ĐẠI PHẨM I – CHƯƠNG PAVĀRAṆĀ: TỤNG PHẨM THỨ BA

Đại Phẩm I

Chương Pavāraṇā

Tụng phẩm thứ ba

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong xứ Kosala vào ngày lễ Pavāraṇā đã có sự sợ hãi vì đám lục lâm. Các vị tỳ khưu đã không thể thỉnh cầu ba lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu hai lần đọc.” Đã có sự sợ hãi dữ dội hơn vì đám lục lâm. Các vị tỳ khưu đã không thể thỉnh cầu hai lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu một lần đọc.” Đã có sự sợ hãi dữ dội hơn vì đám lục lâm. Các vị tỳ khưu đã không thể thỉnh cầu một lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu (cùng một lượt) theo sự đồng năm tu.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā trong khi dân chúng còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Trong khi những người này còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā trong khi dân chúng còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: ‘Trong khi những người này còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng.’ Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi dân chúng còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc —(như trên)— một lần đọc —(như trên)— theo sự đồng năm tu.’

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, trong khi các vị tỳ khưu đang giảng Pháp —(như trên)— trong khi các vị chuyên về Kinh đang trùng tụng về Kinh —(như trên)— trong khi các vị chuyên về Luật đang hỏi về Luật —(như trên)— trong khi các vị Pháp sư đang thảo luận về Pháp —(như trên)— trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần tàn. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: ‘Trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng.’ Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc —(như trên)— một lần đọc —(như trên)— theo sự đồng năm tu.’”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong xứ Kosala vào ngày lễ Pavāraṇā, có hội chúng tỳ khưu đông đảo đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít ỏi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít ỏi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, có hội chúng tỳ khưu đông đảo tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít ỏi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: ‘Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít ỏi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa.’ Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít ỏi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc —(như trên)— một lần đọc —(như trên)— theo sự đồng năm tu.’

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, có sự nguy hiểm từ đức vua ―(như trên)― có sự nguy hiểm vì trộm cướp —(như trên)— có sự nguy hiểm vì hỏa hoạn —(như trên)— có sự nguy hiểm vì nước ngập —(như trên)— có sự nguy hiểm vì loài người —(như trên)— có sự nguy hiểm vì phi nhân —(như trên)— có sự nguy hiểm vì thú dữ —(như trên)— có sự nguy hiểm vì rắn —(như trên)— có sự nguy hiểm cho mạng sống —(như trên)— có sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: ‘Đây là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và điều này sẽ là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh.’ Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Đây là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và điều này sẽ là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc —(như trên)— một lần đọc —(như trên)— theo sự đồng năm tu.’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư là những vị có phạm tội tiến hành lễ Pavāraṇā. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vị có phạm tội không nên thỉnh cầu; vị nào thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, vị nào có phạm tội mà thỉnh cầu thì ta cho phép buộc tội vị ấy sau khi đã thỉnh ý trước.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư trong khi được thỉnh ý trước đã không muốn để cho thỉnh ý. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ sự thỉnh cầu đối với vị không cho thỉnh ý. Và này các tỳ khưu, nên đình chỉ như vầy: Vào ngày lễ Pavāraṇā là ngày mười bốn hoặc mười lăm, trong khi nhân vật ấy có hiện diện ở giữa hội chúng, nên trình lên rằng: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nhân vật tên (như vầy) có phạm tội. Tôi đình chỉ sự thỉnh cầu của vị ấy. Không nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của vị ấy.’ Sự thỉnh cầu đã được đình chỉ.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Trước hết, các vị tỳ khưu hiền thiện sẽ đình chỉ sự thỉnh cầu của chúng ta” nên ra tay trước đình chỉ sự thỉnh cầu của các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội không có cơ sở không có nguyên nhân. Các vị cũng đình chỉ sự thỉnh cầu của các vị đã thỉnh cầu xong. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đình chỉ sự thỉnh cầu của các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội khi không có cơ sở không có nguyên nhân; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa. Và này các tỳ khưu, không nên đình chỉ sự thỉnh cầu của các vị đã thỉnh cầu xong; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa.”

Này các tỳ khưu, như vầy là sự thỉnh cầu bị đình chỉ, như vầy là không bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, thế nào là sự thỉnh cầu không bị đình chỉ? Này các tỳ khưu, trong sự thỉnh cầu với ba lần đọc, nếu đình chỉ sự thỉnh cầu vào lúc đã đọc, đã nói, đã hoàn tất thì sự thỉnh cầu không bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, trong sự thỉnh cầu hai lần đọc, nếu —(như trên)— Này các tỳ khưu, trong sự thỉnh cầu một lần đọc, nếu —(như trên)— Này các tỳ khưu, trong sự thỉnh cầu (đọc một lượt) theo sự đồng năm tu, nếu đình chỉ sự thỉnh cầu vào lúc đã đọc, đã nói, đã hoàn tất thì sự thỉnh cầu không bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, như thế là sự thỉnh cầu không bị đình chỉ.

Này các tỳ khưu, thế nào là sự thỉnh cầu bị đình chỉ? Này các tỳ khưu, trong sự thỉnh cầu ba lần đọc, nếu đình chỉ sự thỉnh cầu vào lúc đã đọc, đã nói, (nhưng) chưa được hoàn tất thì sự thỉnh cầu bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, trong sự thỉnh cầu hai lần đọc, nếu —(như trên)— Này các tỳ khưu, trong sự thỉnh cầu một lần đọc, nếu —(như trên)— Này các tỳ khưu, trong sự thỉnh cầu (đọc một lượt) theo sự đồng năm tu, nếu đình chỉ sự thỉnh cầu vào lúc đã đọc, đã nói, (nhưng) chưa được hoàn tất thì sự thỉnh cầu bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, như thế là sự thỉnh cầu bị đình chỉ.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân không được trong sạch, có sở hành về khẩu không được trong sạch, có sự nuôi mạng không được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu không được trong sạch, có sự nuôi mạng không được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng không được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng được trong sạch, (là vị) sáng trí, có kinh nghiệm, có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này, đại đức đình chỉ vị này do điều gì? Đại đức đình chỉ do sự hư hỏng về giới, đình chỉ do sự hư hỏng về hạnh kiểm, đình chỉ do sự hư hỏng về tri kiến?”

Nếu vị ấy nói như vầy: “Hoặc là tôi đình chỉ do sự hư hỏng về giới, hoặc là tôi đình chỉ do sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc là tôi đình chỉ do sự hư hỏng về tri kiến.” Vị ấy nên được nói như sau: “Vậy vị đại đức có biết sự hư hỏng về giới không, có biết sự hư hỏng về hạnh kiểm không, có biết sự hư hỏng về tri kiến không?” Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi biết sự hư hỏng về giới, tôi biết sự hư hỏng về hạnh kiểm, tôi biết sự hư hỏng về tri kiến.” Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, điều gì là sự hư hỏng về giới, điều gì là sự hư hỏng về hạnh kiểm, điều gì là sự hư hỏng về tri kiến?”

Nếu vị ấy nói như vầy: “Bốn pārājika, mười ba saṅghādisesa, đó là sự hư hỏng về giới. Tội thullaccaya, tội pācittiya, tội pāṭidesanīya, tội dukkaṭa, tội dubbhāsita, đó là sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tà kiến, tri kiến cực đoan, đó là sự hư hỏng về tri kiến.” Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này, có phải đại đức đình chỉ do đã được thấy, đình chỉ do đã được nghe, đình chỉ do sự nghi ngờ?”

Nếu vị ấy nói như vầy: “Hoặc là tôi đình chỉ do đã được thấy, hoặc là tôi đình chỉ do đã được nghe, hoặc là tôi đình chỉ do sự nghi ngờ.” Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này do đã được thấy, đại đức đã thấy gì? Đại đức đã thấy thế nào? Đại đức đã thấy khi nào? Đại đức đã thấy ở đâu? Có phải đã thấy vị này đang phạm pārājika, đã thấy đang phạm saṅghādisesa, đã thấy đang phạm tội thullaccaya …tội pācittiya …tội pāṭidesanīya …tội dukkaṭa …tội dubbhāsita? Và đại đức đã ở đâu, và vị tỳ khưu này đã ở đâu, và đại đức đã làm gì, và vị tỳ khưu này đã làm gì?”

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này do đã được thấy, tuy nhiên tôi đình chỉ sự thỉnh cầu do đã được nghe.” Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này do đã được nghe, đại đức đã nghe gì? Đại đức đã nghe thế nào? Đại đức đã nghe khi nào? Đại đức đã nghe ở đâu? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội pārājika’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội saṅghādisesa’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội thullaccaya …tội pācittiya …tội pāṭidesanīya …tội dukkaṭa …tội dubbhāsita’? Có phải đại đức đã nghe từ vị tỳ khưu, đã nghe từ vị tỳ khưu ni, đã nghe từ cô ni tu tập sự, đã nghe từ vị sa di, đã nghe từ vị sa di ni, đã nghe từ nam cư sĩ, đã nghe từ nữ cư sĩ, đã nghe từ các đức vua, đã nghe từ các quan đại thần của đức vua, đã nghe từ các ngoại đạo, đã nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?”

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này do đã được nghe, tuy nhiên tôi đình chỉ sự thỉnh cầu do sự nghi ngờ.” Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này do sự nghi ngờ, đại đức nghi ngờ gì, nghi ngờ như thế nào, nghi ngờ khi nào, nghi ngờ ở đâu? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội pārājika’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội saṅghādisesa’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tộithullaccaya …tội pācittiya …tội pāṭidesanīya …tội dukkaṭa …tội dubbhāsita’? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu, nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu ni, nghi ngờ sau khi nghe từ cô ni tu tập sự, nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di, nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di ni, nghi ngờ sau khi nghe từ nam cư sĩ, nghi ngờ sau khi nghe từ nữ cư sĩ, nghi ngờ sau khi nghe từ các đức vua, nghi ngờ sau khi nghe từ các quan đại thần của đức vua, nghi ngờ sau khi nghe từ các ngoại đạo, nghi ngờ sau khi nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?”

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này do sự nghi ngờ, hơn nữa tôi cũng không biết do điều gì tôi đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu này.” Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội không làm thỏa mãn tâm của các vị đồng Phạm hạnh thông minh bằng lời đối đáp thì vừa đủ cho lời nói rằng: “Vị bị buộc tội là không có tội.” Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội làm thỏa mãn tâm của các vị đồng Phạm hạnh thông minh bằng lời đối đáp thì vừa đủ cho lời nói rằng: “Vị bị buộc tội là có tội.”

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội thú nhận là (vị kia) đã bị bôi nhọ với tội pārājika không có căn cứ, sau khi khép (vị buộc tội) vào tội saṅghādisesa rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội thú nhận là (vị kia) đã bị bôi nhọ với tội saṅghādisesa không có căn cứ, sau khi cho hành xử (vị buộc tội) theo Pháp rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội thú nhận là (vị kia) đã bị bôi nhọ với tội thullaccaya, … với tội pācittiya, … với tội pāṭidesanīya, … với tộidukkaṭa, … với tội dubbhāsita không có căn cứ, sau khi cho hành xử (vị buộc tội) theo Pháp rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội thú nhận rằng: “Đã phạm tội pārājika,” sau khi trục xuất rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội thú nhận rằng: “Đã phạm tội saṅghādisesa,” sau khi khép vào tội saṅghādisesa rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội thú nhận rằng: “Đã phạm tội thullaccaya … tội pācittiya … tội pāṭidesanīya … tội dukkaṭa … tộidubbhāsita,” sau khi cho hành xử (vị ấy) theo Pháp rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu phạm tộithullaccaya. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội saṅghādisesa. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội thullaccaya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu phạm tội thullaccaya. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya, ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội thullaccaya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tộipācittiya. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội saṅghādisesa. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội pācittiya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tội pācittiya. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita. ―(như trên)― Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội pācittiya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tộipāṭidesanīya. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội saṅghādisesa. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội pāṭidesanīya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tộipāṭidesanīya. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita. ―(như trên)― Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội pāṭidesanīya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễPavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tội dukkaṭa. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa, một số tỳ khưu có quan điểm là tội saṅghādisesa. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội dukkaṭa, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tội dukkaṭa. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa, một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội dukkaṭa, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tộidubbhāsita. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội saṅghādisesa. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội dubbhāsita, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tội dubbhāsita. Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya. ―(như trên)― Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội dubbhāsita, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Sự việc này được biết và nhân sự thì không (biết). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên loại trừ sự việc rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các vị trong sạch. Nếu sự việc này được biết và nhân vật thì không (biết), thì ngay bây giờ đại đức hãy nói về việc ấy.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nhân vật này được biết và sự việc thì không (biết). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên loại trừ nhân vật rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các vị trong sạch và của các sự hợp nhất. Nếu nhân vật này được biết và sự việc thì không (biết), thì ngay bây giờ đại đức hãy nói về việc ấy.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Sự việc này và nhân vật được biết. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên loại trừ sự việc và nhân vật rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các vị trong sạch và của các sự hợp nhất. Nếu sự việc và nhân vật được biết, thì ngay bây giờ đại đức hãy nói về việc ấy.” Này các tỳ khưu, nếu sự việc được biết trước ngày lễ Pavāraṇā, còn nhân vật (được biết) sau đó thì thích hợp cho lời nói. Này các tỳ khưu, nếu nhân vật được biết trước ngày lễ Pavāraṇā, còn sự việc (được biết) sau đó thì thích hợp cho lời nói. Này các tỳ khưu, nếu sự việc và nhân vật được biết trước ngày lễ Pavāraṇā và khi lễ Pavāraṇā đã được thực hiện, nếu khơi lại việc ấy thì phạm tội pācittiyavề việc bươi móc.[3]

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm, thân thiết, đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala. Ở khu vực lân cận của các vị ấy, có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng) đã vào mùa (an cư) mưa (nói rằng): – “Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an cư) mưa, chúng tôi sẽ đình chỉ sự thỉnh cầu (của các vị ấy) vào ngày lễ Pavāraṇā.” Các vị tỳ khưu ấy đã nghe được rằng: “Nghe nói ở khu vực lân cận của chúng ta, có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng) đã vào mùa (an cư) mưa (nói rằng): ‘Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an cư) mưa, chúng tôi sẽ đình chỉ sự thỉnh cầu của các vị ấy vào ngày lễ Pavāraṇā,’ vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm, thân thiết, vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ. Ở khu vực lân cận của các vị ấy, có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng) vào mùa (an cư) mưa (nói rằng): “Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an cư) mưa, chúng tôi sẽ đình chỉ sự thỉnh cầu của các vị ấy vào ngày lễ Pavāraṇā.” Này các tỳ khưu, ta cho phép các vị tỳ khưu ấy thực hiện hai hay ba lễ Uposatha vào ngày mười bốn (nghĩ rằng): “Làm thế nào chúng ta có thể tiến hành lễ Pavāraṇā sớm hơn các vị tỳ khưu ấy?”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng ấy đi đến chỗ trú xứ ấy, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu thường trú ấy nên tụ hội lại thật nhanh chóng và tiến hành lễ Pavāraṇā. Sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā nên nói rằng: “Này các đại đức, chúng tôi đã thực hiện lễ Pavāraṇā, các đại đức hãy làm theo như điều mà các vị suy nghĩ.”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng ấy đi đến trú xứ ấy không báo trước, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu thường trú ấy nên sắp đặt chỗ ngồi, nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rồi đi ra đón, nên rước y và bình bát, và nên hỏi ý về nước uống. Sau khi xem chừng các vị ấy rồi nên đi ra khỏi ranh giới và nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā nên nói rằng: “Này các đại đức, chúng tôi đã thực hiện lễ Pavāraṇā, các đại đức hãy làm theo như điều mà các vị suy nghĩ.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các vị tỳ khưu thường trú ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu thường trú có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Xin các đại đức thường trú hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, giờ đây chúng ta nên tiến hành lễ Uposatha, chúng ta nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Chúng ta có thể tiến hành lễ Pavāraṇā vào hạ huyền tới.”[4]

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng ấy nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy: “Này các đại đức, tốt thôi! Ngay chính hôm nay các vị hãy tiến hành lễ Pavāraṇāvới chúng tôi.” Các vị tỳ khưu ấy nên nói như vầy: “Này các đại đức, các vị không có quyền hành về lễ Pavāraṇā của chúng tôi. Chúng tôi không thể thỉnh cầu cho đến lúc ấy.”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng ấy cư ngụ cho đến thời gian ấy, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu thường trú ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu thường trú có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Xin các đại đức thường trú hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, giờ đây chúng ta nên tiến hành lễ Uposatha, chúng ta nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Chúng ta có thể tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tới.”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng ấy nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy: “Này các đại đức, tốt thôi! Ngay chính hôm nay các vị hãy tiến hành lễ Pavāraṇāvới chúng tôi.” Các vị tỳ khưu ấy nên nói như vầy: “Này các đại đức, các vị không có quyền hành về lễ Pavāraṇā của chúng tôi. Chúng tôi không thể thỉnh cầu cho đến lúc ấy.”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng ấy cư ngụ cho đến ngày trăng tròn ấy, này các tỳ khưu, toàn bộ tất cả các vị tỳ khưu ấy nên tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī cho dầu không muốn.

Này các tỳ khưu, trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, nếu vị bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị không bệnh, vị ấy nên được nói như vầy: “Đại đức đang bị bệnh. Và đức Thế Tôn đã nói là vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại đức, hãy chờ đến khi đại đức hết bệnh. Khi hết bệnh thì đại đức sẽ buộc tội nếu mong muốn.” Và khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tội pācittiya về việc không tôn trọng.[5]

Này các tỳ khưu, trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, nếu vị không bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị bị bệnh, vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, vị tỳ khưu này bị bệnh. Và đức Thế Tôn đã nói là vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại đức, hãy chờ cho đến khi vị tỳ khưu này hết bệnh. Rồi đại đức sẽ buộc tội vị không bệnh nếu mong muốn.” Và khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tộipācittiya về việc không tôn trọng.

Này các tỳ khưu, trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, nếu vị bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị bị bệnh, vị ấy nên được nói như vầy: “Các đại đức đang bị bệnh. Và đức Thế Tôn đã nói là vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại đức, hãy chờ đến khi các vị hết bệnh. Rồi khi không bệnh đại đức sẽ buộc tội vị không bệnh nếu mong muốn.” Và khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tội pācittiya về việc không tôn trọng.

Này các tỳ khưu, trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, nếu vị không bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị không bệnh. Cả hai nên được hội chúng thẩm vấn, tra hỏi, nhắc nhở, cho hành xử theo Pháp, rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm, thân thiết, đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala. Trong khi các vị ấy sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vã nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vã nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta tiến hành lễPavāraṇā, cũng có thể là sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu sẽ ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này; vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, trường hợp có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm, thân thiết, đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ. Trong khi các vị ấy sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vã nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vã nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā, cũng có thể là sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu sẽ ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này.”

Này các tỳ khưu, ta cho phép các vị tỳ khưu ấy thực hiện sự đồng thuận (postpone) về lễ Pavāraṇā. Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy: Toàn bộ tất cả (các vị ấy) nên tụ hội lại một chỗ. Sau khi đã tụ hội lại, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vã nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā, cũng có thể là sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu sẽ ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ chúng ta nên tiến hành lễ Uposatha, nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và nên tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vã nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā, cũng có thể là sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu sẽ ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này. Hội chúng thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Đại đức nào đồng ý việc thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ (hội chúng) sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā đã được hội chúng thực hiện, bây giờ (hội chúng) sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Này các tỳ khưu, nếu khi sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā đã được hội chúng thực hiện, có vị tỳ khưu nọ nói như vầy: “Này các đại đức, tôi muốn ra đi du hành ở trong xứ sở. Tôi có công việc cần làm ở trong xứ sở.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, tốt lắm! Hãy thực hiện lễ Pavāraṇā rồi hãy đi.”

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy trong khi đang thỉnh cầu lại đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu khác. Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, đại đức không có quyền hành về lễ Pavāraṇā của tôi, tôi sẽ không thỉnh cầu cho đến lúc ấy.” Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy trong khi đang thỉnh cầu, có vị tỳ khưu khác đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu ấy. Cả hai nên được hội chúng thẩm vấn, tra hỏi, nhắc nhở, rồi cho hành xử theo Pháp.

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy sau khi hoàn tất công việc cần làm ấy ở trong xứ sở lại quay trở về trú xứ ấy trước ngày trăng tròn tháng Kattika tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang thỉnh cầu, có vị tỳ khưu nọ đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu ấy. Vị nọ nên được nói như vầy: “Này đại đức, đại đức không có quyền hành về lễ Pavāraṇā của tôi. Tôi đã thỉnh cầu rồi.” Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang thỉnh cầu, vị tỳ khưu ấy đình chỉ sự thỉnh cầu của vị tỳ khưu khác. Cả hai nên được hội chúng thẩm vấn, tra hỏi, nhắc nhở, cho hành xử theo Pháp, rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Dứt chương Pavāraṇā là chương thứ ba

–ooOoo–

[3] Liên quan đến tội pācittiya 63 về việc khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết đúng theo pháp (ND).

[4] Ngày này chính là ngày cuối tháng âm lịch của Việt Nam, tức là ngày 29 hoặc 30 (ND).

[5] Liên quan đến tội pācittiya 54 về sự không tôn trọng (ND).

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *