BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM KHOÁ THIỀN VIPASSANA THIỀN SƯ S.N. GOENKA HƯỚNG DẪN
- Tứ Thánh Đế: khổ, nhân sanh khổ, sự đoạn khổ, con đường đoạn khổ
- Chuỗi duyên sinh
Năm ngày đã qua; bạn còn lại năm ngày nữa để thực hành. Hãy tận dụng năm ngày còn lại bằng cách dốc hết nỗ lực, với sự hiểu biết đúng đắn về kỹ thuật.
Từ việc quan sát hơi thở trong một vùng giới hạn, bạn đã tiến lên việc quan sát các cảm thọ khắp toàn thân. Khi mới bắt đầu pháp hành này, có thể trước tiên bạn sẽ gặp những cảm thọ khó chịu, thô, kiên cường và căng thẳng như đau nhức, sức ép, vv…. Trong quá khá bạn đã gặp những kinh nghiệm như vậy rồi, nhưng đường lối quen thói của tâm bạn là phản ứng với các cảm thọ, lăn vào lạc và quay cuồng trong khổ, để cứ mãi luôn luôn dao động. Giờ đây, bạn đang học cách quan sát mà không phản ứng, học cách khảo sát các cảm thọ một cách khách quan, không đồng hóa với chúng.
Đau đớn hiện hữu, khốn khổ hiện hữu, khóc than sẽ không giải thoát được ai ra khỏi đau khổ. Bạn thoát ra khỏi nó như thế nào? Bạn sống với nó ra sao?
Người bác sĩ muốn điều trị một bệnh nhân phải biết bệnh tình họ như thế nào, và nguyên nhân cơ bản của chứng bệnh ấy là gì. Nếu có nhân, tất phải có cách chữa, bằng cách loại trừ nhân. Một khi nhân đã được loại trừ, bệnh sẽ tự động bị loại trừ. Vì vậy, cần phải thực hiện những bước để dứt trừ nhân.
Trước hết bạn phải chấp nhận sự thực của khổ. Khổ hiện hữu khắp mọi nơi; đây là một sự thực phổ quát. Nhưng sự thực này trở thành Thánh Đế (sự thực cao thượng) khi bạn bắt đầu quan sát nó không phản ứng, vì bất kỳ ai làm như vậy chắc chắn sẽ trở thành một người thánh thiện, cao quý. Khi bạn bắt đầu quan sát Thánh Đế Thứ Nhất – sự thực của khổ, thì nhân của khổ sẽ nhanh chóng trở nên rõ rệt, và bạn cũng bắt đầu quan sát nó; đây là Thánh Đế Thứ Hai. Nếu nhân được trừ diệt, thì khổ cũng bị trừ diệt. Đây là Thánh Đế Thứ Ba – sự diệt khổ. Để thành tựu sự trừ diệt này bạn phải thực hiện những bước; đây là Thánh Đế Thứ Tư – con đường hay cách để chấm dứt khổ bằng việc trừ tuyệt nhân của nó.
Bạn bắt đầu bằng cách học quan sát không phản ứng. Khảo sát cái đau bạn đang nếm trải một cách khách quan, như thể nó là cái đau của người khác. Xem xét kỹ cái đau giống như một nhà khoa học quan sát một cuộc thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của ông ta. Khi bạn thất bại, hãy cố gắng trở lại. Cứ duy trì sự cố gắng, và bạn sẽ thấy rằng dần dần rồi bạn cũng thoát ra khỏi khổ đau.
Mọi chúng sinh đều khổ. Cuộc đời bắt đầu với tiếng khóc; sanh là một nỗi khổ lớn. Và bất kỳ ai đã sanh ra thì chắc chắn sẽ gặp những cái khổ của bệnh tật và tuổi già. Nhưng bất kể cuộc đời của con người có khốn khổ như thế nào, chẳng ai muốn chết cả, vì chết là một cái khổ lớn nhất.
Suốt cuộc đời, con người còn gặp phải những điều mình không ưa, và chia lìa với những gì mình mến thích. Nói chung, những gì không muốn thì xảy ra, những điều mong đợi lại không đến và người ta cảm thấy đau khổ. Đơn giản hiểu thực tại này ở mức tri thức sẽ không giải thoát được ai cả. Nó chỉ có thể cho ta một nguồn cảm hứng để nhìn vào trong chính con người của mình, để kinh nghiệm sự thực và tìm ra con đường thoát khổ. Đây là những gì Bồ tát Sĩ Đạt Đa Cồ Đàm đã làm để trở thành một vị Phật. Ngài khởi sự quan sát thực tại trong cơ cấu của thân mình giống như một chuyên gia nghiên cứu, đi từ sự thực thô, rõ rệt đến sự thực vi tế hơn, rồi đến sự thực vi tế nhất. Ngài khám phá ra rằng bất cứ khi nào ta bộc lộ tham ái, dù để giữ lấy một cảm thọ lạc hay để loại trừ một cảm thọ khổ, và tham ái ấy không được thỏa mãn, lúc ấy ta bắt đầu đau khổ. Và đi xa hơn, ở mức vi tế nhất Ngài phát hiện ra rằng nếu nhìn với một cái tâm hoàn toàn tự chủ, sự thực sẽ phơi bày rõ ràng rằng chấp thủ năm uẩn là khổ. Về phương diện tri thức, bạn có thể hiểu rằng sắc uẩn, hay thân này, không phải là “ta”, không phải “của ta”, mà chỉ là một hiện tượng vô ngã, đang thay đổi, nằm ngoài quyền kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, thực sự bạn lại đồng hóa với thân ấy, và lộ rõ sự tham chấp đối với bốn danh uẩn – thức, tưởng, thọ, hành (phản ứng) và bám vào chúng như là “tôi”, “của tôi” mặc cho tính chất luôn luôn thay đổi của chúng. Vì những mục đích quy ước, chúng ta phải dùng những từ “tôi” và “của tôi” nhưng khi bạn dính mắc vào năm uẩn, bạn sẽ tạo ra đau khổ cho chính mình. Ở đâu có chấp thủ, ở đó chắc chắn có khổ đau, và chấp thủ càng lớn, khổ đau càng nhiều vậy.
Có bốn loại chấp thủ mà con người cứ mãi phát triển trong cuộc đời. Thứ nhất là chấp thủ vào những dục vọng, vào tham ái của mình (dục thủ). Bất cứ khi nào tham ái khởi lên trong tâm, nó được kèm theo bởi một cảm thọ vật lý (thuộc thân). Mặc dù ở mức sâu kín một cơn bão kích động đã bắt đầu, song ở mức bề ngoài bạn lại thích cái cảm thọ ấy và muốn nó cứ tiếp tục. Điều này có thể so sánh với việc gãi ngứa một vết thương, dù biết làm như vậy sẽ chỉ khiến nó ngứa hơn, tuy vậy bạn vẫn thích thú cái cảm giác của việc gãi ngứa ấy. Cũng vậy, ngay khi một dục vọng ấy cũng ra đi, và thế là bạn lại tạo ra một dục vọng mới để cho cảm thọ đó có thể được tiếp tục. Bạn trở nên nghiện tham ái và tăng trưởng thêm nỗi khốn khổ của bạn.
Loại chấp thủ khác là chấp thủ vào “tôi” của “tôi”, không biết cái “tôi” ấy thực sự là gì (ngã chấp thủ). Bạn không thể chịu đựng nổi những lời chỉ trích về cái “tôi” của mình hoặc bất cứ sự tổn thương nào đến nó. Và sự chấp thủ này còn được mở rộng ra để bao gồm luôn cả những gì “thuộc về tôi” những gì “của tôi” nữa. Sự chấp thủ này hẳn sẽ không đem lại khổ đau nếu những gì là “của tôi” cứ tiếp tục trường cửu, và “tôi” cũng cứ vẫn còn để hưởng thụ nó đời đời, những quy luật của tự nhiên cho thấy rằng không sớm thì muộn cái này hay cái kia (của tôi) cũng phải diệt. Dính mắc vào những gì “vô thường” chắc chắn sẽ đem lại khổ đau.
Tương tự, bạn mở rộng sự chấp thủ đến những quan kiến và đức tin của mình, và không thể chịu đựng nổi những chỉ trích nào về chúng, hoặc ngay cả việc chấp nhận rằng người khác cũng có quyền có những quan kiến riêng của họ. Bạn không hiểu rằng mỗi người mang một cặp kính màu khác nhau. Chỉ cần bỏ kính ra, bạn có thể thấy thực tại đúng như nó là, không bị nhuốm màu, nhưng thay vào đó con người cứ vẫn chấp chặt vào màu của cặp kính mình mang, chấp chặt vào những định kiến và đức tin của mình.
Vẫn còn một chấp thủ khác là chấp vào những lễ nghi, giáo điều và những chấp hành mang tính tôn giáo của mình. Con người không hiểu rằng tất cả những thứ này chỉ là những hình thức phô diễn bên ngoài, rằng chúng không chứa đựng cốt tủy của sự thực, nếu một người được chỉ cách để trực tiếp kinh nghiệm sự thực trong chính bản thân, nhưng tiếp tục bám vào những hình thức rỗng không bên ngoài, sự chấp thủ này sẽ tạo ra một trò chơi kéo co (tug-of-war) trong một con người như vậy, và cuối cùng cũng chỉ đưa đến khổ đau mà thôi.
Tất cả những khổ đau của cuộc đời, nếu chiêm nghiệm kỹ, bạn sẽ thấy là chúng phát sinh từ một trong bốn loại thủ này. Đây là những gì Sĩ –đạt-đa Cồ Đàm đã tìm ra trong cuộc nghiên cứu chân lý của mình. Tuy nhiên, Ngài vẫn tiếp tục thẩm sát vào bên trong chính mình để khám phá ra nguyên nhân sâu xa nhất của khổ, để hiểu xem toàn bộ hiện tượng này vận hành như thế nào, để theo dấu nó đến tận căn nguyên nguồn gốc của nó.
Hiển nhiên những khốn khổ của cuộc đời như bệnh tật, tuổi già, sự chết, đau đớn về thể xác và tinh thần và những hậu quả tất yếu của sanh. Vậy thì, lý do gì khiến cho sanh có mặt? Dĩ nhiên, nguyên nhân gần nhất là sự giao hợp của cha mẹ, nhưng trên một viễn cảnh rộng lớn, sanh xảy ra do tiến trình trở thành bất tận (hữu) mà toàn thể vũ trụ có liên quan trong đó. Ngay cả vào lúc chết, tiến trình ấy cũng không dừng lại: thân vật lý vẫn tiếp tục hư hoại, phân rã, trong khi thức đã liên kết với một cấu trúc vật chất khác, và tiếp tục trôi chảy, tiếp tục trở thành (hiện hữu). Và vì sao có tiến trình sanh hữu hay trở thành này? Đức Phật đã thấy rõ rằng nguyên nhân của nó chính là sự chấp thủ mà con người phát triển. Do thủ mà con người tạo ra những phản ứng mãnh liệt, sankhãra (hành), khắc một ấn tượng sâu đậm trong tâm. Lúc cuối đời, một trong những ấn tượng này sẽ khởi lên trong tâm và cung cấp một lực đẩy cho dòng tâm thức được tiếp tục.
Bây giờ nguyên nhân của thủ này là gì? Ngài thấy rằng thủ sanh là do những phản ứng nhất thời của ưa và ghét hay thích và không thích. Thích sẽ phát triển thành tham ái mạnh mẽ và không thích thì thành sân hận cực độ, vốn cũng là hình ảnh phản chiếu của tham ái, và cả hai đều chuyển thành thủ. Và vì sao những phản ứng nhất thời của ưa và ghét này lại có mặt? Bất cứ ai quan sát chính mình cũng sẽ thấy rằng ưa-ghét nảy sanh do các cảm thọ của thân. Một khi thọ lạc khởi lên, con người thích nó, muốn giữ nó lại và làm cho nó tăng trưởng thêm. Khi một thọ khổ phát sinh, con người không ưa và muốn tống khứ nó đi. Vậy thì, sao lại có các cảm thọ này? Rõ ràng chúng khởi lên vì có sự tiếp xúc giữa một trong các giác quan và đối tượng của giác quan đặc biệt ấy – chẳng hạn như sự tiếp xúc của mắt với hình ảnh, của tai với âm thanh, của mũi với mùi, của lưỡi với vị, của thân với vật xúc chạm, của tâm với ý nghĩ hay sự tưởng tượng. Ngay khi có một sự tiếp xúc như vậy, một cảm thọ chắc chắn sẽ phát sanh, có thể là lạc, khổ, hoặc không lạc không khổ.
Và lý do có xúc này là gì? Hiển nhiên, toàn thể vũ trụ này đầy dẫy các đối tượng giác quan. Bao lâu sáu giác quan – năm giác quan hay năm căn vật lý, cùng với tâm – còn vận hành, chúng buộc phải gặp các đối tượng tương ứng của chúng. Tại sao các giác quan (căn) này có mặt? Rõ ràng chúng ta là những phần tử không thể tách rời được của dòng tâm và vật chất (danh –sắc); ngay khi sự sống bắt đầu chúng đã có mặt rồi vậy. Vì sao dòng sông hay dòng tâm (danh) và vật chất (sắc) xuất hiện? Do sự trôi chảy của tâm thức, từ sát na này đến sát na khác; từ đời này đến đời kế. Vì sao có dòng tâm thức này?
Ngài (đức Phật) thấy rằng nó phát sanh do hành (sankhãra) hay những phản ứng tâm lý. Mỗi phản ứng cung cấp một lực đẩy cho dòng tâm thức, dòng này cứ tiếp tục trôi chảy nhờ những thúc đẩy mà các phản ứng này tác động vào nó. Và vì sao các phản ứng (hành) này xảy ra? Ngài thấy rằng chúng nảy sanh do vô minh. Con người không biết những gì họ đang làm, không biết vì sao họ lại phản ứng, và do đó họ cứ tiếp tục tạo ra các hành (sankhãra). Bao lâu còn vô minh, chừng ấy khổ đau sẽ vẫn còn.
Như vậy, nguồn gốc của tiến trình khổ, nguyên nhân sâu xa nhất của khổ là vô minh. Từ vô minh khởi động một chuỗi các sự kiện qua đó con người tạo ra hàng núi đau khổ cho chúng mình. Nếu vô minh có thể được quét sạch, khổ đau cũng sẽ bị quét sạch.
Con người hoàn tất công việc như thế nào? Họ có thể bứt đứt sợi xích này ra sao? Dòng đời, hay dòng trôi chảy của danh và sắc, đã khởi động. Tự sát sẽ không giải quyết được vấn đề, vì làm thế chỉ tạo ra khổ đai mới. Con người cũng không thể hủy diệt các căn (giác quan) mà không hủy diệt chính mình. Bao lâu các căn còn tồn tại, xúc chắc chắn phải khởi lên với những đối tượng tương ứng của chúng, và bất cứ khi nào có xúc, thì thọ chắc chắc phải phát sinh trong thân.
Ngay đây, ở mắt xích cảm thọ này, bạn có thể bứt dứt chuỗi duyên sanh. Trước đây, mỗi cảm thọ làm phát sinh một phản ứng ưa hoặc ghét, ưa ghét ấy phát triển thành ái hoặc sân mãnh liệt, và đau khổ cũng lớn theo. Nhưng bây giờ, thay vì phản ứng với cảm thọ, bạn đang học cách chỉ quan sát một cách buông xả, hiểu rằng “thọ này cũng sẽ thay đổi (vô thường)”. Cho đến mức độ này, thọ chỉ làm phát sanh trí tuệ, phát sanh sự hiểu biết về tính chất vô thường (anicca) mà thôi. Bạn dừng lại việc quay bánh xe khổ đau và khởi sự quay nó theo hướng ngược lại, hướng về sự giải thoát.
Bất kỳ khoảnh khắc nào bạn không tạo tác một hành (sankhãra) mới, thì một trong những hành cũ sẽ khởi lên trên bề mặt của tâm, và cùng với nó một thọ sẽ khởi động trong thân. Nếu bạn giữ thái độ xả, nó sẽ diệt và một hành hay phản ứng cũ khác khởi lên thay chỗ của nó. Bạn tiếp tục duy trì xả đối với các cảm thọ vật lý này và các hành cũ cứ tiếp tục nối tiếp nhau sanh lên rồi diệt. Nếu do vô minh bạn phản ứng lại với các cảm thọ, lúc đó bạn đã làm tăng thêm các hành, và tất nhiên tăng thêm cả khổ đau của bạn. Nhưng nếu bạn phát triển trí tuệ và không phản ứng lại các cảm thọ, thì các hành cũng nối tiếp nhau bị tiêu diệt, và đau khổ cũng diệt theo.
Toàn bộ đạo lộ là cách để đi ra khỏi khổ đau. Nhờ thực hành, bạn sẽ thấy rằng bạn không còn thắt những nút thắt mới, và những gút thắt cũ cũng tự động mở ra. Dần dần bạn sẽ tiến tới giai đoạn ở đó tất cả các hành dẫn đến sự tái sanh mới, và sau đó cũng dẫn đến những khổ đau mới, đã bị quét sạch: giai đoạn giải thoát hoàn toàn, giác ngộ hoàn toàn.
Để khởi sự công việc, bạn không nhất thiết phải tin vào những kiếp quá khứ và những kiếp tương lai. Trong việc hành Minh-sát, hiện tại là quan trọng nhất. Ở đây, trong kiếp sống hiện tại, bạn vẫn cứ tạo tác các hành, vẫn cứ làm cho bản thân mình đau khổ, vì thế bạn phải bẻ gãy thói quen này và khởi sự đi ra khỏi khổ đau ngay ở đây và bây giờ.
Nếu bạn thực hành, chắc chắn một ngày kia sẽ đến, khi bạn có thể nói rằng bạn đã diệt sạch mọi hành cũ, đã dừng lại không còn tạo tác các hành mới, và vì thế đã tự mình giải thoát khỏi mọi khổ đau.
Để thành tựu mục tiêu này, bạn phải tự mình làm lấy. Do đó, hãy nỗ lực trong suốt năm ngày còn lại, đi ra khỏi khổ đau, và để thụ hưởng hạnh phúc của giải thoát.
Cầu mong tất cả các bạn hưởng được hạnh phúc chân thực!
Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!
Ghi chú: Các đoạn kinh Pãli trích dẫn:
Jãti’ pi dukkhã; jarã’ pi dukkhã;
Vydãdhi’ pi dukkhã; maranam’ pi dukkham;
Appiyehi sampayogo dukkho;
Piyehi vippayogo dukkho;
Yam’ pi’iccham na labhati tam’ pi dukkham;
Sankhittena pãncupãdãnakhandhã dukkhã.
Dhamma-cakkappavattana Sutta. Samyutta Nikãya, LVI (XII).II.I
Sanh là khổ; già là khổ;
Bệnh là khổ; chết là khổ
Gần kẻ không ưa là khổ
Xa người ưa thích là khổ.
Không được cái mình muốn là khổ;
Tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ.
Aneka – jãti samsãram
Sandhã vissam anibbisam
Gahakãrakam gavesanto
Dukkhã jãti punappunam
Gahakãraka! Dithhosi
Puna geham nakãhasi.
Sabbã te phãsuka bhaggã,
Gahakũtam visankhitam
Visankhãra – gatam cittam
Tanhãnam khayamajjhagã.
Dhammapada XI. 8&9 (153 & 154)
Lang lang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Người xây dựng nhà này
Khổ thay, phải tái sanh.
Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi
Ngươi không làm nhà nữa
Đòn tay ngươi đã gãy
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt
Tham ái thảy tiêu vong.
Khĩnam purãnam navam natthi sambhavam.
Viratta citta ayãtike bhavasmim.
Te khĩna – bĩjã avirũlhi chandã
Nibbanti dhĩrã yathãyam padĩpo.
Ratana Sutta.
Nghiệp cũ đã tiêu mòn
Nghiệp mới không sanh khởi
Nhàm chán kiếp lai sanh
Bậc trí chứng Niết Bàn
Ví như ngọn đèn tắt.
Ănãpãna-sati: awareness of respiration: niệm hơi thở hay sự nhận biết hơi thở.
Tâm ý thức – conscious mind, chỉ cái tâm mà chúng ta thường sử dụng trong đời sống hằng ngày để nhận biết mọi sự vật.
Tâm vô thức – uncouscious mind, chỉ phần tâm hoạt động ngầm bên trong (thuật ngữ Phật giáo là bhavanga – tâm hữu phần). Tất nhiên ở đây chỉ muốn nói đến cách sinh hoạt của tâm, chứ không hàm ý có hai loại tâm, vì kỳ thực tâm chỉ có một.
Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.