Phân Tích Giới Tỳ Khưu I
Chương 3: Saṅghādisesa
Điều học về sự khó dạy
- Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, đại đức Channa hành xử sai nguyên tắc. Các tỳ khưu đã nói như vầy: – “Này đại đức Channa, chớ có làm điều như vậy. Việc ấy không được phép.” Vị ấy đã nói như vầy: – “Này các đại đức, điều gì khiến các ngươi nghĩ là tôi cần được dạy bảo? Chính tôi mới nên dạy bảo các ngươi. Đức Phật là của chúng tôi, Giáo Pháp là của chúng tôi, Giáo Pháp đã được thấu suốt bởi ngài thái tử của chúng tôi. Cũng giống như cơn gió mạnh thổi qua thì gom tụ cỏ, củi, lá cây, và rác rưởi đó đây chung lại thành đống; hoặc cũng giống như dòng sông phát xuất từ ngọn núi thì gom tụ các loại rong rêu chung lại thành đống; tương tợ như thế, các ngươi có tên khác nhau, có họ khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có gia tộc khác nhau đã được xuất gia và quy tụ chung lại. Điều gì khiến các ngươi nghĩ là tôi cần được dạy bảo? Chính tôi mới nên dạy bảo các ngươi. Đức Phật là của chúng tôi, Giáo Pháp là của chúng tôi, Giáo Pháp đã được thấu suốt bởi ngài thái tử của chúng tôi.” Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao trong khi được các tỳ khưu dạy bảo đúng theo Pháp, đại đức Channa lại tỏ ra ương ngạnh?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này Channa, nghe nói trong khi được các tỳ khưu dạy bảo đúng theo Pháp, ngươi lại tỏ ra ương ngạnh, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này kẻ rồ dại, vì sao trong khi được các tỳ khưu dạy bảo đúng theo Pháp, ngươi lại tỏ ra ương ngạnh vậy? ―(như trên)― Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Ngay cả vị tỳ khưu có bản tánh khó dạy, trong khi được dạy bảo bởi các tỳ khưu về các điều học thuộc về giới bổn lại tỏ ra ương ngạnh: ‘Các đại đức chớ có nói bất cứ điều gì đến tôi dầu là tốt hay là xấu; tôi cũng sẽ không nói bất cứ điều gì đến các đại đức dầu là tốt hay là xấu. Các đại đức hãy kềm chế lại việc đề cập đến tôi.’ Vị tỳ khưu ấy nên được nói bởi các tỳ khưu như vầy: ‘Đại đức chớ tỏ ra ương ngạnh, đại đức hãy tỏ ra là người dễ dạy. Đại đức hãy dạy bảo các tỳ khưu đúng theo Pháp, các tỳ khưu cũng sẽ dạy bảo đại đức đúng theo Pháp; bởi vì như vậy hội chúng của đức Thế Tôn ấy được phát triển, tức là với sự dạy bảo lẫn nhau, với sự khích lệ lẫn nhau.’ Và khi được nói như vậy bởi các tỳ khưu mà vị tỳ khưu ấy vẫn chấp giữ y như thế, thì vị tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nhắc nhở đến lần thứ ba để dứt bỏ việc ấy. Nếu được nhắc nhở đến lần thứ ba mà dứt bỏ việc ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa.”
- Ngay cả vị tỳ khưu có bản tánh khó dạy: là vị khó dạy, là hội đủ các đức tính làm cho vị ấy trở thành khó dạy, không nhẫn nhịn, không nghiêm chỉnh thọ nhận sự giáo huấn.
Về các điều học thuộc về giới bổn: về các điều học thuộc về giới bổn Pātimokkha.
Bởi các tỳ khưu: là bởi các vị tỳ khưu khác.
Đúng theo Pháp nghĩa là điều học nào đã được đức Thế Tôn quy định, điều ấy nghĩa là đúng theo Pháp. Khi được dạy bảo với điều ấy, lại tỏ ra ương ngạnh: “Các đại đức chớ có nói bất cứ điều gì đến tôi dầu là tốt hay là xấu; tôi cũng sẽ không nói bất cứ điều gì đến các đại đức dầu là tốt hay là xấu. Các đại đức hãy kềm chế lại việc đề cập đến tôi.”
Vị tỳ khưu ấy: là vị tỳ khưu có bản tánh khó dạy.
Bởi các tỳ khưu: là bởi các vị tỳ khưu khác. Các vị nào thấy, các vị nào nghe, các vị ấy nên nói rằng: “Đại đức chớ tỏ ra ương ngạnh, đại đức hãy tỏ ra là người dễ dạy. Đại đức hãy dạy bảo các tỳ khưu đúng theo Pháp, các tỳ khưu cũng sẽ dạy bảo đại đức đúng theo Pháp; bởi vì như vậy hội chúng của đức Thế Tôn ấy được phát triển, tức là với sự dạy bảo lẫn nhau, với sự khích lệ lẫn nhau.” Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu (vị ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm tội dukkaṭa. Các vị sau khi nghe mà không nói thì phạm tội dukkaṭa. Vị tỳ khưu ấy nên được kéo đến giữa hội chúng và nên được nói rằng: “Đại đức chớ tỏ ra ương ngạnh, đại đức hãy tỏ ra là người dễ dạy. Đại đức hãy dạy bảo các tỳ khưu đúng theo Pháp, các tỳ khưu cũng sẽ dạy bảo đại đức đúng theo Pháp; bởi vì như vậy hội chúng của đức Thế Tôn ấy được phát triển, tức là với sự dạy bảo lẫn nhau, với sự khích lệ lẫn nhau.” Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu (vị ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm tội dukkaṭa. Vị tỳ khưu ấy nên được nhắc nhở. Và này các tỳ khưu, nên được nhắc nhở như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) trong khi được các tỳ khưu dạy bảo đúng theo Pháp lại tỏ ra ương ngạnh. Vị ấy không dứt bỏ sự việc ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên nhắc nhở vị tỳ khưu tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) trong khi được các tỳ khưu dạy bảo đúng theo Pháp lại tỏ ra ương ngạnh. Vị ấy không dứt bỏ sự việc ấy. Hội chúng nhắc nhở vị tỳ khưu tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đại đức nào đồng ý việc nhắc nhở vị tỳ khưu tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. ―(như trên)― Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. ―(như trên)― Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng nhắc nhở để dứt bỏ sự việc ấy. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Tội dukkaṭa do lời đề nghị. Các tội thullaccaya do hai lời tuyên ngôn của hành sự. Khi chấm dứt tuyên ngôn của hành sự thì phạm tội saṅghādisesa. Đối với vị vi phạm tội saṅghādisesa, thì tội dukkaṭa do lời đề nghị và các tội thullaccaya do hai lời tuyên ngôn của hành sự hết hiệu lực.
Tội saṅghādisesa: ―(như trên)― cũng vì thế được gọi là “tội saṅghādisesa.”
- Hành sự đúng Pháp, nhận biết là hành sự đúng Pháp, vị không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa. Hành sự đúng Pháp, có sự hoài nghi, vị không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa. Hành sự đúng Pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai Pháp, vị không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa. Hành sự sai Pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng Pháp, ―(như trên)― phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, ―(như trên)― phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, ―(như trên)― phạm tội dukkaṭa.
- Vị chưa được nhắc nhở, vị dứt bỏ, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Dứt điều học về sự khó dạy.
–ooOoo–
[1] Tu viện này được cho xây dựng bởi người phú hộ tên Ghosita (Vin.A. iii, 574).
[2] Channa (Xa-nặc) là người đánh xe hầu cận của thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).
[3] Chỉ có giác quan “thân” (kāyindriyaṃ) để nhận biết sự xúc chạm (Sđd. 575).
[4] Ngài Dabba là con trai của vua xứ Malla (Vin.A. iii, 578).
[5] Hai vị này là hai trong sáu vị đứng đầu nhóm Lục Sư. Thứ tự được trình bày là hai vị Paṇḍuka và Lohitaka ở Sāvatthī, Mettiya và Bhummajaka ở Rājagaha, Assaji và Punabbasuka ở vùng núi Kīṭā (VinA. iii, 614).
[6] Chung sự đọc tụng giới bổn Pātimokkha đang được hiện hành (Vin.A. iii, 608).
[7] Mahāvagga – Đại Phẩm, TTPV tập 07, chương Kosambī thứ X.
[8] Được gọi là “vị thường trú” (āvāsika) nghĩa là có chỗ trú ngụ (āvāso) thuộc về các vị ấy; chỗ trú ngụ được gọi trú xá (vihāra). Tại nơi ấy những vị thường trú nào có trách nhiệm làm mới, sửa chữa những chỗ cũ kỹ, v.v… thì được gọi là āvāsika còn vị chỉ thuần túy cư ngụ thôi thì gọi là nevāsika. Ở đây, các vị này là các vị āvāsika (VinA. iii, 613).
[9] Ngài Buddhaghosa cho biết rằng hai tỳ khưu này (và luôn cả bốn vị còn lại đứng đầu nhóm Lục Sư) đều đã được xuất gia với hai vị Tối thượng Thinh Văn này, đã sống nương nhờ tròn đủ 5 năm, và có học thuộc lòng các tiêu đề mātikā (VinA. iii, 614).
Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I
–ooOoo–
Người dịch: Tỳ khưu Indacanda – Nguồn TamtangPaliViet.net
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)