Phân Tích Giới Tỳ Khưu I
Chương Saṅghādisesa
Điều học về sự hầu hạ tình dục cho bản thân
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi ở thành Sāvatthī là vị thường tới lui với các gia đình và đi đến nhiều gia đình . Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ là góa chồng, đẹp dáng, đáng nhìn, khả ái. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Udāyi đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của người đàn bà ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn.
Khi ấy, người đàn bà ấy đã đi đến gặp đại đức Udāyi, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Udāyi rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Udāyi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người đàn bà ấy đang ngồi ở một bên bằng bài Pháp thoại.
Sau đó, khi đã được đại đức Udāyi chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, người đàn bà ấy đã nói với đại đức Udāyi điều này: – “Thưa ngài, xin ngài cứ nói ra nhu cầu. Chúng tôi có khả năng để dâng đến ngài vật dụng tức là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.” – “Này em gái, đối với chúng tôi những thứ ấy tức là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh thì đạt được không khó. Vậy hãy dâng cho chúng tôi điều mà chúng tôi khó đạt được.” – “Thưa ngài, điều gì vậy?” – “Việc đôi lứa.” – “Thưa ngài, là điều cần thiết?” – “Này em gái, là điều cần thiết.” – “Thưa ngài, hãy đi đến” rồi đã đi vào phòng trong, cởi bỏ y phục, và nằm ngửa ra trên chiếc giường nhỏ. Sau đó, đại đức Udāyi đã đi đến gặp người đàn bà ấy, sau khi đến (đã nói rằng): “Ai mà sờ vào vật hạ tiện hôi thối này?” rồi đã nhổ bãi nước miếng và bỏ đi.
Khi ấy, người đàn bà ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, giới hạnh xấu xa, nói láo. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự an tịnh, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì sao Sa-môn Udāyi sau khi đích thân cầu xin tôi việc đôi lứa (lại nói rằng): ‘Ai mà sờ vào vật hạ tiện hôi thối này?’ rồi nhổ bãi nước miếng và bỏ đi? Tôi có điều gì xấu? Tôi có mùi hôi gì? Tôi thua kém với ai, vì điều gì?”
Các người đàn bà khác cũng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, ―(như trên)― Vì sao Sa-môn Udāyi sau khi đích thân cầu xin cô ấy việc đôi lứa (lại nói rằng): ‘Ai mà sờ vào vật hạ tiện hôi thối này?’ rồi nhổ bãi nước miếng và bỏ đi? Cô ấy có điều gì xấu? Cô ấy có mùi hôi gì? Cô ấy thua kém với ai, vì điều gì?”
Các tỳ khưu đã nghe được những người đàn bà ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Udāyi lại ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ?”
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi đại đức Udāyi rằng: – “Này Udāyi, nghe nói ngươi ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ vậy? Này kẻ rồ dại, không phải Ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, ―(như trên)― đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào bị khởi dục, do tâm bị thay đổi, rồi ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ rằng: ‘Này em gái, đây là việc đứng đầu trong các sự hầu hạ là việc người nữ nên hầu hạ đến người có giới, có thiện pháp, có Phạm hạnh như là ta bằng việc ấy’ là việc có tính chất đôi lứa, thì tội saṅghādisesa.”
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Bị khởi dục nghĩa là có bị nhiễm dục vọng, có sự khao khát, có tâm say đắm.
Bị thay đổi: Tâm bị nhiễm dục vọng là (tâm) bị thay đổi, tâm giận hờn là (tâm) bị thay đổi, tâm mê muội là (tâm) bị thay đổi. Tâm bị nhiễm dục vọng là (tâm) ‘bị thay đổi’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Người nữ nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ Dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, có trí suy xét, có khả năng nhận biết lời nói tốt và lời nói xấu, là (lời nói) thô tục và không thô tục.
Trong sự hiện diện của người nữ: xung quanh người nữ, không xa người nữ.
Tình dục cho bản thân: là tình dục của chính bản thân, có nguyên nhân của bản thân, có ý định cho bản thân, là sự phục vụ cho bản thân.
Đây là việc đứng đầu: điều này là tột đỉnh, điều này là hạng nhất, điều này là dẫn đầu, điều này là tối thượng, điều này là quý báu nhất.
Người nữ: là người nữ dòng vua chúa, hoặc là người nữ Bà-la-môn, hoặc là người nữ thương buôn, hoặc là người nữ nô lệ.
Như là ta: là người dòng vua chúa, hoặc là Bà-la-môn, hoặc là thương buôn, hoặc là nô lệ.
Người có giới: người có sự tránh xa việc sát sanh, có sự tránh xa việc trộm cắp, có sự tránh xa việc nói dối.
Có Phạm hạnh: có sự tránh xa việc đôi lứa.
Có thiện pháp nghĩa là với giới ấy và với Phạm hạnh ấy là (người) có thiện pháp.
Bằng việc ấy: bằng việc đôi lứa.
Nên hầu hạ: nên làm cho thích thú.
Có tính chất đôi lứa: là có liên quan đến việc hành dâm.
Tội saṅghādisesa: ―(như trên)― cũng vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’
Là người nữ, nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ ấy thì phạm tội saṅghādisesa.
[Là người nữ, có sự hoài nghi ―(như trên)― (lầm) tưởng là người vô căn ―(như trên)― (lầm) tưởng là người nam ―(như trên)― (lầm) tưởng là loài thú và bị khởi dục, vị tỳ khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người nữ ấy thì phạm tội dukkaṭa.
Là người vô căn, nhận biết là người vô căn và bị khởi dục, vị tỳ khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người vô căn ấy thì phạm tội thullaccaya.
Là người vô căn, có sự hoài nghi ―(như trên)― (lầm) tưởng là người nam ―(như trên)― (lầm) tưởng là loài thú ―(như trên)― (lầm) tưởng là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của người vô căn ấy thì phạm tội dukkaṭa.
Là người nam ―(như trên)― Là loài thú, nhận biết là loài thú ―(như trên)― có sự hoài nghi ―(như trên)― (lầm) tưởng là người nữ ―(như trên)― (lầm) tưởng là người vô căn ―(như trên)― (lầm) tưởng là người nam và bị khởi dục, vị tỳ khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của loài thú ấy thì phạm tội dukkaṭa].
Hai người nữ, đối với hai người nữ nhận biết là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của hai người nữ ấy thì phạm hai tộisaṅghādisesa. ―(như trên)―
Người nữ và người vô căn, đối với cả hai (lầm) tưởng là người nữ và bị khởi dục, vị tỳ khưu ca ngợi sự hầu hạ tình dục cho bản thân trong sự hiện diện của hai người ấy thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. ―(như trên)―
Vị nói rằng: “Hãy hộ độ với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh,” vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
–ooOoo–
Chuyện dẫn giải kệ ngôn tóm lược
Làm sao bà hiếm muộn (sanh con)? (Làm sao) tôi đạt được đứa con trai? Được yêu quý? Và có thể may mắn? Tôi nên dâng vật gì? Tôi có thể hộ độ bằng thứ gì? Làm sao tôi có thể đi đến cõi trời?
*****
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà không sanh sản nọ đã nói với vị tỳ khưu thường tới lui với gia đình điều này: – “Thưa ngài, làm sao tôi có thể sanh con?” – “Này em gái, hãy dâng vật thí hạng nhất.” – “Thưa ngài, cái gì là vật thí hạng nhất?” – “Là việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (1)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà còn sanh sản nọ đã nói với vị tỳ khưu thường tới lui với gia đình điều này: – “Thưa ngài, làm sao tôi có thể đạt được con trai?” – “Này em gái, hãy dâng vật thí hạng nhất.” – “Thưa ngài, cái gì là vật thí hạng nhất?” – “Là việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (2)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ đã nói với vị tỳ khưu thường tới lui với gia đình điều này: – “Thưa ngài, làm sao tôi có thể được chồng yêu quý?” – “Này em gái, hãy dâng vật thí hạng nhất.” – “Thưa ngài, cái gì là vật thí hạng nhất?” – “Là việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (3)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ đã nói với vị tỳ khưu thường tới lui với gia đình điều này: – “Thưa ngài, làm sao tôi có thể được may mắn?” – “Này em gái, hãy dâng vật thí hạng nhất.” – “Thưa ngài, cái gì là vật thí hạng nhất?” – “Là việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (4)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ đã nói với vị tỳ khưu thường tới lui với gia đình điều này: – “Thưa ngài, tôi nên dâng ngài vật gì?” – “Này em gái, hãy dâng vật thí hạng nhất.” – “Thưa ngài, cái gì là vật thí hạng nhất?” – “Là việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (5)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ đã nói với vị tỳ khưu thường tới lui với gia đình điều này: – “Thưa ngài, tôi hộ độ ngài bằng vật gì?” – “Này em gái, bằng vật thí hạng nhất.” – “Thưa ngài, cái gì là vật thí hạng nhất?” – “Là việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (6)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ đã nói với vị tỳ khưu thường tới lui với gia đình điều này: – “Thưa ngài, làm sao tôi có thể đi đến cõi trời?” – “Này em gái, hãy dâng vật thí hạng nhất.” – “Thưa ngài, cái gì là vật thí hạng nhất?” – “Là việc đôi lứa.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội saṅghādisesa.” (7)
Dứt điều học về sự hầu hạ tình dục cho bản thân.
–ooOoo–
[1] Phỏng dịch theo chú giải (Vin.A. iii, 555). Dịch sát từ là ‘người nữ mang bát nước.’
[2] Bảo hộ: không cho phép đi đến bất cứ nơi đâu. Canh giữ: giữ nàng ở nơi kín đáo, không để các người khác nhìn thấy. Thể hiện sự lãnh đạo: cấm đoán nàng sống ở chỗ theo ý thích. Vận hành sự quản lý: nói rằng: “Hãy làm điều này, chớ có làm điều kia” (VinA. iii, 555).
[3] Sớ Giải (Ṭīkā) giải thích là sasāmikā nghĩa là cô ấy đã có chồng, đã có sở hữu chủ.
[4] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: Vợ sống chung vì y phục: đề cập đến người đàn bà nghèo trở thành vợ sau khi nhận lấy y phục cho dầu chỉ là tấm áo choàng.
[5] Vợ được cưới theo nghi thức: Sau khi cả hai người nhúng hai tay vào trong một bát nước nói rằng: “Hãy gắn bó như là nước này, đừng có chia lìa” thì nàng được chấp nhận là vợ theo phong tục.
[6] Vợ do nâng đỡ gánh nặng: Nàng là người kiếm củi, v.v… Sau khi lấy xuống từ đầu của nàng tấm đệm lót để đội vật nặng rồi đem về sống ở trong nhà.
[7] Vợ hạng nữ tỳ: Nàng được thuê làm việc trong nhà. Người đàn ông không hài lòng với vợ của mình rồi san sẽ cuộc sống gia đình với nàng.
[8] Vợ hạng tù binh: Khi đoàn quân dương cờ đi đến chiếm cứ một khu vực và nàng bị bắt đem lại, một người nào đó nhận nàng làm vợ nên được gọi là dhajāhaṭā (VinA. iii, 555).
[9] Người học trò khi quay trở về không báo cho thầy biết (đứng ở bên ngoài) và đích thân đem lại hồi báo cho người đàn ông. Người thầy bản thân nhận lời và bản thân bảo học trò thông báo nên phạm tộithullaccaya vì hai phần ấy; còn người học trò bản thân thông báo và bản thân đem lại (hồi báo) nên phạm tội thullaccaya vì hai phần ấy (VinA. iii, 559).
[10] Ngài Buddhaghosa giải thích alaṃvacanīyā là pariccattā (bị từ bỏ). Theo như trong một số quốc độ người đàn bà bị mất đi tính chất làm vợ thì gọi là alaṃvacanīyā. Ý nghĩa của các từ được ghi như sau: alaṃ: vừa đủ, xứng đáng; vacanīya: nên được nói, cần phải nói; alaṃvacanīyā: được nói đủ rồi, hết nước nói, không còn gì để nói (VinA. iii, 561).
[11] Maṇikaṇṭha nghĩa là “cổ có ngọc ma-ni.” Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: “Nghe nói con rồng chúa ấy khi đi có trang điểm ở cổ một viên ngọc ma-ni lớn vĩ đại (có thể) ban cho tất cả các điều mong ước; vì thế được biết đến với tên Maṇikaṇṭha” (VinA. iii, 565).
[12] Sugatavidatthi (gang tay của đức Thiện Thệ): được ngài Buddhaghosa giải thích bằng ba lần gang tay của người bậc trung, với bàn tay của người thợ nề thì bằng một gang rưỡi (VinA. iii, 567). Cũng vậy, HT. Bửu Chơn ghi rằng 1 gang của người bậc trung là 0,25 mét và tính ra diện tích là 9,00 mét x 5,20 mét (Tứ Thanh Tịnh Giới, trang 33, ở phần chú thích). Trong tài liệu Vinayamukha, ngài Mahāsamaṇa Chao đề nghị rằng sugatavidatthi, tức là gang tay của đức Thiện Thệ, nên được tính theo kích thước trung bình là 0,25 mét; như vậy diện tích sẽ là 3,00 mét x 1,75 mét. Vì đây là kuṭi (cốc) nên chúng tôi nghĩ rằng kích thước thứ hai hợp lý hơn.
[13] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: Ngoại trừ nhà ở cho mục đích trú ngụ của vị ấy (thì phạm tội). Nếu vị ấy cho xây dựng bảo rằng: “Sẽ là nhà làm lễ Uposatha, nhà tắm hơi, nhà ăn, nhà đốt lửa khác nữa,” trong mọi trường hợp thì vô tội. Tuy nhiên, nếu vị ấy nghĩ rằng: “Sẽ là nhà làm lễ Uposatha và ta sẽ trú ngụ,” hoặc “Sẽ là nhà tắm hơi, nhà ăn, nhà đốt lửa và ta sẽ trú ngụ,” trong khi được cho làm thì vị ấy phạm tội (VinA. iii, 574).
Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I
–ooOoo–
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)