Cuộc họp hằng năm tại Dhamma Giri – Ấn Độ. Ngày 01 tháng 03 năm 1988 |
Sự sáng lạn của Dhamma
Những người đồng hành trên con đường Dhamma,
Một lần nữa chúng ta tụ họp ở nơi đây để hiểu cách làm sao để càng ngày càng có nhiều người khổ đau được tiếp xúc với Dhamma. Khi công việc gia tăng, nhiều thiền sư phụ tá hơn cần được bổ nhiệm, nhiều trung tâm phải được xây dựng và nhiều người phục vụ hơn để phục vụ cho sự truyền bá Dhamma. Sự lớn mạnh chắc chắn sẽ tiếp tục và do đó, điều quan trọng là những công việc phải được tổ chức một cách đúng đắn, để tránh những khuynh hướng có thể làm suy yếu Dhamma.
Vào thời điểm lúc Dhamma tăng trưởng, chúng ta ở một ngã tư đường, bởi vì có nhiều sự nguy hiểm biến Dhamma thành một tổ chức tôn giáo, thì rồi nó sẽ có hại thay vì giúp ích cho nhân loại. Một khi Dhamma trở thành một tông phái thì sự tinh túy của Dhamma đã biến mất, đây là một tình huống rất tế nhị. Một mặt, một số kỷ luật phải được duy trì; nhưng mặt khác, nếu nó trở thành hệ thống và mọi người làm việc với các quy tắc, khi đó một tông phái sẽ được thành lập.
Tông phái sẽ nảy sinh khi ngã mạn chiếm ưu thế, khi chức vụ của một người trong tổ chức là điều quan trọng chính yếu. Nếu ta hy sinh những tiện nghi ở nhà, công việc làm ăn, thời giờ với gia đình để làm việc Dhamma và trông mong được cảm kích, thì quả là điên khùng. Đây là khởi điểm của sự tôn sùng cá nhân, cũng như tông phái. Phục vụ vô vị lợi vì lợi ích cho nhiều người là điều quan trọng, Dhamma là quan trọng chứ không phải cái gì khác. Ta phải cảm thấy vui với tất cả những gì ta được yêu cầu hay không yêu cầu được làm.
Ta có thể nói rằng, ta làm việc một cách vô vị lợi và chỉ tự mình mới có thể xét đoán được điều này. Có hai brahmavihāras—muditā (niềm vui vị tha) và karuṇā (lòng thương xót, trắc ẩn) cho mục đích này. Chúng là những thước đo cho sự tăng trưởng thực sự của ta trong Dhamma. Nếu ta cảm thấy ganh ghét và đố kỵ với một người bạn phục vụ bởi vì sự phục vụ của người đó được ghi nhận, ta đã không hiểu Dhamma. Nếu ta có niềm vui vị tha thì ta đang tiến triển trong Dhamma.
Ngược lại, một người bạn phục vụ có thể có lỗi lầm, hay ta coi đó là lỗi lầm và ta tạo ra sự thù hận và ghét bỏ đối với người này, thì ta còn cách xa Dhamma nhiều lắm. Nhưng với chủ ý là để giúp người bạn này – người đã vấp ngã thì karuṇā đang được phát triển. Ngay khi ta có thể nói rằng ta không có sự thù ghét đối với người này, nhưng có một cảm giác khoan khoái đối với sự vấp ngã của người khác thì ta còn xa Dhamma rất nhiều.
Hãy không ngừng tự xét mình một cách cẩn thận vì không có ai có thể xét đoán cho các con. Trước tiên hãy củng cố chính mình trong Dhamma để các con có thể phục vụ người khác một cách đúng đắn. Nếu Dhamma quan trọng hơn cái tôi điên khùng này thì chắc chắn ngã mạn đang bị tiêu trừ. Tuy nhiên, nếu ta bảo vệ cái ngã mạn của mình dưới danh nghĩa phục vụ Dhamma, thì không ai có thể có được lợi lạc từ sự phục vụ như thế. Nếu ta không ngừng xem xét bao nhiêu ngã mạn đã được tiêu trừ, thì ta mới xứng đáng đứng trong tổ chức này.
Trong vài ngày tới đây, công việc quan trọng sẽ được làm để soạn thảo những điều lệ cho tất cả những người tham gia trong sự truyền bá Dhamma. Trong những công việc như thế, cá nhân không quan trọng gì cả – người ta có thể tới và người ta có thể đi, nhưng Dhamma phải được duy trì. Dhamma phải là điều quan trọng nhất trong tất cả những quyết định của các con, để có được sự phục vụ đúng đắn.
Mục đích duy nhất là bahujana-hitāya, bahujana-sukhāya. Nguyện cho càng ngày càng có nhiều người có được lợi lạc từ Dhamma, thoát khỏi khổ đau và hưởng được bình yên thực sự, hòa hợp thực sự. Thầy thấy một tương lai rất tươi sáng. Nguyện cho tất cả các con sáng ngời, chiếu tỏa trong ánh sáng Dhamma này, để có nhiều người có thể nhờ các con mà được lôi cuốn đến Dhamma. Nguyện cho tất cả các con được thành công trong việc phục vụ Dhamma cho những người khổ đau ở mọi nơi.
Bhavatu sabba mangalan