ĐẠI PHẨM I – CHƯƠNG UPOSATHA: TỤNG PHẨM CODANĀVATTHU

Đại Phẩm I

Chương Uposatha

Tụng Phẩm Codanāvatthu

Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến Codanāvatthu. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Codanāvatthu. Tại nơi ấy, đức Thế Tôn đã trú ngụ ở Codanāvatthu. Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ có nhiều vị tỳ khưu cư ngụ. Ở đó, vị tỳ khưu trưởng lão là ngu dốt thiếu kinh nghiệm. Vị ấy không biết lễ Uposatha, hay là hành sự Uposatha, hay là giới bổn Pātimokkha, hay là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha.

Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Giới bổn Pātimokkha là trách nhiệm của vị trưởng lão,’ và vị trưởng lão này của chúng ta thì ngu dốt thiếu kinh nghiệm, không biết lễ Uposatha, hay là hành sự Uposatha, hay là giới bổn Pātimokkha, hay là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ở nơi đó vị tỳ khưu nào có kinh nghiệm, đủ năng lực thì giới bổn Pātimokkha là trách nhiệm của vị ấy.”

Vào lúc bấy giờ, vào ngày lễ Uposatha tại trú xứ nọ có nhiều vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm cư ngụ. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hay là hành sự Uposatha, hay là giới bổn Pātimokkha, hay là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Các vị ấy đã thỉnh mời vị trưởng lão rằng: – “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy đã nói như vầy: – “Này các đại đức, tôi không làm được.” Các vị đã thỉnh mời vị trưởng lão thứ nhì: – “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng đã nói như vầy: – “Này các đại đức, tôi không làm được.” Các vị đã thỉnh mời vị trưởng lão thứ ba: – “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng đã nói như vầy: – “Này các đại đức, tôi không làm được.” Bằng chính phương thức ấy, các vị đã thỉnh mời đến vị mới tu của hội chúng: – “Xin đại đức hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng đã nói như vầy: – “Thưa các ngài, tôi không làm được.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Uposatha tại trú xứ nọ có nhiều vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm cư ngụ. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hay là hành sự Uposatha, hay là giới bổn Pātimokkha, hay là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Các vị ấy thỉnh mời vị trưởng lão rằng: “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không làm được.” Các vị thỉnh mời đến vị trưởng lão thứ nhì: “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không làm được.” Các vị thỉnh mời đến vị trưởng lão thứ ba: “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không làm được.” Bằng chính phương thức ấy, các vị thỉnh mời đến vị mới tu của hội chúng: “Xin đại đức hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng nói như vầy: “Thưa các ngài, tôi không làm được.”

 Này các tỳ khưu, ngay trong hôm ấy một vị tỳ khưu nên được các vị tỳ khưu ấy phái đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và học thuộc lòng giới bổn Pātimokkhamột cách tóm tắt hoặc chi tiết rồi trở về.”

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Nên được phái đi bởi vị nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.” – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.” Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không đi; vị nào không đi thì phạm tội dukkaṭa.”

Sau đó, khi đã ngự tại Codanāvatthu theo như ý thích đức Thế Tôn đã trở về lại thành Rājagaha. Vào lúc bấy giờ, dân chúng hỏi các vị tỳ khưu đang đi khất thực rằng: – “Thưa ngài, là ngày thứ mấy của nửa tháng?” Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: – “Này các đạo hữu, chúng tôi không biết.” Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này không biết đến việc tính toán (ngày) của nửa tháng thì những người này còn biết được điều tốt đẹp gì khác nữa đây?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép học cách tính toán (ngày) của nửa tháng.” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vị nào nên học cách tính toán (ngày) của nửa tháng?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép toàn bộ tất cả đều học cách tính toán (ngày) của nửa tháng.”

Vào lúc bấy giờ, dân chúng hỏi các vị tỳ khưu đang đi khất thực rằng: – “Thưa ngài, có đến bao nhiêu vị tỳ khưu?” Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: – “Này các đạo hữu, chúng tôi không biết.” Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này không biết lẫn nhau thì những người này còn biết được điều tốt đẹp gì khác nữa đây?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép đếm số các vị tỳ khưu.” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Khi nào thì nên đếm số các vị tỳ khưu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha ta cho phép hoặc là đếm số bằng cách gọi tên, hoặc là cho rút thẻ.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu không biết: “Hôm nay là ngày lễ Uposatha” nên đi khất thực ở làng xa. Các vị ấy trở lại trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng, trở lại khi giới bổn Pātimokkha vừa mới đọc tụng xong. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thông báo: ‘Hôm nay là ngày lễ Uposatha.’” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Nên được thông báo bởi vị nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão thông báo vào sáng sớm.”

Vào lúc bấy giờ, có vị trưởng lão nọ vào sáng sớm đã không nhớ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thông báo vào lúc thọ thực.” Ngay cả vào lúc thọ thực, vị ấy cũng đã không nhớ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép lúc nào nhớ thì thông báo vào lúc ấy.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ nhà hành lễ Uposatha bị rác rến. Các tỳ khưu vãng lai phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu lại không quét nhà hành lễ Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép quét nhà hành lễ Uposatha.” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vị nào nên quét nhà hành lễ Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.” Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không quét. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không quét; vị nào không quét thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, chỗ ngồi không được xếp đặt trong nhà hành lễ Uposatha. Các tỳ khưu ngồi trên nền nhà. Các phần thân thể và các y bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép xếp đặt chỗ ngồi trong nhà hành lễ Uposatha.” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vị nào nên xếp đặt chỗ ngồi trong nhà hành lễUposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.” Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không xếp đặt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không xếp đặt; vị nào không xếp đặt thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, trong nhà hành lễ Uposatha không có đèn. Trong bóng tối, các vị tỳ khưu đạp nhầm cơ thể và luôn cả y nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thắp sáng đèn trong nhà hành lễ Uposatha.” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vị nào nên thắp sáng đèn trong nhà hành lễ Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.” Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không thắp sáng đèn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không thắp sáng đèn; vị nào không thắp sáng đèn thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ các tỳ khưu thường trú không cung ứng nước uống, không cung ứng nước rửa. Các tỳ khưu vãng lai phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu thường trú lại không cung ứng nước uống, không cung ứng nước rửa?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép cung ứng nước uống, nước rửa.” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vị nào nên cung ứng nước uống, nước rửa?”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.” Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không cung ứng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không cung ứng; vị nào không cung ứng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm lên đường đi xa đã không xin phép các vị thầy tế độ và thầy dạy học. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm lên đường đi xa không xin phép các vị thầy tế độ và thầy dạy học. Này các tỳ khưu, các vị thầy tế độ và thầy dạy học nên hỏi các vị ấy rằng: “Các ngươi sẽ đi đâu? Các ngươi sẽ đi với ai?”

Này các tỳ khưu, nếu các vị ngu dốt, thiếu kinh nghiệm ấy nêu ra các vị ngu dốt, thiếu kinh nghiệm khác, này các tỳ khưu, các vị thầy tế độ và thầy dạy học không nên cho phép; nếu các vị cho phép thì phạm tội dukkaṭa. Và này các tỳ khưu, (nếu) các vị ngu dốt, thiếu kinh nghiệm ấy không được các vị thầy tế độ và thầy dạy học cho phép mà vẫn đi thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm sống tại trú xứ nọ. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hay là hành sự Uposatha, hay là giới bổnPātimokkha, hay là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Nơi ấy có vị tỳ khưu khác đi đến là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc sáng trí, kinh nghiệm, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nọ nên được các vị tỳ khưu ấy tiếp đón nồng hậu, nên được quan tâm, nên được chăm sóc, nên được cung ứng bột tắm, đất sét (để tắm), gỗ chà răng, nước rửa mặt. Nếu các vị không tiếp đón nồng hậu, quan tâm, chăm sóc, cung ứng bột tắm, đất sét (để tắm), gỗ chà răng, nước rửa mặt thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm sống tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hay là hành sự Uposatha, hay là giới bổn Pātimokkha, hay là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy ngay trong hôm ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và học thuộc lòng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt hoặc chi tiết rồi trở về.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nơi nào có các vị biết về lễ Uposatha, hay là hành sự Uposatha, hay là giới bổn Pātimokkha, hay là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, toàn bộ tất cả các vị tỳ khưu ấy nên đi đến trú xứ ấy; nếu các vị không đi thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm cư trú mùa mưa tại trú xứ nọ. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hay là hành sự Uposatha, hay là giới bổn Pātimokkha, hay là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy ngay trong hôm ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và học thuộc lòng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt hoặc chi tiết rồi trở về.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên phái đi một vị tỳ khưu trong thời hạn bảy ngày (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và học thuộc lòng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt hoặc chi tiết rồi trở về.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì các tỳ khưu ấy không nên cư trú mùa mưa tại trú xứ ấy. Nếu các vị ấy cư trú thì phạm tội dukkaṭa.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, hãy tụ hội lại, hội chúng sẽ thực hiện lễ Uposatha.” Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, có vị tỳ khưu bị bệnh. Vị ấy không đến.” – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh được trao ra sự trong sạch. Và này các tỳ khưu, nên trao ra như vầy: Vị tỳ khưu bị bệnh ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, chắp tay lên và nên nói như vầy: “Tôi xin trao ra sự trong sạch. Hãy chuyển đạt sự trong sạch của tôi. Hãy thông báo về sự trong sạch của tôi.” (Nếu) vị ấy thể hiện bằng thân, thể hiện bằng lời nói, thể hiện bằng thân và lời nói, thì sự trong sạch đã được trao ra. (Nếu) vị ấy không thể hiện bằng thân, không thể hiện bằng lời nói, không thể hiện bằng thân và lời nói, thì sự trong sạch đã không được trao ra. Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên dùng cái giường hoặc cái ghế khiêng vị tỳ khưu bị bệnh ấy đến giữa hội chúng rồi thực hiện lễ Uposatha. Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu chăm sóc bệnh khởi ý như vầy: “Nếu chúng ta di chuyển vị bị bệnh dời khỏi vị trí thì bệnh sẽ trầm trọng hơn, hoặc sẽ gây tử vong,” này các tỳ khưu, không nên di chuyển vị bị bệnh khỏi vị trí. Hội chúng nên đi đến và thực hiện lễ Uposatha ở nơi ấy. Nhưng không nên thực hiện lễ Uposatha bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch từ chính chỗ ấy ra đi (đến nơi khác) thì sự trong sạch nên được trao ra đến vị khác. Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch ngay tại chỗ ấy hoàn tục, từ trần, được biết là vị (xuống lại) sa di, được biết là người đã từ bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã chuyển sang ngoại đạo, được biết là loài thú, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu (đức Phật), được biết là kẻ lưỡng căn thì sự trong sạch nên được trao ra đến vị khác.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch ở khoảng giữa đường lại ra đi (đến nơi khác) thì sự trong sạch vẫn chưa được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch ở khoảng giữa đường lại hoàn tục, từ trần, ―(như trên)― được biết là kẻ lưỡng căn thì sự trong sạch vẫn chưa được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch đã đến được hội chúng rồi ra đi (đến nơi khác) thì sự trong sạch đã được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch đã đến được hội chúng rồi hoàn tục, từ trần, ―(như trên)― được biết là kẻ lưỡng căn thì sự trong sạch đã được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch đã đến được hội chúng rồi ngủ quên nên không thông báo, rồi lơ đễnh nên không thông báo, rồi nhập định nên không thông báo thì sự trong sạch đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt sự trong sạch không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch đã đến được hội chúng rồi cố ý không thông báo thì sự trong sạch đã được chuyển đạt, và vị chuyển đạt sự trong sạch bị phạm tội dukkaṭa.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, hãy tụ hội lại, hội chúng sẽ thực hiện hành sự.” Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, có vị tỳ khưu bị bệnh. Vị ấy không đến.” – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh được trao ra sự tùy thuận. Và này các tỳ khưu, nên trao ra như vầy: Vị tỳ khưu bị bệnh ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, chắp tay lên và nên nói như vầy: “Tôi xin trao ra sự tùy thuận. Hãy chuyển đạt sự tùy thuận của tôi. Hãy thông báo về sự tùy thuận của tôi.” (Nếu) vị ấy thể hiện bằng thân, thể hiện bằng lời nói, thể hiện bằng thân và lời nói, thì sự tùy thuận đã được trao ra. (Nếu) vị ấy không thể hiện bằng thân, không thể hiện bằng lời nói, không thể hiện bằng thân và lời nói, thì sự tùy thuận đã không được trao ra. Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên dùng cái giường hoặc cái ghế khiêng vị tỳ khưu bị bệnh ấy đến giữa hội chúng rồi thực hiện hành sự. Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu chăm sóc bệnh khởi ý như vầy: “Nếu chúng ta di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ thì bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ gây tử vong,” này các tỳ khưu, không nên di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ. Hội chúng nên đi đến và thực hiện hành sự ở nơi ấy. Nhưng không nên thực hiện hành sự bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận từ chính chỗ ấy ra đi (đến nơi khác) thì sự tùy thuận nên được trao ra đến vị khác. Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận ngay tại chỗ ấy hoàn tục, từ trần, được biết là vị (xuống lại) sa di, được biết là người đã từ bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã chuyển sang ngoại đạo, được biết là loài thú, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu (đức Phật), được biết là kẻ lưỡng căn thì sự tùy thuận nên được trao ra đến vị khác.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận ở khoảng giữa đường lại ra đi (đến nơi khác) thì sự tùy thuận vẫn chưa được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận ở khoảng giữa đường lại hoàn tục, từ trần, ―(như trên)― được biết là kẻ lưỡng căn thì sự tùy thuận vẫn chưa được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận đã đến được hội chúng rồi ra đi (đến nơi khác) thì sự tùy thuận đã được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận đã đến được hội chúng rồi hoàn tục, từ trần, ―(như trên)― được biết là kẻ lưỡng căn thì sự tùy thuận đã được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận đã đến được hội chúng rồi ngủ quên nên không thông báo, rồi lơ đễnh nên không thông báo, rồi nhập định nên không thông báo thì sự tùy thuận đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt sự tùy thuận không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận đã đến được hội chúng rồi cố ý không thông báo thì sự tùy thuận đã được chuyển đạt và vị chuyển đạt sự tùy thuận bị phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép vào ngày lễ Uposatha vị trao ra sự trong sạch (đồng thời) trao ra sự tùy thuận (phòng khi) hội chúng có hành sự cần được thực hiện.”

Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày lễ Uposatha các thân quyến đã nắm giữ lại vị tỳ khưu nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Uposatha các thân quyến nắm giữ vị tỳ khưu lại. Các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy trả tự do cho vị tỳ khưu này trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này thực hiện lễ Uposatha xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy tránh sang một bên trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này trao ra sự trong sạch xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy dẫn vị tỳ khưu này ra khỏi ranh giới trong chốc lát đến khi nào hội chúng thực hiện lễ Uposatha xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), vẫn không nên thực hiện lễ Uposatha bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Uposatha các đức vua nắm giữ vị tỳ khưu lại. ―(như trên)― Các kẻ trộm cướp nắm giữ ―(như trên)― Những kẻ bất lương nắm giữ ―(như trên)― Những kẻ đối nghịch tỳ khưu nắm giữ vị tỳ khưu lại. Những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy trả tự do cho vị tỳ khưu này trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này thực hiện lễ Uposatha xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy tránh sang một bên trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này trao ra sự trong sạch xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không thể đạt được (như thế), những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy dẫn vị tỳ khưu này ra khỏi ranh giới trong chốc lát đến khi nào hội chúng thực hiện lễ Uposathaxong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không thể đạt được (như thế), vẫn không nên thực hiện lễ Uposatha bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, hãy tụ hội lại, hội chúng có việc cần phải làm.” Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, có vị tỳ khưu tên Gagga bị điên. Vị ấy không đến.”

– “Này các tỳ khưu, đây là hai trường hợp bị điên. Có vị tỳ khưu điên có khi nhớ đến lễ Uposatha có khi không nhớ, có khi nhớ đến hành sự của hội chúng có khi không nhớ; và có vị hoàn toàn không nhớ. (Có vị) có khi đi đến lễ Uposatha có khi không đi đến, có khi đi đến hành sự của hội chúng có khi không đi đến; và có vị không bao giờ đi đến.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị bị điên nào có khi nhớ đến lễ Uposatha có khi không nhớ, có khi nhớ đến hành sự của hội chúng có khi không nhớ, có khi đi đến lễ Uposatha có khi không đi đến, có khi đi đến hành sự của hội chúng có khi không đi đến; này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho sự đồng ý về bệnh điên đến vị bị điên có hình thức như thế. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Gagga này bị điên có khi nhớ đến lễ Uposatha có khi không nhớ, có khi nhớ đến hành sự của hội chúng có khi không nhớ, có khi đi đến lễ Uposatha có khi không đi đến, có khi đi đến hành sự của hội chúng có khi không đi đến. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự đồng ý về bệnh điên đến tỳ khưu Gagga là vị bị điên ― vị tỳ khưu Gagga có thể nhớ đến lễ Uposatha hoặc có thể không nhớ, có thể nhớ đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không nhớ, có thể đi đến lễ Uposatha hoặc có thể không đi đến, có thể đi đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không đi đến ― hội chúng dầu có Gagga hay không có Gagga vẫn có thể thực hiện lễ Uposatha, vẫn có thể thực hiện hành sự của hội chúng. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Gagga này bị điên có khi nhớ đến lễ Uposatha có khi không nhớ, có khi nhớ đến hành sự của hội chúng có khi không nhớ, có khi đi đến lễ Uposatha có khi không đi đến, có khi đi đến hành sự của hội chúng có khi không đi đến. Hội chúng ban cho sự đồng ý về bệnh điên đến tỳ khưu Gagga là vị bị điên ― vị tỳ khưu Gagga có thể nhớ đến lễ Uposatha hoặc có thể không nhớ, có thể nhớ đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không nhớ, có thể đi đến lễ Uposatha hoặc có thể không đi đến, có thể đi đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không đi đến ― hội chúng dầu có Gagga hay không có Gagga sẽ thực hiện lễ Uposatha, sẽ thực hiện hành sự của hội chúng. Đại đức nào đồng ý việc ban cho sự đồng ý về bệnh điên đến tỳ khưu Gagga là vị bị điên ― vị tỳ khưu Gagga có thể nhớ đến lễ Uposatha hoặc có thể không nhớ, có thể nhớ đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không nhớ, có thể đi đến lễ Uposatha hoặc có thể không đi đến, có thể đi đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không đi đến ― hội chúng dầu có Gagga hay không có Gagga sẽ thực hiện lễ Uposatha, sẽ thực hiện hành sự của hội chúng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự đồng ý về bệnh điên đã được hội chúng ban đến tỳ khưu Gagga là vị bị điên ― vị tỳ khưu Gagga có thể nhớ đến lễ Uposatha hoặc có thể không nhớ, có thể nhớ đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không nhớ, có thể đi đến lễ Uposatha hoặc có thể không đi đến, có thể đi đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không đi đến ― hội chúng dầu có Gagga hay không có Gagga sẽ thực hiện lễ Uposatha, sẽ thực hiện hành sự của hội chúng. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có bốn vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Nên thực hiện lễ Uposatha’ và chúng ta là bốn người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Uposatha như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha đối với bốn vị.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có ba vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha đối với bốn vị và chúng ta là ba người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Uposathanhư thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện lễ Uposatha – bày tỏ sự trong sạch đối với ba vị. Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy: Các vị tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Xin các đại đức hãy lắng nghe tôi, hôm nay là ngày lễ Uposatha (vào ngày mười lăm). Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, chúng ta nên thực hiện lễ Uposatha – bày tỏ sự trong sạch (với nhau).” Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy: “Này các sư đệ, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’ Này các sư đệ, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’ Này các sư đệ, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy: “Bạch các ngài, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’ Bạch các ngài, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’ Bạch các ngài, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có hai vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha đối với bốn vị, (cho phép) thực hiện lễ Uposatha – bày tỏ sự trong sạch đối với ba vị, và chúng ta là hai người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Uposatha như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện lễ Uposatha – bày tỏ sự trong sạch đối với hai vị. Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy: Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị tỳ khưu mới tu như vầy: “Này sư đệ, tôi được trong sạch, sư đệ hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’ Này sư đệ, tôi được trong sạch, sư đệ hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’ Này sư đệ, tôi được trong sạch, sư đệ hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị tỳ khưu trưởng lão như vầy: “Bạch ngài, tôi được trong sạch, ngài hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’ Bạch ngài, tôi được trong sạch, ngài hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’ Bạch ngài, tôi được trong sạch, ngài hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có một vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha đối với bốn vị, (cho phép) thực hiện lễ Uposatha – bày tỏ sự trong sạch đối với ba vị, (cho phép) thực hiện lễ Uposatha – bày tỏ sự trong sạch đối với hai vị và ta chỉ có một mình, vậy ta nên thực hiện lễ Uposatha như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có một vị tỳ khưu cư ngụ. Này các tỳ khưu, chỗ nào các vị tỳ khưu thường quay trở về là ở giảng đường, hoặc ở mái che, hoặc ở gốc cây, vị tỳ khưu ấy nên quét khu vực ấy, nên đem lại nước uống, nước rửa, nên sắp đặt chỗ ngồi, nên thắp sáng đèn, rồi nên ngồi xuống. Nếu có các tỳ khưu khác đi đến thì nên thực hiện lễ Uposatha với các vị ấy; nếu không có ai đi đến thì nên chú nguyện rằng: “Hôm nay là lễ Uposatha của tôi;” nếu không chú nguyện thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có bốn vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt sự trong sạch của một vị rồi đọc tụng giới bổn Pātimokkha bởi ba vị; nếu các vị đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có ba vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt sự trong sạch của một vị rồi thực hiện lễ Uposatha – bày tỏ sự trong sạch bởi hai vị; nếu các vị thực hiện thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có hai vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt sự trong sạch của một vị rồi chú nguyện bởi một vị; nếu chú nguyện thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị phạm tội vào ngày lễ Uposatha. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị bị phạm tội không nên tiến hành lễ Uposatha’ và ta thì bị phạm tội, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị phạm tội vào ngày lễ Uposatha. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, nên chắp tay lên, và nên nói như vầy: – “Bạch đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin sám hối tội ấy.” Vị kia nên nói rằng: – “(Đại đức) có thấy (tội ấy) không?” – “Thưa có, tôi thấy.” – “(Đại đức) hãy thu thúc trong tương lai.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có nghi ngờ về sự phạm tội vào ngày lễ Uposatha. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, nên chắp tay lên, và nên nói như vầy: – “Bạch đại đức, tôi có nghi ngờ về sự phạm (một) tội tên (như vầy), khi nào tôi dứt khỏi hoài nghi khi ấy tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong thì lễ Uposatha nên được tiến hành, nên lắng nghe giới bổn Pātimokkha, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư sám hối tội (đã phạm) giống nhau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không được sám hối tội (đã phạm) giống nhau; vị nào sám hối thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư ghi nhận tội (đã phạm) giống nhau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không được ghi nhận tội (đã phạm) giống nhau; vị nào ghi nhận thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, trong lúc giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng có vị tỳ khưu nọ nhớ ra tội. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị bị phạm tội không nên tiến hành lễ Uposatha’ và ta thì bị phạm tội, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu nhớ ra tội trong lúc giới bổn Pātimokkhađang được đọc tụng. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên nói với vị tỳ khưu bên cạnh như vầy: “Bạch đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), sau khi đứng dậy khỏi đây tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong, thì lễ Uposatha nên được tiến hành, nên lắng nghe giới bổn Pātimokkha, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có nghi ngờ về sự phạm tội trong lúc giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên nói với vị tỳ khưu bên cạnh như vầy: “Bạch đại đức, tôi có nghi ngờ về sự phạm (một) tội tên (như vầy), khi nào tôi dứt khỏi hoài nghi khi ấy tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong, thì lễ Uposatha nên được tiến hành, nên lắng nghe giới bổn Pātimokkha, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễUposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sám hối tội (đã phạm) giống nhau, không nên ghi nhận tội (đã phạm) giống nhau’ và toàn bộ hội chúng này đã phạm tội giống nhau, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Này các tỳ khưu, ngay trong hôm ấy các vị tỳ khưu ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và sau khi sửa chữa tội ấy hãy quay trở về, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tội ấy trong sự hiện diện của đại đức.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Toàn bộ hội chúng này đã phạm tội giống nhau, khi nào (hội chúng) nhìn thấy vị tỳ khưu khác trong sạch không phạm tội khi ấy (hội chúng) sẽ sửa chữa tội ấy trong sự hiện diện của vị ấy.” Nói xong, thì lễ Uposatha nên được tiến hành, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha toàn bộ hội chúng có nghi ngờ về sự phạm tội giống nhau. Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Toàn bộ hội chúng này có nghi ngờ về sự phạm tội giống nhau, khi nào dứt khỏi hoài nghi khi ấy (hội chúng) sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong, thì lễ Uposatha nên được tiến hành, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ khi đã vào mùa an cư mưa, hội chúng đã phạm tội giống nhau. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên phái một vị tỳ khưu ngay trong hôm ấy đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và sau khi sửa chữa tội ấy hãy quay trở về, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tội ấy trong sự hiện diện của đại đức.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên phái đi một vị tỳ khưu trong thời hạn bảy ngày (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và sau khi sửa chữa tội ấy hãy quay trở về, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tội ấy trong sự hiện diện của đại đức.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Hội chúng ấy không biết tên và loại của tội ấy. Ở đó, có vị tỳ khưu khác đi đến là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc sáng trí, kinh nghiệm, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

– “Thưa đại đức, vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên gì? Vị ấy đã nói như vầy: – “Này đại đức, vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên này. Này đại đức, ngươi đã phạm tội tên này, ngươi hãy sửa chữa tội ấy.” Vị nọ đã nói như vầy: – “Thưa đại đức, không phải chỉ mình tôi đã phạm tội ấy. Toàn bộ hội chúng này đã phạm tội ấy.” Vị ấy đã nói như vầy: – “Này đại đức, người khác phạm tội hay không phạm tội thì điều gì sẽ xảy ra cho ngươi? Này đại đức, ngươi hãy tự thoát khỏi tội của bản thân mình đi.”

Khi ấy, vị tỳ khưu nọ sau khi đã sửa chữa tội ấy theo lời khuyên của vị tỳ khưu ấy rồi đã đi đến gặp các vị tỳ khưu kia, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu kia điều này: – “Này các đại đức, nghe nói vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên này. Này các đại đức, các vị đã phạm tội tên này, các vị hãy sửa chữa tội ấy.” Khi ấy, các vị tỳ khưu kia đã không muốn sửa chữa tội ấy theo lời khuyên của vị tỳ khưu nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Hội chúng ấy không biết tên và loại của tội ấy. Ở đó, có vị tỳ khưu khác đi đến là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc sáng trí, kinh nghiệm, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến nói với vị tỳ khưu ấy như vầy: “Thưa đại đức, vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên gì?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên này. Này đại đức, ngươi đã phạm tội tên này, ngươi hãy sửa chữa tội ấy.” Vị nọ nói như vầy: “Thưa đại đức, không phải chỉ mình tôi đã phạm tội ấy. Toàn bộ hội chúng này đã phạm tội ấy.” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, người khác phạm tội hay không phạm tội thì điều gì sẽ xảy ra cho ngươi? Này đại đức, ngươi hãy tự thoát khỏi tội của bản thân mình đi.” Này các tỳ khưu, nếu sau khi sửa chữa tội theo lời khuyên của vị tỳ khưu ấy, vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp các vị tỳ khưu kia, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu kia như vầy: “Này các đại đức, nghe nói vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên này. Này các đại đức, các vị đã phạm tội tên này, các vị hãy sửa chữa tội ấy.” Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu kia sửa chữa tội ấy theo lời khuyên của vị tỳ khưu nọ, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu các vị không chịu sửa chữa, vị tỳ khưu nọ không nên khuyên các vị tỳ khưu ấy (vì họ) không có mong muốn.”

Dứt tụng phẩm Codanāvatthu.

–ooOoo–

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *