PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I – CHƯƠNG SAṄGHĀDISESA – ĐIỀU HỌC VỀ LỜI NÓI THÔ TỤC

Phân Tích Giới Tỳ Khưu I

Chương Saṅghādisesa

Điều học về lời nói thô tục

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi cư ngụ ở trong rừng. Trú xá của đại đức ấy đẹp đẽ, đáng nhìn, xinh xắn. Vào lúc bấy giờ, có nhiều người nữ đã đi đến tu viện với ý định nhìn ngắm trú xá. Khi ấy, những người nữ ấy đã đi đến gặp đại đức Udāyi, sau khi đến đã nói với đại đức Udāyi điều này: – “Thưa ngài, chúng tôi muốn nhìn ngắm trú xá của ngài.” Khi ấy, đại đức Udāyi sau khi cho những người nữ ấy nhìn ngắm trú xá rồi đề cập đến đường tiêu, đường tiểu của những người nữ ấy, còn nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, yêu cầu, nài nỉ, hỏi han, chất vấn, chỉ bảo, dạy dỗ, và khinh bỉ nữa. Những người nữ nào thuộc hạng táo tợn, ranh mãnh, trơ trẽn, những người ấy cùng với đại đức Udāyi cười cợt, khoe khoang, cười vang, trêu chọc. Trái lại, những người nữ nào có sự hổ thẹn, những người ấy đi ra bên ngoài và phàn nàn với các tỳ khưu rằng: – “Thưa các ngài, điều này là không đúng đắn, không thích hợp. Chúng tôi dầu được chồng nói như thế còn không thích, huống hồ là ngài Udāyi!” Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Udāyi lại nói với người nữ bằng những lời thô tục?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi đại đức Udāyi rằng: – “Này Udāyi, nghe nói ngươi nói với người nữ bằng những lời thô tục, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại nói với người nữ bằng những lời thô tục? Này kẻ rồ dại, không phải Ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, ―(như trên)― đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Vị tỳ khưu nào bị khởi dục, do tâm bị thay đổi, rồi nói với người nữ bằng những lời thô tục như là việc người trai trẻ nói với cô gái bằng những lời có tính chất đôi lứa thì tội saṅghādisesa.

Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Bị khởi dục nghĩa là có bị nhiễm dục vọng, có sự khao khát, có tâm say đắm.

Bị thay đổi: Tâm bị nhiễm dục vọng là (tâm) bị thay đổi, tâm giận hờn là (tâm) bị thay đổi, tâm mê muội là (tâm) bị thay đổi. Tâm bị nhiễm dục vọng là (tâm) ‘bị thay đổi’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Người nữ nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ Dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, có trí suy xét, có khả năng nhận biết lời nói tốt và lời nói xấu, là (lời nói) thô tục và không thô tục.

Lời nói thô tục nghĩa là là lời nói liên quan đến đường tiêu, đường tiểu, và việc đôi lứa.

Nói: là sự vi phạm được đề cập đến.

Như là việc người trai trẻ nói với cô gái: là trai tơ với gái tơ, thanh niên với thanh nữ, người nam hưởng dục với người nữ hưởng dục.

Có tính chất đôi lứa: có liên quan đến việc hành dâm.

Tội saṅghādisesa: ―(như trên)― cũng vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’

Nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, yêu cầu, nài nỉ, hỏi han, chất vấn, chỉ bảo, dạy dỗ, và khinh bỉ có liên hệ đến đến hai đường khiếu.[7]

Nói lời ca ngợi nghĩa là tán dương, khen ngợi, ca tụng về hai đường khiếu.

Nói lời chê bai nghĩa là xỉ vả, khinh khi, chê bai về hai đường khiếu.

Yêu cầu nghĩa là (nói rằng): ‘Hãy dâng hiến cho tôi, cô là thích hợp để dâng hiến cho tôi.’

Nài nỉ nghĩa là (nói rằng): ‘Khi nào mẹ cô sẽ hoan hỷ? Khi nào cha cô sẽ hoan hỷ? Khi nào các Thiên nhân của cô sẽ hoan hỷ? Khi nào là thời khắc tốt, là thời giờ tốt, là thời điểm tốt? Khi nào tôi sẽ đạt được được việc đôi lứa với cô?’

Hỏi han nghĩa là (nói rằng): ‘Cô dâng hiến cho chồng như thế nào? Cô dâng hiến cho tình nhân như thế nào?’

Chất vấn nghĩa là (nói rằng): ‘Nghe nói cô dâng hiến cho chồng như vầy, cô dâng hiến cho tình nhân như vầy.’

Chỉ bảo nghĩa là khi được hỏi thì nói rằng: ‘Hãy dâng hiến như vầy, trong khi dâng hiến như vầy thì sẽ được chồng yêu quý và thương mến.’

Dạy dỗ nghĩa là khi không được hỏi thì nói rằng: ‘Hãy dâng hiến như vầy, trong khi dâng hiến như vầy thì sẽ được chồng yêu quý và thương mến.’

Khinh bỉ nghĩa là (nói rằng): ‘Cô không có hiện tướng (người nữ), cô không có đủ hiện tướng (người nữ), cô không có kinh nguyệt, cô bị băng huyết, cô thường xuyên mang vải lót, cô bị rong kinh, cô là người nữ có dị căn, cô là người nữ vô căn, cô là người bị lại đực, cô là người nữ tiêu tiểu chung một khiếu, cô là người nữ lưỡng căn.’

Là người nữ, nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, yêu cầu, nài nỉ, hỏi han, chất vấn, chỉ bảo, dạy dỗ, và khinh bỉ có đề cập đến đường tiêu, đường tiểu của người nữ ấy thì phạm tội saṅghādisesa. ―(như trên)―

Hai người nữ, đối với hai người nữ nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến đường tiêu, đường tiểu của hai người nữ ấy của thì phạm hai tội saṅghādisesa. ―(như trên)―

Người nữ và người vô căn, đối với cả hai (lầm) tưởng là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)―,và khinh bỉ có đề cập đến đường tiêu, đường tiểu của hai người ấy thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. ―(như trên)―

Là người nữ, nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến (phần cơ thể) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống và từ đầu gối trở lên trừ ra đường tiêu và đường tiểu của người nữ ấy thì phạm tội thullaccaya. ―(như trên)―

Hai người nữ, đối với hai người nữ nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến (phần cơ thể) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống và từ đầu gối trở lên trừ ra đường tiêu và đường tiểu của hai người nữ ấy thì phạm hai tội thullaccaya.

Người nữ và người vô căn, đối với cả hai (lầm) tưởng là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến (phần cơ thể) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống và từ đầu gối trở lên trừ ra đường tiêu và đường tiểu của hai người ấy thì phạm tội dukkaṭa với tội thullaccaya.

Là người nữ, nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến (phần cơ thể) từ xương đòn (ở cổ) trở lên và từ đầu gối trở xuống của người nữ ấy thì phạm tội dukkaṭa.

Hai người nữ, đối với hai người nữ nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến (phần cơ thể) từ xương đòn (ở cổ) trở lên và từ đầu gối trở xuống của hai người nữ ấy thì phạm hai tội dukkaṭa.

Người nữ và người vô căn, đối với cả hai (lầm) tưởng là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến (phần cơ thể) từ xương đòn (ở cổ) trở lên và từ đầu gối trở xuống của hai người ấy thì phạm hai tội dukkaṭa.

Là người nữ, nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến vật gắn liền với thân của người nữ ấy thì phạm tội dukkaṭa.

Hai người nữ, đối với hai người nữ nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến vật gắn liền với thân của hai người nữ ấy thì phạm hai tội dukkaṭa.

Người nữ và người vô căn, đối với cả hai (lầm) tưởng là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu nói lời ca ngợi, nói lời chê bai, ―(như trên)― và khinh bỉ có đề cập đến vật gắn liền với thân của hai người ấy thì phạm hai tội dukkaṭa.

Khi giảng giải về ý nghĩa của từ ngữ, khi đọc tụng Pháp, khi chỉ dạy Giáo Pháp,[8] vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

–ooOoo–

Chuyện dẫn giải kệ ngôn tóm lược

Màu đỏ, bị sần sùi, bị rối, thô dày, và lông dài, được gieo giống, phải chăng đạo lộ là thông suốt, đức tin, với vật thí, về công việc.

*****

Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ khoác tấm vải len được nhuộm mới. Có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà ấy điều này: – “Này chị gái, của chị là màu đỏ.” Cô ấy đã không hiểu được. – “Thưa ngài, đúng vậy. Tấm vải len được nhuộm mới.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: “Phải chăng ta đã phạm tội saṅghādisesa?” Vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội saṅghādisesa mà phạm tội dukkaṭa.” (1)

Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ khoác tấm vải len sần sùi (có lông rậm và ngắn). Có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà ấy điều này: – “Này chị gái, của chị là sần sùi.” Cô ấy đã không hiểu được. – “Thưa ngài, đúng vậy. Tấm vải len sần sùi.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội saṅghādisesa mà phạm tội dukkaṭa.” (2)

Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ khoác tấm vải len vừa mới dệt. Có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà ấy điều này: – “Này chị gái, của chị có lông bị rối.” Cô ấy đã không hiểu được. – “Thưa ngài, đúng vậy. Tấm vải len vừa mới dệt.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội saṅghādisesa mà phạm tội dukkaṭa.” (3)

Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ khoác tấm vải len thô dày. Có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà ấy điều này: – “Này chị gái, của chị có lông rậm.” Cô ấy đã không hiểu được. – “Thưa ngài, đúng vậy. Tấm vải len thô dày.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội saṅghādisesa mà phạm tội dukkaṭa.” (4)

Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ khoác tấm áo choàng dài. Có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà ấy điều này: – “Này chị gái, của chị có lông dài.” Cô ấy đã không hiểu được. – “Thưa ngài, đúng vậy. Là tấm áo choàng.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội saṅghādisesa mà phạm tội dukkaṭa.” (5)

Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ sau khi cho người gieo giống thửa ruộng rồi đi về. Có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà ấy điều này: – “Này chị gái, của chị đã được gieo giống.” Cô ấy đã không hiểu được. – “Thưa ngài, đúng vậy. Vẫn còn chưa được lấp kín.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội saṅghādisesa mà phạm tội dukkaṭa.” (6)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi nhìn thấy người nữ du sĩ ngoại đạo đi ngược chiều, bị khởi dục rồi đã nói với người nữ du sĩ ngoại đạo ấy điều này: – “Này chị gái, phải chăng đạo lộ của chị là thông suốt?” Cô ấy đã không hiểu được. – “Này tỳ khưu, đúng vậy. Rồi ngươi sẽ theo vào.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội saṅghādisesa mà phạm tội thullaccaya.”[9] (7)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà nọ điều này: – “Này em gái, cô có đức tin. Tuy nhiên, cô không dâng cho chúng tôi việc cô đã dâng cho chồng.” – “Thưa ngài, việc gì vậy?” – “Việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (8)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà nọ điều này: – “Này em gái, cô có đức tin. Tuy nhiên, cô không dâng cho chúng tôi vật thí hạng nhất.” – “Thưa ngài, việc gì vậy?” – “Việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (9)

Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ đang làm công việc. Có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục rồi đã nói với người đàn bà ấy điều này: – “Này em gái, cô hãy đứng, tôi sẽ làm.” ―(như trên)― “Này em gái, cô hãy ngồi xuống, tôi sẽ làm.” Cô ấy đã không hiểu được. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội saṅghādisesa mà phạm tộidukkaṭa.” (10-11-12)

Dứt điều học về nói lời thô tục.

–ooOoo–

[1] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng tâm vị ấy bị loạn động và đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa ái dục nhưng lại không muốn quay trở về làm người tại gia (VinA. iii, 517).

[2] Đại đức Udāyi là thầy tế độ của đại đức Seyyasaka (VinA. iii, 517).

[3] Ngài Buddhaghosa giải thích về ý nghĩa của từ saṅghādisesa (saṅgha-ādi-sesa) như sau: Hội chúng (saṅgha) là cần thiết từ lúc khởi đầu (ādi) và các phần còn lại (sesa). Khởi đầu là sự ban cho hành phạt parivāsa, các phần kế tiếp là sự ban cho hành phạt mānatta hoặc sự ban cho việc thực hành trở lại từ đầu (mūlāya paṭikassanaṃ), cuối cùng là hành sự giải tội (abbhānakamma), tất cả các việc này đều do hội chúng (saṅgha) thực hiện, cá nhân hoặc nhóm tỳ khưu đều không được (VinA. iii, 522). Xin xem thêm chi tiết ở Cullavagga – Tiểu Phẩm, TTPV 06, chương II.

[4] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng trú xá của đại đức Udāyi không phải ở trong một khu rừng riêng biệt mà ở trong Jetavana, thuộc về khu vực ở một bên, cuối cùng, sát ranh giới (VinA. iii, 532).

[5] Khi (tâm) không ghi nhận (asatiyā = bị thất niệm): Vị ấy bị bận rộn về việc khác nên không biết rằng: ‘Ta chạm vào người nữ.’ Trong lúc không biết như thế, như trong khi co duỗi tay chân, v.v… vị có sự đụng chạm thì vô tội (VinA. iii, 541).

[6] Trường hợp người nữ có ý muốn nắm lấy bàn chân rồi đảnh lễ thì vị tỳ khưu nên ngăn lại, hoặc hai bàn chân nên được che đậy, hoặc bất động. Vị không lay động, nếu tâm có ưng thuận thì cũng không phạm tội (VinA. iii, 546).

[7] Hai đường khiếu là đường tiêu và đường tiểu. Từ magga theo ý nghĩa thông thường là “đường đi, con đường.” Tuy nhiên, trong văn cảnh này từ dịch được ghi là “khiếu, đường khiếu” như đã được các vị tiền bối sử dụng. Ngoài ra, ở điều pārājika thứ nhất còn có đề cập đến một đường khiếu khác nữa là đường miệng.

[8] Cả ba ý nghĩa được ghi lại căn cứ vào Chú Giải (Vin.A. iii, 549).

[9] Trường hợp này vị tỳ khưu bị phạm tội thullaccaya vì đã ám chỉ ‘chỗ kín’ khi sử dụng từ ‘magga’ nhưng người nữ du sĩ hiểu theo nghĩa thông thường là ‘con đường.’ Nếu cô ấy hiểu được ý thô tục thì vị tỳ khưu ấy đã phạm tội saṅghādisesa (ND).

Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I

–ooOoo–

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *