PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I – CHƯƠNG ANIYATA – ĐIỀU HỌC ANIYATA THỨ NHẤT VÀ THỨ NHÌ

Phân Tích Giới Tỳ Khưu I

Chương 4: Aniyata

Điều học Aniyata thứ nhất

  1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi là vị thường tới lui với các gia đình và đi đến nhiều gia đình ở thành Sāvatthī. Vào lúc bấy giờ, người con gái của gia đình hộ độ đại đức Udāyi đã được gả cho người con trai của gia đình nọ. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Udāyi đã mặc y, cầm y bát, đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã hỏi mọi người rằng: – “Cô gái tên (như vầy) ở đâu?” – “Thưa ngài, cô ấy đã được gả cho người con trai của gia đình kia rồi.
  1. Và gia đình ấy cũng là người hộ độ cho đại đức Udāyi. Sau đó, đại đức Udāyi đã đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã hỏi mọi người rằng: – “Cô gái tên (như vầy) ở đâu? – “Thưa ngài, cô ấy ngồi ở phòng trong. Khi ấy, đại đức Udāyi đã đi đến gặp người con gái ấy, sau khi đến đã cùng với người con gái ấy, một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, tùy lúc thì tâm sự, tùy lúc thì nói Pháp.[1]
  1. Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā mẹ của Migāra có nhiều con trai, có nhiều cháu trai,[2] có các con trai không bệnh tật, có các cháu trai không bệnh tật, được xem là điều đại kiết tường. Trong những dịp tế lễ, hội hè, đình đám, dân chúng thường ưu tiên mời bà Visākhā mẹ của Migāra dự tiệc. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra được thỉnh mời nên đã đi đến gia đình ấy. Rồi bà Visākhā mẹ của Migāra đã nhìn thấy đại đức Udāyi cùng với người con gái ấy, một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, sau khi nhìn thấy đã nói với đại đức Udāyi điều này: – “Thưa ngài, điều này là không thích hợp, là không đúng đắn. Là việc ngài đại đức cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động. Thưa ngài, mặc dầu ngài đại đức không có ước muốn gì đến chuyện ấy, tuy nhiên những người không có niềm tin thì khó mà thuyết phục lắm.”
  1. Tuy được bà Visākhā mẹ của Migāra nói như thế, đại đức Udāyi đã không lưu tâm đến. Sau đó, bà Visākhā mẹ của Migāra đã ra về và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Udāyi lại cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động?”
  1. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. “Này Udāyi, nghe nói ngươi cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Vị tỳ khưu nào cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, có nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy sau khi thấy rồi tố cáo vị ấy với một tội nào đó trong ba tội: hoặc là với tội pārājika, hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya. (Nếu) vị tỳ khưu thú nhận việc ngồi thì nên được hành xử với một tội nào đó trong ba tội: hoặc là với tội pārājika, hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya; hoặc là nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy ấy tố cáo với tội nào thì nên hành xử vị tỳ khưu ấy theo tội ấy. Đây là điều aniyata.

  1. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Người nữ nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ Dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, ngay cả đứa bé gái mới sanh ngày hôm ấy cho đến bà lão.

Với: cùng chung.

Một nam một nữ: chỉ có vị tỳ khưu và người nữ.

Kín đáo: nghĩa là kín đáo đối với mắt, kín đáo đối với tai. Kín đáo đối với mắt nghĩa là không thể nhìn thấy trong khi bị che mắt lại, trong khi nhướng mày, trong khi ngẩng đầu lên. Kín đáo đối với tai nghĩa là không thể nghe lời nói (với giọng) bình thường.

Chỗ ngồi được che khuất là không được che khuất bởi bức tường, hoặc bởi cánh cửa, hoặc bởi tấm màn, hoặc bởi tấm vách chắn, hoặc bởi cội cây, hoặc bởi cột nhà, hoặc bởi nhà kho, hoặc bởi bất cứ vật gì.

Thuận tiện cho hành động: là có thể thực hiện việc đôi lứa.

Ngồi: Khi người nữ đang ngồi thì vị tỳ khưu ngồi gần hoặc nằm gần, khi vị tỳ khưu đang ngồi thì người nữ ngồi gần hoặc nằm gần, hoặc cả hai đang ngồi, hoặc cả hai đang nằm.

Có lời nói đáng tin cậy nghĩa là người nữ đã chứng Thánh Quả, đã thông suốt Tứ Diệu Đế, đã hiểu rõ Tam Học: Giới, Định, Tuệ.[3]

Nữ cư sĩ nghĩa là người nữ đã đi đến nương nhờ đức Phật, đã đi đến nương nhờ Giáo Pháp, đã đi đến nương nhờ Hội Chúng.

Sau khi thấy: sau khi đã nhìn thấy.

(Cô ấy) có thể tố cáo với một tội nào đó trong ba tội: hoặc là với tội pārājika, hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya. (Nếu) vị tỳ khưu thú nhận việc ngồi thì nên được hành xử với một tội nào đó trong ba tội: hoặc là với tội pārājika, hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya; hoặc là nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy ấy tố cáo với tội nào thì nên hành xử vị tỳ khưu ấy theo tội ấy.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã ngồi nhưng tôi đã không thực hiện việc đôi lứa” thì nên hành xử theo việc ngồi.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã nằm nhưng tôi đã không thực hiện việc đôi lứa” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm. ―(như trên)― “Sự thật là tôi đã ngồi nhưng tôi đã không thực hiện việc xúc chạm cơ thể” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm. ―(như trên)― “Sự thật là tôi đã nằm nhưng tôi đã không thực hiện việc xúc chạm cơ thể” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức cùng với người nữ, một nam một nữ đã ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức cùng với người nữ, một nam một nữ đã nằm xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Tội aniyata: không chắc chắn là tội pārājika, hay là tội saṅghādisesa, hay là tội pācittiya.

  1. Vị thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm. Vị thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm. Vị thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì nên hành xử theo việc ngồi. Vị thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì không nên hành xử.

Vị không thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm. Vị không thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm. Vị không thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì nên hành xử theo việc ngồi. Vị không thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì không nên hành xử.”

Dứt điều học aniyata thứ nhất.

–ooOoo–

Điều học Aniyata thứ nhì

  1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán việc cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động” nên đã cùng với chính người con gái ấy, một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, tùy lúc thì tâm sự, tùy lúc thì nói Pháp. Đến lần thứ nhì, bà Visākhā mẹ của Migāra được thỉnh mời nên đã đi đến gia đình ấy. Rồi bà Visākhā mẹ của Migāra đã nhìn thấy đại đức Udāyi cùng với chính người con gái ấy, một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, sau khi nhìn thấy đã nói với đại đức Udāyi điều này: – “Thưa ngài, điều này là không thích hợp, là không đúng đắn. Là việc ngài đại đức cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo. Thưa ngài, mặc dầu ngài đại đức không có ước muốn gì đến chuyện ấy, tuy nhiên những người không có niềm tin thì khó mà thuyết phục lắm.” Tuy được bà Visākhā mẹ của Migāra nói như thế, đại đức Udāyi đã không lưu tâm đến.
  1. Sau đó, bà Visākhā mẹ của Migāra đã ra về và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Udāyi lại cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này Udāyi, nghe nói ngươi cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Hơn nữa, khi chỗ ngồi là không được che khuất, không thuận tiện cho hành động, nhưng thích hợp để nói với người nữ bằng những lời thô tục. Vị tỳ khưu nào ở chỗ ngồi có hình thức như thế cùng với người nữ, một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, có nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy sau khi thấy rồi tố cáo vị ấy với một tội nào đó trong hai tội: hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya. (Nếu) vị tỳ khưu thú nhận việc ngồi thì nên hành xử với một tội nào đó trong hai tội: hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya; hoặc là nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy ấy tố cáo với tội nào thì nên hành xử vị tỳ khưu ấy theo tội ấy. Đây cũng là điều aniyata.

  1. Hơn nữa, khi chỗ ngồi là không được che khuất: là không được che khuất bởi bức tường, hoặc bởi cánh cửa, hoặc bởi tấm màn, hoặc bởi tấm vách chắn, hoặc bởi cội cây, hoặc bởi cột nhà, hoặc bởi nhà kho, hoặc bởi bất cứ vật gì.

Không thuận tiện cho hành động: là không thể thực hiện việc đôi lứa.

Nhưng thích hợp để thốt ra với người nữ bằng những lời thô tục: là có thể nói với người nữ bằng những lời thô tục.

Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Ở chỗ ngồi có hình thức như thế: ở chỗ ngồi y như thế ấy.

Người nữ nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ Dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, có trí suy xét, có khả năng nhận biết lời nói tốt và lời nói xấu, là (lời nói) thô tục và không thô tục.

Với: cùng chung.

Một nam một nữ: chỉ có vị tỳ khưu và người nữ.

Kín đáo: nghĩa là kín đáo đối với mắt, kín đáo đối với tai.Kín đáo đối với mắt nghĩa là không thể nhìn thấy trong khi bị che mắt lại, trong khi nhướng mày, trong khi ngẩng đầu lên.Kín đáo đối với tai nghĩa là không thể nghe lời nói (với giọng) bình thường.

Ngồi: Khi người nữ đang ngồi thì vị tỳ khưu ngồi gần hoặc nằm gần, khi vị tỳ khưu đang ngồi thì người nữ ngồi gần hoặc nằm gần, hoặc cả hai đang ngồi, hoặc cả hai đang nằm.

Có lời nói đáng tin cậy: nghĩa là người nữ đã chứng Thánh Quả, đã thông suốt Tứ Diệu Đế, đã hiểu rõ Tam Học: Giới, Định, Tuệ.

Nữ cư sĩ nghĩa là người nữ đã đi đến nương nhờ đức Phật, đã đi đến nương nhờ Giáo Pháp, đã đi đến nương nhờ Hội Chúng.

Sau khi thấy: sau khi đã nhìn thấy.

(Cô ấy) có thể tố cáo với một tội nào đó trong hai tội: hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya, (nếu) vị tỳ khưu thú nhận việc ngồi thì nên được hành xử với một tội nào đó trong hai tội: hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya; hoặc là nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy ấy tố cáo với tội nào thì nên hành xử vị tỳ khưu ấy theo tội ấy.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã ngồi nhưng tôi đã không thực hiện việc xúc chạm cơ thể” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm. ―(như trên)― “Sự thật là tôi đã nằm nhưng tôi đã không thực hiện việc xúc chạm cơ thể” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã nghe được rằng ngài đại đức đã ngồi và đang nói với người nữ bằng những lời thô tục,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm. ―(như trên)― “Sự thật là tôi đã ngồi nhưng tôi đã không nói với người nữ bằng những lời thô tục” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã nghe được rằng ngài đại đức đã nằm và đang nói với người nữ bằng những lời thô tục,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm. ―(như trên)― “Sự thật là tôi đã nằm nhưng tôi đã không nói bằng những lời thô tục” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức cùng với người nữ, một nam một nữ đã ngồi ở chỗ kín đáo,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức cùng với người nữ, một nam một nữ đã nằm ở chỗ kín đáo,” và vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo việc nằm. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi. ―(như trên)― “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

Đây cũng là: được gọi như thế vì có liên quan đến điều trước.

Tội aniyata: không chắc chắn là tội saṅghādisesa, hay là tội pācittiya.

  1. Vị thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm. Vị thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm. Vị thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì nên hành xử theo việc ngồi. Vị thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì không nên hành xử.

Vị không thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm. Vị không thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm. Vị không thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì nên hành xử theo việc ngồi. Vị không thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì không nên hành xử.”

Dứt điều học aniyata thứ nhì.

–ooOoo–

 Bạch chư đại đức, hai điều aniyata đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Các đại đức được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

–ooOoo–

Tóm lược chương này

(Nơi) thuận tiện cho hành động, và tương tợ y như thế về nơi không thuận tiện. (Hai) điều học aniyata đã khéo được quy định bởi đức Phật tối thượng như thế ấy.

Dứt Chương Aniyata.

–ooOoo–

 [1] Xem xét khi nào không có ai qua lại thì hỏi han chuyện gia đình: “Chắc là cô hạnh phúc? Chắc là cô không bị mệt nhọc? Chắc là cô không bị đói?” v.v… Khi nào có ai đi lại gần thì nói Pháp: “Nên thọ bát quan trai giới. Nên dâng thức ăn theo thẻ.” v.v… (VinA. iii, 631).

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích là bà Visākhā có 10 người con trai và 10 người con gái. Mỗi người con trai hoặc gái có 20 người con. Tổng cộng bà có hơn 420 người con cháu (VinA. iii, 631).

[3] Hai từ abhisametāvinīviññātasāsanā được ghi nghĩa theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa (Vin.A. iii, 632).

[4] Động từ dhāreti có nghĩa chính là “mang, mặc, v.v…” nhưng để phù hợp với ngữ cảnh từ dịch Việt đã được biến đổi ít nhiều như là “cất giữ, sử dụng, v.v…”

[5] Nissaggiya pācittiya có hai phần: nissaggiya liên quan đến đồ vật cần được xả bỏ, pācittiya là tội ưng đối trị.

[6] Tám tiêu đề (mātikā) về sự hết hiệu lực của Kaṭhina: do sự ra đi, do (y) được hoàn tất, do tự mình quyết định, do bị mất, do nghe được (tin), do sự tan vỡ của niềm mong mỏi, do sự vượt qua ranh giới, do sự hết hiệu lực cùng một lúc (Mahāvagga – Đại Phẩm, TTPV tập 5, chương VII, trang 116).

[7] Hội chúng thực hiện hành sự thâu hồi khiến Kaṭhina hết hiệu lực (ND).

[8] Sáu loại y: “Này các tỳ khưu, ta cho phép sáu loại y: loại bằng sợi lanh, loại bằng bông vải, loại bằng tơ lụa, loại bằng sợi len, loại bằng gai thô, loại bằng chỉ bố” (Mahāvagga – Đại Phẩm, TTPV tập 5, chương VII, trang 183).

[9] Chú nguyện để dùng chung: “Này các tỳ khưu, Ta cho phép chú nguyện để dùng chung y (có kích thước) tối thiểu với chiều dài là tám ngón tay với chiều rộng là bốn ngón tay theo ngón tay tiêu chuẩn” (Mahāvagga – Đại Phẩm, TTPV tập 5, chương VIII, trang 213).

[10] santaruttara = sa+antara+uttara = sa+antaravāsaka+uttarasaṅga = với+y nội+thượng y (y vai trái).

[11] Ngài Buddhaghosa giải thích là 1 hatthapāsa (tầm tay) = 2,5 ratana (VinA. iii, 652), và 1 ratana = 2 vidatthiyo (gang tay), 1 vidatthi = 12 lần bề rộng của ngón tay (VibhA. 343). Tài liệu The Buddhist Monastic Code của Thanissaro Bhikkhu cho biết = 1 hatthapāsa = 1,25 mét.

[12] Ngài Buddhaghosa giải thích 1 abbhantara là 28 hattha (cánh tay) (VinA. iii, 654). Từ điển của Childers giải thích hattha là chiều dài tính từ cùi chỏ của cánh tay đến đầu ngón tay út. Tài liệu The Buddhist Monastic Code của Thanissaro Bhikkhu cho biết khoảng cách của 7 abbhantara = 98 mét (Như vậy 1 abbhantara = 14 mét, 1 hattha = 0,5 mét).

[13] Tức là vòng tròn bán kính 7 abbhantara (= 98 mét), lấy chỗ để y làm tâm điểm (ND).

[14] Vải quăng bỏ (paṃsukūla) được phát sanh lên do nhiều cách thức. Một trong những cách thức đã được các tỳ khưu thời ấy áp dụng là đi vào mộ địa nhặt lấy các vải quấn tử thi đem về giặt sạch, cắt may thành y, nhuộm màu, v.v… (ND).

[15] Ngài Buddhaghosa giải thích “từ vật sở hữu của bản thân” là phát sanh lên do bông vải, chỉ sợi, v.v… của bản thân (VinA. iii, 659).

[16] Ngài Buddhaghosa giải thích như sau: “Nếu y căn bản là mịn và y mong mỏi là thô không thể kết hợp với nhau, và còn lại nhiều đêm nhưng vẫn không đủ cho đến hết tháng thì không nên cho thực hiện y trái với ước muốn, lại còn bị sự chê bai nữa. Nên chờ cho đến khi nhận lãnh y mong mỏi khác nữa rồi cho thực hiện trong khoảng thời gian (cho phép). Cũng nên chú nguyện y mong mỏi làm vải phụ tùng (parikkhāracoḷaṃ). Nếu y căn bản là thô và y mong mỏi là mịn thì nên chú nguyện y căn bản làm vải phụ tùng, rồi lấy y mong mỏi làm y căn bản, và giữ lại. Bằng phương thức này thì đạt được lại cả tháng ấy để giữ lại y” (VinA. iii, 659). Có thể hiểu lời giải thích trên như sau: Trong vòng hai mươi ngày đầu tính từ lúc y căn bản được phát sanh, nếu y mong mỏi được phát sanh thì số ngày để giữ y căn bản không còn đủ ba mươi ngày (mà chỉ còn mười ngày, phù hợp với thời gian cất giữ của y mới được phát sanh chỉ được tối đa là mười ngày). Như vậy, hoặc là hy vọng trong mười ngày còn lại sẽ có thêm y mong mỏi khác cùng loại, hoặc là chú nguyện y mong mỏi thành vải phụ tùng để y căn bản có thể tiếp tục giữ được đủ ba mươi ngày. Trường hợp y mong mỏi là tốt hơn thì có thể lấy y mong mỏi mới phát sanh làm y căn bản và nguyện y căn bản làm vải phụ tùng, như thế sẽ được tính đủ ba mươi ngày.

[17] Ngoài ba y như các tỳ khưu là y hai lớp (saṅghāṭi), thượng y (uttarasagaṃ), và y nội (antaravāsakaṃ), tỳ khưu ni còn có thêm hai y nữa là áo lót (saṃkaccikaṃ) và vải choàng tắm (udakasāṭikaṃ). Xin xem Cullavagga – Tiểu Phẩm, TTPV tập 7, chương X, trang 515.

[18] Ito: nghĩa là “từ đây” ám chỉ vải đang được mặc trên người ấy. Theo câu chuyện, được biết người ấy đang mặc hai tấm vải nên ghi lại như trên (ND).

Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I

–ooOoo–

Người dịch: Tỳ khưu Indacanda – Nguồn TamtangPaliViet.net

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *