Đây là lý do tại sao Đức Phật nói,

Phàm khổ gì phát sinh,
Tất cả các duyên hành.
Do đoạn diệt các hành
Khổ không còn hiện hữu. 10

Nghiệp (kamma) đích thực, hay nhân đích thực của khổ là sự phản ứng của tâm. Một phản ứng thoáng qua của cảm giác thích hay không thích có thể không mãnh liệt lắm và không cho ra quả báo nhiều, nhưng nó sẽ có một hiệu quả tích lũy. Sự phản ứng được lặp đi lặp lại hết lúc này sang lúc khác, qua mỗi lần như vậy cường độ sẽ gia tăng, và cuối cùng phát triển thành tham ái hay sân hận. Đây là những gì trong bài pháp đầu tiên (Kinh chuyển Pháp Luân) Đức Phật gọi là taṇhā, nghĩa đen là “khát ái”: thói quen khao khát không bao giờ thỏa mãn của tâm đối với những gì không có, cũng hàm ý một sự bất toại nguyện tương đương và không thể sửa chữa được đối với những gì đã có. 11

Khát ái và bất toại nguyện càng mãnh liệt bao nhiêu, ảnh hưởng của chúng trên ý nghĩ của chúng ta, trên lời nói của chúng ta, và trên hành động của chúng ta càng sâu đậm hơn bấy nhiêu – đồng thời cái khổ mà chúng gây ra cũng sẽ nhiều hơn bấy nhiêu.

Một số phản ứng, Đức Phật nói, giống như chữ viết trên mặt nước: ngay khi vừa viết xong chúng liền bị xóa đi. Những phản ứng khác giống như những chữ viết trên bờ cát: nếu viết vào buổi sáng thì buổi tối cũng bị thủy triều hoặc gió xóa sạch.

10Sutta Nipāta, III.12, dvayatānupassanā Sutta.

11S.LVI(XII).ii.1, Dhamma-cakkappavattana Sutta.

   

Những phản ứng khác thì giống như chữ khắc sâu trong đá với búa và đục. Tất nhiên chúng cũng bị xóa nhòa đi khi đá mòn, nhưng muốn cho chúng mất hẳn sẽ mất hàng thế kỷ.12

Mỗi ngày trong suốt cuộc đời của chúng ta tâm cứ tiếp tục phát ra nhựng phản ứng, nhưng nếu cuối ngày chúng ta cố gắng nhớ lại, chúng ta chỉ có thể nhớ được một hoặc hai phản ứng tạo ấn tượng sâu đậm nhất trong ngày hôm đó thôi. Lại nữa, nếu cuối một tháng chúng ta cố gắng nhớ lại tất cả những phản ứng của chúng ta, may ra chúng ta chỉ nhớ được một hay hai phản ứng nào tạo ấn tượng sâu sắc nhất trong tháng đó. Cũng vậy, cuối một năm chúng ta sẽ chỉ có thể nhớ lại được một hoặc hai phản ứng để lại ấn tượng sâu sắc nhất suốt năm đó. Những phản ứng sâu đậm như vậy rất là nguy hiểm vì chúng đưa đến khổ đau vô cùng. 

Bước đầu tiên hướng đến sự xuất ly khỏi khổ là biết chấp nhận hiện thực của khổ, không phải như một khái niệm triết học hay như một tín điều, mà như một thực tế của hiện hữu ảnh hưởng đến mỗi chúng ta trong cuộc đời. Cùng với sự chấp nhận này là một sự hiểu biết về khổ là gì và tại sao chúng ta phải khổ, lúc đó chúng ta mới có thể không còn bị (xe) lái đi mà bắt đầu biết lái chiếc xe của đời mình. Nhờ biết cách trực nhận bản chất của mình, chúng ta có thể tự đặt mình trên đạo lộ dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau.

12A.III.xviii.130, Lekha Sutta

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *