TRƯỞNG LÃO KỆ

NHÓM SÁU

210.

  1. “Sau khi nhìn thấy các điều kỳ diệu của vị có danh vọng Gotama, bị đánh lừa bởi sự ganh tỵ và ngã mạn, tôi đã không quỳ mọp xuống liền khi ấy.
  2. Biết được sự suy tư của tôi, đấng Điều Ngự Trượng Phu đã quở trách. Do đó, tôi đã có sự chấn động, có sự nổi da gà kỳ lạ.
  3. Sự thành tựu của tôi trước đây khi ở trạng thái đạo sĩ tóc bện là nhỏ nhoi, vào khi ấy, tôi đã buông bỏ nó và tôi đã xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
  4. Trước đây, được hài lòng với sự hy sinh, bị vọng tưởng về dục giới, sau này, tôi đã xóa sạch sự luyến ái, sân hận, và luôn cả si mê.
  5. Có Thiên nhãn đã được trong sạch, tôi biết được đời sống trong thời quá khứ. Có thần thông, biết được tâm của người khác, và tôi đã đạt được Thiên nhĩ.
  6. Vì mục đích nào mà tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, mục đích ấy của tôi, sự cạn kiệt tất cả các điều ràng buộc, đã được thành tựu.”

Đại đức trưởng lão Uruvelakassapa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Uruvelakassapa.

211.

  1. “Lúa đã được đem về, thóc đã đến sân đập giũ. Và tôi không nhận được đồ ăn khất thực, làm thế nào tôi có thể tồn tại?
  2. Hãy niệm tưởng đến đức Phật vô lượng, được tịnh tín, với cơ thể được thấm nhuần bởi hỷ, ngươi sẽ được phấn chấn thường xuyên.
  3. Hãy niệm tưởng đến Giáo Pháp vô lượng, được tịnh tín, với cơ thể được thấm nhuần bởi hỷ, ngươi sẽ được phấn chấn thường xuyên.
  4. Hãy niệm tưởng đến Hội Chúng vô lượng, được tịnh tín, với cơ thể được thấm nhuần bởi hỷ, ngươi sẽ được phấn chấn thường xuyên.
  5. ‘Ngài sống ở ngoài trời, những đêm mùa đông này lạnh lẽo. Chớ để cơn lạnh chế ngự, gây khổ nhọc. Ngài hãy đi vào trú xá, có chốt cửa đã được gài.’
  6. ‘Tôi sẽ chạm đến bốn vô lượng tâm, và nhờ vào chúng, được an lạc, tôi sẽ sống. Tôi sẽ không bị khổ nhọc bởi cơn lạnh, trong khi sống không bị khuấy động.’”

Đại đức trưởng lão Tekicchakāni đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Tekicchakāni.

212.

  1. “Kẻ nào không có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (kẻ ấy) bị suy giảm về Chánh Pháp, giống như con cá ở nơi ít nước.
  2. Kẻ nào không có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (kẻ ấy) không tiến triển trong Chánh Pháp, tựa như hạt giống bị thối ở cánh đồng.
  3. Kẻ nào không có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (kẻ ấy) bị cách xa Niết Bàn trong Giáo Pháp của đấng Pháp Vương.
  4. Vị nào có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (vị ấy) không bị suy giảm về Chánh Pháp, giống như con cá ở nơi nhiều nước.
  5. Vị nào có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (vị ấy) tiến triển trong Chánh Pháp, tựa như hạt giống tốt lành ở cánh đồng.
  6. Vị nào có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (vị ấy) là gần Niết Bàn trong Giáo Pháp của đấng Pháp Vương.”

Đại đức trưởng lão Mahānāga đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahānāga.

213.

  1. “Sau khi đi đến bãi tha ma, Kulla tôi đã nhìn thấy (thây) người phụ nữ bị liệng bỏ, bị quăng ở nghĩa địa, đang bị gặm nhấm, lúc nhúc những dòi.
  2. Này Kulla, ngươi hãy nhìn thấy xác thân là bệnh hoạn, không trong sạch, hôi thối, đang tiết ra, đang rò rỉ, được những kẻ ngu thích thú.
  3. Sau khi cầm lấy cái gương soi Giáo Pháp, nhằm đạt được trí tuệ và sự hiểu biết, tôi đã quán xét thân này là rỗng không bên trong lẫn bên ngoài.
  4. Thân này thế nào, thân kia thế ấy; thân kia thế nào, thân này thế ấy. Phần dưới thế nào, phần trên thế ấy; phần trên thế nào, phần dưới thế ấy.
  5. Ban ngày thế nào, ban đêm thế ấy; ban đêm thế nào, ban ngày thế ấy. Trước đây thế nào, sau này thế ấy; sau này thế nào, trước đây thế ấy.
  6. Sự thích thú đối với nhạc cụ gồm năm loại là không được giống như (sự thích thú) của vị có tâm chuyên nhất đang nhìn thấy rõ Giáo Pháp một cách đúng đắn.”

Đại đức trưởng lão Kulla đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kulla.

214.

  1. “Đối với người có thói quen xao lãng, tham ái tăng trưởng tựa như giống dây chùm gởi, kẻ ấy trôi nổi từ đời này sang đời khác, tựa như con khỉ ở trong rừng đang muốn trái cây.
  2. Tham ái hạ liệt ấy, sự quyến luyến ở thế gian, chế ngự kẻ nào, các sầu muộn phát khởi nơi kẻ ấy, tựa như giống cỏ bīraṇa được đổ mưa.
  3. Và người nào chế ngự tham ái hạ liệt ấy, là việc khó vượt qua ở trên đời, các sầu muộn rơi khỏi vị ấy, tựa như giọt nước trượt khỏi lá sen.
  4. Tôi nói với quý vị về điều tốt đẹp ấy, cho đến hết thảy quý vị đã tụ hội ở đây. Quý vị hãy đào bới gốc rễ của tham ái, tựa như người cần rễ cỏ usīra đào bới cỏ bīraṇa. Chớ để Ma Vương còn tiếp tục bẻ gãy quý vị, tựa như chính dòng nước đã bẻ gãy cây sậy.
  5. Quý vị hãy thực hành lời dạy của đức Phật, chớ để thời khắc của quý vị trôi qua, bởi vì những kẻ đã để thời khắc trôi qua bị sầu muộn khi bị đưa vào trong địa ngục.
  6. Sự xao lãng luôn luôn là ô nhiễm, ô nhiễm được trỗi dậy do xao lãng, nhờ vào sự không xao lãng và sự hiểu biết, quý vị nên nhổ lên mũi tên của chính mình.”

Đại đức trưởng lão Māluṅkyaputta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Māluṅkyaputta.

215.

  1. “Hai mươi lăm năm kể từ khi tôi được xuất gia, tôi đã không chứng đắc sự an tịnh của tâm, dầu chỉ là khoảng thời gian của việc khảy móng tay.
  2. Sau khi không đạt được sự chuyên nhất của tâm, bị hành hạ bởi sự luyến ái ở các dục, tôi đã buông xuôi cánh tay trong lúc than vãn, tôi đã đi ra khỏi trú xá.
  3. Hay là ta sẽ mang lại con dao, có lợi ích gì với mạng sống của ta? Bởi vì trong khi từ bỏ việc học tập, người như ta có thể kết liễu mạng sống bằng cách nào?
  4. Khi ấy, sau khi cầm lấy dao cạo, tôi đã ngồi xuống ở chiếc giường nhỏ. Con dao cạo đã được đưa đến gần để cắt đứt mạch máu (ở cổ họng) của bản thân.
  5. Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.
  6. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”[9]

Đại đức trưởng lão Sappadāsa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sappadāsa.

216.

  1. “Này Kātiyāna, hãy đứng lên, hãy ngồi xuống (tham thiền), chớ có ngủ nhiều, hãy tỉnh thức. Chớ để Thần Chết, kẻ thân quyến của sự xao lãng, chiến thắng kẻ lười biếng ngươi chỉ bằng mưu kế.
  2. Cũng giống như làn sóng mạnh của đại dương, sự sanh và sự già vùi dập ngươi tương tự như vậy. Ngươi đây hãy tự mình tạo lập hòn đảo tốt đẹp, bởi vì chốn nương tựa khác cho ngươi quả không tìm thấy.
  3. Bởi vì bậc Đạo Sư đã hoàn thành con đường ấy vượt qua khỏi sự bám víu và nỗi sợ hãi về sự sanh, sự già. Đầu đêm và cuối đêm, người hãy gắn bó, không xao lãng, hãy thực hiện việc tu luyện một cách vững chãi.
  4. Hãy cởi bỏ mọi sự trói buộc trước đây, có sự thọ dụng về y hai lớp, đầu cạo bằng dao, và đồ ăn khất thực, chớ gắn bó việc chơi giỡn, lạc thú, và ngủ nghê, này Kātiyāna, hãy tham thiền.
  5. Này Kātiyāna, hãy tham thiền, hãy chiến thắng, là người rành rẽ về các con đường của sự an toàn khỏi các ràng buộc, sau khi thành tựu sự thanh tịnh vô thượng, ngươi sẽ tịch tịnh, tựa như ngọn lửa bị dập tắt bởi nước.
  6. Cây đèn có ngọn lửa yếu ớt bị vùi dập bởi ngọn gió tựa như giống dây leo, cũng tương tự như vậy, này người dòng dõi Inda, trong khi không bám víu, ngươi hãy giũ bỏ Ma Vương, có tham ái đã được xa lìa ở các cảm thọ, ngươi đây hãy chờ đợi thời điểm, ngay ở nơi này, có trạng thái mát mẻ.”

Đại đức trưởng lão Kātiyāna đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kātiyāna.

217.

  1. “(Con đường Thánh tám chi phần)[10] đã khéo được thuyết giảng bởi đức Phật, bậc Hữu Nhãn, vị thân quyến của mặt trời, người đã vượt qua tất cả các điều ràng buộc, có sự tiêu diệt tất cả các sự xoay vần.
  2. (Con đường Thánh tám chi phần) là sự dẫn dắt ra khỏi, có sự vượt lên trên, có sự làm khô héo gốc rễ của tham ái, sau khi cắt đứt gốc rễ của chất độc có sự hủy hoại, rồi giúp cho đạt được sự tịch diệt.
  3. Do việc phá vỡ gốc rễ của trạng thái vô trí, có sự phá tung tình trạng khống chế của nghiệp, có sự làm giáng xuống tia sét trí tuệ ở sự nắm giữ của các nhận thức.
  4. Có sự giúp cho việc nhận thức các thọ, có sự giải thoát khỏi các chấp thủ, có sự quán xét bằng trí tuệ về sự hiện hữu tựa như hố than hừng.
  5. Con đường Thánh tám chi phần, tốt đẹp, có phẩm chất vĩ đại, vô cùng sâu thẳm, có sự cản ngăn trạng thái già và chết, có sự làm an tịnh các khổ đau.
  6. Sau khi biết nghiệp là ‘nghiệp’ và quả thành tựu là quả thành tựu, có sự nhìn thấy bằng ánh sáng chân thật đối với các pháp tùy thuận sanh khởi, (con đường Thánh tám chi phần) là an tịnh, có sự dẫn đến chốn an toàn vĩ đại, có sự tốt đẹp ở phần cuối (Niết Bàn).”

Đại đức trưởng lão Migajāla đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Migajāla.

218.

  1. “Tôi bị đắm say với sự kiêu hãnh về dòng dõi, về của cải và về uy quyền. Tôi đã sống, bị đắm say với sự kiêu hãnh về màu da và dáng vóc của thân hình.
  2. Bị hủy hoại bởi sự ngã mạn quá lố, ngu dốt, bướng bỉnh, có ngọn cờ (ngã mạn) đã được dương lên, tôi đã nghĩ rằng không có cái gì bằng và hơn được bản thân tôi.
  3. Bướng bỉnh vì ngã mạn, không có sự tôn trọng, tôi đã không đảnh lễ bất cứ người nào, dầu là mẹ, và cha, luôn cả những người khác được xem là đáng tôn kính.
  4. Sau khi nhìn thấy đấng Hướng Đạo cao cả, bậc Điều Ngự cao quý tối thượng, tựa như mặt trời đang chói sáng, được Hội Chúng tỳ khưu tôn vinh.
  5. Sau khi quăng bỏ ngã mạn và kiêu hãnh, với tâm ý vô cùng tịnh tín, tôi đã đê đầu đảnh lễ bậc Tối Thượng của tất cả chúng sanh.
  6. Sự ngã mạn quá lố và sự khinh miệt đã được dứt bỏ, đã khéo được xóa sạch, bản ngã ‘tôi là’ đã được trừ tuyệt, tất cả ngã mạn các loại đã được tiêu diệt.”

Đại đức trưởng lão Jenta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Jenta.

219.

  1. “Vào lúc tôi vừa mới được xuất gia, bảy tuổi kể từ lúc sanh, tôi đã chế ngự con rồng chúa có đại thần lực bằng thần thông.
  2. Tôi đem nước từ cái hồ lớn Anotatta về cho thầy tế độ. Do đó, sau khi nhìn thấy, bậc Đạo Sư đã nói về tôi điều này:
  3. ‘Này Sāriputta, hãy nhìn cậu bé trai này đang tiến đến, mang theo hũ nước nhỏ, nội tâm khéo định tĩnh.
  4. Với lối hành xử đáng mến, có oai nghi tốt đẹp, và có sự tự tín ở thần thông, là sa-di của vị Anuruddha.
  5. Được thuần chủng nhở vào vị thuần chủng, được làm cho tốt đẹp nhờ vào vị tốt đẹp, được huấn luyện, được học tập với vị Anuruddha, người có phận sự đã được làm xong.
  6. Sau khi đạt đến sự an tịnh tối thượng, sau khi chứng ngộ trạng thái không bị chuyển dịch, vị sa-di có thiện tâm mong muốn rằng: ‘Mong rằng chớ ai biết đến tôi.’”

Đại đức trưởng lão Sumana đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sumana.

220.

  1. “Trong khi sống ở trong khu rừng là cánh rừng rộng lớn, có chỗ khất thực bị hạn chế, khốn khó, này tỳ khưu, ngươi sẽ làm thế nào?
  2. Trong khi thấm nhuần thân xác với niềm hỷ lạc bao la, trong khi chịu đựng dầu là sự khốn khó, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.[11]
  3. Trong khi tu tập bảy chi phần đưa đến giác ngộ, các quyền, và các lực, đã đạt được sự tinh tế của thiền, con sẽ sống không có lậu hoặc.
  4. Trong khi thường xuyên quán xét tâm trong sạch, đã được giải thoát khỏi các phiền não, không bị vẩn đục, con sẽ sống không có lậu hoặc.
  5. Các lậu hoặc nào của tôi đã được tìm thấy ở bên trong và bên ngoài, tất cả, không thiếu sót, đã được trừ tuyệt, và sẽ không sanh lên lại nữa.[12]
  6. Năm uẩn đã được biết toàn diện, chúng tồn tại với gốc rễ đã bị cắt đứt, sự cạn kiệt của khổ đau đã được đạt đến, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Nhātakamuni đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nhātakamuni.

221.

  1. “Đối với vị không còn sự tức giận, đã được thuần phục, có cuộc sống bình lặng, đã được giải thoát nhờ vào trí tuệ chân chánh, an tịnh như thế ấy, do đâu có sự tức giận?
  2. Đối với chính vị ấy, nếu nổi giận lại với kẻ đã bị nổi giận thì còn tồi tệ hơn kẻ ấy; trong khi không nổi giận lại với kẻ đã bị nổi giận, là người chiến thắng cuộc chiến khó thể chiến thắng.
  3. Sau khi biết được người khác đã bị nổi giận, người thực hành lợi ích cho cả hai, cho bản thân và cho người khác, là người có niệm, được an tịnh.
  4. Vị ấy, trong khi điều trị cho cả hai, cho bản thân và cho người khác, đám đông không hiểu biết lý lẽ nghĩ về vị ấy rằng: ‘Là kẻ ngu.’
  5. Nếu sự tức giận khởi lên ở ngươi, ngươi hãy nghĩ đến ví dụ về cái cưa. Nếu tham ái về vị giác khởi lên, ngươi hãy nhớ đến ví dụ về thịt của con trai.
  6. Nếu tâm của ngươi chạy theo các dục và các hữu, ngươi hãy tức thời khống chế bằng niệm, tựa như khống chế con thú hư ăn phá cây trồng.”

Đại đức trưởng lão Brahmadatta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Brahmadatta.

222.

  1. “Nước mưa bị văng lại ở vật đã được che đậy, không văng lại ở vật đã được mở ra. Vì thế, hãy mở ra vật đã được che đậy, như vậy, ở vật ấy nước mưa không văng lại.
  2. Thế gian bị hành hạ bởi sự chết, bị vây quanh bởi sự già, bị áp chế bởi mũi tên tham ái, luôn luôn bị mê mờ bởi ước muốn.
  3. Thế gian bị hành hạ bởi sự chết, bị bao vây bởi sự già, bị hãm hại thường xuyên, không nơi nương tựa, tựa như kẻ trộm nhận chịu hành phạt.
  4. Sự chết, bệnh hoạn, sự già, tựa như ba khối lửa tiến đến gần. Không có sức lực để đối đầu, không có tốc lực để tẩu thoát.
  5. Nên làm cho ngày không bị trống rỗng, dầu ít hoặc nhiều. Mỗi một đêm mà kẻ ấy buông trôi, mạng sống của kẻ ấy bị bớt đi chừng ấy.
  6. Đêm cuối cùng tiến đến gần ngươi trong lúc ngươi đang đi, đang đứng, thậm chí đang ngồi, hoặc đang nằm; đối với ngươi không phải là thời gian để xao lãng.”

Đại đức trưởng lão Sirimanda đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sirimanda.

223.

  1. “Vật có hai chân này, không trong sạch, có mùi hôi, được chứa đầy vật ghê tởm các loại, đang rỉ ra từ chỗ này chỗ nọ, lại được nâng niu.
  2. Chúng nắm bắt kẻ phàm phu, tựa như (người thợ săn đánh bắt) con nai đang lẩn trốn bằng bẫy sập, tựa như con cá bằng lưỡi câu, tựa như con khỉ bằng chất dính.
  3. Các sắc, các thinh, các vị, các hương, và các xúc làm thích ý, năm loại dục này được thấy ở hình thể người nữ.
  4. Những kẻ phàm phu nào, có tâm bị luyến ái, gần gũi các người nữ, (những kẻ ấy) làm phát triển cái nghĩa địa ghê rợn; chúng tích lũy việc tái sanh.
  5. Và vị nào tránh xa các người nữ, tựa như tránh xa bàn chân khỏi đầu của con rắn, vị ấy, có niệm, vượt qua sự quyến luyến này ở thế gian.
  6. Sau khi nhìn thấy sự bất lợi của các dục, sau khi nhận thấy sự xuất ly là an toàn, được thoát ra khỏi tất cả các dục, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Sabbakāmi đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sabbakāmi.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Vị Uruvelakassapa và trưởng lão Tekicchakāri, vị Mahānāga, và vị Kulla, vị Māluṅkya, vị Sappadāsaka, vị Katiyāna, vị Migajāla, vị Jenta, vị có tên Sumana, vị Nhātamuni, vị Brahmadatta, vị Sirimanda, và vị Sabbakāmi, có tám mươi bốn câu kệ và ở đây là mười bốn vị trưởng lão.”

Nhóm Sáu được chấm dứt.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Trưởng Lão Kệ“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Trưởng Lão Kệ” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *