TRƯỞNG LÃO KỆ

NHÓM NĂM

198.

  1. “Là vị tỳ khưu, sau khi đi đến bãi tha ma, tôi đã nhìn thấy (thây) người phụ nữ bị liệng bỏ, bị quăng ở nghĩa địa, đang bị gặm nhấm, lúc nhúc những dòi.
  2. Sau khi nhìn thấy chính nàng ấy, đã chết, xấu xa, nhiều người ghê tởm. Còn tôi đã giống như người mù đối với thây người đang rò rỉ, sự luyến ái về các dục đã xuất hiện (ở tôi).
  3. Nhanh chóng hơn việc nấu chín nồi cơm, tôi đã lìa khỏi địa điểm ấy. Có niệm, có sự nhận biết rõ, tôi đã ngồi xuống ở một góc.
  4. Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.
  5. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”[5]

Đại đức trưởng lão Rājadatta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Rājadatta.  

199.

  1. “Người đàn ông, trong khi gắn bó bản thân ở sự luyện tập sai trái (sự hành xác), trong khi ước muốn việc nên làm, nếu trong khi thực hành mà không thể chứng đắc, điều ấy là biểu hiện về số phần xui xẻo của tôi.
  2. Nếu buông lơi một việc (hành xác), là việc đem lại sầu khổ đã được rũ bỏ đã được chế ngự, thì có thể xem như người có vận rủi. Nhưng nếu buông lơi tất cả (không tu tập), thì có thể xem như kẻ mù, do không nhận thức được sự bằng phẳng và gồ ghề.
  3. Nếu làm điều nào thì nên nói chính điều ấy; nếu không làm điều nào thì không nên nói điều ấy. Các bậc sáng suốt biết rõ người không làm mà nói.[6]
  4. Cũng giống như bông hoa xinh đẹp có sắc không hương, tương tự như thế lời nói được khéo nói của kẻ không thực hành thì không có kết quả.
  5. Cũng giống như bông hoa xinh đẹp có sắc có hương, tương tự như thể lời nói được khéo nói của người có thực hành là có kết quả.”[7]

Đại đức trưởng lão Subhūta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Subhūta.

200.

  1. “Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, được yên tĩnh. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.
  2. Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, có tâm an tịnh. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.
  3. Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, có sự luyến ái được xa lìa. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.
  4. Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, có sự sân hận được xa lìa. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.
  5. Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, có sự si mê được xa lìa. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.”

Đại đức trưởng lão Girimānanda đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Girimānanda.

201.

  1. “Điều nào trong số các pháp (tu tập) mà vị thầy tế độ, trong lúc mong mỏi cho con, đã hỗ trợ cho con (là người) đang ước ao sự Bất Tử, điều cần phải thực hiện ấy đã được con thực hiện.
  2. Giáo Pháp đã được đạt đến, đã được chứng ngộ bởi bản thân, không phải việc nghe nói suông. Có trí tuệ trong sạch, không còn hoài nghi, con tuyên bố trong sự hiện diện của thầy.
  3. Có Thiên nhãn đã được trong sạch, con biết được đời sống trong thời quá khứ. Mục đích của bản thân đã được con thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.
  4. Trong khi con không bị xao lãng, các việc học tập về lời giáo huấn của thầy đã khéo được lắng nghe. Tất cả các lậu hoặc của con đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
  5. Thầy đã chỉ dạy cho con sự hành trì của bậc Thánh, có lòng thương tưởng, đã hỗ trợ con. Lời giáo huấn của thầy không phải rỗng không, con là người học trò đã được học tập.”[8]

Đại đức trưởng lão Sumana đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sumana.

202.

  1. “Lành thay! Quả đúng vậy mẹ của tôi đã giơ lên cây roi đầu nhọn. Sau khi lắng nghe lời nói của bà, được nhắc nhở bởi đấng sanh thành, tôi có sự nỗ lực tinh tấn, có bản tính cương quyết, đã đạt đến sự giác ngộ tối thượng.
  2. Tôi là vị A-la-hán, bậc xứng đáng cúng dường, có ba Minh, đã nhìn thấy sự Bất Tử. Sau khi chiến thắng đạo binh của Namuci (Ma Vương), tôi sống, không có lậu hoặc.
  3. Các lậu hoặc nào của tôi đã được tìm thấy ở bên trong và bên ngoài, tất cả, không thiếu sót, đã được trừ tuyệt và không sanh lên lại nữa.
  4. Người chị, quả có lòng tự tín, đã nói về sự việc này: ‘Sự không ham muốn quả nhiên cũng có ở nơi chị, và sự tham ái không tìm thấy ở nơi em.’
  5. Khổ đau đã được làm cho chấm dứt; đây là xác thân sau chót có sự luân hồi sanh tử, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Vaḍḍha đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vaḍḍha.

203.

  1. “Quả thật vì sự lợi ích của tôi, đức Phật đã đi đến dòng sông Nerañjarā. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, tôi đã lánh xa tà kiến.
  2. Là phàm phu, có trạng thái mù quáng, trong khi nghĩ rằng: ‘Việc này là trong sạch,’ tôi đã hy sinh những việc hy sinh các loại, tôi đã cúng tế việc cúng tế ngọn lửa.
  3. Tôi đã lao vào bụi rậm tà kiến, bị mê mờ bởi sự bám víu. Là kẻ ngu si, có trạng thái mù quáng, tôi đã nghĩ rằng (đạo lộ) không trong sạch là (đạo lộ) trong sạch.
  4. Tà kiến của tôi đã được dứt bỏ, tất cả các hữu đã được phá vỡ, tôi tôn thờ ngọn lửa xứng đáng được cúng dường, tôi lễ bái đức Như Lai.
  5. Tất cả si mê của tôi đã được dứt bỏ, sự tham ái về hiện hữu đã được phá tan, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Nadīkassapa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nadīkassapa.

204.

  1. “Ba lần trong ngày, buổi sáng, giữa trưa, chiều tối, tôi đây đã lội xuống nước ở tại Gayā, vào kỳ lễ hội Phaggu ở Gayā.
  2. Việc xấu xa nào đã được tôi làm ở những kiếp sống khác trong quá khứ, giờ đây tôi gột sạch nó ở kiếp này; trước đây tôi đã có tà kiến như vậy.
  3. Sau khi lắng nghe lời nói và từ ngữ liên quan đến Giáo Pháp và mục đích đã khéo được thuyết giảng, tôi đã quán xét ý nghĩa thật sự đúng theo bản thể, theo đúng đường lối.
  4. Tôi có mọi điều xấu xa đã được tắm rửa, không còn vết nhơ, được thanh lọc, tinh khiết, là người thừa tự trong sạch của bậc trong sạch, là người con trai chính thống của đức Phật.
  5. Sau khi đã lặn sâu vào dòng nước tám ngành, tôi đã gột sạch mọi điều xấu xa, tôi đã chứng đắc ba Minh; lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Gayākassapa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gayākassapa.

205.

  1. “Trong khi sống ở trong khu rừng là cánh rừng rộng lớn, có chỗ khất thực bị hạn chế, khốn khó, này tỳ khưu, ngươi sẽ làm thế nào?
  2. Trong khi thấm nhuần thân xác với niềm hỷ lạc bao la, trong khi chịu đựng dầu là sự khốn khó, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.
  3. Trong khi tu tập các sự thiết lập niệm, các quyền, và các lực, và trong khi tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.
  4. Có sự nỗ lực tinh tấn, có bản tính cương quyết, thường xuyên có sự ra sức vững chãi, sau khi nhìn thấy những vị có sự hợp nhất, đã được liên kết, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.
  5. Ngày và đêm không biếng nhác, trong khi tưởng niệm về đấng Toàn Giác, bậc Cao Cả, đã được rèn luyện, đã được định tĩnh, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.”

Đại đức trưởng lão Vakkali đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vakkali.

206.

  1. “Này tâm, ta sẽ buộc chặt ngươi tựa như buộc chặt con voi ở chốt cửa. Này mạng lưới dục vọng, này kẻ sanh ra thân thể, ta sẽ không xúi giục ngươi về việc xấu xa.
  2. Đã bị buộc chặt, ngươi không di chuyển, tựa như con voi trong khi không đạt được việc mở ra cánh cửa. Này tâm xảo quyệt, trong khi còn tiếp tục thể hiện sức mạnh, ưa thích điều xấu xa, ngươi sẽ không đi tới lui.
  3. Giống như người có sức mạnh, cầm cái móc câu, làm cho con voi mới bị bắt, chưa được huấn luyện, phải xoay chuyển nghịch với ước muốn, tương tự như vậy ta sẽ khiến ngươi xoay chuyển.
  4. Giống như người đánh xe xuất chúng, thiện xảo trong việc thuần phục ngựa quý, huấn luyện con ngựa thuần chủng, tương tự như thế, đã được đứng vững ở năm lực, ta sẽ huấn luyện ngươi.
  5. Ta sẽ trói buộc ngươi bằng niệm. Có bản thể trong sạch, ta sẽ làm cho ngươi sạch sẽ. Này tâm, bị khống chế bởi cái ách tinh tấn, bị kiềm chế, ngươi sẽ không đi xa.”

Đại đức trưởng lão Vijitasena đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vijitasena.

207.

  1. “Kẻ có trí tồi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm thù nghịch, (kẻ ấy) bị cách xa khỏi Chánh Pháp, giống như trái đất so với bầu trời.
  2. Kẻ có trí tồi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm thù nghịch, (kẻ ấy) bị suy giảm về Chánh Pháp, tựa như mặt trăng ở hạ huyền.
  3. Kẻ có trí tồi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm thù nghịch, (kẻ ấy) bị hao mòn về Chánh Pháp, giống như con cá ở nơi ít nước.
  4. Kẻ có trí tồi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm thù nghịch, (kẻ ấy) không tiến triển trong Chánh Pháp, tựa như hạt giống bị thối ở cánh đồng.
  5. Và người nào lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm hân hoan, sau khi tiêu trừ tất cả các lậu hoặc, sau khi chứng ngộ trạng thái không bị chuyển dịch, sau khi đạt được sự an tịnh tuyệt đối, (vị ấy) Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Yasadatta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Yasadatta.

208.

  1. “Tôi đã đạt được sự tu lên bậc trên, và tôi đã được giải thoát, không còn lậu hoặc. Tôi đã được diện kiến đức Thế Tôn, và đã ngụ chung trú xá.
  2. Đức Thế Tôn đã trải qua phần nhiều của đêm ở ngoài trời. Rồi bậc Đạo Sư, vị thiện xảo về việc an trú, đã đi vào trú xá.
  3. Sau khi trải ra tấm y hai lớp, đức Gotama đã chuẩn bị việc nằm, tựa như con sư tử ở trong hang đá, với sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ.
  4. Sau đó, Soṇa, vị đệ tử của bậc Chánh Đẳng Giác, vị có sự ăn nói tốt đẹp, đã nói về Chánh Pháp trong sự hiện diện của đức Phật tối thượng.
  5. Sau khi đã biết toàn diện về năm uẩn, sau khi đã tu tập về Đạo Lộ, sau khi đạt được sự an tịnh tuyệt đối, vị ấy Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Soṇakuṭikaṇṇa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Soṇakuṭikaṇṇa.

209.

  1. “Thật vậy, vị nào thông minh, hiểu được lời nói của các bậc thầy, có thể sống theo lời dạy ấy và còn có thể làm sanh khởi lòng yêu mến, vị ấy được gọi là có sự tôn sùng và là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.
  2. Vị nào không bị các nỗi bất hạnh lớn lao đã sanh khởi làm cho dao động trong khi quán xét, vị ấy được gọi là có sự dõng mãnh và là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.
  3. Thật vậy, vị nào vững vàng, tựa như biển cả, không còn dục vọng, có trí tuệ thâm sâu, có sự nhìn thấy ý nghĩa vi tế, vị ấy được gọi là không thể dời đổi và là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.
  4. Và vị nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, là thuộc về Giáo Pháp, có sự hành trì thuận theo Giáo Pháp, vị có đức tính như thế ấy được gọi là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.
  5. Vị nào hiểu biết ý nghĩa của lời đã được thuyết giảng, và sau khi hiểu được ý nghĩa thì thực hành theo như thế, vị ấy được gọi là ở bên trong ý nghĩa và là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.”

Đại đức trưởng lão Kosiya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kosiya.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Vị Rājadatta, và vị Subhūta, vị Girimānanda, và vị Sumana, vị Vaḍḍha và trưởng lão Kassapa, vị Gayākassapa, và vị Vakkali.

Vị Vijita, và vị Yasadatta, vị Soṇa, vị có tên Kosiyasa. Có sáu mươi lăm câu kệ và ở đây là mười hai vị trưởng lão.”

Nhóm Năm được chấm dứt.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Trưởng Lão Kệ“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Trưởng Lão Kệ” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *