CHƯƠNG 4: CĂN NGUYÊN VẤN ĐỀ

Đức Phật nói: Sự thật của khổ phải được nghiên cứu đến tận cùng. Vào đêm thành đạo, ngài đã ngồi xuống với một quyết tâm chỉ đứng lên sau khi đã hiểu được nguồn gốc của khổ và phương thức diệt khổ.

Định nghĩa khổ

Ngài thấy rõ ràng khổ hiện hữu. Đây là một sự kiện không thể tránh được, dù nó đáng ghét đến mấy đi nữa. Khổ bắt đầu ngay từ lúc mới chào đời. Chúng ta không có một ký ức nào về sự sống lúc còn trong bụng mẹ, nhưng theo kinh nghiệm thông thường thì chúng ta đều khóc khi mới lọt lòng mẹ. Sinh ra đời là một nỗi khổ lớn.

Đã sinh ra đời, chúng ta bắt buộc phải bị khổ đau vì bệnh tật và già nua. Tuy nhiên, dù chúng ta có ốm đau trầm trọng, hay có tàn tạ, già yếu đến đâu, không ai muốn chết cả, vì chết là một sự khổ đau vô cùng.

Mọi sinh vật đều phải đối diện với tất cả những nỗi khổ này. Và trong suốt cuộc đời, ta còn phải gặp những loại khổ khác, những đau đớn về thể xác và tinh thần. Chúng ta gặp những điều khó chịu, và phải xa cách những điều dễ chịu. Chúng ta không được những gì ta muốn mà phải nhận lãnh những gì ta không muốn. Tất cả những trường hợp này đều là đau khổ.

Những thí dụ trên về sự đau khổ rất rõ ràng đối với những ai chịu suy nghĩ kỹ về nó. Nhưng vị Bồ Tát sắp thành Phật này không hài lòng với sự giải thích hạn hẹp của tri thức. Ngài tiếp tục tìm tòi bên trong bản thân để chứng nghiệm bản tính thực sự của khổ. Và Ngài tìm ra rằng “ràng buộc vào năm tập hợp là khổ”. 1

1 S.LVI (XII). ii.1, Dhamma-Cakkappavattana Sutta.

Ở một mức độ thâm sâu, khổ vì mỗi chúng ta bị ràng buộc quá nhiều vào cái thân này, cái tâm này với thức, nhận định, cảm giác, hành động. Ta bám víu vào con người của mình – tâm và thân – trong khi thật ra nó chỉ là những tiến trình thay đổi. Sự bám chấp vào một cái ngã không thật, vào một điều gì đó trên thực tế luôn luôn thay đổi, đó là khổ.

Bám chấp

Có nhiều loại bám chấp. Trước hết là bám chấp vào thói quen tìm kiếm những khoái cảm. Một người nghiện dùng thuốc vì muốn hưởng thụ những khoái cảm do thuốc tạo ra, dù biết dùng thuốc sẽ trở nên càng ngày càng nghiện thêm. Cũng vậy, chúng ta nghiện sự thèm muốn. Ngay khi một thèm muốn vừa được thỏa mãn, chúng ta lại có một thèm muốn khác. Đối tượng thèm muốn chỉ là thứ yếu, thực tế là chúng ta đang tìm cách duy trì trạng thái thèm muốn liên tục, bởi vì chính sự thèm muốn này tạo cho ta một cảm giác khoái thích mà ta muốn kéo dài mãi mãi.

Thèm muốn trở thành một tập quán, một bệnh ghiền mà chúng ta không thể nào bỏ được. Và cũng như một người nghiện dần dần quen lờn với thuốc và đòi hỏi một liều mạnh hơn để thỏa mãn cơn nghiện, sự thèm muốn của ta càng trở nên mãnh liệt hơn nếu ta cứ tiếp tục thỏa mãn nó. Cứ như vậy, chúng ta không bao giờ hết thèm muốn. Và khi còn thèm muốn, ta chẳng bao giờ được hạnh phúc.

Một sự bám chấp lớn nữa là cái “tôi”, bản ngã, cái hình ảnh của chúng ta có về chính mình. Đối với mỗi người chúng ta, cái “tôi” quan trọng nhất trên đời. Chúng ta hành xử giống như một cục nam châm đặt giữa những vụn sắt bao quanh: nó tự động thu hút sắp xếp các vụn sắt [trong từ trường của nó] theo một khuôn mẫu nhất định mà điểm trung tâm là chính nó. Và hầu như không hề tự xét lại mình, chúng ta đều hành động theo bản năng, cố gắng sắp đặt thế giới này theo ý thích của mình, thu hút những gì mình thích và xua đuổi những gì làm mình khó chịu. Nhưng không ai trong chúng ta là riêng lẻ giữa thế giới.

Cái “tôi” này bắt buộc phải xung đột với cái “tôi” khác. Những khuôn mẫu ta tạo muốn tạo ra bị quấy nhiễu bởi “từ trường” của những “thỏi nam châm” khác, và chính ta cũng trở thành đối tượng của những lực hút hay đẩy. Kết quả chỉ có thể là khổ đau và bất hạnh.

Chúng ta không chỉ giới hạn sự bám chấp vào cái “tôi”, mà còn mở rộng ra tới cái “của tôi”, bất cứ cái gì thuộc về tôi. Chúng ta phát triển sự bám chấp mạnh mẽ vào những cái ta có, vì chúng liên quan đến chúng ta, chúng đánh bóng hình ảnh cái ‘tôi” lên. Sự bám chấp này sẽ chẳng thành vấn đề nếu những cái gọi là “của tôi” bất diệt, và cái “tôi” tồn tại để hưởng chúng đời đời. Nhưng sự thật thì sớm hay muộn cái “tôi” cũng bị tách rời khỏi cái “của tôi”. Thời điểm phân ly chắc chắn sẽ tới. Và khi nó tới, càng bám chấp vào cái “của tôi” bao nhiêu thì càng khổ bấy nhiêu.

sự bám chấp còn nới rộng hơn tới cả quan điểm và lòng tin. Không cần biết nội dung các quan điểm đó là gì, đúng hay sai, nếu chúng ta bám chấp thì chắc chắn chúng ta khổ. Mỗi chúng ta đều quả quyết quan điểm và truyền thống của mình là tốt nhất và cảm thấy bực bội khi nghe người khác chỉ trích. Khi chúng ta giải thích quan điểm của mình và không được người khác chấp nhận, chúng ta cũng bực tức. Chúng ta không biết rằng mỗi người đều có niềm tin riêng. Tranh cãi quan điểm nào đúng là vô ích.

Nếu gạt sang bên những thiên kiến và nhìn vào thực tế thì có ích hơn. Nhưng sự bám chấp vào quan điểm đã ngăn cản không cho ta làm điều đó, nên ta vẫn tiếp tục khổ đau.

Cuối cùng là sự bám chấp vào tôn giáo và nghi thức. Chúng ta có khuynh hướng nhấn mạnh vào những nghi thức bề ngoài hơn là ý nghĩa bên trong, và cho rằng những người nào không thực hành những nghi thức đó không phải là người ngoan đạo. Chúng ta quên rằng, không có tinh túy thì hình thức bên ngoài chỉ là cái vỏ rỗng.

Tụng kinh hay hành lễ đều không có giá trị gì nếu tâm còn đầy tức giận, đam mê, ác ý. Muốn thật sự là người mộ đạo, chúng ta phải phát triển thái độ tôn giáo: tâm thanh tịnh, lòng từ ái và trắc ẩn đối với tất cả. Nhưng vì chúng ta bị ràng buộc vào hình thức bề ngoài của tôn giáo nên chúng ta đặt nặng hình thức hơn tinh thần. Chúng ta đã bỏ sót cái tinh túy của tôn giáo và vì vậy chúng ta tiếp tục chịu khổ.

Tất cả khổ đau của chúng ta, dù là gì đi nữa, đều liên quan đến một trong những sự bám chấp này. Bám chấp và khổ đau luôn đi đôi với nhau.

 

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *