PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I – CHƯƠNG NISSAGGIYA PHẨM Y – ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT VÀ THỨ NHÌ VỀ (SỐ TIỀN) ĐÃ ĐƯỢC CHUẨN BỊ

Phân Tích Giới Tỳ Khưu I

Chương 5: Nissaggiya

Điều học thứ nhất về (số tiền) đã được chuẩn bị

  1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ đã nói với người vợ điều này: – “Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.” Khi người đàn ông ấy đang nói lời này, có vị tỳ khưu nọ là vị hành pháp khất thực đã nghe được. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sakya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sakya điều này: – “Này đại đức Upananda, ngài có phước báu lớn lao. Ở chỗ kia, có người đàn ông nọ đã nói với người vợ điều này: ‘Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.’” – “Này đại đức, người ấy là người hộ độ cho tôi.” Sau đó, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã đi đến gặp người đàn ông ấy, sau khi đến đã nói với người đàn ông ấy điều này: – “Này đạo hữu, nghe nói đạo hữu có ý định dâng y đến tôi, có đúng không vậy?” – “Thưa ngài, tôi cũng có khởi ý như vầy: ‘Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.’” – “Này đạo hữu, nếu quả thật đạo hữu có ý định dâng y đến tôi thì hãy dâng y có hình thức như vầy. Tôi được dâng y mà tôi sẽ không sử dụng thì tôi sẽ làm gì với y ấy?”
  1. Sau đó, người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này thật ham muốn quá độ, không tự biết đủ. Không dễ gì mà dâng y cho những người này! Vì sao ngài đại đức Upananda khi chưa được tôi thỉnh cầu trước lại đi đến và đưa ra sự căn dặn về y?” Các tỳ khưu đã nghe được người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này Upananda, nghe nói ngươi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” “Này Upananda, là thân quyến của ngươi hay không phải là thân quyến?” – “Bạch Thế Tôn, không phải là thân quyến.” “Này kẻ rồ dại, người không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì đúng hay không đúng đối với người không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao ngươi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Trường hợp có số tiền mua y của nam gia chủ hoặc nữ gia chủ không phải là thân quyến đã được chuẩn bị dành riêng cho vị tỳ khưu: ‘Với số tiền mua y này sau khi mua y tôi sẽ dâng y đến vị tỳ khưu tên (như vầy).’ Trong trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu ấy khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến và đưa ra sự căn dặn về y: ‘Quả thật là tốt, với số tiền mua y này ông hãy mua y có hình thức như vầy và như vầy rồi dâng cho tôi;’ vì sự mong muốn y tốt đẹp, (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya.

  1. Dành riêng cho vị tỳ khưu: vì nhu cầu của vị tỳ khưu, sau khi nghĩ đến vị tỳ khưu rồi có ý định dâng vị tỳ khưu.

Không phải là thân quyến nghĩa là người không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Nam gia chủ nghĩa là bất cứ người nam nào sống trong căn nhà.

Nữ gia chủ nghĩa là bất cứ người nữ nào sống trong căn nhà.

Số tiền mua y nghĩa là vàng, hoặc là tiền vàng, hoặc là ngọc trai, hoặc là ngọc ma-ni, hoặc là đá quý, hoặc là pha lê, hoặc là vải vóc, hoặc là chỉ sợi, hoặc là bông vải.

Với số tiền mua y này: với (số tiền) đã được sẵn sàng.

Sau khi mua y: sau khi trao đổi.

Tôi sẽ dâng: tôi sẽ cho.

Trong trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu ấy: vị tỳ khưu ấy là vị tỳ khưu mà số tiền mua y đã được chuẩn bị dành riêng cho.

Chưa được thỉnh cầu trước: chưa được nói trước rằng: “Thưa ngài, ngài có nhu cầu với loại y như thế nào?” “Tôi sẽ mua y như thế nào cho ngài?”

Lại đi đến: sau khi đi đến nhà, sau khi đi đến gặp ở bất cứ nơi nào.

Đưa ra sự căn dặn về y: (Y) hãy dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng.

Với số tiền mua y này: với (số tiền) đã được sẵn sàng.

Có hình thức như vầy và như vầy: là dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng.

Sau khi mua: sau khi trao đổi.

(Đạo hữu) hãy dâng cho: hãy trao cho.

Vì sự mong muốn y tốt đẹp: có ao ước vật tốt, có ao ước vật giá cao.

  1. (Gia chủ) mua (y) dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng theo lời nói của vị ấy. Trong lúc thực hiện thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa. Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy ―(như trên)― “Bạch các ngài, y này của tôi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gia chủ không phải là thân quyến và đã đưa ra sự căn dặn về y, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ―(như trên)― hội chúng nên cho lại ―(như trên)― chư đại đức nên cho lại ―(như trên)― “Tôi cho lại đại đức.”
  1. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, ―(như trên)― Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa. Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.
  1. Của các thân quyến, của những người đã nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bảo mua (y) giá thấp đối với người có ý định mua (y) giá cao, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Dứt điều học thứ nhất về (số tiền) đã được chuẩn bị.

–ooOoo–

Điều học thứ nhì về (số tiền) đã được chuẩn bị

  1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ đã nói với người đàn ông khác điều này: – “Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.” Người kia cũng đã nói như vầy: – “Tôi cũng sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.” Có vị tỳ khưu nọ là vị hành pháp khất thực đã nghe được cuộc nói chuyện này của những người đàn ông ấy. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sakya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sakya điều này: – “Này đại đức Upananda, ngài có phước báu lớn lao. Ở chỗ kia, có người đàn ông nọ đã nói với người đàn ông khác điều này: ‘Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.’ Người kia cũng đã nói như vầy: ‘Tôi cũng sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.’” – “Này đại đức, họ là những người hộ độ cho tôi.”
  1. Sau đó, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã đi đến gặp những người đàn ông ấy, sau khi đến đã nói với những người đàn ông ấy điều này: – “Này các đạo hữu, nghe nói các đạo hữu có ý định dâng các y đến tôi, có đúng không vậy?” – “Thưa ngài, chúng tôi cũng có khởi ý như vầy: ‘Chúng tôi sẽ dâng các y đến ngài đại đức Upananda.’” – “Này các đạo hữu, nếu quả thật các đạo hữu có ý định dâng các y đến tôi thì nên dâng y có hình thức như vầy. Tôi được dâng những y mà tôi sẽ không sử dụng thì tôi sẽ làm gì với các y ấy?”
  1. Khi ấy, những người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này thật ham muốn quá độ, không tự biết đủ. Không dễ gì mà dâng các y cho những người này! Tại sao ngài đại đức Upananda khi chưa được chúng tôi thỉnh cầu trước lại đi đến và đưa ra sự căn dặn về y?” Các tỳ khưu đã nghe được những người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y?”
  1. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này Upananda, nghe nói ngươi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” – “Này Upananda, là các thân quyến của ngươi hay không phải là các thân quyến?” – “Bạch Thế Tôn, không phải là các thân quyến.” – “Này kẻ rồ dại, người không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì đúng hay không đúng đối với những người không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao ngươi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

Trường hợp có các số tiền mua y khác nhau của hai nam gia chủ hoặc (của hai) nữ gia chủ không phải là các thân quyến đã được chuẩn bị dành riêng cho vị tỳ khưu: ‘Với các số tiền mua y khác nhau này sau khi mua các y khác nhau chúng tôi sẽ dâng các y đến vị tỳ khưu tên (như vầy).’ Trong trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu ấy khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến và đưa ra sự căn dặn về y: ‘Quả thật là tốt, với các số tiền mua y này quý ông hãy mua y có hình thức như vầy và như vầy rồi hãy dâng cho tôi, cả hai là với một (y);’ vì sự mong muốn y tốt đẹp, (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya.

  1. Dành riêng cho vị tỳ khưu: vì nhu cầu của vị tỳ khưu, sau khi nghĩ đến vị tỳ khưu rồi có ý định dâng vị tỳ khưu.

Của hai: của cả hai.

Không phải là các thân quyến nghĩa là những người không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

(Các) nam gia chủ nghĩa là bất cứ những người nam nào sống trong căn nhà.

(Các) nữ gia chủ nghĩa là bất cứ những người nữ nào sống trong căn nhà.

Các số tiền mua y nghĩa là nhiều vàng, hoặc là các tiền vàng, hoặc là các ngọc ma-ni, hoặc là các ngọc trai, hoặc là các đá quý, hoặc là các pha lê, hoặc là nhiều vải vóc, hoặc là nhiều chỉ sợi, hoặc là nhiều bông vải.

Với các số tiền mua y này: với (các số tiền) đã được sẵn sàng.

Sau khi mua y: sau khi trao đổi.

Chúng tôi sẽ dâng: chúng tôi sẽ cho.

Trong trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu ấy: vị tỳ khưu ấy là vị tỳ khưu mà các số tiền mua y đã được chuẩn bị dành riêng cho.

Chưa được thỉnh cầu trước: chưa được nói trước rằng: “Thưa ngài, ngài có nhu cầu với loại y như thế nào?” “Chúng tôi sẽ mua y như thế nào cho ngài?”

Lại đi đến: sau khi đi đến nhà, sau khi đi đến gặp ở bất cứ nơi nào.

Đưa ra sự căn dặn về y: (Y) hãy dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng.

Với các số tiền mua y này: với (các số tiền) đã được sẵn sàng.

Có hình thức như vầy và như vầy: là dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng.

Sau khi mua: sau khi trao đổi.

(Quý ông) hãy dâng đến: (quý ông) hãy trao cho.

Cả hai là với một (y): luôn cả hai người là với một (y).

Vì sự mong muốn y tốt đẹp: có ao ước vật tốt, có ao ước vật giá cao.

  1. Họ mua (y) dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng theo lời nói của vị ấy. Trong lúc thực hiện thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa. Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy ―(như trên)― “Bạch các ngài, y này của tôi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến các gia chủ không phải là các thân quyến và đã đưa ra sự căn dặn về y, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ―(như trên)― hội chúng nên cho lại ―(như trên)― chư đại đức nên cho lại ―(như trên)― “Tôi cho lại đại đức.”
  1. Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, ―(như trên)― Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa. Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.
  1. Của các thân quyến, của những người đã nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bảo mua (y) giá thấp đối với những người có ý định mua (y) giá cao, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Dứt điều học thứ nhì về (số tiền) đã được chuẩn bị.

–ooOoo–

Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I

–ooOoo–

Người dịch: Tỳ khưu Indacanda – Nguồn TamtangPaliViet.net

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *