Nghiệp – Sự thừa kế đích thực

Tuệ giác thể nghiệm từ thiền tập khẳng định rằng, mỗi chúng ta là người duy nhất chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc ta là ai, là người như thế nào. Chúng ta không thể trốn chạy quy luật tự nhiên này. Sự hiểu biết như vậy củng cố ý nguyện tu tập và phục vụ Chánh pháp của chúng ta. Nó cũng tạo ra động lực mạnh mẽ hỗ trợ ta trong những giây phút hôn ám khi thiền tập hay những lúc quá mệt mỏi và cuộc sống xô bồ như muốn đè bẹp ta.

Giống như cây mọc lên từ những hạt mầm, rồi cuối cùng sẽ cho ra thêm những hạt mầm cùng loại trong tương lai, những ý nghĩ, lời nói, việc làm thoáng qua của chúng ta trong đời sống hằng ngày, sớm muộn gì cũng sẽ mang lại những kết quả tương ứng. Tương lai đó có thể tươi sáng hay đen tối. Nếu trong hiện tại ta tinh tấn hướng đến sự hiền thiện, tỉnh thức và an định, tương lai ta sẽ tươi sáng hơn. Nếu vì vô minh, ta phản ứng với tham lam và sân hận, tương lai ta sẽ chìm trong tăm tối.

Giáo pháp của đức Phật dạy ta phương pháp phát triển sự tỉnh giác về vô thường (anicca) và rèn luyện mô thức thói quen luôn bình tâm trước những cảm giác dễ chịu cũng như khó chịu. Tuệ giác tối thượng là rõ biết được rằng phương pháp này và chỉ có phương pháp này mới làm tan rã được những mô thức thói quen lâu đời đã làm cho cuộc sống trở nên quá khó khăn cho ta và những người quanh ta. Phương pháp này đưa ta thoát khỏi khổ đau và hướng đến Niết- bàn (nibbāna). Chính vì vậy mà chúng ta tu tập. Nếu trong hiện tại, chúng ta luôn tỉnh giác, cẩn trọng và chuyên cần, ta sẽ làm cho tương lai mình thay đổi sâu sắc theo hướng tốt đẹp hơn.

Trong pháp thoại cuối cùng của tất cả các khóa tu Vipassana dài ngày, Goenkaji giảng giải chi tiết phần giáo pháp sau đây của Đức Phật. Bài này được trích ra từ pháp thoại nói trên, đã in trong Vipassana Newsletter số tháng Sáu năm 1995.

Kammassakā, bhikkhave,

sattā kammadāyādā kammayonī kammabandhū kammapaṭisaraṇā.

yaṃ kammaṃ karonti—kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā— tassa dāyādā bhāvanti.

—Aṅguttara Nikāya 10. 216

 

Này các thiền giả,

Chúng sinh là chủ nhân hành nghiệp của mình,

là người thừa kế hành nghiệp của mình,

sinh ra từ hành nghiệp của mình,

là thân quyến hành nghiệp của mình.

Hành nghiệp là nơi nương náu của họ.

Vì thế, bất kỳ hành động nào chúng sinh đã làm, dù thiện hay ác,

cũng sẽ là di sản mà họ thừa kế.

—Tăng Chi Bộ Kinh, 10. 216 Kammassakā: Này các thiền giả, chúng sinh là chủ nhân hành nghiệp của mình.

 

Luật Duyên sinh (paṭicca samuppāda) là luật phổ quát về nhân quả:

Nhân thế nào thì quả sẽ thế ấy. Tác ý là động cơ thúc đẩy hành động, bằng lời nói hay việc làm. Nếu động cơ [tác ý] này là bất thiện thì lời nói và việc làm sẽ là bất thiện. Nếu hạt giống là bất thiện thì chắc chắn quả sẽ là bất thiện. Nhưng nếu động cơ [tác ý] này là hiền thiện thì kết quả của những hành động này sẽ là hiền thiện. Đối với một thiền sinh Vipassana đã phát triển khả năng quan sát quy luật này bằng kinh nghiệm trực tiếp, câu hỏi “Tôi là ai?” trở nên rõ ràng. Bạn không là gì khác hơn toàn bộ những kamma (nghiệp), những saṅkhāra (hành vi tác ý) của bạn. Tất cả các hành động tích tụ của bạn hợp lại thành một cái “tôi” trên bình diện quy ước.

Kamma dāyādā: là người thừa kế hành nghiệp của mình.

Theo ý nghĩa quy ước trong thế gian, khi ta nói: “Tôi nhận được di sản này từ cha tôi, mẹ tôi, các bậc tiền bối của tôi” thì quả đúng vậy, ở mức độ những gì nhìn thấy được. Nhưng cái gì thực sự là di sản ta được thừa kế? Kamma dāyādā. Ta thừa kế nghiệp, kết quả của những nghiệp nhân do chính ta tạo ra. Bất kể bạn là người như thế nào lúc này, thực thể cơ cấu thân tâm trong hiện tại này không gì khác hơn là kết quả, là sự tổng hợp tất cả những nghiệp của bạn đã tích lũy từ trong quá khứ. Sự trải nghiệm trong khoảnh khắc hiện tại này là tổng hợp của tất cả những gì đã tích tụ, được thừa kế – kamma dāyādā.

Kammayonī: Sinh ra từ hành nghiệp của mình.

Người ta nói: “Tôi là sản phẩm của một cái tử cung, tôi được sinh ra từ bào thai mẹ.” – Nhưng đó chỉ là một sự thật bề ngoài. Thực ra, sự sinh ra của bạn là do nghiệp nhân trong quá khứ của bạn. Bạn được sinh ra từ bào thai các nghiệp nhân của chính bạn. Khi bạn bắt đầu hiểu và thể nghiệm được Giáo pháp một cách sâu xa hơn, bạn chứng thực sự thật này. Đây là kammayonī, cái bào thai trong từng khoảnh khắc sản sinh ra nghiệp quả của những nghiệp nhân đã tích tụ.

Kammabandhū: là thân quyến hành nghiệp của mình.

Không ai khác là người thân thích của bạn – không phải cha, mẹ, anh, chị, em của bạn. Trong thế gian này, ta thường nói: “ Đây là anh tôi, đây là người bà con tôi, đây là người thân thiết của tôi, họ vô cùng gần gũi với tôi.” Thật ra, không ai gần gũi với bạn, không ai có thể đồng hành hay giúp đỡ bạn khi thời khắc đến. Khi bạn chết, không ai đi cùng bạn, ngoài nghiệp của bạn. Những người bạn gọi là người thân, tất cả đều ở lại nơi này, chỉ có nghiệp của bạn tiếp tục đi theo bạn từ đời này sang đời khác. Bạn không sở hữu được bất cứ điều gì ngoài nghiệp riêng của bạn. Nghiệp là thân quyến và là bạn đồng hành duy nhất của bạn.

Kamma paṭisaraṅā: Hành nghiệp là nơi nương náu của họ.

Chỉ có sự nương náu nơi hành nghiệp của riêng mình. Nghiệp hiền thiện cho ta một nơi nương náu, nghiệp bất thiện tạo thêm nhiều khổ đau. Không một ai khác có thể làm chỗ nương náu cho bạn. Khi bạn thệ nguyện: “Buddhaṃ saraṅaṃ gacchāmi.” (Con về nương tựa Phật), bạn hiểu rất rõ là con người có tên Gotama (Cồ-đàm), người đã thành Phật Thích-ca, không thể cho bạn một chỗ nương náu. Chính nghiệp của bạn mới cho bạn chỗ nương náu. Không ai có thể bảo vệ bạn, ngay cả một vị Phật. Quy y Phật có nghĩa là nương tựa vào phẩm tánh của Phật: sự giác ngộ, Giáo pháp do ngài giảng dạy. Nương theo Giáo pháp, bạn có thể phát triển sự giác ngộ trong chính mình. Và sự giác ngộ bạn phát triển nơi tự thân chính là thiện nghiệp của bạn. Chỉ có nghiệp này cho bạn chỗ nương náu, chỉ có nghiệp này cho bạn sự bảo hộ.

Yaṃ kammaṃ karonti—kalyāṇam vā pāpakaṃ vā tassa— dāyādā bhāvanti: Vì vậy, bất kỳ hành động nào chúng sinh đã làm, dù thiện hay ác, cũng sẽ là di sản mà họ thừa kế.

Điều này hẳn phải trở nên rõ ràng đối với những ai đang hành trì Chánh pháp. Quy luật tự nhiên này phải trở nên hết sức rõ ràng. Và rồi bạn sẽ sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm đối với nghiệp của mình. Luôn tỉnh giác và trong mỗi phút giây luôn phòng hộ để mọi hành vi, việc làm hay ý nghĩ, đều hiền thiện. Bạn sẽ không hoàn hảo, nhưng cứ tiếp tục cố gắng. Bạn có thể vấp ngã, nhưng hãy xem bạn lại đứng dậy nhanh chóng như thế nào. Với quyết tâm mới, với cảm hứng mới, với dũng khí mới, hãy đứng dậy và cố gắng lần nữa. Đây là cách thức để bạn trở nên mạnh mẽ trong Chánh pháp.

S.N. Goenka

Na santi puttā tāṇāya, na pitā nāpi bandhavā; antakenādhipannassa, natthi ñātīsu tāṇatā. Etamatthavasaṃ ñatvā, paṇḍito sīlasaṃvuto nibbānagamanaṃ maggaṃ, khippameva visodhaye.

—Dhammapada 20.288-289

Con cái cũng như cha mẹ và quyến thuộc,

khi tử thần đến bắt, không ai cứu được ai.

Thấy rõ sự thật này,

bậc thức giả và biết tự chế,

nhanh chóng vượt con đường thẳng đến bờ Giác ngộ.

—Kinh Pháp Cú, phẩm 20, kệ số.288-289

Một khi tử thần đến,

Không có con che chở,

Không cha, không bà con,

Không thân thích che chở.

Biết rõ ý nghĩa này,

Bậc trí lo trì giới,

Mau lẹ làm thanh tịnh,

Con đường đến Niết-Bàn.

Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu

Atītaṃ nānvāgameyya, nappaṭikaṅkhe anāgataṃ; yadatītaṃ pahīnaṃ taṃ, appattañca anāgataṃ. Paccuppannañca yo dhammaṃ, tattha tattha vipassati; asaṃhīraṃ asaṃkuppaṃ, taṃ vidvāmanubrūhaye.

Ajjeva kiccamātappaṃ ko jaññā maraṇaṃ suve; Na hi no saṅgaraṃ tena mahāsenena maccunā. Evaṃ vihāriṃ ātāpiṃ, ahorattamatanditaṃ; taṃ ve bhaddekaratto’ti santo ācikkhate muni.

— Bhaddekarattasuttaṃ, Majjhimanikāya, Uparipaṇṇāsapāḷi, Vibhaṅgavaggo

Các vị đừng bám víu quá khứ,

cũng đừng ngóng trông những gì chưa tới.

Quá khứ đã bỏ lại sau lưng,

tương lai không nắm bắt được.

Nhưng trong khoảnh khắc hiện tại,

người có trí quán sát với tuệ giác mỗi một hiện tượng,

không dời đổi, không dao động.

Những bậc trí hãy hành trì như thế.

Ngày hôm nay, hãy tinh tấn tu tập,

Ngày mai cái chết có thể đến, ai biết được?

Chúng ta không thể xin trì hoãn với thần chết

và đội binh dũng mãnh của ông ta.

Vì thế hãy hành trì tinh tấn, ngày đêm không mệt mỏi;

đối với bậc tu hành như thế,

ngay cả một đêm cũng đến gần được đạo quả,

bậc Thánh Tịch tịnh đã nói như vậy.

— Kinh Nhất dạ hiền giả – Trung Bộ Kinh, Phẩm Phân biệt, Tập 3 (50 kinh cuối cùng)

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển.

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết.

Trú như vậy nhiệt tâm,

Ðêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt Dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu

 

Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *