PHỤ LỤC A: TẦM QUAN TRỌNG CỦA VEDANA (CẢM GIÁC) TRONG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT

Giáo huấn của Đức Phật là một hệ thống để phát triển sự nhận hiểu về tự thân làm phương tiện cho sự chuyển hóa tự thân. Bằng cách đạt đến hiểu biết thực nghiệm về bản tánh của chính mình, chúng ta có thể loại trừ những hiểu biết lệch lạc khiến ta hành động sai lầm và làm khổ chính mình. Chúng ta học cách hành xử phù hợp với thực tại và do đó đưa tới một cuộc sống phong phú, hữu ích và hạnh phúc.

Trong Satipaṭṭhāna Sutta, Kinh về Thiết Lập Ý Thức (Tứ Niệm Xứ) Đức Phật đưa ra một phương pháp thực tiễn để phát triển sự nhận hiểu về tự thân qua việc tự quan sát. Phương pháp này là thiền Vipassana.

Bất cứ cố gắng nào để quan sát sự thật về tự thân mình đều sẽ lập tức phát hiện cái được gọi là “ta” có hai phương diện, thể chất và tinh thần, thân và tâm. Chúng ta phải học cách quan sát cả hai. Nhưng làm sao chúng ta có thể thực sự trải nghiệm được thực tại của thân và tâm? Chấp nhận những giải thích của người khác hoặc chỉ hoàn toàn dựa vào tri thức không thôi đều chưa đủ. Cả hai đều có thể hướng dẫn ta trong công việc khám phá tự thân, nhưng mỗi chúng ta nhất thiết phải trực tiếp khám phá và trải nghiệm thực tại ngay trong bản thân mình.

Mỗi chúng ta trải nghiệm thực tại của thân bằng cách cảm nhận, bằng cách dựa vào những cảm giác nảy sinh trên thân. Với mắt nhắm, chúng ta biết mình có hai tay và những bộ phận khác bởi vì chúng ta cảm thấy chúng. Giống như một quyển sách có bìa và nội dung, cơ cấu thể xác có một thực tại khách quan, bên ngoài – cơ thể (kāya)và một thực tại chủ quan, bên trong của những cảm giác(vedanā). Chúng ta hiểu được quyển sách bằng cách đọc hết chữ nghĩa trong sách; ta trải nghiệm thân thể bằng sự cảm nhận các cảm giác. Không ý thức được cảm giác thì không có sự hiểu biết trực tiếp về cấu trúc vật lý [của thân thể]. Cả hai không tách rời nhau. Tương tự như thế, cơ cấu tinh thần có thể phân tích thành hình thức và nội dung: tâm (citta) và những gì khởi sinh trong tâm (dhamma) – bất cứ ý nghĩ, cảm xúc, ký ức, hy vọng, sợ hãi, bất cứ sự kiện tinh thần nào. 

Cũng như cơ thể và cảm giác không thể trải nghiệm một cách riêng rẽ, ta cũng không thể quan sát tâm mà không bao gồm nội dung của tâm. Cả tâm lẫn thân đều liên quan mật thiết với nhau. Những gì xảy ra ở phần này đều biểu hiện ở phần kia. Đây là khám phá chính yếu của Đức Phật đồng thời cũng là giáo huấn của Ngài. Ngài mô tả: “Những gì khởi sinh trong tâm đều có cảm giác đi kèm.” 1 Do đó, quan sát cảm giác cho ta phương tiện để nghiên cứu toàn thể con người, thể chất cũng như tinh thần.

1 A VIII. ix. 3 (83), Mūlaka Sutta. Xem thêm: A. IX. ii. 4 (14), Samiddhi Sutta

Bốn hình thức của sự thật đều nằm trong mỗi con người: phương diện thể chất và cảm giác, phương diện tinh thần và nội dung. Chúng cung cấp bốn đề tài trong Satipatthana Sutta, bốn phương cách để thiết lập ý thức, bốn lợi điểm để quan sát hiện tượng về con người. Để cho sự tìm hiểu được trọn vẹn, mọi khía cạnh cần được trải nghiệm. Cả bốn đều có thể trải nghiệm bằng cách quan sát vedana (cảm giác).

Vì lý do này, Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vedanā. Trong kinh Brahmajāla, một trong những kinh quan trọng bậc nhất, Ngài nói: “Bậc Giác Ngộ đã giải thoát và thoát khỏi mọi bám chấp nhờ vào việc thấy rõ hết thảy chúng chỉ là sự sinh diệt của cảm giác, sự tùy thuộc vào cảm giác, sự nguy hiểm của cảm giác, sự xa lìa cảm giác.”1 Ngài dạy, ý thức về cảm giác là điều kiện tiên quyết để hiểu được Tứ Diệu Đế: “Đối với người trải nghiệm cảm giác, ta chỉ cho con đường để thực chứng những gì là khổ, nguồn gốc của khổ, sự chấm dứt của khổ và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ.” 2

Vedanā thực sự là gì? Đức Phật mô tả bằng nhiều cách khác nhau. Ngài nói vedanā là một trong bốn tiến trình tạo thành tâm (tức là thọ hay cảm thọ). (Xem Chương 2) Tuy nhiên, khi định nghĩa vedanā một cách chính xác hơn Ngài nói vedanā bao gồm cả hai khía cạnh tinh thần và thể chất. Chỉ có riêng thể chất, ta không cảm thấy gì nếu không có sự hiện diện của tâm. Ví dụ, không có cảm giác trong một xác chết. Đó là do tâm cảm nghiệm, nhưng những gì tâm cảm nghiệm đều có một phần không thể tách rời là thân.

Phần thể chất này giữ địa vị chính yếu trong sự thực hành giáo huấn của Đức Phật. Mục đích của sự thực hành là để phát triển trong chúng ta khả năng đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống một cách bình tâm. Chúng ta học cách làm được như thế bằng cách quan sát với sự bình tâm những gì xảy ra trong thân thể. Với sự bình tâm này, chúng ta có thể dứt bỏ thói quen phản ứng mù quáng. Thay vào đó, chúng ta có thể lựa chọn một phương cách hữu hiệu nhất để hành xử trong mọi tình huống.

1 D. 1. A. III. vii. 61 (ix), Titthāyatana Sutta. S. XXXVI (II). iii. 22 (2), Aṭṭhasata Sutta.

Bất cứ những gì chúng ta trải nghiệm trong đời đều phải qua năm giác quan và tâm ý. Theo tiến trình Duyên Khởi, ngay khi có sự tiếp xúc với một trong những giác quan này, sự tiếp xúc với bất cứ hiện tượng nào, thân hoặc tâm, lập tức cảm giác nảy sinh. Nếu không chú ý đến những gì xảy ra trong thân, chúng ta không ý thức được cảm giác ở tầng lớp nhận thức. Vì vô minh, một phản ứng vô ý thức đối với cảm giác khởi sự, một thoáng thích hay không thích sau đó biến thành thèm muốn hoặc chán ghét. Phản ứng này được lặp đi lặp lại và gia tăng cường độ vô số lần trước khi tạo thành ấn tượng trong tâm nhận thức. 

Nếu chỉ chú trọng đến những gì xảy ra ở tâm nhận thức, một thiền giả chỉ ý thức được tiến trình này sau khi phản ứng đã xảy ra và đã hội tụ đủ sức mạnh nguy hiểm để khống chế người đó. Họ cho phép tia nháng lửa của cảm giác tạo ra ngọn lửa dữ dội trước khi dập tắt nó và tạo ra những khó khăn không cần thiết. Nhưng nếu biết cách quan sát cảm giác trong người một cách khách quan, họ có thể để cho những tia nháng tàn rụi mà không gây ra một đám cháy lớn. Bằng cách chú trọng đến phương diện thể chất, họ ý thức được vedanā (cảm giác) ngay khi chúng nảy sinh và tránh không phản ứng.

Khía cạnh vật lý của vedanā rất quan trọng vì nó cho ta kinh nghiệm rõ ràng, cụ thể về thực tại vô thường trong bản thân. Sự thay đổi xảy ra không ngừng từng giây phút trong cơ thể chúng ta thể hiện bằng cảm giác. Sự vô thường phải được trải nghiệm tại tầng lớp này. Quan sát sự thay đổi liên tục của cảm giác khiến ta chứng nghiệm được bản chất phù du của mình. Sự chứng ngộ này cho thấy tính chất vô nghĩa của sự bám chấp vào những gì quá hư ảo. Do đó, sự trải nghiệm trực tiếp về anicca (vô thường) đương nhiên làm khởi sinh sự chán lìa, nhờ đó ta không những tránh được những phản ứng mới với thèm muốn và chán ghét mà còn xóa bỏ được ngay cả thói quen phản ứng. Bằng cách này, ta dần dần giải thoát tâm khỏi mọi khổ đau. Nếu không bao gồm phương diện thể chất thì sự ý thức vedanā (cảm giác) vẫn chỉ là một phần, không trọn vẹn. Bởi vậy Đức Phật nhấn mạnh nhiều lần đến tầm quan trọng của sự chứng nghiệm về vô thường qua cảm giác. Ngài nói:

“Những ai nỗ lực liên tục ý thức về cơ thể, tránh dữ, làm lành, những người như thế, ý thức với sự hiểu biết thấu đáo, thoát khỏi mọi bất tịnh.”

Nguồn gốc của khổ đau là taṇhā, thèm muốn và chán ghét. Thông thường, có vẻ như chúng ta sinh ra thèm muốn và chán ghét đối với những đối tượng mà chúng ta tiếp xúc qua năm giác quan và tâm ý. Tuy nhiên Đức Phật tìm thấy là giữa đối tượng và sự phản ứng có một mắt xích bị bỏ quên: vedanā (cảm giác). Khi chúng ta biết cách quan sát mà không phản ứng với sự thèm muốn hay chán ghét thì nguyên nhân của khổ đau không còn nảy sinh và khổ đau bị diệt trừ. 

Do đó quan sát cảm giác là điều thiết yếu trong sự thực hành giáo huấn của Đức Phật. Sự quan sát phải ở tầng lớp cảm giác nếu muốn cho sự ý thức được trọn vẹn. Với sự ý thức về cảm giác chúng ta có thể thâm nhập cội nguồn của phiền não và diệt trừ được chúng. Chúng ta có thể quan sát bản chất của mình ở tận bề sâu và tự giải thoát mình khỏi mọi khổ đau.

Với hiểu biết về tầm quan trọng cốt lõi của sự quan sát cảm giác trong giáo huấn của Đức Phật, chúng ta có được tuệ giác mới về kinh Satipaṭṭhāna (Kinh Tứ niệm xứ). 1

 Kinhnày bắt đầu bằng cách nêu lên mục đích của satipaṭṭhāna,sự thiết lập ý thức, đó là “thanh lọc tâm chúng sinh, vượt qua buồn rầu, phiền muộn, chấm dứt khổ đau tinh thần và thể xác, thực hành con đường của sự thật, tự chứng sự thật tối hậu, nibbāna.” 

Sau đó kinh giải thích ngắn gọn làm sao thực hiện được mục tiêu này: “Ở đây thiền giả không ngừng tu tập với sự hiểu biết thấu đáo và ý thức, quan sát thân trong thân, quan sát cảm giác trong cảm giác, quan sát tâm trong tâm, quan sát nội dung của tâm trong nội dung của tâm, lìa bỏ sự thèm muốn và chán ghét đối với thế gian.” 3

Ý nghĩa của “quan sát thân trong thân, cảm giác trong cảm giác”, và những câu tương tự là gì? Đối với một thiền giả Vipassana, câu này hết sức sáng tỏ. Cơ thể, cảm giác, tâm và nội dung của tâm là bốn hình thức của một con người. Để hiểu đúng đắn hiện tượng này về con người, mỗi chúng ta phải trực tiếp trải nghiệm được thực tại của bản thân. Để đạt được sự tự chứng này, thiền giả phải phát triển hai phẩm chất: ý thức (sati) và sự hiểu biết thấu đáo (sampajañña). Tiêu đề của kinh là “Sự thiết lập ý thức” nhưng sự ý thức sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sự hiểu biết, tuệ giác vào chiều sâu bản chất của chính mình, vào sự vô thường của hiện tượng mà ta gọi là “cái ta”. Sự thực hànhsatipaṭṭhāna cho phép thiền giả chứng nghiệm được bản chất phù du của chính mình. Khi đã có sự tự chứng này thì ý thức được thiết lập một cách vững vàng – ý thức đúng đắn đưa đến sự giải thoát. Sau đó sự thèm muốn và chán ghét tự động biến mất, không chỉ đối với thế giới bên ngoài mà còn đối với thế giới nội tâm, nơi sự thèm muốn và chán ghét bám rễ rất sâu và thường bị bỏ sót – sự bám chấp tự động và sâu đậm vào thân và tâm của mình. Khi nào sự bám chấp dưới đáy sâu này còn tồn tại thì ta chưa hết khổ.

1 Kinh Satipaṭṭhāna xuất hiện hai lần trong Kinh tạng Pali (Sutta Piṭaka), ở số 22, Trường Bộ Kinh và ở số 10, Trung Bộ Kinh. Trong bản kinh thuộc Trường Bộ Kinh, đoạn nói về dhammānupassanā dài hơn bản thuộc Trung Bộ Kinh. Do đó, bản kinh thuộc Trường Bộ Kinh thường được gọi là Mahā-Satipaṭṭhāna Suttanta (Kinh Đại Niệm xứ), tức là bản “dài hơn” Ngoài ra thì hai bản đều giống nhau. Các đoạn trích trong bài này được thấy trong cả hai bản.

2 Satip. 3 Ibid.

Kinh “Thiết Lập Ý thức” trước hết đề cập đến sự quan sát cơ thể. Đây là khía cạnh hiển nhiên nhất trong cơ cấu vật chất – tinh thần, do đó là khởi điểm thích hợp để bắt đầu công việc tự quan sát. Từ khởi điểm này, sự quan sát cảm giác, tâm và nội dung của tâm tiến triển một cách tự nhiên. Kinh giải thích là có nhiều phương cách để quan sát cơ thể. Đầu tiên và thông thường nhất là quan sát hơi thở. Một cách khác là bắt đầu quan sát những hoạt động của cơ thể. Nhưng dù bắt đầu bằng cách nào đi nữa cũng đều có những trạm phải đi qua trên con đường đến mục đích cuối cùng. Những trạm này được mô tả trong một đoạn có tầm quan trọng thiết yếu của bản kinh:

“Theo cách này thiền giả chú tâm quan sát thân trong thân, bên trong hay bên ngoài, hoặc cả bên trong lẫn bên ngoài. Thiền giả chú tâm quan sát hiện tượng nảy sinh trong thân. Thiền giả chú tâm quan sát hiện tượng diệt mất trong thân. Thiền giả chú tâm quan sát hiện tượng sinh và diệt trong thân. Bây giờ ý thức tự hiển hiện đối với thiền giả, “Đây là thân.” Ý thức này phát triển tới mức độ chỉ còn sự hiểu biết và sự quan sát tồn tại, và thiền giả luôn luôn buông xả không còn bám víu vào điều gì trên thế gian.” 1 (1 Ibid.)

Tầm quan trọng cực kỳ của đoạn kinh này được thấy rõ qua thực tế là nó được lặp lại không những ở cuối mỗi đoạn trong phần thảo luận về quan sát thân, mà cả trong những đoạn kế tiếp liên quan đến sự quan sát cảm giác, tâm và nội dung của tâm. (Trong những phần kế tiếp, từ “cơ thể” lần lượt được thay thế bằng “cảm giác”, “tâm”, và “nội dung của tâm”.) Do đó đoạn văn mô tả phương cách chung cho sự thực tập satipaṭṭhāna. Vì khó hiểu nên có nhiều cách giải thích khác nhau. Tuy nhiên, sự khó hiểu sẽ không còn khi đoạn này được hiểu là chỉ đến ý thức về cảm giác. Trong sự thực tập satipaṭṭhāna, thiền giả phải đạt được tuệ giác hoàn chỉnh về bản tánh của chính mình. Phương tiện để có được tuệ giác xuyên thấu này là sự quan sát cảm giác đồng thời cũng bao gồm sự quan sát ba khía cạnh kia của hiện tượng về con người. Như vậy dù bước khởi đầu có khác nhau, tới một giai đoạn nào đó sự thực tập phải bao gồm ý thức về cảm giác.

Kinh văn giải thích rằng, thiền giả bắt đầu bằng quan sát cảm giác nảy sinh bên trong cơ thể hay bên ngoài, trên bề mặt của cơ thể, hoặc cả hai. Đây có nghĩa là từ chỗ quan sát cảm giác một số phần của cơ thể và không quan sát trên các phần khác, thiền giả dần dần phát triển khả năng cảm thấy cảm giác trên toàn thân. Khi mới bắt đầu thực tập, thiền giả có thể cảm thấy những cảm giác mãnh liệt nảy sinh, dường như tồn tại một thời gian. Thiền giả ý thức được sự khởi sinh và sự diệt mất của cảm giác sau một lúc. Trong giai đoạn này thiền giả vẫn trải nghiệm thực tại hiển nhiên của thân và tâm, trạng thái kiên cố có vẻ chắc đặc và tồn tại lâu dài. Nhưng khi ta tiếp tục thực tập, sẽ tới giai đoạn sự chắc đặc đột nhiên tan rã, rồi tâm và thân được trải nghiệm trong bản chất đích thực như là một khối rung động không ngừng sinh diệt. Bây giờ với kinh nghiệm này, cuối cùng ta hiểu được thân, cảm giác, tâm, nội dung của tâm là gì: một sự luân lưu vô tình, một hiện tượng không ngừng thay đổi.

Sự hiểu biết trực nghiệm này về thực tại tối hậu của thân và tâm dần dần phá vỡ ảo tưởng, nhận định sai lầm và thiên kiến của chúng ta. Ngay cả nhận định đúng đắn được chấp nhận chỉ vì lòng tin hoặc bằng sự suy luận sẽ có ý nghĩa mới khi chúng được trải nghiệm. Dần dần với sự quan sát sự thật nội tâm, tất cả những nghiệp khiến cho nhận định (tưởng) bị lệch lạc sẽ bị diệt trừ. Chỉ còn ý thức và trí tuệ thuần khiết tồn tại.

Khi vô minh bị diệt trừ, thói quen cố hữu về thèm muốn và chán ghét cũng bị diệt trừ và thiền giả được giải thoát khỏi mọi ràng buộc sâu đậm vào thế giới bên trong của tâm và thân của chính mình. Khi sự ràng buộc, bám víu này bị diệt trừ, đau khổ sẽ không còn và ta được giải thoát. Đức Phật thường nói: “Những gì cảm nghiệm được đều liên quan tới khổ đau.”1 Do đó vedanā (cảm giác) là một phương tiện lý tưởng để nghiên cứu sự thật về khổ. Cảm giác khó chịu đương nhiên là khổ, nhưng cảm giác dễ chịu nhất cũng là một hình thức của sự dao động, bất an. Mọi cảm giác đều vô thường. Nếu ta bị ràng buộc vào cảm giác dễ chịu thì khi chúng mất đi, đau khổ vẫn còn tồn tại. Như vậy, mọi cảm giác đều chứa đựng hạt giống của khổ đau. Vì lý do này khi nói về con đường đưa tới hết khổ, Đức Phật nói về con đường đưa tới sự nảy sinh cũng như diệt mất của vedanā (cảm giác).2 Khi nào ta vẫn còn trong phạm trù điều kiện hóa của thân và tâm, cảm giác và đau khổ còn hiện hữu. Chúng chỉ bị diệt trừ khi ta vượt qua phạm trù đó và chứng nghiệm được thực tại tối hậu của nibbāna(Niết-bàn).

1 S. XII. iv. 32 (2), Kaḷāra Sutta.

2 S. XXXVI (II). iii. 23 (3), Aññatara Bhikkhu Sutta.

Đức Phật nói: “Một người không thực sự áp dụng Dhamma (Pháp) trong đời chỉ bởi vì nói nhiều về Dhamma. Nhưng mặc dù có người chỉ thoáng nghe về Dhamma, nếu người đó thấy Luật Tự Nhiên từ bản thân, người đó thật sự sống thuận theo Dhamma, và không bao giờ lãng quên Dhamma.” 1

Thân thể của chính ta là nơi hàm chứa sự thật. Khi thiền giả khám phá sự thật trong thân thể mình, sự thật đó sẽ là chân thật đối với họ và họ sống phù hợp theo đó. Mỗi chúng ta đều có thể nhận ra được sự thật đó qua việc học cách quan sát cảm giác trong chính thân thể mình. Và bằng cách làm như thế, ta có thể đạt đến sự giải thoát khỏi khổ đau.

1 Dhammapada, XIX. 4 (259) (Kinh Pháp Cú, kệ số 259). Bản Anh ngữ trong nguyên tác: A man does not really apply Dhamma in life just because he speaks much about it. But though someone may have heard little about it, if he sees the Law of Nature by means of his own body, then truly he lives according to it, and can never be forgetful of the Dhamma.

Kinh văn Pali chép đoạn kệ này là: Na tavata dhammadharo / yavata bahu bhasati / yo ca appampi sutvana / dhammam kayena passati / sa ve dhammadharo hoti / yo dhammam nappamajjati.

Bản dịch Anh ngữ phổ biến nhất của bài kệ này là: He is not “one versed in the Dhamma (Dhammadhara)” just because he talks much. He who hears only a little but comprehends the Dhamma, and is not unmindful is, indeed, “one versed in the Dhamma”.

Ngài Thích Minh Châu Việt dịch đoạn này là: “Không phải vì nói nhiều / Mới xứng danh trì pháp / Những ai tuy nghe ít / Nhưng thân hành đúng pháp / Không phóng túng chánh pháp / Mới xứng danh trì pháp.”

 

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *